Phần 1
Đang ngồi bệt dưới đất vừa học bài giảng văn để sáng mai vô lớp kiểm tra một tiết vừa lấy tay kéo sợi dây cột đầu võng để đong đưa cho thằng Hoạch ngủ thì tôi chợt giật mình khi nghe tiếng nó khóc ré lên. Lật đật bỏ cuốn tập xuống nền nhà, tôi vội chạy đến ẵm nó lên rồi ngó trước ngó sau tìm bình nước đút vào miệng cho nó uống để nó không khóc nữa.
Thằng Hoạch là em trai của tôi. Năm nay nó chỉ vừa mới lên ba trong khi tôi đã tròn mười lăm tuổi. Hai đứa tôi là hai chị em ruột mà cách nhau những mười hai năm trời. Theo lời má tôi kể lại thì hồi đó ba má tôi chỉ định sinh một đứa con duy nhất là tôi mà thôi chứ không định sinh thêm thằng oắt con này. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà từ ngày sinh tôi ra thì công việc của ba tôi ngày càng sa sút và vắng khách. Ba tôi những lúc rượu chè say xỉn thường hay lấy tôi ra làm cái cớ để chửi bới, đánh đập má tôi dù bà không hề có lỗi gì hết. Ba tôi la má tôi như vầy:
– Hồi đó tao đã kêu muốn đặt tên gì thì đặt chứ đừng có đặt nó tên Thu! Thầy bói phán rồi, đặt con tên Thu thì chắc chắn là không có “thu” lại được thứ gì hết! Hèn chi mà tao làm ăn ngày càng lụn bại. Vợ với con… trời ơi là trời…
Má tôi vốn là mẫu người phụ nữ hiền lành, cam chịu và ít nói. Bà không dám đấu tranh cho quyền hạn và lợi ích của chính mình dù biết mình không làm sai trong câu chuyện đang tranh cãi. Bất cứ việc gì cũng vậy, má tôi nói qua một lần mà ba tôi không nghe thì bà không nói nữa, không cố gắng tìm cách giải thích cho ba tôi hiểu là ông đang sai ở chỗ nào mà chỉ im lặng rồi len lén thở dài. Chẳng hạn trong cuộc tranh cãi với ba tôi về cái tên cúng cơm của tôi: Nguyễn Thị Thu!
Má tôi nói:
– Anh nói vậy mà nghe được sao… con cái nó có tội tình gì đâu mà anh đổ thừa tại nó tên Thu nên anh không “thu” được gì hết? Anh không thu được là tại anh mê ăn nhậu rồi bỏ bê công việc…
Má tôi chỉ mới nói tới đó thì ba tôi đã giáng cho bà hai bạt tay vô đầu muốn nổ đom đóm khiến bà phải im bặt rồi ôm mặt khóc rấm rứt. Ba tôi là người có tính gia trưởng, độc đoán và chuyên quyền. Những gì ông nói ra thì cả nhà không ai được phép cãi lại một câu nào, lúc ông tỉnh táo thì còn đỡ chứ lúc ông đã có ba mớ trong người rồi thì chỉ có nước no đòn với ổng.
– Ai nói mày tao mê ăn nhậu? Hả? Hả?
Ba tôi gầm lên như con thú bị thương khi đối diện với những tay thợ săn lành nghề. Kèm theo mỗi tiếng “hả” là một cái bộp tay vô đầu khiến má tôi choáng váng cả mặt mũi. Những lúc như vậy bà chỉ biết ôm đầu chịu trận chứ không dám chạy đi đâu, vì bà mà chạy ra khỏi nhà là ba tôi gom quần áo ra sân rồi châm dầu lửa vào đốt hết. Lúc đó tôi cũng chỉ trạc tuổi thằng Hoạch bây giờ nên còn chưa hiểu hết câu chuyện của ba má, nói gì đến chuyện tìm cách bảo vệ bà khỏi trận đòn của chồng mình.
Cũng theo lời má tôi kể thì sau khi giải phóng 1975 ba tôi có mở một tiệm sửa xe đạp nho nhỏ để sửa cho bà con trong xóm và khách qua đường. Thời gian đầu ba tôi làm ăn rất chăm chỉ và chịu khó nên công việc rất phát triển. Những năm đầu sau giải phóng người dân mình đa số chỉ đi xe đạp hoặc đi bộ, chỉ những nhà giàu lắm mới có xe gắn máy như cub hay 67… còn những con xe như dream hay city thì phải hạng đại gia mới sở hữu cho nên xe đạp vốn là con ngựa sắt quen thuộc được đại đa số người tiêu dùng lựa chọn.
Công việc sửa xe đạp cũng không có gì gọi là quá phức tạp vì nó đâu có máy móc gì. Nhiệm vụ của ba tôi quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài ba việc như vá xe, thay vỏ ruột, canh chỉnh niềng hay tăng giảm sên líp… v. V. Nói chung công việc cũng không có gì nặng nề, chỉ có điều tốn thời gian vì lúc đó những tiệm sửa xe đạp như ba tôi rất ít nên khách đến làm phải chờ ba tôi cả buổi dù chỉ là chờ để bơm cái bánh xe.
Sau một thời gian làm có đồng ra đồng vô thì ba tôi bắt đầu sinh ra đổ đốn. Ông thường xuyên đóng cửa tiệm để đi ăn nhậu, la cà với bạn bè chiến hữu. Do vậy tuy có nhiều ông bà, cô bác vừa là khách hàng quen thuộc của ba tôi, cũng vừa là người trong dòng họ nhưng thấy ba tôi cứ đóng cửa hoài nên cũng tìm đến những tiệm khác để sửa chứ đợi ba tôi thì biết đến khi nào, trong khi ông mãi lo chén chú chén anh với mấy ông chú ông bác thất nghiệp tối ngày chỉ biết ăn rồi ở không. Đúng như ông bà ngày xưa nói “gần mực thì đen” vậy.
Sau một thời gian dài ba tôi sa đà vào rượu chè gái gú thì công việc làm ăn đang trên đà phát triển cũng theo quy luật tự nhiên mà đi xuống dốc. Ba tôi đổ thừa là tại tôi tên Thu nên ông mới làm ăn “thất thu” chứ ông nhất định không chịu nhìn nhận ông làm ăn không được là tại vì mê ăn nhậu rồi bỏ bê công việc khiến uy tín ngày càng giảm sút trong mắt khách hàng.
Tôi hỏi má:
– Má ơi! Sao hồi đó má không đặt tên con là Nụ là Bông hay bất cứ tên gì cũng được… đặt chi tên Thu để ba đi nhậu về rồi gây gổ, đánh má hoài…
Má tôi cười hiền:
– Không phải đâu con… tại ba mày kiếm chuyện đó! Ổng biết ổng làm ăn sa sút là tại ổng mê nhậu nhẹt đàn đúm rồi bỏ bê công ăn việc làm chứ đâu phải tại con! Mà tại ổng cố chấp nên không chịu thừa nhận điều đó…
Rồi má tôi nhìn ra cửa, giọng đều đều kể cho tôi nghe mà như đang tự nói với chính mình bằng thứ âm thanh dịu dàng vọng về từ quá khứ:
– Sở dĩ má đặt tên cho con là Thu vì má sinh con vào mùa thu, cái mùa đã đi vào thơ ca và âm nhạc, đã làm rung động trái tim của biết bao nhạc sĩ và thi sĩ để họ sáng tác ra những tác phẩm đi vào lòng người. Má thích nhất bài Tiếng Thu của nhà thơ Lưu Trọng Lư, trong đó có những câu nổi tiếng như sau:
‘Em không nghe rừng thu…
Lá thu kêu xào xạc…
Con nai vàng ngơ ngác…
Đạp trên lá vàng khô?’
… Má đặt con tên Thu là vì má muốn được nghe “tiếng Thu”, muốn được ôm cả mùa thu vào lòng. Cái mùa mát dịu mơ màng chen giữa mùa hạ nóng bức ngột ngạt và mùa đông giá băng lạnh lẽo.
Nghe má tôi kể thì cái tên Thu của tôi đẹp đẽ và lãng mạn biết dường nào chứ đâu có nghĩa là thu, chi tiền bạc như cách nghĩ phàm phu tục tử của ba tôi.
– Máaaaa…
Đang nằm trên đùi má tôi để nghe bà kể chuyện, tới khúc má tôi giải thích về cái tên của tôi làm tôi khoái quá trời quá đất nên lập tức ngồi dậy ôm lấy cổ bà mà nũng nịu mè nheo dù lúc đó tôi cũng không còn bé bỏng nữa.
Má tôi cười lớn:
– Con nhỏ này… chín, mười tuổi đầu rồi mà làm như con nít lên ba, tối ngày nhõng nhẽo với má…
Mặc kệ má nói gì nói tôi vẫn bá cổ ôm bà chặt cứng rồi thủ thỉ bên tai bà:
– Con có lớn cỡ nào cũng là em bé của má thôi à… hihi…
Nghe tôi nói vậy má tôi khen:
– Con còn nhỏ mà biết suy nghĩ cặn kẽ trước sau, phải chi ba mày được vậy thì má con mình đỡ quá!
Tôi nghe má nhắc tới ba nên thắc mắc:
– Ủa má… hồi má đẻ con rồi đặt tên cho con là Thu bộ ba hổng biết hả? Má hổng bàn trước với ba hả má?
Giọng má tôi buồn hiu như muốn khóc:
– Hồi má có bầu con… đến ngày gần sinh mà ba mày ngày nào cũng đi nhậu đến say xỉn quắc cần câu mới về. Cái bữa má chuyển dạ phải nhờ hàng xóm đưa đi chứ ba mày có ở nhà đâu? Lúc sinh xong bác sĩ hỏi đặt tên gì thì má nói là Nguyễn Thị Thu nên bác sĩ ghi vậy luôn.
– Sao ba biết má gần sinh mà không ở nhà đưa má đi đẻ vậy má?
Nghe tôi hỏi, má tôi lấy xoa đầu tôi như một cử chỉ cưng nựng quen thuộc vì bà không muốn nựng gò má như người ta. Má nói nựng gò má sau này lớn lên gương mặt bị chảy xệ xấu gái lắm:
– Ba mày thích con trai chứ không thích con gái. Khi nghe bác sĩ thông báo má có bầu con gái thì ba mày đã bất mãn rồi. Lúc má vô bệnh viện đẻ con thì ba mày đâu có thèm vô!
Nghe má tôi kể tôi mới lờ mờ hiểu ra lý do vì sao ba tôi ghét bỏ cái tên của tôi đến vậy. Thì ra tại tôi không phải là con trai như ý ba tôi mong muốn nên ông kiếm chuyện với má con tôi hoài chứ đâu phải tại cái tên.
Tuy còn nhỏ nhưng qua cách má tôi kể chuyện thì tôi cũng mường tượng được một điều là má tôi rất lãng mạn và có tâm hồn thi sĩ. Má hát rất hay, giọng trong như pha lê, ngọt ngào và truyền cảm. Và má tôi làm thơ cũng rất hay nữa. Những bài thơ má tôi làm hồi còn con gái được bà ghi chép lại cẩn thận vào cuốn sổ tay rồi cất giữ cẩn thận không để ba tôi nhìn thấy, nếu không ổng sẽ đem đốt hết sau khi đã chửi má tôi một trận nảy lửa: “Cơm gạo không có ăn mà tối ngày thơ với thẩn… mẹ nó chứ!”
Không hiểu sao một người lãng mạn và có tâm hồn thi sĩ như má tôi lại có thể quen biết và nên duyên với một người thô lỗ và cục cằn như là ba tôi. Đó phải chăng là định mệnh!?
Tuổi thơ tôi lớn lên trong sự ghẻ lạnh của ba mình. Bù lại, má rất thương tôi, có thứ gì ngon, có đồ gì đẹp má tôi đều để phần cho tôi trước rồi mới tới lượt bà. Má tôi làm vú nuôi cho một gia đình giàu có trong xóm, cách nhà tôi độ chừng vài trăm mét, tôi đi bộ độ chừng năm phút là tới. Ngoài việc giữ con cho chủ nhà thì má tôi kiêm luôn phần nấu nướng cơm canh cho họ nên mỗi buổi tối trước khi má tôi về nhà, bà chủ nhà tốt bụng biết hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn nên thường dúi vào tay má khi thì cái bánh, lúc thì quả cam hay thậm chí là nửa con cá kho mà chủ nhà ăn không hết. Đối với những người giàu có thì nó chỉ là những thứ bỏ đi… nhưng với gia đình tôi, với má con tôi lúc đó những thứ ấy còn ngon hơn bất cứ thứ sơn hào hải vị nào trên thế giới này.
Khi tôi lên bảy thì hầu như ba tôi đã dẹp tiệm sửa xe sau khi đã bán lần mòn từng món đồ phụ tùng và bộ đồ nghề sửa xe để lấy tiền vui chơi, bù khú với bạn bè. Má tôi thì vẫn còm cõi chắt mót từng đồng lương ít ỏi để lo cho gia đình, và lo cho tôi ăn học. Ba tôi chửi má:
– Tối ngày cứ ôm cái công việc với mớ đồng lương chết đói… sao bà không ra chợ mà xoay sở buôn bán với người ta?
Má cãi lại:
– Ừa, đồng lương của tui chết đói mà nuôi sống cái gia đình này mấy năm nay… còn ông lo được gì cho cái nhà này chưa…
Nghe má nói tới đó ba tôi điên tiết nhào tới nắm tóc má ghịt xuống nền nhà, miệng chửi bới um sùm khiến bà con trong xóm hiếu kỳ bu lại coi đông nghẹt còn hơn coi hát bội ở sân đình.
– Mẹ nó chứ… hôm nay mày dám cãi tao hả? Cái thứ đồ trôi sông lạc chợ…
Vừa nói ba tôi vừa đấm thùm thụp vào lưng má. Tôi lúc đó còn nhỏ chưa biết làm sao để bảo vệ má nên chỉ biết nhào tới ôm chầm lấy má rồi đưa lưng mình ra đỡ những cú đấm như trời giáng của ba đang giáng xuống cơ thể gầy gò vì suy nhược của má tôi. Vừa ôm má tôi vừa khóc hu hu:
– Ba ơi… ba đừng đánh má nữa… tội nghiệp má lắm ba ơi… hu hu hu…
Nghe tiếng tôi la hét thất thanh như nhà cháy, bà Sáu là hàng xóm kế bên nhà tôi lật đật chạy qua.
– Trời ơi thằng ba, mày muốn giết vợ con mày hay gì mà đánh nó dữ vậy? Mày đúng là… ba trợn mà!
Vừa nói bà Sáu vừa lấy bàn tay nhăn nheo gầy gò cố gắng gỡ bàn tay hộ pháp của ba đang nắm tóc má cứng ngắc. Thấy bà Sáu can ngăn nên ba tôi mới chịu buông lỏng tay ra nhưng vẫn không quên đe dọa má “coi chừng tao nghe mậy!”.
Chửi xong ba tôi bước ra sân rồi đi thẳng ra đường lớn, chắc đi kiếm bạn nhậu nữa rồi. Đám đông hiếu kỳ thấy ba tôi lật đật dạt ra một bên rồi mạnh ai về nhà nấy vì không ai muốn dây vào một người có tính cách Chí Phèo như ông. Bà Sáu la ba tôi là ba trợn thì cũng có lý do của nó. Tên ba tôi là Tròn, Nguyễn Văn Tròn nhưng từ khi ổng sa vào rượu chè rồi trở nên bệ rạc, hung hãn thì cả xóm đều gọi ông là ba Trợn chứ không gọi là ba Tròn như trong giấy khai sinh, riết rồi chết danh luôn. Người ở xa tới hỏi nhà ba Tròn có người biết người không chứ hỏi nhà ba Trợn thì từ đứa con nít lên năm tới ông già bà lão bảy, tám chục tuổi đều rành sáu câu.
Ba tôi đi rồi má tôi mới ôm mặt khóc rấm rứt. Hồi nãy lúc bị ba đánh má tôi chỉ ôm đầu chịu trận chứ tuyệt nhiên không khóc tiếng nào. Vậy mà bây giờ bà khóc như mưa, khóc vì tủi thân chứ không phải vì trận đòn đau đớn. Má tôi khóc vì bị ba chửi là thứ “trôi sông lạc chợ”, tôi còn nhỏ nên chưa hiểu hết ý nghĩa của bốn chữ đó nhưng tôi biết má đau đớn lắm, xót xa lắm. Quê của má ở tận miền tây, nghe má nói đâu như là Tân Châu – Hồng Ngự… thời chạy giặc ông bà ngoại tôi phải trôi dạt lên tận Nam Vang rồi sinh má trên đó. Còn ba tôi quê gốc ở đây, bà con dòng họ từ bao đời đều làm ăn sinh sống ở vùng đất mệnh danh là vùng đất thép này.
Bởi vì má tôi về đây làm dâu chỉ có một thân một mình chứ không có anh em, dòng họ hay bà con ruột thịt nên hay bị ba tôi ức hiếp. Má tôi thì cam chịu, nhẫn nhịn không dám phản kháng nên ba tôi được nước càng lấn tới.
Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi đi, hết mưa rồi nắng hết đêm rồi ngày. Tôi lớn lên trong tình yêu thương vô bờ bến của má và sự lạnh nhạt hờ hững của ba tôi. Chưa bao giờ ông bồng bế tôi đi dạo chơi quanh xóm quanh làng như những người cha khác. Nhiều khi thấy lũ bạn cùng tuổi được ba tụi nó cưng chiều, bồng ẵm tôi chỉ biết chui vào góc nhà ngồi khóc một mình.
Má tôi đi làm vú nuôi từ tờ mờ sáng đến tối mịt mới về nên ở nhà tôi chỉ biết lủi thủi chơi một mình, đói thì ăn mệt thì lăn ra ngủ. Không phải xóm tôi không có con nít đồng trang lứa để tôi chơi cùng mà là ba má tụi nó không cho tụi nó chơi chung với tôi, không cho chơi chung với con cái thằng cha ba trợn.
Nhiều khi ở nhà buồn và nhớ má, thêm phần đói bụng vì nhiều lần đi nhậu về mà không thấy có gì ăn là ba tôi hất hết những thứ má tôi để phần cho tôi ăn ngày đó nên tôi hay dò dẫm tìm đường lên nhà bà chủ mà má giữ con cho người ta để được ôm má, được khóc và được má cho ăn. Những thứ má để dành chẳng có gì cao sang, khi thì mấy củ khoai lang luộc, lúc thì nồi cháo đậu xanh để tôi với đường mía. Những thứ đó đã nuôi sống tôi suốt quãng đời thơ ấu còn trong mắt ba tôi nó chỉ là cái thứ đồ cho chó ăn nó còn không thèm.
Tôi không phải là khách quý của gia chủ nên mỗi khi tôi lên tìm má, má đều phải xin phép người ta cho tôi ở lại chơi với bà, rồi xin phép người ta cho tôi chén cơm để lót dạ. Tuy chủ nhà không phải hạng người khắt khe độc ác như mấy địa chủ thời phong kiến trong mấy phim chiếu trên tivi, thế nhưng má tôi không vì thế mà không biết vị trí của mình ở đâu. Cho nên mỗi lần lên “thăm” má, bà đều xúc cho tôi chén cơm rồi chan ít nước thịt kho hoặc cá kho rồi dắt tôi vô một góc bếp ngồi ăn như ăn vụng. Vậy mà tôi ăn rất ngon lành.
Đến khi tôi tới tuổi đi học thì sáng má dẫn đến trường rồi mới đi làm. Buổi trưa bà xin người ta cho lại trường rước tôi rồi dẫn lại chỗ làm cho chơi với bà, chiều tối hai mẹ con mới dắt díu nhau về. Tôi rất thích những ngày đi học vì chỉ học có một buổi, còn buổi chiều được ở chơi với má, và được ăn ngon.
Ba tôi thì vẫn cứ lông bông ai thuê gì làm đó, có bao nhiêu tiền ông đổ hết vào rượu chè chứ không đưa má tôi được đồng nào để lo cơm nước, vậy mà cứ mở miệng ra là đòi phải được ăn ngon mặc đẹp. Một chầu nhậu của ba tôi nếu quy ra tiền thì má con tôi có thể sống được cả tuần, hoặc gần chục ngày.
Đến năm tôi được mười một tuổi thì má tôi có bầu. Tuy ba tôi sống tệ bạc nhưng vẫn sống chung nhà, vẫn ngủ chung giường với má tôi mỗi ngày nên không thể tránh được chuyện kia. Nhà tôi nghèo nên trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá, nếu có thì ba tôi cũng mang đi bán để mua rượu uống rồi. Dưới bếp thì có một cái gạc măng rê cũ kỹ để đựng đồ ăn với mấy hũ gia vị mắm muối. Ở nhà trên thì có một cái tủ thờ bằng gỗ tạp thường xuyên bị mối mọt cắn phá. Trong buồng thì chia ra làm hai, một bên ba tôi cột những sợi dây điện căng ngang để treo quần áo, còn một bên thì để chiếc giường ngủ của gia đình. Lúc trước nhà tôi cũng có tủ quần áo gọn gàng sạch sẽ như người ta, nhưng ba tôi lúc hết tiền đã kêu người tới bán luôn cái tủ. Thế là bao nhiêu quần áo phải mang ra treo đầy ngoài sợi dây điện tôi vừa kể ở trên. Tôi thấy cũng vui vui vì nhìn giống như mấy shop quần áo ngoài chợ, còn má tôi thì cứ càm ràm ba:
“Để vậy muỗi mòng cắn chết con nhỏ rồi làm sao?”
Nhà nhỏ và chật nên chỉ có một chiếc giường cho ba người chen chúc nhau nằm ngủ. Hồi còn bé thì tôi dễ ăn dễ ngủ, ba má làm gì tôi cũng không hay biết. Thế nhưng càng lớn thì tôi càng khó ngủ hơn vì đêm nào ba tôi cũng lục đục, cựa quậy không yên. Má tôi cằn nhằn:
– Thôi ngủ đi ông ơi… khuya rồi…
– Để tui làm một cái rồi ngủ…
Tiếng ba tôi xì xào như tiếng gió nhưng tôi nghe thấy hết.
– Con nó thức làm sao…
Má tôi vẫn vùng vằng không chịu khiến ba tôi nổi đóa:
– Nó ngủ rồi, với nó con nít thì biết gì mà lo…
Rồi ba tôi nói tiếp:
– Bà cởi quần ra đi…
Trong đêm tối đen như mực tôi nghe tiếng quần áo được cởi ra sột soạt, rồi nghe tiếng má tôi cứ “hơ… hơ… hơ” kéo dài mãi, tiếng ba tôi thở hì hục như trâu kéo cày, nghe cả tiếng bành bạch, bành bạch vang lên đều đặn. Mỗi lần như thế cái giường tre vốn đã yếu ớt vì mối mọt cứ liên tục rung lên như có ai lắc mạnh vậy. Nằm ngủ trên giường mà tôi có cảm tưởng như là ngủ trên võng không à.
Rồi má tôi có bầu. Lúc bác sĩ siêu âm thông báo má tôi mang thai con trai thì ba tôi mừng lắm. Ông vui ra mặt và cũng bớt nhậu nhẹt, biết quan tâm đến hai má con tôi chứ không còn như lúc trước. Má tôi chưa đẻ nhưng ba tôi đã chọn tên cho thằng em rồi. Ba nói:
– Lần này bà phải để tui đặt tên cho con nghe. Tui đặt tên nó là Hoạch, Nguyễn Văn Hoạch. Có Thu thì phải có Hoạch làm ăn mới dễ thu hoạch nghe bà… khà khà…
Không biết ba tôi nghe lời ông thầy bói nào mà đặt tên con cái dị đoan thấy ớn. Ổng đặt nó tên Hoạch nhưng cuối cùng có thu hoạch được gì đâu? Bởi lẽ đơn giản là ổng vẫn thất nghiệp dài dài thì làm sao mà thu hoạch được!