Phần 3
Vào kỳ 1 của năm học đầu tiên tôi đứng lớp. Nhà trường ưu tiên ” vợ bộ đội bụng mang dạ chửa” nên chỉ một tuần 4 tiết dạy. Còn lại làm việc nhẹ nhàng tại thư viện của trường. Thầy hiệu trưởng bảo: ” Cô Minh là giáo viên bộ môn Hóa nhưng không được tới phòng thí nghiệm nhé. Sợ hóa chất ảnh hưởng đến thai nhi “. Thật cảm động trước sự quan tâm, ưu ái của tập thể các thầy cô đồng nghiệp.
Tôi trở dạ vào buổi sáng sớm. Có mẹ tôi lên từ mấy hôm trước chờ tôi sinh.
Các thầy cô trong trường cáng tôi ra bệnh xá xã. Tôi đẻ lúc 7 giờ sáng. Bà y tá già đỡ đẻ hô rõ to: ” Con giai nhé! 3 cân cơ đấy. Con so thế này là khỏe, dễ nuôi. Chúc mừng cô giáo nhé “. Mắt tôi nhòe đi và giơ tay chờ để đón con. Bà y tá bảo: ” Để tao tắm cho thằng cò đã “. Một lúc sau tôi nghe tiếng oa oa từ phòng bên cạnh.
Tôi gọi rõ to:
– Con ơi! Mẹ đây!
Bà y tá bế một bọc sang cho tôi. Tôi ôm con vào lòng mà mắt nhòa lệ. Tôi nhìn mặt con hồi lâu. Nhận ra cái tai và cặp lông mày của Kiên. Tôi áp miệng con vào vú đang căng sữa. Cu cậu bú chùn chụt. Tôi nhớ đến những lần Kiên mút vú tôi khi có hai “chú cháu” ở nhà.
Tôi thầm gọi:
‐ Kiên ơi! Con trai của anh đây này.
Bố tôi và cái Hạnh lên cáng tôi về nhà nghỉ sau sinh. Mẹ tôi lúi cúi ôm theo mớ tã lót.
Bố tôi hỏi tôi xem định đặt tên con là gì để bố ra xã làm giấy khai sinh cho cháu?
– Bố ơi! Đặt tên cháu là Trần Kiên Cường ạ.
Hôm sau, bố cầm giấy khai sinh về và hỏi tôi:
– Thế… thế cái thằng ấy cũng họ Trần à? Sao không thấy tăm hơi nó đâu thế?
– Ông rõ thật là… Mẹ tôi gắt lên. Con nó đã nói ngay từ đầu rồi. Chửa đẻ con thì mang họ mẹ, họ ông ngoại chứ trông mong gì người ngoài.
Cứ thế tôi nuôi con với sự chăm sóc của ông bà ngoại và dì Hạnh. 5 năm chuyển trường 4 lần. Trường cấp 3 trên tỉnh thiếu giáo viên môn Hóa nên Ty giáo dục điều tôi lên dạy cấp 3 sau khi xem xét năng lực chuyên môn của tôi.
Đất nước hòa bình đã gần một năm mà chưa thấy Kiên về. Bố tôi lo lắng và buồn đến sạm mặt đợi em trai trở về.
– Hay là…
– Phủi phui cái mồm ông đi. Rồi chú ấy sẽ về. Làng xóm còn ối người đến giờ vẫn bặt tin kia kìa.
Rồi ngày tháng qua đi cũng làm khuây dịu nỗi buồn của bố mẹ tôi. Nhưng với tôi càng chất nặng thêm nỗi nhớ Kiên. Tôi sợ và sống trong khắc khoải đợi chờ.
Tháng 6, tôi đưa con về quê. Buổi sáng thì xế chiều có anh bộ đội tìm đến nhà sau khi hỏi thăm từ đầu làng.
Bố tôi ra cổng đón khách. Anh bộ đội vào nhà, ngồi một lúc lâu mới chậm rãi nói:
– Em cùng đơn vị anh Kiên. Anh ấy là Đại đội trưởng của em. Trong lần chống địch càn ấy đã…
Mẹ tôi rú lên:
– Ối em ơi! Ối Kiên ơi sao em bỏ anh chị, bỏ các cháu mà không về hả em ơi.
Bố tôi điềm tĩnh hơn để nghe tiếp chuyện em trai anh dũng hy sinh như thế nào. Nét mặt ông nhão ra và trắng bệch. Còn tôi, chỉ nghe câu đầu mẹ rú gọi là tôi đã ngất lịm, không biết gì. Cũng chẳng hay anh bộ đội đó đi lúc nào. Tỉnh dậy thấy cái Hạnh đắp khăn ấm lên trán tôi và vừa khóc gọi chị vừa quạt.
Trời tối sập xuống rất nhanh. Ngoài gian giữa, trên bàn thờ bày một mâm cơm cúng. Bố mẹ tôi chít khăn tang trắng và đưa khăn tang cho chị em tôi và cu cháu ngoại.
Bố tôi khàn giọng:
– Các con và cháu Cường ra khấn chú, khấn ông trẻ đi. Tôi mềm oặt trong vòng tay đứa em gái. Đứng trước di ảnh Kiên chỉ nhỏ như cuốn sổ tay 3 hào, tôi bỗng đứng thẳng người lên khấn thầm:
– Anh Kiên ơi! Sao anh lỡ bỏ em và con hả anh ơi…
Tôi ốm mất gần một tháng. Không ngủ, kém ăn nên gầy rạc đi. Con trai tôi được ông bà ngoại và dì Hạnh chăm sóc. Mà nó đã biết gì đâu để mà khóc thương, buồn tủi như mẹ nó.
Ba tháng sau, xã làm lễ truy điệu Kiên và mấy anh liệt sĩ khác trong xã. Cả nhà tôi lại vấn khăn tang dự buổi truy điệu. Tôi như người mất hồn.
6 tháng sau, anh bộ đội bữa trước đến báo tin quay lại nhà để đưa bố tôi vào cất bốc mộ Kiên về quê an táng.
Tôi kiên quyết đi cùng dù mẹ can ngăn. Bố tôi hôm nay hình như dễ tính hơn…
– Ừ! Cho con Minh đi cùng. Bà và con Hạnh ở nhà trông nom cháu.
Khi tấm vải nilon bọc hài cốt mở ra. Tôi nhìn mãi vào hộp sọ để nhận ra hàm răng của Kiên – có chiếc răng cửa bị mẻ một góc do búa văng phải khi ở xưởng cơ khí. Tôi ôm lấy hộp sọ, thấm khăn vào chậu rượu pha nước thơm để lau chùi sạch sẽ, tỷ mỉ từng mẩu xương của chú ruột tôi, của chồng tôi.
Suốt chặng đường vào rồi ra, mấy ngày trời tôi không nói câu nào. Chỉ khóc lúc có tiếng, lúc không.
An táng Kiên vào nghĩa trang liệt sĩ rất trọng thị. Chính quyền xã, huyện đều có mặt đông đủ.
Thế là tôi mất anh, vợ mất chồng, ” cháu” Minh mất ” Chú Kiên”.
Chỉ còn em và con côi cút thôi Kiên của em ơi!!
Ba năm sau bố tôi lâm bệnh nặng. Tôi kịp về để nghe những lời ông trăn trối. Lúc chỉ có hai bố con, bố tôi thều thào, đứt quãng:
– Min ơi! Con ơi! Việc gì đã qua rồi thì cứ để êm đềm qua đi. Con phải chăm sóc thằng Cương. Nó là đứa thừa tự của họ Trần. Là con trai của con và…
Bố tôi nấc lên, rồi quài tay xuống gối đưa cho tôi một phong bì thư. Rồi ông lặng lẽ ra đi xa mẹ tôi, xa chị em tôi và cháu trai.
Việc tang ma cho bố xong xuôi, mồ yên mả đẹp tôi mới run run tay mở phong bì thư ra. Một tờ giấy xé từ cuốn sổ viết riêng cho bố tôi. Một tờ viết chung cho cả nhà và hai tờ kín hai mặt chữ viết cho riêng tôi với ba chữ đầu tiên: “Gửi MINH Yêu”