Phần 12
Lúc bấy giờ ở tẩm cung của Trân Phi – phi tử của Triệu Cát từ khi còn là Đoan Vương – đang rất nhộn nhịp, thái giám cung nữ ra vào tấp nập, ai cũng khẩn trương cả. Triệu Cát đi đi lại lại trong phòng ra chiều rất sốt ruột. Hướng Thái Hậu cũng ngồi tại đó thỉnh thoảng lại ngó vào phòng trong nơi Trân Phi đang nằm như ngóng tin gì vậy. Rồi phá tan bầu không khí yên tĩnh nhưng có phần hối hả đó là một tiếng khóc của hài nhi mới ra đời:
– Oe oe oe…
Vương Công Công lật đật chạy ra báo tin:
– Trân Phi đã sinh hạ hoàng tử, cung chúc Hoàng thượng vạn tuế vạn tuế vạn tuế.
Rồi thì cả gian điện đó từ cung nữ thái giám thị vệ đều cùng quỳ xuống tung hô Triệu Cát. Mặt rồng nở nụ cười lớn. Lập tức chạy vào trong tới bên Trân Phi. Trân Phi vẻ mặt mệt mỏi nhưng cũng hết sức vui mừng gắng cười nhìn Triệu Cát. Hắn ân cần đặt nàng nằm lại như cũ rồi nói:
– Cuối cùng Đại Tống ta cũng đã có người kế thừa mai sau, trẫm thật cảm ơn nàng lắm Trân Phi.
Trân Phi mỉm cười định nói nhưng dường như nàng yếu quá nói không ra câu. Triệu Cát thấy vậy lại nói tiếp:
– Nàng mới sinh hạ hoàng nhi, còn chưa khang phục, nàng cứ nghỉ ngơi để trẫm bồng hài nhi một lát đã.
Trân Phi khẽ gật đầu nhắm mắt lại để dưỡng thần, nụ cười trên miệng vẫn chưa thôi. Triệu Cát vụng về bế tân hoàng nhi của mình, đó là đứa con đầu lòng của hắn. Hướng Thái Hậu cũng đến gần để nhìn cháu đích tôn, cả gian phòng dường như rất hân hoan hạnh phúc, bọn cung nữ thái giám nịnh nọt liên hồi.
– Hoàng Tử thật có nét tựa như Long Nhan của hoàng thượng, Đại Tống ta lại có phúc lớn rồi.
– Hoàng Tử nhất định sau này sẽ là trụ cột của nước nhà, oai dũng bình Liêu phạt Hạ tạo phúc lớn cho muôn dân.
– Hoàng Tử nét mặt phúc hậu nhất định sẽ là một hiếu tử.
Rồi thì dua nịnh đủ kiểu khiến cả Triệu Cát và hướng Thái hậu đều rất khoái chí ban thưởng hậu hĩ cho những kẻ dua nịnh đó. Hướng Thái Hậu tranh bồng cháu, vừa nựng đứa bé bà vừa nói:
– Hoàng tôn của ta là đích tôn, là hoàng trưởng tử, đã vậy nét mặt đều rất giống Hoàng thượng, theo ý ta hãy phong cho Hoàng điệt là Thái Tử không biết ý hoàng thượng ra sao?
Nghe đến đây thì Trân Phi đang rất mệt mỏi cũng lập tức lấy lại thần khí, tập trung hồi hộp lắng nghe. Triệu Cát vẫn nhìn hoàng nhi của mình, cười lớn nói:
– Tất nhiên, tất nhiên, lập trưởng tử nối dõi là cái đạo ngàn đời nay, huống chi Hoàng nhi của trẫm có cốt cách phong thái giống trẫm ngay từ khi mới lọt lòng. Ngày mai thượng triều trẫm sẽ gia chiếu sắc phong Hoàng nhi làm Thái Tử, Thái Hậu không nhắc trẫm cũng phải làm như vậy.
Trân Phi mừng lắm, thở vội rồi lại nằm yên đó như không biết gì. Lòng nàng không khỏi vui sướng. Từ nay vị thế trong cung còn ai bằng nàng nữa. Mẹ nhờ con mà hiển quý là chuyện tất nhiên trong cung.
Hướng Thái Hậu nghe xong vô cùng đẹp ý nói tiếp lời:
– Hoàng thượng thật là anh minh, nhưng Hoàng thượng cho Hoàng điệt của ta danh phận mà không cho nó một cái tên thì liệu có phải hồ đồ không?
Triệu Cát dành hoàng nhi từ tay hướng Thái Hậu bế rồi nói:
– Trẫm vui quá mà quên hết cả. Sau này Hoàng Nhi sẽ kế thừa đại thống, trẫm mong muốn mọi mặt hoàng nhi đều thật hoàn thiện hoàn mỹ, là rồng trong loài người. Nay trẫm ban tên là Hoàn. Thái Tử Triệu Hoàn.
Bọn hạ nhận lập tức quỳ xuống tung hô:
– Hoàng thượng vạn tuế, thái tử thiên tuế, Hoàng gia đại Tống vạn niên giai phúc.
Ngày hôm đó trong cung mở tiệc rất lớn, văn võ bá quan đến chúc mừng thật đông. Ai cũng hân hoan cả. Hoàng Thái Tử Triệu Hoàn của chúng ta ra đời như thế đó. Lúc bấy giờ là năm 1100, năm Tống Cao Tông nguyên niên thời điểm mà bề ngoài thì thái bình nhưng bên trong đã nội loạn của Trung Quốc.
…
Nói về Điền Thu và Tố Tố. Sau khi đến đến Lư Châu đi đâu hai nàng cũng bị đám thị vệ do Triệu Cát cử đi kèm chặt thành thử không có cách nào mà bỏ trốn được. Khi đi thăm thú bên ngoài cả hai cũng không dám bàn chuyện vì sợ chúng nghe thấy mà hỏng việc. Tố Tố và Điền Thu quyết định cứ dẫn Triệu Phi đi du ngoạn trước mọi việc đành phải tìm sơ hở mà tính sau.
Sau khi xác định như vậy hai nàng đều tạm thảnh thơi tận hưởng những cảnh sắc núi sông vùng Hoài Nam. Dẫn hai nàng đi nàng đi du ngoạn là Lư Châu Tri châu Phùng Lệnh. Đây là một ông lão sắp về hưu nhưng có vẻ rất yêu vùng đất này. Trong nhiều lời nói chứng tỏ ông rất bất mãn với việc thu thuế bắt phu nặng nề của Triều Đình, nhân dân không chịu nổi nên nhiều người đã bỏ ruộng vườn mà lên núi làm đạo tặc khiến cho thu nhập của quốc khố bị giảm đi. Tuy nhiên vì Tố Tố là Hoàng Thái Hậu nên ông chỉ nói phần nào nếu không sẽ sợ chịu tội khi quân. Trên núi Tích Khương đoàn người dừng lại ngồi nghỉ ngắm phong cảnh Hoài Nam.
Hoài Nam đẹp thật. Nơi đây mang khí hậu hài hòa giữa Trung Nguyên và Giang Nam con người đều nhân hậu và chất phác, tuy là nơi sản xuất lúa gạo nhưng đời sống nhân dân lại không được sung túc như những bài thi phú lưu hành tại Kinh đô Khai Phong đương thời. Tố Tố ngạc nhiên lắm bèn hỏi Phùng Lệnh:
– Phùng Tri Châu, ta nghe nói Hoài Nam vốn rất giàu có no ấm, tại sao dân tình hiện nay lại ra nông nỗi này? Đằng kia có nhiều ruộng đất bỏ hoang?
Phùng Lệnh như có nỗi niềm, nheo nheo đôi mắt già nua của mình chắp tay thưa:
– Không dám giấu Đồng Thái Hậu, Hoài Nam vốn là phía Bắc của Dương Châu ngày trước, Là nơi được thiên hạ ca tụng “Nhất Dương Nhì Ích” (Dương Châu giàu nhất, Ích Châu giàu thứ hai) cung cấp tài vật cho triều đình rất lớn. Nhưng triều đình không thấu hiểu hết tình hình nơi đây, cứ coi vùng đất này là cái kho của trời, muốn lấy bao nhiêu cũng được, thành ra thuế khóa ngày một nặng, nông dân bỏ ruộng tha hương làm đạo tặc một nhiều. Người ít thì sức sản xuất giảm, đáng nhẽ cần giảm thuế để khuyến khích nông canh trở lại thì triều đình lại càng tăng thuế nên làm người đã ít càng ít hơn, sản vật thu được vì vậy cũng càng giảm đi nhiều lần. Hạ Thần đã nhiều lần dâng sớ nhưng đều không có kết quả.
Tố Tố mắt tròn xoe ngạc nhiên lắm nói tiếp:
– Không lẽ triều đình không tin sao? Không cho người điều tra sao? Các Khâm sai đại thần sao luôn báo cáo tốt về triều đình như vậy? Ta là phận nữ nhi đâu có bao giờ được xen vào chính sự nên quả thật không biết nhiều.
Phùng Lệnh lại tiếp lời:
– Phùng Lệnh này hôm nay nói với Thái Hậu đã chấp nhận có kết quả xấu cho bản thân rồi, nhưng nếu không nói thì quả thật là có lỗi với lê dân. Các Khâm Sai đại thần về đây còn thu ven nhiều hơn cả thu thuế, dâm ô dân nữ, bắt tráng đinh làm nô bộc cũng còn có, nhiều việc thực không biết dùng lời nào để nói.
Tố Tố tỏ ra rất bức xúc hỏi tiếp:
– Không biết những nơi khác ra sao?
Phùng Lệnh ngưng một lúc như nghĩ, như e ngại điều gì, thở dài một hơi nói với giọng cứng rắn hơn:
– Bẩm Thái Hậu, mong người về thuật lại sự việc cho Hoàng thượng biết, nếu không e rằng đại Tống ta không bị giặc ngoài diệt cũng bị nội loạn mà diệt vong thôi. Hoài nam đã như vậy nhưng các vùng Giang Nam còn khổ ải hơn nhiều. Đội quân sưu tập bảo thạch kỳ trân dị thảo của Chu Miễn gần đây đi đến đâu cướp bóc đến đó, làm dân tình vô cùng oán than. Hắn lấy cớ phục dịch Hoàng thượng để làm nhiều việc tư, tích ác không sao kể xiết. Quan lại địa phương cũng học tập Hoàng Đế ăn chơi vơ vét…
Nói đến đó Phùng Lệnh như chợt nhớ mình đã nói quá những gì không được nói. Tội chu di tam tộc là điều rất có thể. Ông lão này chầm chậm ngước lên nhìn Tố Tố nhưng lạ thay nàng không tỏ thái độ gì cả mà nét mặt cũng giường như rất ủng hộ ông. Nếu không có đám thị vệ bên kia chắc nàng đã nói nhiều hơn rồi.
Lư Châu may mắn có một vị quan phụ mẫu tốt nên tình hình xã hội ở đây còn phần nào chấp nhận được. Chưa đến nỗi loạn, nhưng liệu khắp thiên hạ được mấy vị quan thanh liêm đây? Tố Tố chợt cảm thấy một nỗi thương cảm nào đó dành cho những lê dân, những con người bị bóc lột mà không thể lên tiếng.
Dưới chân núi là một con sông chảy dài tít về phía đông, khung cảnh vừa thơ mộng vừa hùng vĩ. Phùng Lệnh nói với nàng rằng đây là sông Chu, một nhánh của con sông tứ nằm trong mạng lưới sông chằng chịt ở Hoài Nam, góp phần làm nơi đây vô cùng màu mỡ và cũng giúp giao thông nơi đây đi về mọi phương khá thuận tiện. Điền Thu thì đang cùng Triệu Phi thả diều phía xa. Triệu Phi có vẻ chả ý thức gì đây là đất phong của nó cả. Nó thấy ở đây vui và nhộn nhịp hơn trong lãnh cung của Tố Tố nhiều. Vậy là nó thích. Triệu Phi chạy đi đâu thì ngay phía sau cũng là một toán người hối hả chạy phía sau lo cho nó, bảo vệ cho nó nhìn thật hoạt kê.
Ngày hôm đó Tố Tố còn được dẫn đi nhiều nơi, ăn những món ăn dân dã, cảm nhận được tấm lòng hiếu khách cũng như thật thà chất phác của những người nông dân. Họ sống cam chịu, lặng lẽ và có khi một niềm vui nhỏ nhặt cũng làm cho mái nhà của họ sáng bừng lên rồi.