Phần 4
Cái tin ba tôi trúng số độc đắc làm cả xóm xôn xao bàn tán cả tháng trời vẫn chưa ngã ngũ. Người thì bảo đó là tin vịt của mấy người tối ngày ăn ở không rồi bịa chuyện này nọ cho vui miệng lúc trà dư tửu hậu, kẻ thì nói đó là sự thật chứ một người thất nghiệp như ba tôi thì làm gì có tiền để sắm sửa này nọ.
Mà đúng là ba tôi trúng số thật!
Không biết do ông trời thương má con tôi vất vả nên phù hộ độ trì cho ba trúng số để gia đình đỡ khổ, hay vì kiếp trước má còn mắc nợ chưa trả hết nên kiếp này phải tiếp tục chịu khổ mà cho ba trúng giải đặc biệt tới năm tờ, số tiền hơn trăm triệu những năm 1990 là một con số không hề nhỏ.
Mà cái việc ba tôi may mắn thì thật đúng là trời kêu ai nấy dạ. Bữa đó ba đi nhậu về xỉn quắc cần câu chân đứng còn không vững, mới bước vô nhà thì có ông bác bán vé số đi ngang thấy ba say khướt nên vô mời bởi tâm lý chung của mấy người say rượu là rất hào phóng, ai mời vé số cũng mua, có khi mua cả lốc. Những lúc như vậy thì người bán vé số kể như trúng mánh đậm.
Bình thường ba tôi đi nhậu tới lúc trong túi hết sạch tiền mới chịu về, nghĩa là về tới nhà rồi thì trong túi chẳng còn đồng xu cắc bạc nào. Vậy mà bữa đó không hiểu sao ba vẫn còn được mấy ngàn để mua mấy tờ vé số. Mua xong ba nhét đại vô túi rồi nằm ngủ, đến chiều thức dậy thì quên luôn xấp vé số đã mua lúc trưa mà quẳng cái áo dơ có mấy tờ vé trúng thưởng vô thau giặt đồ.
Quần áo dơ ở nhà chiều nào tôi cũng mang ra giặt, nhưng bữa đó nhà bà chủ chỗ má giữ em có làm đám giỗ nên cho phép má tôi kêu chị em tôi lên chơi và ăn uống. Nhà giàu mà họ làm đám tiệc thì đồ ăn thức uống ê hề nên cũng rộng rãi, ai ăn được bao nhiêu thì ăn, mà sức chị em tôi tuy cái gì cũng thèm nhưng ăn uống có bao nhiêu đâu.
Tối đó gần 7h00 tối ba mẹ con mới về tới nhà sau khi đã phụ rửa ráy dọn dẹp mọi thứ ở bữa tiệc thật gọn gàng sạch sẽ. Bà chủ cho một tô cà ri gà mà lúc dọn còn dư trong nồi với vài ổ bánh mì để từ sáng tới chiều đã mềm quắt queo. Trong tô cà ri cũng không còn gì ngoài một ít khoai lang nát vụn và mấy cái đầu gà, cẳng gà là thứ khách khứa ít ăn nên lúc đãi không múc lên.
– Mấy cái đầu gà coi vậy chứ ba mày nhậu được một bữa ngon lành đó nha con…
Má tôi vừa cười nói vừa trút bịch cà ri ra nồi rồi nhóm bếp hâm lại cho nóng. Không hiểu sao nhiều lúc má giận ba dữ lắm, không muốn nhìn thấy mặt bởi ” nhìn cái mặt thằng chả ưa hổng nổi “, vậy mà lúc bình thường sóng êm gió lặng thì hở cái là nhắc tới. Đúng như người ta hay nói ” giận thì giận mà thương thì thương “…
– Thôi má giữ em để con gom đồ dơ đi giặt, cả thau kìa má!
Nói xong tôi uể oải đứng dậy thì má đã kêu:
– Con để đó có gì sáng mai má tắm rửa đi làm rồi giặt luôn cho, bữa nay má coi bộ mày cũng bết dữ lắm rồi… coi học bài làm bài rồi đi ngủ sớm để mai còn đi học… Thu!
Nghe má nói vậy tôi mừng húm vì bữa nay đúng là mệt thiệt, buổi trưa ở chỗ má làm vừa phải phụ má lăng xăng vừa phải giữ thằng Hoạch không cho nó khóc nhè làm không khí mất vui.
Má nói chưa xong thì tôi đã buông cái thau xuống đất rồi đi lên nhà trên. Tôi lại bàn học lấy sách vở ra ngồi làm mấy bài toán thầy cho hôm trước để mai thầy kiểm tra, má tôi ngồi trên phản đút bánh mì chấm cà ri cho thằng Hoạch ăn còn ba thì nằm võng đọc báo. Ba tôi chuyện ở trong nhà thì không hề biết lu gạo còn ít hay nhiều, hũ muối hũ đường còn xài được bao nhiêu bữa, hộp sữa của thằng Hoạch còn uống được hay đã hết đát… nhưng chuyện thế giới thì rành một cây, ngồi kể cả ngày không hết, từ chuyện chính trị đến kinh tế, đối ngoại rồi đến chuyện hậu trường của các tổng thống, thủ tướng trên trên thế giới. Toàn những kiến thức ở tầm vĩ mô bác học mà tôi nghe ba kể cứ như vịt nghe sấm.
– Anh ba ơiii… anh baaa… có nhà không anh ba??
Ở ngoài cổng đột nhiên có tiếng con Phèn sủa inh ỏi và bóng dáng ai đó đang lấp ló ngó vô. Gia đình tôi tuy nghèo nhưng nhà cũng “có cửa” lắm, ngoài cổng ba đóng cái cửa rào bằng tre với tôn cũ, buổi tối khép lại cho kín đáo còn buổi sáng thì mở toang hoác ra. Bởi vậy buổi tối ai muốn vô nhà thì phải kêu người ra mở cửa chứ không phải tự tiện muốn vô là vô như câu cửa miệng ba hay nói “quốc có quốc pháp… gia có gia quy” làm tôi nghe mà chả hiểu nó có ý nghĩa gì.
– Ờ… tui đang ở nhà nè… ai vậyyyyy???
Nghe tiếng kêu ba tôi tưởng bạn nhậu đến tìm nên lật đật ngồi dậy rồi bươn bả đi ra mở cổng trong khi má nhìn tôi một cái, miệng càm ràm:
– Thiệt… tối đen tối hù rồi mà thằng cha nào còn rủ rê nhậu nhẹt nữa hổng biết…
Má vừa nói xong thì ngoài sân đã nghe tiếng người nào đó lạ hoắc nói thiệt lớn:
– Anh ba ơi anh ba… anh trúng số độc đắc rồi anh ba!
Tôi với má ngồi trong nhà nghe tiếng nói của ông khách chẳng khác nào nghe tiếng sấm bên tai. Tưởng nghe nhầm nên hai má con vội vã đứng lên chạy ra cửa dòm thử người mới nói câu đó là ai vì nghe tiếng hơi lạ. Những người trong xóm hay bạn nhậu của ba tôi đều biết mặt và quen tiếng còn người này hình như không phải người ở đây nên tôi nghe tiếng mà cũng chưa biết là ai.
– Anh… anh nói gì…
Ba tôi trố mắt nhìn vị khách đứng giữa sân như nhìn một vật thể xa lạ từ hành tinh khác tới.
– Anh trúng giải đặc biệt rồi! Bộ anh không nhớ tôi hả?
Người khách vừa cười vừa vỗ vai ba tôi như bạn bè thân thiết lâu ngày gặp lại nên tay bắt mặt mừng.
– Ủa… mà… mà anh là ai?
Nghe ông khách hỏi “anh không nhớ tôi hả” thì lúc này ba tôi mới ngó tới mặt ông khách chứ nãy giờ cũng chưa quan sát kỹ. Tôi cũng dòm thử thì nhận ra đó là một ông bác cũng khá lớn tuổi, chắc ngoài năm mươi rồi, dáng vẻ khắc khổ với mái tóc hoa râm và hơi gầy. Ông mặc chiếc quần tây đã bạc màu và chiếc áo sơ mi dài tay màu trắng hơi ngả vàng vì ố vải.
– Trời ơi… tui là người bán vé số cho anh hồi trưa nè, anh không nhớ thiệt hả anh ba?
Nãy giờ tôi cũng ráng căng lỗ tai ra xem ông khách này sẽ giới thiệu mình là ai với ba tôi, trong đầu tôi cứ tưởng ổng là bạn ở xa lâu ngày không gặp nên ba tôi nhất thời chưa nhớ ra… hoặc bạn nhậu của bạn nhậu của ba tôi. Mấy ông nhậu nhẹt thì hay dẫn bạn bè theo lắm nên mối quan hệ trên bàn nhậu cũng loạn xà ngầu, nhiều khi bữa trước ôm vai bá cổ chén chú chén anh như bạn tri kỷ từ nghìn năm trước mà hôm sau ra đường nhìn mặt cứ như hai kẻ xa lạ chưa gặp gỡ lần nào.
– Trời ơi… ổng mà nhậu say thì vợ con ổng còn không nhớ nói gì…
Khách vừa giới thiệu xong thì má tôi liền chen vào một câu để khách biết trong nhà không phải chỉ có mình ba tôi mà ông khách vô cả buổi vẫn chưa chào hỏi má một tiếng.
– Thiệt… thiệt không cha??
Ba tôi nghe ông khách nói như đinh đóng cột nên lắp bắp hỏi lại, mặt ngờ vực.
– Trời ơi làm sao tui dám nói bậy với anh…
Ông khách nhìn ba, rồi quay sang nhìn hai má con tôi, miệng phân trần:
– Trưa nay tôi đi bán vé số ngang nhà, thấy ảnh nên vô mời ảnh mua dùm. Ảnh lấy năm tờ nhét vô túi áo, năm tờ đó trúng đặc biệt rồi chị ơi!
Bán tín bán nghi, ba tôi liền chạy lại thau đồ dơ lục tìm mấy tờ vé số bị vò nhăn nhúm bỏ trong túi áo. Thật may là nó chỉ bị nhăn chứ không rách nát.
– Sổ dò nè anh chị…
Lúc ba tôi lôi mấy tờ vé số trong túi áo dơ ra thì ông khách cũng đưa má cuốn sổ dò trên tay để má kiểm tra lại.
– Đâu… ông đưa tui coi…
Má tôi luống cuống một tay cầm cuốn sổ dò, một tay xòe ra cầm mấy tờ vé số ba đưa rồi run run lật từng trang trong cuốn sổ dò.
– Đây rồi… đài Bạc Liêu… ngày 15 tháng 6 năm 1990…
Má tôi vừa dò từ trên xuống dưới, miệng lẩm bẩm như để cho bớt run vì hồi hộp.
… để coi… giải đặc biệt mang số 432387…
… rồi má dòm lại mấy tờ vé số trên tay:
… bốn… ba… hai… ba… tám… bảy…
Đọc tới đó đột nhiên má nhảy cẫng lên và reo hò sung sướng:
– Trúng… trúng đặc biệt rồi ông ơi!!!
Trước giờ tôi chưa bao giờ thấy má vui mừng như vậy nên cũng nhảy cà tưng theo má, kiểu bị ảnh hưởng hiệu ứng chứ tôi cũng chưa mường tượng trúng số độc đắc là được bao nhiêu tiền, chỉ biết là nhiều lắm. Nhưng vì má vui nên tôi cũng thấy vui.
– Đâu má mày đưa coi!?
Nói chưa dứt lời thì ba tôi đã giật cuốn sổ và mấy tờ vé số trên tay má rồi chậm rãi dò lại. Tôi dòm thử xem ba có phản ứng nhảy cẫng lên như má không nhưng nét mặt ba khá bình tĩnh. Có vẻ như những người từng trải như ba thì ít khi bị chi phối bởi chuyện gì.
– Ờ… đúng là trúng thật!
Sau khi dò đi dò lại mấy lượt, ba tôi trả cuốn sổ cho ông khách rồi vuốt mấy tờ vé số cho phẳng phiu thẳng thớm rồi bỏ vào túi áo. Đoạn, ba quay sang ông khách vỗ vỗ vai:
– Cảm ơn anh nghen… thôi anh về đi… nay mai tôi lãnh tiền rồi bồi dưỡng cho anh sau…
Ông khách nghe vậy thì biết nhiệm vụ thông báo tin tức của mình đã xong nên gật đầu chào ba má tôi rồi quay lưng đi ra lộ.
Ba tôi bước ra đóng cửa rào rồi vô nằm võng tiếp tục đọc báo như không có chuyện gì xảy ra, trong khi hai má con vừa nhìn nhau tỏ vẻ ngạc nhiên không hiểu sao ba lại chẳng có chút xíu gì là vui mừng, vừa lấm lét nhìn ba xem ba có nói chuyện lãnh thưởng hay cho ai tặng ai… nhưng ba vẫn nằm đọc báo bằng mắt còn miệng thì im ru bà rù.
– Cũng may hồi nãy má kêu mày đừng giặt đồ… nếu không thì bay hết cả trăm triệu rồi thấy chưa Thu!?
Nhìn một hồi mà không thấy ba tôi đả động gì đến chuyện trúng số nên má tôi buồn bã quay sang hai chị em, giọng bùi ngùi.
Nhìn vào mắt má tôi thấy cả một nỗi buồn to lớn như cánh đồng mía mà bây giờ người chuyển sang trồng cây cao su. Thuở đời nay có nhà nào chồng trúng số độc đắc mà vợ chẳng được quyền có ý kiến ý cò gì hết.
Chắc chỉ có nhà tôi thôi…
– Má!!!
Thấy mặt má buồn hiu nên tôi cũng không còn tâm trí học bài nữa nên liền bỏ cuốn tập với cây viết xuống bàn rồi nhào tới ôm má thật chặt. Nhìn lên đôi mắt của má tôi thấy dường như có một lớp nước thật mỏng bao phủ quanh tròng mắt.
Từ hồi trúng số và ôm được một số tiền thật lớn từ trên trời rơi xuống thì ba tôi có nhiều thay đổi nhưng không phải theo chiều hướng tích cực mà ngược lại, nghĩa là càng ngày càng thêm khó tính và khắt khe với má tôi hơn.
Lúc trước khi ba tôi không có công ăn việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh vậy mà ổng cũng không bỏ được cái thói vũ phu, gia trưởng với mấy má con tôi thì bây giờ lúc có tiền ổng càng lấn lướt và ăn hiếp má nhiều hơn nữa.
Có tiền trong tay, ba tôi không ở nhà cũ nữa mà thuê thợ thầy về xây một ngôi nhà cấp bốn rất đẹp để thay thế cho ngôi nhà cũ bằng vách đất lợp lá dừa nước cũ kỹ và mục nát, buổi tối ngủ trong nhà nhưng vẫn có thể ngước mặt nhìn trời và đếm sao ngắm trăng. Đó là những đêm trời quang mây tạnh chứ hôm nào trời mưa thì trong nhà chỗ nào cũng bị dột. Những chỗ khác thì không nói làm gì nhưng chỗ cái giường ngủ của gia đình cũng không khá hơn chút nào. Để ngăn bớt nước mưa chảy vô giường, má tôi lấy những tấm bạt, tấm ni lông cột góc này, trùm góc nọ nhưng nước mưa vẫn cứ tạt vào mỗi khi mưa to gió lớn. Đêm nào đang ngủ mà mưa thì cả nhà ngồi thu lu vào cái góc giường không bị nước mưa chảy xuống mà nhìn nhau chứ không ai ngủ nghê gì được nữa.
Ngôi nhà mới xây được ba cho thợ thầy tô xi măng và quét vôi sạch sẽ, mái lợp tôn lạnh, nền lót gạch men và đóng la phông có hoa văn rất bắt mắt. Trong nhà ngoài phòng khách có sắm đầy đủ tivi JVC, đầu băng video, máy cát sét Sony và một cái tủ lạnh đời mới nhất hiệu Toshiba nhìn vô cùng sang trọng và thời thượng. Phía trong xây thêm ba căn phòng ngủ: Một cho ba má, một cho tôi và cái cuối cùng cho thằng Hoạch.
Ở nhà bếp thay cho chiếc gạc măng rê cũ kỹ bị mối mọt cắn phá muốn sụm bà chè là một chiếc tủ bằng inox cứng cáp và sáng bóng có gắn mặt kiếng ở hai bên cửa, chia làm ba ngăn để có thể đựng nhiều thứ khác nhau theo từng mục đích sử dụng.
Cái bếp lò nấu củi cũng được bỏ đi và thay thế bằng cái bếp ga vừa tiện lợi, sạch sẽ không có khói bụi hay bồ hóng. Nhà tắm và nhà vệ sinh cũng xây luôn trong nhà chứ không để bên ngoài như lúc còn ở nhà cũ, mỗi lần mưa gió không biết đi đứng thế nào cho tiện.
Có tiền rồi thì ba tôi không cho má đi làm nữa mà ở nhà lo cơm nước, lau dọn nhà cửa và giữ thằng Hoạch. Ba nói tôi sắp thi chuyển cấp nên cần có nhiều thời gian để ôn bài, không thể tối ngày cứ ôm khư khư thằng Hoạch rồi không học hành gì được. Tôi rất ngạc nhiên không hiểu sao lúc này ba lại quan tâm đến tôi nhiều như vậy trong khi trước đây có bao giờ ổng ngó ngàng chuyện tôi học hành ra sao đâu.
Ngoài việc kêu má nghĩ làm để lo công chuyện trong nhà thì ba còn mua một miếng đất gần đồng lớn với mấy trăm gốc cao su đã thu hoạch được hai, ba mùa gì đó… nay chủ vườn kẹt tiền nên bán rẻ lại cho ba. Như vậy mỗi bữa sáng sớm má vẫn phải thức khuya như lúc trước, nhưng không phải đi quét sân trường mà là đi cạo mủ cao su của nhà mình.
Cái số má khổ thì vẫn khổ chứ không thể tránh đi đâu được, giống như câu chạy trời không khỏi nắng mưa vậy. Không biết ở chỗ làm má có cực nhiều không chứ ở nhà má làm quần quật không ngơi tay mà công việc vẫn cứ ê hề. Hết cơm nước giặt giũ rồi lau chùi nhà cửa, bàn ghế. Hết chăm thằng Hoạch lại đi cạo mủ cao su. Mà tiền đi bán mũ về được bao nhiêu thì ba tôi giữ hết rồi phát tiền đi chợ mỗi ngày cho má. Cả phần tiền trúng số còn ít hay nhiều ba cũng không nói với má một câu mà ôm khư khư rồi phân phát từng ngày một cách dè xẻn ki bo làm má nhiều bữa xòe tay lấy tiền đi chợ mà bị ổng đay nghiến đủ điều muốn rớt nước mắt. Có phải má muốn nghỉ làm để ở nhà nằm không chờ ba nuôi đâu, má cũng có công việc đàng hoàng đấy chứ. Nhưng do bản tính của má hiền lành và cam chịu nên không dám đấu tranh, ba biểu sao thì nghe vậy chứ không dám cãi. Vì lần nào má cãi lại thì cũng bị ba đánh, không những thế còn xúc phạm gia đình bên ngoại tôi nên má dù không muốn cũng phải ráng nhịn nhục để ông bà ngoại ở dưới suối vàng không tủi hổ vong linh.
Má là vợ của ba nhưng ở trong nhà tôi thấy má không khác gì đầy tớ. Hở chút xíu là ba sai má làm cái này, hở chút xíu là sai má làm cái kia. Đặc biệt má cực nhất là những lúc ba dẫn bạn nhậu về nhà rồi bày biện ăn uống no say xong kéo nhau đi chỗ khác nhậu tiếp, để lại cả một bãi chiến trường cho má dọn.
Ba tôi rất thích nhậu thịt chó trong khi má lại dị ứng với món này. Không biết có phải má có căn tu hay sao mà mỗi lần ba đem thịt chó về nhậu, má chỉ ngửi mùi thôi là nhảy mũi hắt xì hơi liên tục dù lúc đó má đang khỏe mạnh bình thường chứ không phải cảm ho, sổ mũi gì hết.
Những ngày cuối tháng sáu, đầu tháng bảy tôi phải học đêm học ngày để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng là thi tốt nghiệp trung học cơ sở và thi chuyển cấp lên trung học phổ thông. Nếu thi đậu năm sau tôi sẽ là cô nữ sinh cấp ba và được mặc áo dài đi học. Ở chỗ tôi trường cấp hai và cấp ba cũng khá gần nhau và nằm chung trên một trục đường, cả trường tiểu học và mầm non cũng vậy. Có lẽ người ta đã tính trước việc xây dựng như vậy để người dân tiện đưa đón con cái chứ lỡ nhà có hai, ba đứa con rồi mỗi đứa một trường, mỗi trường một nơi thì ai mà đưa đón cho nỗi.
Từ hồi học mẫu giáo cho đến tận bây giờ là lớp chín tôi vẫn chưa bao giờ được cưỡi xe đạp mà toàn được má ẵm đi lúc nhỏ và tự đi bộ khi đã lớn. Ba tôi là thợ sửa xe đạp có tiếng mà ở nhà không có chiếc xe để đi. Má tôi đi đâu cũng toàn đi bộ. Má nói vui “nhà mình đúng là nhà thợ rèn mà không có nổi con dao ăn trầu!”
Có điều không phải trước đây ba tôi không có xe, nhưng vì làm ra chiếc nào để đi thì đều có người hỏi mua, mà ai mua thì ba tôi bán liền nếu thấy hợp giá, hoặc bán vì cảm tình với người mua chứ không lời lóm bao nhiêu, thậm chí còn lỗ nhưng ba vẫn vui vẻ bán, kiểu vừa bán vừa cho. Riết rồi sau này không còn chiếc nào để bán nữa thì ba tôi chuyển sang bán từng món đồ nghề sửa xe và sập tiệm luôn.
Mỗi ngày đi học, nhìn mấy chị nữ sinh cấp ba mặc áo dài trắng, chạy xe đạp lướt ngang trước mặt tôi thích lắm nhưng tự biết nhà mình nghèo nên không dám mơ ước viển vông vì tôi nghe má nói muốn sắm chiếc xe để đi không phải dễ đâu con…
Thế mà giờ đây ba tôi đã hứa là sẽ mua cho tôi một chiếc xe đạp thật đẹp nếu tôi thi đậu vào trường cấp ba và phải ngoan ngoãn nghe theo lời ba chỉ dạy. Việc thi đậu tất nhiên nếu không có phần thưởng ba treo giải thì tôi cũng sẽ cố gắng hết mình vì tương lai của tôi, và cả tương lai của má với thằng Hoạch nữa… nhưng còn ngoan ngoãn nghe theo lời ba thì tôi thấy hơi khúc mắc và khó hiểu. Trước giờ tôi vẫn ngoan ngoãn và nghe lời ba tôi răm rắp có dám cãi ổng tiếng nào đâu?
Lạ thiệt…