Phần 8: KẾT GIAO TÔN – LƯU
Khôi chia tay Hán Thủy, Phúc và Hành cảm thấy tiếc nuối vô cùng. Tuy nhiên, sau khi hỏi han thấy Trương Hành đã nắm khá rõ đường đi lối lại nên cũng an tâm phần nào. Phúc nói với Hành:
– Khôi huynh khi lên đường có nói với chúng ta là cần kết giao với các chư hầu xung quanh. Đệ thấy đây là điều nên làm ngay. Vậy theo huynh thì ta nên đi xứ nào trước?
Hành đáp:
– Đông Ngô cần phải đi trước. Xứ này rộng lớn, sản vật phong phú, binh lực có thể coi là mạnh nhất trong các chư hầu. Hơn nữa họ cũng vừa thắng trận Xích Bích xong, thanh thế cực lớn.
Phúc đáp:
– Đệ thấy chí phải! Còn các chư hầu khác thì huynh nghĩ sao?
Hành đáp:
– Trương Lỗ thì không lo vì chúng ta đã giao hảo từ lâu. Giờ còn có Lưu Chương là thế lực lớn, Lưu Bị thì tuy đang yếu nhưng cũng đang trong đà phất lên. Còn xứ Tây Lương có Mã Đằng với Hàn Toại thì chắc không cần thì đây đều là quân rợ cả, vốn vị thế không cao như các chư hầu kia.
Phúc đáp:
– Nếu thế thì đệ thấy ta nên đi Đông Ngô và Lưu Bị đi. Các xứ kia thì thôi.
Hành hỏi:
– Sao mấy xứ kia đệ lại bỏ?
Phúc đáp:
– Lưu Chương nói chung là con người không tham vọng, không đáng để lưu tâm. Hơn nữa huynh yên tâm đi, không mấy năm nữa là Lưu Bị sẽ chiếm Ích Châu đất của Lưu Chương cho mà em.
Hành đáp:
– Đâu ra mà nhanh thế được nhỉ?
Phúc đáp:
– Huynh quên đệ là người tới từ tương lai à, cái gì đệ chả biết. Thôi có gì huynh cứ chuẩn bị đi, chúng ta sẽ lên đường sang Đông Ngô trước, rồi sang Kinh Châu để liên kết với Lưu Bị sau.
Hành nghe vậy thì liền lên đường. Bấy giờ, Đông Ngô sau trận Xích Bích, thanh thế lớn nên định lấy nốt Kinh Châu nhưng Lưu Bị cùng Gia Cát Lượng đã nhanh chóng tới lấy trước. Bởi vậy, Đông Ngô hiện đang trong quá trình tạm nghỉ để chuẩn bị binh lực trước khi có ý định tấn công sang đất của Tào Tháo. Hành lên tàu xuôi dòng Hán Thủy xuống Trường Giang và chả mấy chốc đã xuôi tới Giang Đông. Hành đem lễ vật vào ra mắt Đại đô đốc Đông Ngô khi đó là Chu Du. Chu Du nghe nói có người muốn tới giao hảo thì tiếp đón vào trong trướng. Hành xưng tên họ và nói:
– Chúng tôi ở bên thành Hán Thủy thuộc địa phận Hán Trung, hôm nay có chút lễ vật muốn ra mắt Đông Ngô và rất muốn Đô đốc có thể giới thiệu để gặp Ngô hầu và kết giao hữu hảo.
Du hỏi lại:
– Hán Thủy là chỗ nào mà ta chưa nghe nói tới nhỉ?
Hành đáp:
– Hán Thủy là một tòa thành nằm ở bờ Tây sông Hán Thủy. Trước kia chúng tôi chỉ là đám dân chạy nạn tới đó khai khẩn làm ăn, sau đó mới dựng thành đắp lũy ở đó để phòng thủ và tính kế lâu dài. Thành cũng mới được xây từ năm Kiến An thứ bảy mà thôi.
Du hỏi:
– Thế thì thành này cũng mới, bảo sao ta chưa nghe nói tới. Việc kết giao với các chư hầu ta cũng rất hoan nghênh, tất nhiên việc quyết định thì sẽ do Ngô Hầu. Nhưng túc hạ cho ta hỏi, thành của các vị được bao nhiêu dân chúng và binh mã.
Hành đáp:
– Bẩm Đô đốc, trong thành chúng tôi cũng không nhiều binh lính, chỉ có khoảng 1200 binh lính. Số binh lính này vừa chiến đấu vừa làm các việc như trồng trọt, xây dựng, sản xuất luôn. Khi cần có thể huy động 500 quân. Về dân cư thì cũng có thêm khoảng 2000 đàn bà, chủ yếu là vợ và người nhà của các binh lính này. Trẻ em thì có nhưng có thể chưa cần kể tới ở đây, coi như là dự bị sau này.
Du thấy vậy thì hơi nhăn mặt lại rồi nói:
– Xem ra bên Hán Thủy được có một nhúm binh vậy thôi à! Liệu rằng khi kết giao với các vị thì chúng ta có lợi gì?
Hành đáp:
– Quân quý ở tinh nhuệ chứ chả cần đông, chắc hẳn Đô đốc cũng từng nghe Tào Tháo binh ít gấp mấy lần Viên Thiệu mà vẫn thắng đó thôi. Bản thân Đông Ngô cũng từng cầm có 5 vạn quân mà thắng mấy chục vạn quân Tào Tháo ở Xích Bích vừa rồi đó.
Du đáp:
– Đúng là như vậy! Có điều mấy vạn khác với 1000. Bên chỗ túc hạ chỉ có hơn 1000 quân, cần thì huy động chỉ được một nửa để đi chiến đấu, thế thì quá ít.
Hành đáp:
– Vẫn câu nói cũ thưa Đô đốc. Bên chúng tôi quân tuy ít nhưng sức mạnh thì sánh tựa trăm vạn hùng binh vậy. Chúng tôi có những thứ vũ khí rất mạnh, nhân tiện có mang sang đây để thể hiện cho Đô đốc xem. Mời ngài ra sông để xem được chứ.
Du đáp:
– Được, ta vốn cũng thích vũ khí lắm. Để ta ra xem bên túc hạ có những cái gì mà dám tự tin vậy.
Nói rồi, Hành dẫn Du ra bờ sông chỗ tàu đang neo đậu. Du thấy có một con thuyền bằng sắt đang neo ở bờ sông thì lấy làm lạ rồi hỏi:
– Nãy túc hạ đi bằng cái thuyền này à?
Hành đáp:
– Chính phải!
Du nói:
– Ta chưa thấy ai đóng thuyền bằng sắt thế này bao giờ. Mà thuyền thì cũng chả có buồm hay người chèo gì cả là sao nhỉ?
Hành đáp:
– Chính phải! Ở chỗ chúng tôi gọi đây là tàu, nó làm hoàn toàn từ sắt. Một con tàu có thể chở được tối đa là 4000 thạch lương. Tôi xin nói vậy để đô đốc dễ hình dung. Tàu không dùng buồm hay sức người chèo mà dùng than, củi hoặc bất cứ chất nào cháy được để chạy. Tốc độ của tàu cũng khá lớn, một canh giờ có thể đi cỡ khoảng 100 dặm.
Du tròn mắt hỏi lại:
– Nhanh cỡ vậy cơ à? Nếu thế thì đi chinh chiến đỡ vất vả bao nhiêu. Túc hạ còn cái gì nữa thì mau nói tiếp cho ta xem.
Nghe vậy, Hành liền bảo quân trên tàu bắc cầu xuống và lái chiến xa từ tàu lên bờ rồi nói:
– Đây là chiến xa của chúng tôi, một chiếc chở khoảng được 10 quân lính. Trên xe có sẵn súng máy bắn được tốc độ rất cao. Một khắc có thể hạ được cả trăm quân địch.
Du không tin, đòi chứng minh. Hành đáp:
– Đô đốc cho quân dựng một hàng rào ở đây, trên rào có gắn hình nộm. Tôi sẽ chứng minh cho ngài thấy.
Nói rồi, Du ra lệnh cho quân lính chuẩn bị hơn trăm hình nộm dựng san sát nhau. Hành đứng lên nóc xe, cầm súng khai hỏa. Chỉ trong chốc lát, hàng trăm hình nộm bị trúng đạn rách tơi tả, cọc dựng bị đạn bắn trúng gãy nát hết. Du thất kinh nói:
– Vũ khí thật là lợi hại đó. Còn cái gì nữa không nhỉ?
Hành chỉ tay về phía khẩu đại bác trên tàu rồi nói đáp:
– Đô đốc thấy khẩu súng trên tàu kia không? Đó là vũ khí công thành và trại địch của chúng tôi đó. Đô đốc có muốn thử thì có thể cho một số chiếc thuyền không có người ra giữa sông này làm mục tiêu, ngoài ra có thể hy sinh một đoạn tường thành để làm mục tiêu cho tôi bắn phá.
Du đáp:
– Thuyền thì có thể, nhưng thành là việc hệ trọng, sao lại hy sinh cho được.
Hành đáp:
– Tôi chỉ cần một đoạn thành nhỏ thôi. Với nữa trước khi bắn thì người phải dạt ra hết để tránh thương vong. Sau khi bắn xong thì tôi sẽ cho người phụ đô đốc xây lại thành là được mà.
Du đáp:
– Thôi được rồi, cứ cho thử đi.
Nói rồi, Du cho chuẩn bị mọi thứ. Hành cũng mời du lên xe chiến đấu ngồi và phi lên tàu. Chiếc xe đi vút như bay, nhanh hơn cả ngựa chiến. Khi lên tàu, con tàu lướt đi vùn vụt, rẽ nước mà chạy làm cho Du thích thú vô cùng. Sau đó, Hành cho pháo nhả đạn, chỉ một chốc đã làm cho 5 con thuyền do Du cho lính chuẩn bị sẵn vỡ tan tành và chìm xuống sông. Lát sau, Hành lại cho xả đạn vào chỗ tường thành đã được quy định sẵn, chỉ sau hơn 10 phát bắn, cổng vỡ tàn, thành sụp tan nát cả. Du thấy vậy, thất kinh nói:
– Túc hạ ở đâu mà kiếm ra được nhiều vật thần kỳ thế này?
Hành đáp:
– Nó đều do chúng tôi tự chế tạo ra cả. Đô đốc thấy đó, chúng tôi quân ít nhưng vũ khí mạnh, nếu chúng tôi hạ được thành rồi thì quân của Đô đốc tràn vào là tha hồ chiếm thành rồi phải không? Nên tôi mới nói, chúng ta liên kết với nhau không thiệt chút nào đâu.
Du đáp:
– Được, vậy tí nữa lên bờ, mời túc hạ vào nhà khách nghỉ, tôi sẽ đi bẩm báo với Ngô hầu để cho túc hạ vào gặp.
Nói rồi, khi tàu dừng, Du lên bờ và lên ngựa phi thẳng tới phủ Ngô hầu và xin yết kiến rồi trình bày mọi việc. Tôn Quyền nghe thấy vậy thì cũng lấy làm ngạc nhiên. Tuy vậy, khi nghe Du thuyết phục, Quyền cũng đồng ý cho Hành vào gặp. Hành đi xe tới phủ rồi yết kiến Quyền, tặng Quyền một thanh gươm báu cùng một số lễ vật. Quyền nhận lễ vật và đồng ý để cho quân dân Hán Thủy có thể tới đây làm ăn và mua sắm sản vật ở Đông Ngô. Khi Hành về, Quyền nói với Chu Du:
– Quân đội ở Hán Thủy mạnh thì mạnh thật, liên kết với chúng thì nên thật đấy nhưng cũng cẩn trọng, không cẩn thận là chúng sẽ trở mặt ngay đó. Tạm thời chúng ta cứ lưu lại mối giao hảo này, sau này sẽ chỉ dùng tới khi mà thực sự có thể tiến chiếm toàn bộ Trung Nguyên, còn mấy trận công thành nhỏ lẻ thì đừng dùng nhé.
Du nghe vậy, cho là phải, lạy tạ đi ra.
Nói về Trương Hành, Hành lên tàu đi tuốt về Hán Thủy, gặp Phúc và nói về việc liên kết với Đông Ngô. Phúc nghe vậy thì mừng lắm, liền chuẩn bị để sang bên Kinh Châu liên kết với Lưu Bị. Trương Hành lại xuôi tàu xuống Kinh Châu, được cả Gia Cát Lượng, Lưu Bị và Quan, Trương, Triệu tiếp đón. Vẫn tương tự như bên Đông Ngô, ở Kinh Châu ai ai cũng kinh hồn bạt vía trước sức mạnh của các khí tài do Hành mang tới. Lưu Bị lúc này vốn đang có binh lực yếu nên cũng nhanh chóng đồng ý đặt quan hệ giao hảo với Hán Thủy. Tuy vậy, vẫn trên tinh thần cảnh giác, Lưu Bị nói với các tướng dưới quyền:
– Bên Hán Thủy này mạnh thật, chúng hoàn toàn có thể tiêu diệt bất cứ thành trì nào nếu chúng muốn. Bởi thế là trừ khi chúng ta cần viện binh hoặc là muốn nhất thống thiên hạ thật nhanh, chứ không nên lạm dụng việc mượn viện binh từ chúng.
Các chúng tướng tuân mệnh và trở ra.
Về phần Phúc và Hành, hai chuyến đi này có thể đánh giá là khá thành công. Từ đây, Phúc và Hành đã có thêm những đồng minh để có thể an tâm không bị lo đánh úp nếu như phải đi hành quân xa.