Phần 13
Trung cấp lý luận chính trị thời ấy có hai hình thức học là tập trung và không tập trung (hình như bây giờ vẫn thế), không tập trung thì hình như phải học vào các ngày cuối tuần mất khoảng hai năm, còn học hệ tập trung thì khoảng bốn đến sáu tháng. Không hiểu năm ấy thế nào Tổng công ty kiếm được lớp chỉ cần học trong hai tháng hơn là có bằng.
Nhân thời điểm toàn ngành gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, sản xuất thấp tải, Tổng Công ty tổ chức luôn một lớp học cải thiện trình độ lý luận chính trị cho các Bí thư chi bộ các đơn vị, tôi là một trong số ấy.
Tôi cũng tương đối hào hứng với chuyến đi này, có lẽ đây là thời điểm thích hợp để tôi trốn tránh mớ bòng bong mà tôi đang phải đối diện. Tôi không xuất hiện ở Công ty lúc này, sẽ tốt hơn cho cả tôi và KCS.
Nằm một mình trong phòng, suy nghĩ vẩn vơ.
Vậy là tôi và KCS đã chính thức chia tay được hơn một tháng. Một tháng qua, không một tin nhắn, không một cuộc gọi, không một lần gặp gỡ, tôi dường như đã quen với một cuộc sống mới, một cuộc sống không có em ở bên cạnh, không có ai chăm lo, quan tâm, nhắc nhở tôi mỗi khi tôi mệt mỏi, áp lực hay chỉ đơn giản là những lời chúc ngủ ngon. Còn em thì sao, liệu em đã hết giận tôi và gia đình tôi chưa?
Có lẽ KCS cũng biết việc tôi sắp đi Hà Nội, anh Trưởng phòng KCS cũng đi đợt này, anh đang hối hả làm các công tác bàn giao công việc lại cho cấp phó điều hành trong thời gian đi vắng, tôi cũng vậy.
– Sếp đi học đợt này về là đủ điều kiện quy hoạch Phó Tổng đấy – Anh Phó trêu tôi.
– Công ty này, 20 năm nữa sớm muộn gì chẳng về tay em – Tôi cười đáp.
– Anh Phó ở nhà, cố gắng điều hành công việc cho tốt, anh dân cơ khí cái gì về công nghệ anh không hiểu thì cứ gọi cho em, anh chú ý mấy cuộn trao đổi nhiệt, mấy con bơm xxx em thấy bắt đầu có hiện tượng rồi, hệ thống điện đo lường hôm qua em đã yêu cầu kiểm tra tổng thể không vấn đề gì. Em đi hai tháng thì chắc là cũng rơi vào khoảng 3 chu kỳ thay vải lọc hệ thống, trong kho đã đủ sẵn vải dự phòng, anh thay thoải mái. Về nhân sự thì không có vấn đề gì, cuối năm thì chắc cũng ít người nghỉ việc, chỗ nhân sự thiếu tạm thời không tuyển bổ sung, anh chủ động bố trí cho anh em tăng ca, trả lương bình thường. Về công tác an toàn môi trường đặc biệt chú ý, sát sao theo dõi quán triệt anh em. Về tồn kho, sản xuất dứt khoát không được để các bồn axit vượt ngưỡng 90%, khi đạt ngưỡng tồn kho cao, cân nhắc phương án dừng máy gián đoạn… – Tôi nói.
Anh Phó gật gù lấy sổ ghi chi tiết các phần việc tôi bàn giao cho anh một cách tỉ mỉ. Anh Phó vốn là dân cơ khí Thái Nguyên, kỹ năng thực chiến khá tốt, nếu so với dân cơ khí Bách khoa thì tôi đánh giá cơ khí Thái Nguyên đào tạo về kỹ năng thực tế tốt hơn, Bách khoa kiến thức hàn lâm nhiều hơn. Anh Phó là người cẩn thận, đôi khi đến mức cầu toàn, có lẽ ở lứa tuổi của anh hầu như ai cũng rèn luyện được cho mình đức tính ấy, dĩ nhiên cẩn thận là một ưu điểm tốt trong sản xuất hóa chất.
Sáng mai là lịch đi Hà Nội sớm thì đêm nay tôi mới bắt đầu chuẩn bị đồ. Sau khi sắp xếp xong gọn gàng trong một chiếc vali, tôi nằm trên giường và chợt nghĩ đến Vy.
Hẳn Vy đã chờ một cuộc hẹn của tôi ở Hà Nội từ rất lâu. Nghĩ vậy, tôi cầm điện thoại và nhắn tin cho Vy:
– Em dạo này ổn không?
– Em ổn, dạo này không thấy anh nhắn tin hỏi thăm em nhỉ, công việc bận lắm hả anh – Vy trả lời.
– Cũng bận em à, nhiều việc và cũng nhiều chuyện, mà em đã biết chuyện của anh chưa ấy nhỉ – Tôi hỏi vu vơ.
– Chuyện gì hả anh, anh có chuyện gì sao? – Vy trả lời hồn nhiên, như vậy Thanh tra chưa kể cho Vy nghe chuyện của tôi và KCS.
– À, chuyện anh bị kỷ luật ở Công ty ấy mà – Tôi chém gió.
– Em không biết, anh có nói với em đâu, thế sao người ta lại kỷ luật anh…
Tôi và Vy tiếp tục nhắn tin qua lại với nhau, nói chuyện với Vy lúc này giúp tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn, sự hồn nhiên, tươi trẻ trong ngôn từ của em phần nào giúp xoa dịu nỗi buồn, sự thiếu vắng KCS trong tôi.
– Đợt tới anh đi công tác Hà Nội đấy em – Tôi thông báo cho Vy.
– Thế ạ, anh công tác ở chỗ nào Hà Nội vậy?
– Anh ở ngay Cầu Giấy thôi.
– Eo… xa thế.
– Làm gì mà xa, từ NEU lên Cầu giấy, anh đi mất 5 phút.
– Điêu, 5 phút em đố anh đi được.
– Em yên tâm, anh đi tốt, mà anh ở Hà Nội hơn 2 tháng cơ.
– Anh đi lâu vậy cơ ạ, hôm nào anh về Hà Nội, nhớ phải gọi em đấy, nhớ nhé.
Tờ mờ sáng, chiếc xe Fortuner chở năm người chúng tôi lên đường về Hà Nội, bắt đầu khóa học tập Lý luận chính trị. Chúng tôi được sắp xếp ở trong một nhà khách của Bộ… xxx cách địa điểm học khoảng gần 2km, Trường chính trị thuê địa điểm dạy học ở Trường Đại học Giao thông vận tải. Ngày khai giảng, lớp chúng tôi mới được biết nhau, lớp có khoảng 70 người, phần lớn là cán bộ lãnh đạo quản lý các đơn vị trên địa bàn Hà Nội, chỉ có một số ít người như chúng tôi thuộc tỉnh khác gửi đến để học ké lớp. Lớp chúng tôi bầu một anh cao tuổi nhất với mái tóc hoa râm và dáng đi bệ vệ đầy vẻ công chức làm lớp trưởng. Anh là Chánh văn phòng Kho bạc, tôi hỏi:
– Em tưởng lên đến vị trí như anh, phải có Lý luận chính trị lâu rồi chứ.
– Trước không cần, nhưng giờ theo quy định mới thì bắt buộc vị trí của anh phải có. Thế nên anh sắp về hưu rồi, nhưng vẫn phải đi học để trả bằng đây.
Anh lớp trưởng bước lên bục phát biểu, dõng dạc tuyên bố lý do, hứa hẹn về việc chấp hành nội quy của lớp học và chúc cả lớp có một kỳ học tập hiệu quả. Đúng là cán bộ nhà nước, phát biểu đâu ra đấy, chẳng cần giấy tờ gì cả, bên dưới cả lớp vỗ tay ầm ầm.
Tôi đảo qua một lượt lớp học, khoảng hơn phân nửa lớp là nữ, nhưng toàn các chị, các cô với vẻ đẹp xồ xề của phụ nữ ngoài 40 tuổi, tìm mỏi mắt không có em nào trẻ… đúng là lớp cán bộ quản lý, toàn các bô lão thì lấy đâu ra gái trẻ đây – Tôi trộm nghĩ.
Kết thúc buổi lễ khai giảng, chúng tôi trở về phòng nghỉ. Phòng tôi ở 3 người một phòng, tôi, anh Trưởng KCS và anh Trưởng Nhà máy Cơ điện. Anh Trưởng phòng KCS trước khi đi đã cẩn thận gói ghém mang theo 2 can rượu nếp, anh nói:
– Lên trên ấy, tối buồn chết mẹ, anh em ngoài đánh sâm ra thì biết làm gì, anh cứ mang 40 lít rượu đi, dùng dần, hết thì anh lại nhờ gửi lên.
– Anh thật chu đáo – Tôi khen.
Ngày đầu tiên, chúng tôi tụ tập mua hai con vịt quay với ít thịt nướng về nhậu, đánh bay luôn 5 lít rượu. Anh Trưởng phòng KCS than:
– Mới ngày đầu mà đi luôn 5 lít, xem ra cuối tuần anh phải về lấy rượu các chú ạ.
Rồi lúc ngà ngà say, anh hỏi tôi:
– Mày làm thế nào, mà để hoa hậu của Phòng anh dạo này trông xuống sắc lắm. Mày bỏ nó rồi à?
Tôi biết anh đang nói đến KCS, tôi nói với anh:
– Anh làm sao mà hiểu được câu chuyện của em, nói chung là em không có duyên với mảnh đất này, với con gái ở đây.
– Làm đéo gì có cái gọi là duyên, tất cả đều do mình, mày thích đứa nào, mày bảo anh, anh cho mày chén – Ông Trưởng Cơ điện lè nhè say, anh đã đi nôn về.
– Thôi anh biến đi ngủ hộ em cái – Tôi gắt và đẩy anh về giường.
Trưởng phòng KCS kéo tôi lại, khoác vai và nói:
– Anh chưa thấy đứa nào như con bé KCS đâu, nó đích thực là một đứa con gái chuẩn mực đấy, đứa nào lấy được nó, sướng cả đời.
Tôi cười, một nụ cười gượng gạo:
– Em làm gì có được diễm phúc ấy.
Con người ta khi vui sướng, hạnh phúc người ta tìm đến rượu, khi buồn, khi thất tình người ta cũng tìm đến rượu, phải nói rượu là một thứ chất kích thích thần kỳ, khi say, nỗi buồn trong lòng như được vơi bớt, người ta dám làm những việc bình thường mà họ không dám làm.
Tôi nhắn tin cho KCS, sau khoảng một tháng chúng tôi không liên lạc. Nhưng em không trả lời tin nhắn của tôi. Vậy là em vẫn giận tôi, hay em đã quên tôi rồi.
Tôi liếc nhìn đồng hồ, mới 10 giờ tối.
Tôi nhắn tin cho Vy, em rep lại ngay tin nhắn của tôi.
– Em đang ở đâu, anh đến đón em đi chơi nào – Tôi nói.
– Em đang ở ký túc thôi anh. Sao anh rủ em đi chơi giờ này, 11 giờ ký túc đóng cửa rồi anh ạ. Anh đang ở đâu đấy anh.
– Anh đang ở Cầu Giấy, anh qua em chơi nhé – Phải nói khi say, tôi nhắn tin bạo dạn hẳn.
– Anh qua đến đây thì cũng 11 giờ rồi, em không ra ngoài được, mà 11 giờ thì đi chơi ở đâu hả anh?
– Anh tưởng Hà Nội đẹp nhất về đêm mà em?
– Hì, em cũng không biết, thôi để mai nhé, chiều mai em không bận gì.
– Nhưng anh thích gặp em bây giờ cơ – Tôi đáp lại.
– Hâm à, muộn rồi, chiều mai anh đi xem phim không, ra rạp Quốc gia, có phim mới hay lắm.
– Được, mai qua qua đón em.
– Vâng, mai có gì anh gọi em – Vy đáp.
Rồi tôi vứt điện thoại sang bên cạnh giường rồi ngủ thiếp đi trong cơn say.
Chiều hôm sau, khi tôi vừa tan học thì Vy gọi điện cho tôi.
– Anh, mấy giờ anh đi đấy?
– Đi đâu em? – Tôi hỏi lại.
– Ơ… đi xem phim đây, hôm qua em rủ anh đi ra rạp Quốc gia xem phim, anh đồng ý rồi mà – Vy ngơ ngác hỏi.
Chết mẹ, tối qua say rượu tôi có nói thế à… – Tôi nhớ lại.
– Ừ ừ, anh đang chuẩn bị đây rồi, anh mới tan học về. Giờ anh qua NEU hay qua đâu em?
– Anh cứ đi thẳng ra Rạp Quốc Gia nhé, đợi em ở đấy – Vy nói.
– Rạp Quốc gia chỗ Thái Hà nhỉ – Tôi hỏi lại mặc dù dĩ nhiên tôi biết Rạp Quốc gia ở đâu, thời sinh viên, tôi còn lạ gì nơi ấy.
– Vâng, khiếp, anh mới xa Hà Nội có mấy năm mà cứ như người trên Sao Hoả thế. Anh chờ em lát nhé.
Thế rồi tôi cuống cuồng chạy về phòng, tắm rửa, lên đồ, chải chuốt và xịt nước hoa thơm lừng. Tôi bắt taxi từ Cầu giấy chạy sang Rạp chiếu phim quốc gia, cũng phải rất lâu rồi tôi không quay lại đây, kể từ thời sinh viên.
Trời Hà Nội thật không biết chiều lòng người, buổi đi chơi đầu tiên của tôi và Vy chưa kịp bắt đầu thì trời đổ mưa to, mưa như trút nước, một cơn mưa hiếm thấy giữa tiết trời cuối thu. Đợi khoảng 30 phút thì tôi thấy một bóng hình quen thuộc đi từ phía nhà để xe, tôi nhận ra Vy.
Em cầm ô chạy trong mưa. Vy có một thân hình mảnh mai tương đối giống KCS, chỉ có điều em thấp hơn, Vy chỉ khoảng 1m6, tuy nhiên cách ăn mặc của Vy khá thời trang, em biết sử dụng những bộ trang phục góp phần tôn lên vóc dáng và làn da. Đặc biệt, tôi vẫn ấn tượng ở Vy là chiếc mũi, em có chiếc mũi cao thật đẹp (thời đó, phụ nữ nâng mũi không nhiều, tôi tin đây là chiếc mũi tự nhiên của em). Nhìn thấy Vy, tôi dường như quên hết sự khó chịu do cơn mưa mang lại, tôi lao ra ngoài cổng Rạp phim nơi Vy vẫn còn đứng đó.
– Vy – Tôi gọi to để át tiếng mưa.
Vy nhìn thấy tôi, vội vã tiến lại gần tôi:
– Trời, anh không mang ô đi à, mưa ốm thì sao? Vào đây với em – Vy đưa ô ra, tôi tiến vào trong chiếc ô với em.
Tôi cầm lấy chiếc ô từ tay em, tôi ngước nhìn cô gái chỉ cao đến vai tôi nhưng toát lên một vẻ đẹp nhẹ nhàng, hồn nhiên của một cô sinh viên. Mưa chợt to hơn, những hạt mưa làm lu mờ tất cả cảnh vật xung quanh, con tim của tôi cũng như đang loạn nhịp.
Vy nói gì đó, tôi nghe không rõ.
– Em nói gì vậy – Tôi hỏi…
Vy nhắc lại: “Vào thôi anh, sắp đến giờ chiếu rồi”.
Tôi gật đầu, mưa mỗi lúc một to, cả hai đều im lặng bước đi.
Hôm đó em cho tôi xem một bộ phim khá hấp dẫn, hình như nó có mấy phần rồi, phần chúng tôi xem là phần thứ ba hay thứ tư gì đó, tuy nhiên kịch bản khá tách biệt khiến tôi mặc dù chưa xem các phần trước nhưng vẫn hiểu được nội dung phim.
Khoảng 8 giờ hơn thì chúng tôi bước ra khỏi rạp.
– Mỏi hết cả lưng, nhưng phim hay em nhỉ? – Tôi nói…
Vy cười, nụ cười làm tan biến sự mệt mỏi trong tôi. Tôi ngước nhìn trời, mưa đã tạnh, thời tiết dễ chịu và mát mẻ hơn.
– Anh mời em ăn tối nhé, em thích ăn gì nào? – Tôi đã sẵn sàng chờ đợi em sẽ nói tên một nhà hàng đặc sản nào đó, tôi nghĩ rằng một tiểu thư như em, không thể ăn ở một quán bình dân được.
– Em ăn gì cũng được – Vy trả lời một câu khá quen thuộc.
– Thế hay anh đưa em đi ăn đồ Nhật nhé, đồ Nhật dễ ăn, tốt cho sức khỏe, nhất là làn da đấy – Tôi gợi ý.
Vy cười và khen tôi chu đáo. Vy đáp:
– Hôm nay thì em không thích ăn đồ Nhật đâu, hay bây giờ em đưa anh ra khu Trần Đại Nghĩa, em biết một quán ăn bình dân cho sinh viên, nhưng đồ ăn thì ngon tuyệt.
Tôi kinh ngạc, một tiểu thư như em trong buổi đi chơi đầu tiên với tôi lại đòi ăn một quán bình dân như vậy sao. Chưa kịp trả lời thì Vy kéo tay tôi và nói:
– Đi anh, em thích ăn ở đấy. Anh đứng đây đợi em lấy xe, rồi em đưa anh đi.
Mất khoảng gần 10 phút xếp hàng ở bãi gửi, Vy mới lấy được xe của em ra tiến về phía tôi. Vy đi một con Airblade đen đời 2009 (hẳn anh em còn nhớ còn Airblade đời đầu, tôi vẫn ấn tượng với dòng Airblade đời này, trông nó khá đẹp). Em mở cốp xe, đưa tôi một chiếc mũ bảo hiểm. Hình ảnh này, chợt khiến tôi nhớ lại buổi đi café trên thành phố của tôi và KCS, em cũng đón tôi như thế này.
Nhưng những ký ức về KCS chỉ thoáng qua rồi biến mất ngay sau khi Vy ngồi lên xe tôi và nhắc:
– Được rồi, đi thôi anh.
Tôi và Vy lang thang qua các đường phố Hà Nội, Hà nội những năm gần đây thay đổi nhiều quá, những dòng người đông đúc và hối hả hơn, các tòa chung cư bắt đầu lác đác đang xây dựng, nhìn Hà Nội năm ấy, không ai tưởng tượng được Hà Nội của năm 2023 hiện nay với vô vàn các tòa nhà chọc trời, hệ thống các đường vành đai bao quanh và cầu vượt dày đặc khắp thủ đô.
Quán ăn của Vy giới thiệu là một quán sinh viên đúng nghĩa, tuy quán bài trí sơ sài nhưng rất đông khách, phần lớn là tốp nam nữ hoặc các đôi trẻ sinh viên đang hẹn hò. Ngồi ăn cùng Vy, nhiều khi tôi thấy hơi ngại vì em còn trẻ quá, còn tôi thì trông mặt hơi giống một ông chú già (hay bây giờ người ta gọi là Sugar Daddy). Cũng phải thôi, tôi hơn em 8 tuổi, một khoảng cách chênh lệch tuổi tác khá lớn.
Vy dường như không quan tâm điều đó, em ăn uống ngon lành và hồn nhiên kể chuyện cho tôi nghe, câu chuyện của em chủ yếu tập trung vào những khó khăn trong quá trình học tập, những lo lắng về công việc trong tương lai, còn tôi thì sắm vai một người từng trải, chia sẻ cho em những kinh nghiệm của tôi trong quá trình học tập, công tác. Tôi kể say mê về công việc của tôi, em chăm chú lắng nghe, đôi khi trong mắt ánh lên sự ngưỡng mộ và tỏ ra sung sướng khi biết thêm được nhiều khía cạnh của cuộc sống. Sinh viên bây giờ thì tôi không biết, nhưng sinh viên ngày ấy rất thiếu kiến thức thực tế, họ thậm chí còn không hiểu thế là là Luật, thế nào là Nghị định, thế nào là Thông tư, mô hình tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương ra sao… tôi thì nắm khá rõ điều đó qua quá trình công tác và học tập, còn với Vy, đó là những kiến thức mới mà em chưa bao giờ được tiếp cận.
Vy khen tôi giỏi, em nói bố em cũng giỏi, ông làm Giám đốc một Công ty nhà nước ở tỉnh nhà, nhưng ông chẳng bao giờ tâm sự chuyện công việc cho em nghe, thậm chí mỗi lần em hỏi, ông đều trả lời với vẻ mặt khó chịu:
– Chuyện người lớn, con hỏi làm gì, sau này đi làm rồi khác tự hiểu, thương trường – là chiến trường, mình không hại nó, nó sẽ hại mình, phức tạp lắm – Bố Vy nói.
Vy kể rằng, em chưa bao giờ nhận được những lời khuyên, tư vấn hay định hướng của bố mẹ, thường ngày bố mẹ em bận công việc, đôi khi thì đi công tác hoặc tiếp khách, rất hiếm hoi cả gia đình có đủ bữa cơm gồm bốn thành viên. Vy còn một cậu em trai hiện đang học cấp 3 tại tỉnh.
Thực ra, tôi thời điểm ấy cũng cho rằng thương trường là chiến trường, tuy nhiên mãi về sau này, khi nền kinh tế có những bước phát triển mới và tôi cũng đủ trưởng thành, va vấp hơn, đến ngày hôm nay thì tôi cho rằng định nghĩa thương trường là chiến trường là sai lầm, chính vì những người kinh doanh thời điểm ấy đều nghĩ thương trường là chiến trường nên họ tha hồ tìm cách đè bẹp đối thủ, chơi chiêu đểu, hạ giá thành, tìm mọi cách cạnh tranh không lành mạnh rồi cuối cùng chính mình lại hại mình. Thương trường là sự hợp tác, đôi bên cùng phát triển đó mới là chiến lược kinh doanh tối ưu, dài hạn, còn tìm mọi cách hạ giá thành, chính là tự giết nhau, tự tay cắt máu của chính mình. Khách hàng phần nhiều không quan tâm đến giá thành, cái họ cần là sự tiện dụng, sự hữu ích của sản phẩm mà cả một hệ sinh thái mang lại, đó là lý do ngày nay, các doanh nghiệp lớn không ngừng bắt tay nhau, hợp tác với nhau để chiếm lĩnh thị trường, nhờ vậy, các doanh nghiệp ngày nay ngày càng lớn mạnh.