Phần 27
Tôi thử sờ sờ ra sau lưng mới biết cảm giác ấy xuất phát từ vị trí trúng liên hoa tiễn ban nãy. Bốn cái móc sắt đâm vào da thịt tuy không lấy mạng người, nhưng vẫn dứt đi mấy mảng da. Lúc này mồ hôi tôi lại tuôn đầm đìa, thành ra ngứa ngáy không tả.
Chẳng những thế, những vị trí trúng tên khác trên người cũng bắt đầu râm ran ngứa, nhưng ngứa cỡ này vẫn còn chịu được. Tôi không rảnh mà bận tâm đến cảm giác nhoi nhói như muỗi đốt ấy, chỉ gãi gãi qua loa vài cái xong tiếp tục đi nghiên cứu căn mộ thất kỳ quái này.
Tôi không thông hiểu lắm kết cấu địa cung phổ biến của mộ táng thời Minh, chỉ biết một chút về mộ táng của quý tộc, không biết giữa hai cái này có sai biệt nhiều lắm hay không, đành miễn cưỡng đem những tri thức trong đầu đối chiếu với cảnh tượng trước mắt.
Dựa theo suy đoán, hiện tôi đang đứng ở điện thờ phụ bên trái, nhìn sang phía đối diện chính là điện thờ phụ bên phải. Hai điện thờ trái phải hẳn là đối xứng nhau, bên trong lý ra phải có một quan sàng bằng cẩm thạch trắng nhô cao hẳn lên, trên mặt quan sàng lát toàn gạch vàng, chính giữa có một lỗ hổng hình chữ nhật, trong đổ đất vàng, gọi là “Giếng vàng”. Hiện nơi đây hoàn toàn trống trơn, chỉ có một cái ao lớn.
Nơi này nói sao cũng thật kỳ quái, tôi đang đứng trước cánh cửa nằm giữa hai căn điện thờ phụ, cánh cửa này hẳn là thông với hậu điện, đó mới chính là nơi đặt quan tài. Vậy vì sao trong phối thất có quan tài, nhưng quan tài lại có dạng cái thau rửa mặt? Phải biết loại bồn quan này chỉ thời Chiến quốc mới có, thời Minh hoàn toàn không dùng.
Nói đến Chiến quốc, tôi lại nhớ tới con xà mi đồng ngư lấy ra từ Lỗ Vương cung. Cả hai nơi đều tìm được vật này, mà ở đây lại đặt một cỗ quan tài chỉ có ở thời Chiến quốc, lẽ nào chỉ là trùng hợp?
Nhất thời tâm trí rối như tơ vò, nghĩ mãi vẫn chẳng ra.
Lúc này tôi đã đi gần hết một vòng xung quanh ao nước, quay trở lại cánh cửa ban đầu. Cái bát sứ tôi dùng làm hung khí khi nãy vẫn nằm chỏng chơ gần đó, tôi chợt nảy ra một ý, bèn nhặt nó lên, ngắm nghía hình vẽ trên bề mặt.
Vật này vốn nằm trong căn phòng phụ phía bên kia, có điều một bức vẽ đơn lẻ cũng chẳng chứa được thông tin gì đáng giá. Tôi chỉ thấy một người mặc triều phục đời Minh, đứng trên một ngọn núi, nhìn xuống công trường dưới chân. Cạnh đó còn của mấy người mặc quan phục, xem ra là một bức tranh vẽ lại cảnh thị sát công trường.
Tôi dựa vào hoa văn trên đám đồ gốm sứ, đại khái có thể đoán ra chủ nhân ngôi mộ này nhất định không phải vương công quý tộc gì, mà rất có thể là một nghệ nhân hoặc kiến trúc sư. Chỉ có dạng nhân tài này mới đủ năng lực lẫn tri thức để áp dụng những thiết kế cổ quái như thế trong mộ. Kẻ khác cho dù có ý tưởng tương tự cũng không đủ khả năng thực thi.
Người tài và thợ giỏi sống vào đầu thời Minh không nhiều lắm, xem quy mô ngôi mộ này, nhất định là một người có địa vị hiển hách, có thể huy động một lượng tài lực lớn. Kẻ này không những cần có kinh nghiệm thi công một công trình lớn cỡ hoàng cung triều Minh, mà còn phải thông hiểu phong thủy lẫn những mánh khóe tinh vi xảo quyệt, người như thế kể ra cũng không khó đoán.
Chỉ mất vài giây suy nghĩ, một cái tên đã lóe lên trong đầu tôi – Uông Tàng Hải.
Kẻ này có thể coi là kỳ nhân, hiểu biết về phong thủy của ông ta đã đạt tới đỉnh cao. Vì thế Uông Tàng Hải được bổ nhiệm tham gia thiết kế hoàng cung triều Minh, ngoài ra còn thiết kế thêm vài thành phố lớn của Trung Quốc, đương thời chỉ một câu nói của ông ta thậm chí có thể xóa sổ vài thành thị. Tôi đọc sách cổ còn biết Uông Tàng Hải có một quyển sách viết về phong thủy, nội dung trong đó vô cùng sâu xa bí hiểm, thực tình có thể nói ông ta đã nhìn thấu thiên cơ, tiếc thay con cháu ông ta chỉ sao lại vài bản, về sau đều thất truyền cả.
Vả lại, tương truyền mộ của Thẩm Vạn Tam dưới đáy sông Ngân Tử ở Chu Trang cũng do kẻ này thiết kế, một người như ông ta thừa sức tự thiết kế một mộ huyệt cho riêng mình.
Tôi thấy suy đoán của mình khá hợp lý, hiện giờ chỉ cần tìm được chút văn tự hoặc tư liệu là có thể kiểm chứng xem suy đoán ấy đúng hay sai, đáng tiếc chủ nhân ngôi mộ này hình như là một kẻ thất học, không hề lưu lại chút minh văn nào.
Đúng lúc này, trong ao nước đột ngột truyền tới mấy tiếng ùm ùm, suy nghĩ của tôi nhanh chóng bị cắt ngang, vội lấy đèn pin rọi về hướng ấy. Chỉ thấy khắp ao nước kia bắt đầu sủi bọt, lúc mạnh lúc yếu, từng đợt từng đợt một không theo quy luật nào, tựa như trong cái ao sâu không thấy đáy này có thứ gì đó đang hoạt động.
Tôi hoảng hốt, vội vã giương súng, căng thẳng nhìn chằm chằm vào đám bọt khí kia. Gần như cùng lúc, một cái bóng trắng lao lên bờ, lăn tròn một vòng đến tận góc tường, há miệng thở phì phò. Tôi nhìn kỹ, thì ra là Bàn Tử, thật vui mừng không sao tả xiết. Áo hắn đã cởi ra từ lúc nào, lộ ra cái bụng to kềnh càng như trống. Hắn vừa thở hổn hển vừa ngó tôi một cái, lắc lắc đầu, nói: “Mẹ… nó, suýt nữa tôi đã chết… chết ngạt rồi”
Tôi vừa định hỏi hắn chuyện gì đã xảy ra thì bên cạnh chợt có một người ngoi lên mặt nước. Tôi nhìn sang, thấy Muộn Du Bình cũng đã nổi lên, phần thân trên cũng để trần, nhưng hình xăm kỳ lân màu đen đã bay đâu mất. Rõ ràng hắn không mất sức nhiều như Bàn Tử “Đây là bên trái hay bên phải?”
Tôi đáp bên trái, hắn mới thở phào, nhanh chóng ngồi xuống, bụm lấy cổ tay mình. Tôi thấy trên cổ tay hắn hằn lên một dấu tay đen sì, chợt có dự cảm chẳng lành.
Bàn Tử thở hổn hển hồi lâu mới ổn định trở lại, ôm bụng thở một hơi dài. Tôi hỏi hai người làm sao tới được đây, hắn khạc ra mấy bãi nước bọt, nói: “Đừng hỏi nhiều, may mà cậu không thấy cảnh ấy, nếu không đảm bảo sẽ sợ muốn vỡ tim. Má ơi, may mà bên dưới phiến đá đặt quan tài có một cái động thông đến chỗ này, bằng không chúng tôi sẽ chết hết trong ấy.”
Tôi sốt ruột hỏi: “Có thứ gì đáng sợ đến thế ư?”
Bàn Tử đáp: “Mẹ kiếp, tôi cũng chẳng biết phải miêu tả thế nào, thôi ngắn gọn là trong bụng cái thi thể ghép sáu kia… mẹ nó còn có một vật.”