Phần 3
Kỹ năng bơi lội của Lý Tứ Địa rất tốt, những việc cần làm dưới nước đều do cậu ta phụ trách. Cậu ta nói: “Trong vòng một giờ ở đây chắc chắn sẽ có một cơn bão lớn, nước biển rút xuống nhiều như vậy chính là bằng chứng. Không bao lâu nữa nước biển sẽ bị áp suất thấp hút tới đây tạo thành một cơn sóng thần cỡ nhỏ, chúng ta chỉ có ba chiếc xuồng cao su bé tẹo, e là tình hình không được lạc quan cho lắm.”
Cậu ta đã nói hết sức khéo léo, nhưng chú Ba nhìn nét mặt cậu ta cũng hiểu đợt này bọn họ chết chắc rồi. Những người ở đây đều chưa trải sự đời nên cả đám đều sợ đến tái mặt, có mấy nữ sinh đã bật khóc.
Chú Ba nắm lấy tay Văn Cẩm, phát hiện lòng bàn tay cô đã ướt đẫm mồ hôi, hẳn là cực kỳ sợ hãi. Khi đó chú Ba cũng chưa từng trải qua chuyện tương tự, nhưng nghề của chú chính là đổ đấu nên đã có sẵn tố chất cực kỳ tốt. Chú liền nhắc nhở bản thân không được hoảng loạn, nếu hoảng loạn thì thực sự không còn chút cơ hội nào!
Chú kiểm tra lại nhân số, lúc mới đến đây nhóm khảo sát có tất cả mười người, giờ một người đã chết, một người theo thuyền lớn trở về để báo cáo với cấp trên sự cố và phát hiện dưới biển. Bây giờ chỉ còn có tám người, chú Ba hỏi Lý Tứ Địa: “Cơn bão đó sẽ kéo dài bao lâu?”
Lý Tứ Địa nói: “Bão mùa hạ thường diễn ra rất nhanh, đại khái khoảng mấy chục phút là xong, nhưng lúc đó nước biển tối thiểu sẽ dâng lên năm sáu mét, đến lúc ấy toàn bộ đoạn đá ngầm này đều bị ngập.” Cậu ta lắc lắc đầu, “Dù chỉ kéo dài mấy chục phút cũng không phải là chuyện đùa, bị sóng đánh nếu không đụng phải đá ngầm thì cũng bị cuốn chìm xuống biển, không phải tôi hù dọa anh mà chuyện này thật sự là rắc rối lớn.”
Đầu óc chú Ba rất nhanh nhạy, nháy mắt đã đưa ra vài phương án rồi lại lập tức bác bỏ. Lên xuồng chèo về? Không được, có chèo mau đến mấy cũng không thoát được cơn bão. Dùng bình dưỡng khí lặn xuống dưới nước? Đáy biển xung quanh mỏm đá ngầm này, chỗ sâu nhất cũng chỉ có hơn bảy mét, căn bản không khả thi.
Chú Ba thấy đáy biển lúc này đã có thể dùng mắt thường nhìn thấu, đột nhiên một kế hoạch vô cùng mạo hiểm hiện ra trong đầu chú như tia sáng lóe lên trong bóng tối. Tình cảnh lúc ấy căn bản không cho phép cân nhắc kĩ càng về tính khả thi của nó, chú nói với những người kia: “Chúng ta cũng không cần nghĩ nhiều như vậy, mọi người tập trung bình dưỡng khí lại xem còn bao nhiêu oxi, chúng ta xuống dưới cổ mộ tránh đi một lúc!”
Chú Ba đã quen thuộc với việc ra vào cổ mộ, cho nên không cảm thấy có vấn đề gì. Nhưng những người khác đều là mọt sách, ý kiến này quá táo bạo, vừa nói ra mọi người đã nhao nhác lên. Chú Ba thấy ý kiến không thống nhất, vội phân tích thiệt hơn cho bọn họ.
Chú chỉ chỉ đường chân trời, nói: “Mọi người xem, giờ chúng ta còn chưa có cảm giác gì về cơn bão, nhưng chắc mọi người đều đã xem qua phim ảnh về sóng thần, thứ này không phải chuyện chơi. Nếu đứng nguyên một chỗ chờ bão tới thì chỉ có một con đường chết, chắc chắc ngay cả thi thể cũng không tìm được. Vừa hay dưới biển lại có sẵn một nơi để tị nạn, chúng ta đã biết trong cổ mộ nhất định có không khí, hơn nữa lượng không khí này lại có thể thở được, bởi lẽ nó tiếp xúc với dòng nước lưu thông cho nên chất lượng hẳn là không có vấn đề gì. Chúng ta không có nhiều người, cứ vào bên trong chờ khoảng một giờ rồi trở ra, đây là cơ hội sống sót duy nhất!”
Chú Ba có chút thiên phú về khoản thương thuyết, nếu không việc kinh doanh của chú sau này đã không thuận lợi đến vậy. Mọi người thấy chú nói rất có lý, trong lòng cũng nhen nhóm một tia hy vọng. Họ tập trung các thiết bị lặn, xì hơi ba chiếc xuồng cao su rồi gấp gọn lại. Tất cả đều chuẩn bị xong xuôi, chú Ba thống nhất một số động tác ra hiệu bằng tay dưới nước với họ, sau đó dẫn họ lặn xuống biển. Chú bật đèn soi chống thấm lên, lãnh vị trí tiên phong tiến vào mộ.
Thiết bị lặn thời ấy bao gồm một cái mũ sắt to đội lên đầu, nhìn rất cồng kềnh nhưng lại cực kỳ chắc chắn, có mũ sắt này thì dù phía trước có sinh vật biển lớn đến đâu cũng không dễ dàng nuốt được người đội nó. Chú Ba cố gắng thả lỏng cơ thể, vừa bơi vừa quan sát. Đường vào mộ càng ngày càng hẹp, cứ đà này thì đến cuối con đường bọn họ có thể bơi qua được hay không cũng còn chưa biết, cũng may cả bộ dụng cụ đều đeo trên người, nếu tình thế không ổn còn có thể phá một con đường khác để đi.
Vách đá trên đường vào mộ có rất nhiều hình điêu khắc mặt người, phía trên có một tầng vật chất rất dày bám vào, không thể nhận rõ là triều đại nào. Những người kia đúng là chưa trải sự đời, nhanh chóng quên mất hoàn cảnh hiện tại, xúm vào nghiên cứu mấy khuôn mặt đó. Chú Ba đau đầu không dứt, đành phải thường xuyên dừng lại thúc giục bọn họ.
Nhóm khảo sát bơi về phía trước mười lăm phút, quanh co vài vòng đã không thể xác định được phương hướng. Chú Ba cảm thấy những người này rất lộn xộn, cần chỉnh đốn một chút, vì thế ra hiệu cho những người đằng sau dừng lại. Chú ra hiệu cho Văn Cẩm kiểm tra lại nhân số xem có ai tụt lại phía sau hay không. Bơi lội trong con đường hẹp hòi này khá hao phí thể lực, những người đó đều mệt rã rời, vừa thấy động tác ra hiệu đã coi như được đại xá, cả đám lảo đảo ngồi xuống.
Chú Ba ngao ngán nhìn bọn họ, thầm nghĩ làm chỉ huy đúng là không dễ chút nào. Chú chiếu đèn định bơi lên phía trước xem xét, bỗng Văn Cẩm vỗ vỗ chân chú. Chú Ba quay đầu, thấy nét mặt cô cực kỳ hoảng hốt, trong lòng căng thẳng, thầm nghĩ chẳng lẽ thật sự có người tụt lại phía sau?
Văn Cẩm luống cuống tay chân không biết nên biểu đạt ý mình ra sao, cô giơ một ngón tay lên lắc lắc trước mặt chú Ba. Chú không biết cô có ý gì, hỏi: Có phải thiếu một người không? Văn Cẩm nhìn khẩu hình của chú Ba, lắc đầu, xòe một bàn tay ra còn tay kia giơ lên bốn ngón rồi áp hai tay sát vào nhau. Chú Ba đã hơi bực, cố gắng nhìn kỹ khẩu hình của Văn Cẩm, đột nhiên phát hiện thực ra cô muốn nói: “Thừa một người!”