Phần 20
Cách đây ít lâu, Mạnh cũng đứng đợi ở sảnh đón quốc tế này, đó là lần cùng hai đứa ‘con’ đi đón ‘mẹ’ Thục Trinh từ Singapore trở về. Lần này cậu không có ngóng trông giống lần trước mà hờ hững ngồi ở ghế đợi, mặc kệ cô Hoa đứng nép sát vào hàng rào bảo vệ ngóng trông đứa con trai của mình. Mạnh thấy cô nhốn nháo, ngó hết người này người nọ khi thấy lác đác có người từ bên trong bước ra. Nghe cô bảo, từ lúc con cô đi du học đến nay cũng tròn 3 năm, cô chưa được gặp con lần nào, cũng rất hiếm biết thông tin của nó, chỉ thỉnh thoảng nó gửi về cho một lá thư báo vẫn khỏe.
Kể cũng phải, điều kiện về kinh tế hai mẹ con cô Hoa phải nói là không có, việc đi du học nếu không phải săn được học bổng thì chắc cô cũng chẳng đủ khả năng mà cho con đi. Nhưng ơn giời, mọi thứ rồi cũng qua, cũng đến cái ngày con trai cô vinh quy bái tổ. Cô chỉ còn chờ một việc nữa là con trai cô tìm được công ăn việc làm ổn định ở Hà Nội nữa là cô sẽ về quê.
Mạnh thấy cô Hoa như một đứa trẻ nhảy cẫng lên, tay khua khua vào không khí vì nhìn thấy bóng thằng con trai ở phía trong, Mạnh cũng chửa biết con trai cô là ai trong đám đông từ phía trong bước ra. Giữa muôn vàn tiếng ồn ào náo nhiệt của sảnh sân bay, Mạnh nghe rất rõ tiếng cô Hoa nói lớn:
– Quang ơi! Quang ơi! Mẹ đây! Mẹ đây!
Hình như cậu thanh niên cao ráo, chưa nhìn kỹ nhưng thoáng cũng có vẻ đẹp trai giống mình cùng một nhóm bạn khoảng 5 người nữa đẩy xe hành lý bước ra là Quang, người mà cô Hoa đang ngày đêm trông ngóng.
Nhưng có một sự bất thường, hoặc không phải người mà Mạnh nghĩ đấy là Quang, bởi cậu thanh niên này hình như không có phản ứng gì với lời gọi của mẹ mình. Cậu ta cùng nhóm bạn rẽ trái, lướt qua mặt cô Hoa như người không quen biết, vừa đi vừa nói chuyện rất rôm rả với nhóm bạn của mình.
Ô kìa! Sao cô Hoa đứng như trời trồng nhưng khuôn mặt thì quay theo hướng đi của cậu thanh niên ấy, miệng cô vẫn cố nói thật to: “Quang ơi! Quang ơi! Mẹ đây, mẹ đây!” Đến giọng khàn đặc cả đi. Không lẽ cô Hoa nhầm người, quái lạ, có người mẹ nào lại nhầm khuôn mặt con trai mình được cơ chứ. Quang đi mới có 3 năm chứ có phải ba mươi năm đâu mà thay đổi đến nỗi mẹ không nhận ra được.
Mạnh vẫn ngồi im trên ghế quan sát, cậu không biết mặt cái cậu Quang này nên cũng không thể nói là cô Hoa nhận nhầm người hay là còn vì một lý do nào khác.
Mạnh tiếp tục quan sát cậu thanh niên mà cô Hoa vừa gọi là Quang. Cậu ta đi cùng nhóm bạn đến một góc phía xa ở sảnh, đám người nói với nhau cái gì đó rất vui vẻ, vỗ vai nhau, thậm chí làm ôm nhau như chuẩn bị cách xa hẹn ngày tái ngộ. Khi đám bạn ấy đi hẳn ra phía ngoài thì cậu thanh niên mới kéo xe hành lý của mình trở lại phía cô Hoa.
Cô Hoa đứng cách không xa Mạnh lắm, khi cậu thanh niên trở lại đứng trước mặt cô Hoa, cô vẫn lẩm bẩm:
– Quang, Quang phải không con?
Đến chính cô Hoa còn bợ ngợ hỏi lại vì không tin tưởng vào mắt mình nhìn. Rõ ràng cậu thanh niên mà đi lướt qua mặt cô vừa nãy, cô gọi thì lặng thinh không trả lời, giờ lại quay lại đây nhìn cô.
Đến khi tiếng nói của người đó cất lên, cô Hoa mới òa lên mừng rỡ vì không thể nhầm lẫn được nữa:
– Mẹ! Con nói là mẹ không cần ra đón con rồi mà.
Cô Hoa vồ lấy ôm chầm đứa con xa nhớ, chiếc áo hoa quần vải quê mùa của cô làm cô trở nên lạc lõng giữa chốn đông người:
– Quang của mẹ. Cuối cùng con cũng về rồi.
Tại sao nhỉ? Tại sao cái cậu Quang đi xa trở về, gặp mẹ lại không có thái độ gì mừng rỡ lắm nhỉ. Trông cậu ta mặt mũi cũng sáng sủa, ăn mặc cũng đèm đẹp. Không lẽ cậu ta sợ người khác nhìn thấy một người đàn bà quê mùa thân mật với mình hay sao? Người đó là mẹ cậu ta cơ mà. Mạnh thấy thật là lạ.
Quang khẽ đẩy mẹ ra khỏi người mình, cậu ta nói:
– Mẹ khỏe không ạ? Con lo mẹ vất vả nên bảo mẹ không phải ra đón. Con tự về được mà.
Cô Hoa rơm rớm nước mắt vì con trai lo cho mẹ. Cô khẽ quệt ống tay áo hoa mình lên ngang mắt:
– Mấy năm rồi mẹ không được gặp con. Mẹ nhớ. Gặp con sớm lúc nào hay lúc đấy.
– Vâng, thế mẹ con mình về đi. Mẹ đi đến đây bằng xe buýt à?
Lúc này cô Hoa hình như mới nhớ ra Mạnh, người đã đưa cô đi đến đây:
– Không, mẹ được cậu Mạnh, người cùng cơ quan mẹ đưa ra đây. Nào để mẹ dẫn con gặp cậu ấy. Mạnh bằng tuổi với con.
Hai mẹ con cô Hoa song song bước tới chỗ Mạnh. Khi đến gần, Mạnh chủ động giơ tay ra phía Quang bắt:
– Chào cậu, tôi là Mạnh, tôi làm cùng cơ quan với cô Hoa. Hôm nay tôi đưa cô Hoa ra đón cậu.
Quang không quan tâm nhiều lắm tới Mạnh, bởi Quang phán đoán người cùng cơ quan mẹ đưa ra đây thì chắc là lái xe rồi. Nhưng khi cánh tay của Mạnh chìa ra, chiếc nhẫn kim cương nhiều kara tỏa ra ánh sáng, chưa hết, ở cổ tay đeo nhẫn, khi Mạnh chìa ra thì cổ áo bị vén lên trên, là chiếc đồng hồ Patex Philip. Quang chợt ngớ người nhìn bộ quần áo và đôi giày mà Mạnh đang đi. Toàn độ hiệu top thế giới. Trong đám bạn của Quang đi du học, chỉ có Quang là theo dạng học bổng, còn lại đều là dạng tự túc. Hay nói đúng hơn, chỉ có Quang là con nhà nghèo, còn lại đều là dạng danh gia vọng tộc. Chính vì vậy, Quang biết Mạnh không đơn giản chút nào. Hay nói chính xác không phải là lái xe như phán đoán ban đầu.
Thôi ngay cái thái độ hờ hững, Quang khẽ cúi đầu giọng cầu thị:
– Xin chào Mạnh, rất vui được làm quen với cậu. Tôi là con của mẹ Hoa. Thật là cảm ơn cậu đã đưa mẹ tôi ra đây. Cậu vất vả quá.
Cô Hoa ở ngoài giải thích thêm vì vừa rồi Mạnh giới thiệu làm cùng công ty, nói là làm cùng như cô ở đáy còn Mạnh ở ngọn:
– Cậu Mạnh đây là một Giám đốc ở công ty chỗ mẹ làm lao công. Hôm nay mẹ định bắt xe buyt nhưng lại gặp cậu Mạnh nên mẹ nhờ cậu ấy đưa ra đây.
Quang có ý trách mẹ:
– Mẹ này, lần sau đừng phiền cậu Mạnh những việc nhỏ như thế này nữa.
Mạnh xua tay vì coi việc mình đưa cô Hoa ra đây như một cuộc dạo chơi, không đáng kể gì:
– Chuyện nhỏ ấy mà, sau có việc gì cô cứ nói với cháu. Thôi, giờ mình về thôi nhỉ?
Thế là 3 người cùng ra rời khỏi sảnh đón, bước ra phía bên ngoài. Chiếc xe Range Rover láng cóng đậu trong bãi đỗ xe phát tiếng kêu “chíu chíu” khi Mạnh bấm chìa khóa mở từ xa. Quang một lần nữa trầm trồ, phán đoán của Quang quả không sai tẹo nào. Trong đầu Quang suy nghĩ nhiều thứ vô cùng, trong đó suy nghĩ lớn nhất chính là gã tên Mạnh này là ai? Chiểu theo tuổi ngang mình, vậy mà nhìn những đồ vật trên người cậu ta, chiếc xe cậu ta đi thì không mười thì cũng phải chín phẩy chín phần là con một người nào đó có thế lực, không thuộc lĩnh vực chính trị thì cũng thuộc lĩnh vực kinh tế.
Quang tót lên ghế trước ngồi, để mẹ ngồi sau. Quang tính là trong khi lái xe, hắn muốn qua câu chuyện dò la được điều gì thì dò.
Trên đường trở về nội thành, Mạnh bắt chuyện:
– Quang du học ngành gì bên Trung Quốc vậy?
Thấy Mạnh bắt sóng trước, Quang lại càng mừng, hắn đỡ phải mặt mo mà mở lời, kẻo người ta lại nghĩ hắn thấy sang bắt quàng làm họ:
– Tôi á, tôi học cao học chuyên ngành Quản Trị Kinh doanh ở Đại học Bắc Kinh. Tôi vừa tốt nghiệp xong. Nhà trường cũng định giữ lại học lên cao hơn nhưng tôi về nước vì còn phải chăm sóc mẹ, với lại… điều kiện kinh tế cũng không cho phép tôi học cao hơn.
Quang thật là khôn khéo, hắn vừa tế nhị khoe trình độ của mình nhưng cũng không quên nói cái cảnh khó khăn, đặng ai mủi lòng muốn giúp thì giúp.
Cô Hoa rơm rớm nước mắt nghe lỏm câu chuyện của con trai và Mạnh, cô cảm động vì thằng con vì cô mà về nước, phải bỏ dở chuyện học hành. Cô cũng tự trách bản thân mình không kiếm ra nhiều tiền để con tiếp tục việc học. Cả đời cô chỉ tâm niệm một điều làm sao mà lo cho thằng Quang được học hành thành tài, cô sẵn sàng hy sinh, chịu đựng muôn vàn cực khổ đắng cay ở cái đất Thủ đô này cũng chỉ vì mục đích đó. Ngoài làm lao công toàn thời gian cho Công ty Đẹp +, cứ mỗi khi đêm về, cô nhận thêm việc quét rác ngoài đường để kiếm thêm thu nhập. Ngày nào cũng thế, cô quét rác trên các con phố từ 23h đến tận 2 giờ sáng ngày hôm sau. Bao nhiêu năm vẫn thế.
Mạnh suy nghĩ một hồi lâu rồi mới nói, cậu đang nghĩ tới cô Hoa nhiều hơn là cái cậu thanh niên ngồi cạnh mình. Chẳng phải cô Hoa vẫn có mong ước đợi con của cô du học về, xin được việc làm ổn định là sẽ về lại quê hương hay sao. Mạnh biết, đối với người như cô Hoa, việc sống ở trên đây là điều bất đắc dĩ, nơi cô mong muốn sống nhất không phải là chốn phồn hoa đô hội, mà là nơi thôn quê với cánh đồng mảnh ruộng, với họ hàng làng mạc. Với suy nghĩ đó, Mạnh thực tâm muốn giúp Quang, con trai của cô có được một việc làm, tất nhiên là nếu hắn cần:
– Vậy tới này Quang có dự định làm việc ở đâu chưa? Người du học về như Quang thì không khó để xin được một công việc tốt đâu.
Hình như cá đã cắn câu thì phải, Quang trộm nghĩ như vậy, với cái giọng buồn buồn, đôi mắt nhìn xa xăm:
– Thực ra tôi cũng chưa có dự định gì cả, chỉ biết là phải đi xin việc ở một nơi nào đó thôi. Mà bây giờ xin việc cũng không phải là dễ dàng gì cả, nhất là việc gì đó phù hợp với chuyên ngành mình được học. Mạnh biết chỗ nào thì giới thiệu cho tôi. Không biết như thế có phiền Mạnh quá không?
Là Quang thăm dò, việc Mạnh giới thiệu thì cứ giới thiệu, nếu ngon thì hắn ăn, nếu không ngon thì hắn nhả, chả sao.
Nếu nói về việc làm, Mạnh đương nhiên có chỗ cho Quang làm rồi. Công ty của bố có cả vạn cán bộ nhân viên, công ty của mẹ có cả nghìn chỗ làm. Không lẽ không có một chỗ cho người mà Mạnh giới thiệu hay sao:
– Phiền gì đâu. Nếu Quang chưa có chỗ nào làm việc thì tôi có thể giới thiệu đến một nơi, ở đó cũng đang cần những người có trình độ như Quang.
Mắt Quang sáng lên ngay lập tức nhưng kịp thời chấn tĩnh không để lộ vẻ phấn khích ra bên ngoài:
– Ở đâu vậy Mạnh?
Mạnh đáp rõ ràng, nhanh nhẹn bởi cái tên đó đã quá quen thuộc với cậu và cũng chính là nơi mà cậu sẽ làm chủ sau này:
– Tập đoàn Trần Gia.
Bốn chữ “Tập đoàn Trần Gia” nổ như bom trong đầu Quang. Với kiến thức cao học của mình, Quang không lạ gì Tập Đoàn bất động sản lớn nhất Việt Nam tên Trần Gia. Được làm việc trong tập đoàn không chỉ là niềm mơ ước của nhiều người mà nó còn là cơ hội đổi đời. Và nếu là tập đoàn lớn như vậy, đương nhiên tên tuổi của chủ tịch tập đoàn, gia cảnh của chủ tịch cũng không phải là thông tin không được mọi người tìm hiểu. Ông chủ tập đoàn tên là Trần Quốc Đạt, và người con trai duy nhất của ông ta là Trần Quốc Mạnh. Quang đoán không nhầm, thì người đang lái xe tên Mạnh đang chở mình không phải ai khác mà chính là cậu ấm đó. Quang run run khi nghĩ về điều đó.
Nếu được đích thân Mạnh giới thiệu vào, thì việc thăng tiến sẽ được rút ngắn đi rất nhiều, cơ hội vàng đang mở ra ngay trước mắt, trong ngày trở về này:
– “Có phải tập đoàn Trần Gia chuyên về các dự án bất động sản trong cả nước không?”, Quang hỏi lại cho chắc ăn.
– Cậu cũng biết tập đoàn Trần Gia à?
– Tập đoàn lớn như vậy ai mà không biết, nhất là tôi lại học về chuyên ngành quản trị kinh doanh. Tôi có nghiên cứu về mô hình quản lý của tập đoàn. Từ lâu tôi đã mơ ước được làm việc trong tập đoàn rồi. Nếu được thì…
Quang bỏ lửng câu nói đó để tự Mạnh đưa ra quyết định.
Mà Mạnh thì cũng chẳng suy nghĩ nhiều, giúp được ai cái gì thì giúp thôi. Nhất là việc đó trong tầm tay, chẳng phải mất cái gì. Nếu tìm được một nhân sự tốt cho ông bô, có khi còn được ông bô khen rồi bố trí cho một tua chơi gái ngon không biết chừng:
– Được, nếu cậu muốn thì tôi giúp. Để tôi về nói chuyện với… bố.
Đến đây thì Quang khẳng định một trăm phần trăm rằng Mạnh là cậu ấm của Tập đoàn Trần Gia rồi. Không còn nghi ngờ gì nữa. Quang rối rít cảm ơn:
– Vậy thì tốt quá. Tôi cảm ơn Mạnh.
Cô Hoa ở dưới nghe không sót một câu nào. Cô không phải là người có ý cầu cạnh và nhờ vả Mạnh. Nhưng trong lòng cô thời điểm này chỉ có một khát khao cháy bỏng là thằng con trai có công ăn việc làm. Và nếu đúng như lời cậu Mạnh và con trai cô vừa nói chuyện thì khát khao đó hình như cũng sắp thành sự thực. Vậy là cô sắp được về quê, về với nơi mà cô sinh ra rồi. Chính cái suy nghĩ đó làm cô ngồi yên từ nãy đến giờ, nếu là lúc khác có lẽ cô sẽ ngăn cản, bởi cô không muốn mình và con trai phải hàm ơn ai.
Xe về đến đầu ngõ nhỏ vào nhà cô Hoa. Cả đoạn đường đi, hơn một tiếng đồng hồ. Quang không hề nói với mẹ một câu nào.
…
Mấy hôm sau, vào một buổi tối nọ, bên mâm cơm 5 người gồm “bố” Mạnh, ‘mẹ’ Thục Trinh và 3 đứa ‘con’ Minh Anh, Cu Tí và bé Út, Mạnh kiếm cớ hôm nay đưa bé Út đi viện Vinmec khám rồi thì đòi ăn trực một bữa. Dạo gần đây, cứ thỉnh thoảng cách một hai hôm là Mạnh hết kiếm cớ này đến cớ nọ để được ăn chực cơm do Thục Trinh nấu.
Khi thì nói là nhớ mấy đứa nhỏ muốn đến thăm, khi thì nói là ông bà gửi cho mấy đứa cái này cái nọ, phải đưa tận tay các con mới được, khi thì kiếm cớ bố mẹ đi công tác, mấy bà giúp việc ốm thập tử nhất sinh không nấu ăn được, vv… Chung quy lại là muốn ăn nhờ ở đậu. Mà mỗi lần Mạnh kiếm cớ như vậy, Thục Trinh thấy tội nghiệp ghê cơ, người gì đâu mà gia cảnh khó khăn đến bữa ăn gia đình cũng bữa đàn ông bữa đàn bà (là “bữa đực bữa cái” ấy), Với bản tính thương người của mình, cô cũng chẳng nỡ mà từ chối. Đó là lý do mà hôm nay Mạnh ở đây, ăn cơm dẻo canh ngọt do chính tay cô nấu.
Thấy Thục Trinh buông bát xuống khi mới ăn có một lưng cơm, cả trong bữa ăn cũng chỉ gắp một ít rau, còn những đồ ăn giàu đạm và protein thì tuyệt không đụng đũa. Mạnh thắc mắc hỏi:
– Sao em ăn ít vậy? Người không khỏe à?
Thục Trinh chưa kịp nói vì cũng chẳng biết trả lời ra làm sao, những điều thầm kín của cô không dễ gì mà chia sẻ với người khác, thì Cu Tí lém lỉnh kéo tai bố Mạnh xuống sát mồm mình rồi nói nhỏ, vừa nói vừa liếc nhìn mẹ Trinh, sợ mẹ nghe thấy:
– Bố Mạnh không biết đấy thôi. Dạo này mẹ đang chế độ giảm eo đấy. Ăn ít lắm, buổi sáng còn dậy sớm tập thể dục nữa cơ.
Hai bố con gật gù cùng nhìn vào Thục Trinh làm cô nàng nghi ngờ hai tên đàn ông đang nói xấu mình, cô dứ nắm đấm vào phía Cu Tí:
– Nói xấu gì mẹ đấy, khai mau!
Nhưng chẳng dại gì cu Tí khai cả, cu cậu lắc đầu tội nghiệp:
– Đâu con có nói gì đâu. Bố nhỉ?
Mạnh cũng gật đầu theo, cậu là cậu mong Thục Trinh giảm cân lắm, theo tính toán nhanh như điện của Mạnh, thì Thục Trinh giảm cân đồng nghĩa với sức mạnh sẽ giảm theo. Lúc đó biết đâu cậu sẽ có cơ hội mà đè ngửa Thục Trinh ra rồi làm gì thì làm, trả thù cho cái vụ trong thang máy hồi nào.
Thế rồi bữa ăn cũng kết thúc trong tiếng cười rộn rã của cả gia đình. Giờ đây có thể gọi những mảnh đời trong ngôi nhà nhỏ ấy là một gia đình được chưa nhỉ? Họ, 5 người, 5 số phận khác nhau. Về máu mủ tình thâm gì đó chẳng liên quan gì đến nhau, mỗi người một cha một mẹ. Ấy thế nhưng cơ duyên nào đó, tất cả tập trung về đây, trong ngôi nhà ống nho nhỏ xinh xinh bên dòng sông Hồng thơ mộng, để rồi gắn kết với nhau theo rất nhiều nghĩa. Theo tôi, như vậy đã là quá đủ để gọi đây chính là một gia đình đích thực. Từ nay trở đi, gia đình nhỏ này tôi sẽ gọi bằng một danh xưng là: Gia Đình Thục Trinh.
Mãi đến muộn Mạnh mới về, khi tất cả lũ trẻ đã yên giấc, cũng là để cho Thục Trinh còn nghỉ ngơi, ngày mai còn có rất nhiều việc phải làm. Thục Trinh tiễn Mạnh ra tận cửa, phía bên kia đường là nơi Mạnh đỗ xe.
– Thục Trinh, anh về đây.
Gió từ phía xa thổi vào làm tóc Thục Trinh bay bay, chiếc váy xòe hoa cũng theo đó mà bay theo. Thục Trinh muốn nhìn thật kỹ vào khuôn mặt Mạnh lúc này, cô muốn lắm bởi chỉ một chốc nữa thôi là anh sẽ đi mất. Rồi cô sẽ lại nhớ đến khuôn mặt anh, đến giọng nói, đến những cử chỉ lịch thiệp mà anh dành cho mẹ con cô. Rồi đêm nay như bao đêm dạo gần đây, cô sẽ lại trằn trọc một lúc mới đi vào giấc ngủ được khi nghĩ về anh, rồi cô sẽ tự cười một mình trong bóng đêm khi nhớ cái lần đầu tiên gặp nhau đầy duyên phận ấy. Dẫu biết rằng, chỉ sáng mai thôi là cô sẽ được gặp anh ở trên công ty, nhưng đối với một người đang yêu, 24 giờ gặp nhau một ngày vẫn không đủ, xa nhau một phút dài đằng đẵng như cả thế kỷ.
Nhưng cô lại chẳng dám nhìn, sợ anh nghĩ khác về cô, sợ anh nghĩ rằng cô đang dành tình cảm nam nữ cho anh. Cô sợ anh sẽ nghĩ thế. Cô chỉ muốn và cố thể hiện ra bên ngoài, rằng cô và anh chỉ là hai người bạn đơn thuần thôi, không thể khác được.
Ngoảnh mặt về phía kia, đáp lời Mạnh, Thục Trinh nói thật khẽ:
– Cảm ơn anh hôm nay đã tiếp máu cho bé Út.
Việc chữa bệnh cho bé Út vẫn liên tục không ngừng, hệ thống tuần hoàn vẫn chưa được hồi phục, vì vậy vẫn phải bổ sung một lượng máu nhất định từ bên ngoài vào để hỗ trợ. Bệnh viện không phải là không có đủ máu, nhưng vài lần trước thấy Thục Trinh trực tiếp lấy máu của mình ra truyền cho con, Mạnh cũng bắt chước làm như vậy gọi là cho có tình cảm ấy mà.
– Thục Trinh đừng nói khách sáo như vậy. Anh coi các con như con của mình. Bố truyền máu cho con thì có đáng kể gì. Với lại, thỉnh thoảng cho máu tí cũng tốt cho cơ thể mà.
– Vâng, thôi anh về đi, muộn rồi đấy.
Trước khi nhanh chân rời bước sang bên kia đường, Mạnh lấy hết dũng khí, hết can đảm của một thằng đàn ông đầu đội không khí, chân đạp giày mà hơi hơi ghé sát miệng mình vào tai Thục Trinh để nói thật nhanh:
– Không cần giảm cân đâu. Trinh vẫn đẹp mà!
Thục Trinh lơ ngơ chưa kịp phân tích hết lời nói của Mạnh thì đã thấy Mạnh ở bên kia đường, có lẽ Mạnh lại sợ Thục Trinh sẽ nổi giận mà gây án với mình nên chuồn thật nhanh.
Chiếc xe ôtô lăn bánh khuất tầm nhìn, Thục Trinh mới dám nở một nụ cười thật khẽ, một nụ cười làm duyên, một nụ cười của sự e thẹn rất nữ tính, một nụ cười của hạnh phúc. Đêm nay, có lẽ cô sẽ không trằn trọc nữa mà là… mất ngủ.