Phần 46
Đã bao năm sống nơi đất khách quê người, nhưng có lẽ chưa bao giờ cô Chi cảm thấy buồn như lúc này. Ngày xưa rời bỏ quê hương, vì khi ấy cô sống vì con gái của mình, sống cho nó, và cũng mong mỏi một tình yêu với người chồng thứ hai đó. Đó là những ngày tháng chân ướt ráo ở nơi cách xa quê nhà đến nửa vòng trái đất, bao khó khăn vây quanh cô. Không biết nói tiếng Anh, xung quanh toàn người xa lạ, muốn đi đâu cũng phải nhờ vả đến chồng. Cuối tuần mới cùng nhau đi siêu thị mua sắm thật nhiều thứ rồi đem cất thứ thì cất vào trong tủ lạnh, thứ thì cất giữ trong các ngăn kệ bếp. Ăn uống cũng chưa quen, lạ lẫm từng khẩu vị. Trời vào mưa đông lạnh buốt, ở trong nhà phải sử dụng lò sưởi, đi ra ngoài nào áo ấm giày bốt khăn choàng quấn chặt quanh người. Nhưng tình yêu dành cho con, dành cho chồng càng ngày càng phát triển mạnh mẽ giúp cô dần vượt qua những khó khăn, vất vả đó. Cô có thể nghe, hiểu và nói chuyện được cùng người bản xứ đến càng ngày càng thành thạo hơn…
Nói chính xác thì khi ly hôn, người chồng thứ ba của cô dành ra 2 tùy chọn cho cô, thứ nhất chọn một căn nhà townhouse ở tại Miami, và thứ hai chính là căn hộ tại San Francisco. Căn nhà townhouse Miami khá rộng rãi, mọi tiện nghi đều rất tuyệt vời hơn hẳn căn hộ bên SF này. Nhưng cô đã quyết định chọn tùy chọn thứ hai, vì cô không muốn sống chung trong thành phố với ông ta, cô muốn đi càng xa càng tốt. Cái thứ đàn ông như vậy không còn để lại chút lưu luyến gì trong cô nữa. Và chọn sống tại San Francisco, một thành phố cảng tuyệt vời sầm uất của tiểu bang có đông đảo người Việt sinh sống bậc nhất ở Hoa Kỳ.
Ngã dài trên ghế bành sau một ngày dài làm việc tại một tiệm nails khá lớn ở thành phố SF này. Cũng may ngày xưa cô từng có thời gian học khi còn ở Việt nam, giờ nó giúp ích cô có được thu nhập nuôi được bản thân mình và thỉnh thoảng gởi qua Dallas cho cha mẹ già. Khi cô bảo lãnh cho ông bà sang đây, cứ ngỡ mọi thứ đều như mơ. Giờ đây gánh nặng ấy đang nằm đâu đó trên vai cô. Thôi thì bây giờ mình cũng chẳng còn ai thân thiết ở cái xứ sở này nữa rồi, ngoài trừ cha mẹ mà thôi. Nếu không lo lắng làm tròn hiếu đạo, cô sẽ luôn thấy mình mang tội với đấng sinh thành.
Ba mẹ của cô cũng nhiều lúc muốn về lại quê hương sống nốt những năm tháng cuối đời. Nhưng cũng một phần thương con thương cháu, vì đứa cháu ngoại của hai ông bà, cả đứa cháu ngoại trai còn trong bụng mẹ đã vĩnh viễn nằm lại trên đất nước này. Ngay cả đến chàng con rể nữa, chỉ vài năm ngắn ngủi nhưng cả hai ông bà đều hiểu và thương quý rất nhiều. Có thứ gì tốt, cũng để dành phần cho ba mẹ của vợ. Ông bà xem chàng rể như con trai của mình. Nhưng người tốt thường có số phận bạc bẽo hay sao?
Nhỉnh hơn cô Thu 2 tuổi, là bạn rất thân từ hồi còn ở Việt nam. Khi đó gia đình ở trong một con hẻm gần chợ Tân Định. Cô và cô Thu như hai chị thân thiết trong một gia đình, nhiều khi cứ “mày mày tao tao” quấn quýt mãi. Ngày đó chính cô là người dẫn cô Thu vào lĩnh vực buôn bán mỹ phẩm. Cái thời mà mỹ phẩm không tràn lan, không thượng vàng hạ cám như bây giờ. Ngoài trừ một số hãng mỹ phẩm trong nước như mỹ phẩm Lan Hảo – Thorakao… thì đa phần đều là hàng ngoại nhập được những người có bà con, thân nhân ở ngoại quốc gởi về, hoặc xách tay cầm về. Và chính nhờ vậy mà ngày nay mỗi khi nhắn đến cô Chi, thì cô Thu luôn dành lấy sự trân trọng cho người bạn của mình.
Bản thân cô Chi xem đó là công việc chính, là nguồn thu nhập nuôi sống cô và con gái nhỏ. Riêng phần cô Thu, chỉ là một công việc làm thêm vì cuộc sống gia đình cô Thu ngày đó vẫn đã ở mức khá giả rồi. Chú Long là người lao động chính trong gia đình, chú có nguồn thu nhập rất tốt vào những năm đất nước còn khó khăn như vậy. Mọi thứ chuyển sang ngã rẽ khác, khi cô rời khỏi Việt nam thì cô Thu ly hôn với chú Long. Cô Thu chọn lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm để dần ổn định cuộc sống. Còn cô Chi ở nhà học ngoại ngữ, chăm sóc con cái và lo lắng gia đình.
Vốn bản tính kiên cường, độc lập trong mọi thứ nên khi biết tin người bạn của mình sống ở nước ngoài rơi vào cảnh góa bụa không con cái thì nhiều lần cô Thu đề nghị giúp đỡ, nhưng cô Chi gạt phắt đi. Cô Chi không muốn nhờ vả vào bạn mình, người mà hiện nay đang là một nữ doanh nhân tương đối có tiếng tăm trong lĩnh vực kinh doanh của mình.
Hôm nay là thứ tư, cũng không phải là ngày đông khách của tiệm nails nên cô xin phép chị chủ được về nhà sớm. Thường mọi khi cô rời tiệm sau 22h đêm, chạy xe về đến nhà cũng xấp xỉ 25-30 phút. Chị chủ ra vẻ cảm thông với cô.
– Về sớm nghỉ ngơi đi em. Chị thấy dạo này em xanh xao lắm đó.
– Vì có đứa cháu đến chơi, nên em mới về sớm.
– Ủa vậy hả em? Mà cháu em ở đâu lận?
– Nó cũng ở San Francisco mình luôn chị, tại nó mới về Việt nam đem quà qua cho em.
– Cháu gái hả em? Nó nhiêu tuổi rồi?
– Cháu trai chị ơi, nó cũng hai mươi mấy rồi.
Thế là mấy chị em trong tiệm lại được dịp nhao nhao lên, đa phần đều nhỏ tuổi hơn cô Chi nhiều.
– Chị làm mai cho em đi chị.
– Cô ơi giới thiệu cho con đi, chắc cháu cô đẹp trai lắm ha.
– Cho em làm cháu rể chị được không?
Không khí sôi động chỉ lắng xuống khi chị chủ ngắt lời.
– Mấy cái đứa này, đã biết mặt mũi người ta làm sao đâu mà đòi giới thiệu này kia chứ? Thiệt hết biết!
– Em nghĩ cháu của chỉ phải đẹp trai đó, phải không chị Chi?
Giọng một cô gái ở phía trong vọng ra.
– Thôi được rồi, để hôm nào chị cho coi hình ha. Nhưng nhiều đứa quá, chị biết chọn ai?
– Hí hí… thì chị cứ giới thiệu hết tụi em luôn. Ảnh thì ai thì quyền của ảnh nữa mà… hí hí hí…
– Có mấy đứa không để ý tuổi của mình hả? Tính cho phi công lái máy bay hả?
Chị chủ vừa dứt lời, cả tiệm lại rộ lên cười giòn.
– Mốt bây giờ mà chị. Chị không đọc báo thấy giờ ở Việt Nam toàn thanh niên trẻ trẻ quen mấy chị sồn sồn sao nè?
Chỉ khi cô Chi bước ra khỏi tiệm, cánh cửa kính đóng sập lại thì mới dứt khỏi tai những câu nói vui đùa nhưng cũng khá thật tế kia. Trong một số bộ phận người Việt định cư bên đây, trong mắt họ vẫn đánh giá thấp những người phụ nữ làm nails. Những người làm trong tiệm này, có mấy đứa mới lấy chồng sang đây, đi làm để học hỏi và kiếm thêm thu nhập. Có người đã nhiều năm thâm niêm trong nghề, mưu sinh để nuôi sống gia đình. Và nếu để ý kỹ hơn, có biết bao người mẹ, người chị với nghề nails đã nuôi dưỡng cho những đứa con, người em nên người và thành đạt trong xã hội với những học vị cao.
Trong xã hội ngày nay, chẳng có ngành nghề nào, công việc nào xấu xa thấp hèn cả. Chỉ có chăng những kẻ lừa đảo, gian trá hay những tên trộm cướp mà đáng bị coi thường.
Ngâm mình trong bồn tắm nước ấm một đỗi, cô Chi cảm thấy khoan khoái dễ chịu. Lâu lắm rồi cô mới lại được tắm sớm như vậy. Chiếc váy đầm bông nhã nhặn, dễ chịu với người đối diện mà cũng mát mịn đối với người mặc nó.
Lạ lùng thay, sao chỉ là việc Tuấn ghé nhà thăm cô và chuyển quà của mẹ nó cho cô thôi mà sao cô Chi lại thấy lòng mừng rộn rằng hẳn lên. Có lẽ vì đã lâu, cô không có được cảm giác thân tình, không có ai đến đây thăm cô. Hàng ngày ngoài trừ thời gian làm ở tiệm nails ra, mấy chị em thân thiết rủ nhau đi uống chút gì và cuối ngày hay cuối tuần rồi sau đó thì cũng mạnh ai về nhà nấy.
Cảm giác chờ đợi ngóng trông một người, cô tự bật cười với chính mình.
“Mình già rồi mà, chẳng phải cô bé mười tám, hai mươi nữa… sao lại như vậy?”
Đặt gói popcorn Butter Lover vào lò vi sóng, như vậy đã có một thố bắp rang thơm lừng nóng hổi. Thỉnh thoảng bóc cho miệng từng hạt popcorn phồng to ngát bơ, cô lim dim mơ màng. Cuộc đời đôi khi chỉ cần cảm giác nhẹ nhàng êm đềm như thế này thôi, ước mơ nhỏ nhoi thế này nhưng dường như thật xa vời với một người đàn bà trong cảnh ngộ như cô. Đôi khi cô lại tự nhốt vào trong phòng, bởi vì mỗi lần đi đến những nơi đông đúc vui tươi thì cô Chi lại thấy chạnh lòng. Nếu đứa con gái cô vẫn còn sống… nếu đứa bé trai cô có thể sinh nó ra đời thì… hỡi ơi, đôi mắt cô đỏ hoen…
Duy nhất lúc này chỉ có một âm thanh có thể ngắt ngang dòng suy tư của cô, tiếng chuông cửa.
Anh chàng đứng ngay trước mặt cô. Cũng khá lâu rồi cô Chi chưa gặp nó, chỉ xem qua mấy tấm ảnh cô Thu cho coi mà thôi. Nó lớn quá, cao cũng tầm 5’9″ (5.9 feet tương đương 1.8m) chứ chẳng chơi, hơn hẳn cô cả một cái đầu. Thân hình trắng trẻo, rắn chắc, có lẽ thời gian sống ở bên này hợp khí hậu thổ nhưỡng nên y như một chàng trai ngoại quốc hẳn hoi. À, lại thêm gương mặt hơi góc cạnh xương xương nhìn rất nam tính nữa chứ.
– Con cứ sợ cô đi làm chưa về.
– Cô tranh thủ về sớm chứ con. Lâu lâu mới dịp thế này. Công nhận dạo này con lớn hẳn ra luôn đó. Mấy năm rồi ta, kể từ cái lần gặp ở Sài Gòn đó?
– Hình như cũng 4 năm rồi cô ơi.
– Ừ nhanh thiệt, giờ như anh Mỹ rồi.
Cầm gói quà từ tay Tuấn, cô liên tục cười và nói với nó.
– Mẹ con lúc nào cũng chu đáo hơn cô. Bạn bè với nhau mà lúc nào cũng vậy hết trơn.
– Mẹ con luôn vậy đó cô ơi.
– Cô với mẹ con như chị em ruột thịt, giờ ở xa chứ nếu không chắc dọn nhà làm hàng xóm nhau luôn đó.
Hỏi han tình hình cuộc sống, việc học hành cũng như chuyến về thăm nhà của nó mà cô quên hẳn đến ăn tối. Tuấn cứ vừa nhai popcorn vừa chuyện trò với cô Chi, nhưng đến lúc nó buộc phải lên tiếng.
– Con ăn tối chưa, hai cô cháu mình đi ra ngoài ăn nhé cô?
– Ồ, cô xin lỗi. Gặp con vui quá nên cô quên mất. Cháu cô đói lắm rồi chứ gì, thôi cũng không xa đây lắm có một nhà hàng người Việt mình ăn cũng ngon lắm.
– Dạ được vậy thích quá rồi cô.
Hai cô cháu, Tuấn và cô Chi tranh thủ ngồi ăn lại tám đủ chuyện, sau khi nghe hết các chuyện nó kể, cô cũng kể sơ qua về những ngày cô về Cali này. Câu chuyện dường như không có điểm kết thúc.
– Con cũng đã quyết định không ở chung với bố và mẹ kế với mấy đứa em kia nữa.
– Con suy nghĩ kỹ chưa? Cô thấy bố thương con lắm đó, nếu con ở trong hoàn cảnh của bố con thì chắc con sẽ thấu hiểu.
– Con nghĩ kỹ lắm rồi. Con có thể tự lo cho bản thân con được mà.
– Nhưng chuyện này mẹ con đã biết chưa? Hay trong nhất thời con giận bố con quá nên nói như vậy…
– Không đâu cô ơi, chuyện suy nghĩ rồi quyết định này thì con chắc chắn. Còn chuyện nói với mẹ… thì chưa…
– Vậy con tính mọi chuyện như thế nào? Khả năng thuê riêng nhà luôn hay share phòng thôi?
– Chắc con share phòng thôi cô, con có 1 mình thì cũng chẳng gì rộng rãi quá đâu. Một căn phòng đi về ngủ nghỉ vậy thôi à.
– Vậy cũng được, giờ con đi học mà. Mai mốt ra đi làm rồi tính tiếp.
– Con nghĩ y chang vậy đó.
– À, hay con dọn qua đây ở nhà cô đi. Cô dư một phòng cũng chẳng làm gì hết. Chuyện tiền bạc thì cô không tính gì luôn, có người lâu lâu nói chuyện cho đỡ buồn.
Tuấn ra vẻ e ngại, nó đến ở đây sẽ gây phiền phức cho cuộc sống vốn khép kín của cô. Thêm phần cô nói sẽ không tính tiền nhà gì đó nữa. như vậy càng không thể được.
– Dạ thôi cô, để con tìm bên ngoài cho tiện. Chứ đây nhiều khi giờ giấc của con làm ảnh hưởng cô.
– Nói vậy không sợ cô buồn cô giận hả Tuấn?
– Con… con… ngại phiền hà người khác.
– Hay há, cô với mẹ con như chị em, con như con cháu của cô khác gì đâu.
Cuối cùng nó cũng vui vẻ cảm ơn cô Chi, và ngay trong ngày mai sẽ chuyển đến ở. Cô Chi cũng vui vì bớt cô quạnh, bản thân Tuấn cũng lâu nay đã quen sống trong không khí gia đình, dù cho hiện tại đang ở chung với gia đình riêng của bố nó không thật sự trọn vẹn ấm áp, nên cũng thấy có phần thân quen trong lần bước chân rời xa gia đình đê bắt đầu cuộc sống “tự lập”.