Phần 19
Vài ngày sau đó…
– Mày làm cái gì mà mồm mày đủ 7 sắc cầu vồng thế kia hả em? – Chị nó quát ầm ĩ hết cả nhà lên.
– Em…thổi bóng bay. Hỳ. – Nó cười trừ.
– Điên à, có cái bơm bóng sao không dùng.
– Thối nhanh hơn chứ. – Nó gân cổ cãi.
– Nhoe nhoét phẩm mầu thế kia, ung thư bỏ bà.
– Kệ em. Chị đi làm đi. Xùy xùy. Đến khổ. Lần sau thì tự dắt xe nhé. Gọi xuống dắt cái xe thôi mà chả cảm ơn được một câu đã trù ẻo.
Nó bậm bịch đi lên nhà dù vẫn nghe văng vẳng tiếng chị nó ở dưới hét như trêu ngươi “ thằng điên”. Nhưng dù sao 10h vẫn thấy tin nhắn bà ấy gọi dậy “thịt chị để trong tủ lanh, xào rồi… Tí cho vào lò mà quay. Ngủ ít thôi. Con lợn. Nhớ ăn thêm rau đấy”
“Reng… reng… reng”
Nó tưởng chị gọi về nhưng hóa ra Dương gọi.
– Gì thế, bảo gọi sau 12h cơ mà.
– Em được chị Linh ủy quyền gọi anh dậy đấy nhé. Chị bảo anh làm cái gì mà mồm toàn phẩm màu, anh định thổi hết gần 1 nghìn quả bóng bằng mồm đấy à?
– Kệ tao.
– Phổi trâu.
– Thế thôi chả làm nữa nhé.
– Mà anh làm đến đâu rồi?
– Mới thổi thôi, vất đầy phòng chưa kết.
– Thế anh định mang đống bóng ấy đến nhà em kiểu gì.
– Ờ nhỉ. – Nó ngớ người.
– Hihi. Hóa ra anh cũng có lúc hâm hâm. Thôi qua nhà em đi. Có em với bác giúp việc thôi. Để em xem nào thế nào em phụ cho.
– Thế có được ăn cơm không?
– Bún chả nhớ… đồ tham ăn.
– Thế nấu đi. Tao qua.
– Ok anh. – Chắc lại cười toe.
Nó lại đứng trước gương lườm lườm mình, định bụng mặc cái quần ngố và cái áo cộc tay thôi. Nhưng ngắm nhìn lại đống cá chép đang tung tăng bơi lội. Nó lại ngậm ngùi khoác thêm cái áo dài tay vào, dù chỉ là một cái sơ mi sờn cũ. Nhưng ít ra trông nó giống một người bình thường. Nó chợt thở hắt ra và tự nhủ…” Kiên..dạo này mày ủy mị như đàn bà vậy”
…
– Mở cổng đê, tao đang đứng trước nhà này. – Nó cầm máy điện thoại gọi cho con bé, đứng núp núp vào một gốc cây, cảnh giác như thể bố của con bé sẽ ra mở cổng chứ không phải ai khác. Nó cũng chả hiểu sao nó phải sợ ông ấy, sao không cứng như cái đêm hôm nào. Ừm, chắc là ngại thôi, hẳn là thế.
Con bé mặc bộ đồ ở nhà, giản dị ra mở cổng, nó mới thở phào một cái nhẹ nhõm. Dắt được cái xe vào sân, nó ném bịch cái túi bóng bay to tướng xuống salong và ngồi xuống than thở
– Nóng chết mẹ.
– Ít nói bậy thôi anh – Nó nhăn mặt rồi gân cổ gọi – Bác Phúc ơi, bác pha hộ cháu cốc nước chanh nhé.
– Đợi bác tý bác lau nốt tầng hai. – Tiếng một phụ nữ tầm trung niên nói vọng xuống.
– Có chanh à?
– Có ạ, có cả đá và đường trong bếp.
– Thôi để tao tự pha. – Nó nói vọng lên tầng – Bác ơi để cháu tự pha cũng được ạ. Bác cứ lau đi ạ.
Một lúc sau nó bê nguyên cả 3 cốc nước chanh đầy sóng sánh ra, còn khéo léo đặt cả một lát chanh mỏng trên. Bà bác già rối rít.
– Ôi trời, cậu cẩn thận quá. Cậu là bạn của Dương à?
– Cháu là bạn bác ạ. Có gì đâu, cháu bán nước chanh mà, trổ tài tí, nhở. – Nó liếc mắt sang cái Dương, ý như nhắc con bé về chuyện hồi xưa con bé bảo nó làm pha chế, nhưng mà con bé vẫn đang mải thưởng thức cốc nước chanh nó vừa pha.
Bà bác giúp việc cười hiền hậu.
– Nhưng mà tôi không phải mẹ nó đâu cậu ạ.
– Cháu biết rồi, mẹ Dương đi vắng. Cháu chả gặp cô ấy 1 lần rồi Dương nhỉ. Sợ chết khiếp. – Con bé lườm lườm nó. – Mà bác đừng gọi cháu là cậu, cháu sợ đấy. Cháu có phải quý tử cậu ấm cô chiêu như mấy bạn của Dương đâu.
– Bác là bác cứ cẩn thận thế, không các cô các cậu lại phật ý – Bác cười – Chứ bác ở đây từ hồi còn ông cụ ý, nhà này ai cũng coi như người nhà. Có mỗi cái cậu gì gì đến là bác sợ nhất đấy Dương ạ. Mà sao dạo này không thấy cậu ấy đến nhỉ.
– Bác ơi, bác đi nướng chả đi. Cháu ngồi làm cái cổng bóng cho em cháu chút. – Con bé đánh trống lảng.
– À, làm sinh nhật cho nhóc đây hả. Thế bác đi nấu cơm nhé. Hai đứa cần gì gọi bác. À này cháu tên gì nhỉ? Ở lại ăn cơm luôn nhé.
– Vâng ạ. Cháu đến giờ này là xác định ăn chực mà bác. – Nó cười.
– Này, cứ tự nhiên thế là bác quý đấy. Để bác làm bún chả hai đứa ăn nhé. Có gì cứ gọi bác.
Nó và con bé vâng vâng dạ dạ. Rồi ngồi kết bóng với nhau. Cứ 1 chùm 3 quả thì 2 màu này 1 màu kia. Đứa thổi đứa bơm rồi lại tết, độ một lúc thì cũng kết được khoảng hơn 1m cổng. Con bé nhìn sản phẩm tay chống cẳm và hỏi nó ánh mắt nghi ngờ.
– Anh bảo là tết hai cổng bóng một mình thật hay điêu thế.
– Thật… – Nó gãi đầu – Nhưng mà là tết loạn xạ, không phải xoắn màu. Tối qua tao mới lên youtube học cách xoắn nhưng mà có vẻ không hợp lý lắm. hì
– Thế mà nói như đúng rồi. Em nghĩ là dẹp cái dự án cổng bóng này đi. Nhìn cứ thế nào ý.
– Thế giải quyết chỗ bóng này thế nào?
– Hmm… làm người bóng đi anh. Hai con ở ngoài, 2 con ở trong. Anh bện thân và tay thôi, rồi mình mua bóng mặt mickey treo lên đầu là thành người bóng. Em xem trên mạng người ta có dạy làm đấy.
– Nhưng tao chưa xem.
– Thế anh lên tầng 3 lấy giúp em cái ipad xuống đây. Em tải hết clip về rồi ý.
– Mày lên mà lấy, phòng con gái để người lạ vào à?
– Em bơm bóng nãy giờ mỏi hết chân rồi. Còn anh thì thổi bằng mồm mà.
– Hừm…
Nó hậm hực bước lên cầu thang, thực ra nói thế chứ cũng muốn xem con bé ở chỗ nào. Tò mò mà. Bước lên tầng 3, khoảng ngăn giữa tầng 2 và 3 là một chiếc cửa nhôm kính màu vàng, kính đen kiểu cũ, loại dày dày mà bây giờ ít thấy. Bên trong có một mùi hương trầm nhè nhẹ bay ra. Ngước lên phía giếng trời nó thấy làn khói hương tỏa ra bay dập dờn một cách ma mị. Vừa đưa tay nắm lấy cánh cửa định vặn chốt, thì con bé từ phía sau nắm lấy tay nó khiến nó giật thót mình, suýt ngã ngửa ra đằng sau.
– Khoan đã. – Con bé thở hổn hển mặt tái mét, vừa sợ sệt vừa như lo lắng điều gì, chắc hẳn nó vừa vội vàng chạy như tên bắn lên đây – Phòng em hơi bừa, có ít đồ con gái, anh đừng vào.
Nói rồi con bé lách mình qua, đóng sầm cửa lại mặc kệ nó đừng sững như trời trồng, nghe lạch cạch cả tiếng chốt trong. Chưa kịp định thần ra chuyện gì, đã thấy cửa mở, con bé lại lách người ra ôm cái ipad trước ngực, nói khẽ:
– Xuống nhà đi anh.
Nó nghe theo như một cái máy, vẫn ngoái lại đằng sau nhìn căn phòng ánh mắt tò mò. Chẳng lẽ con bé phải ngủ ở phòng thờ à??? Được mấy bước chân nó khẽ nói.
– Hương trầm thơm, nhưng ngửi nhiều không tốt cho sức khỏe đâu.
– Vâng ạ. – Con bé giọng trùng trùng.
Tự dưng nó cảm thấy không khí vui vẻ ban nãy như bị một màn sương mờ che phủ. Điều mà mãi sau này, nó mới có thể giải thích nổi vì sao…