Phần 94
Nửa năm sau…
Vì đạt giải học sinh giỏi quốc gia, được tuyển thẳng, nên tôi may mắn thoát được kì thi quan trọng nhất của đời học sinh, kì thi đại học.
Cũng không sai khi kì thi đại học lại quan trọng đến nhường vậy. Chuyện tốt nghiệp từ một đại học danh tiếng bao giờ cũng mang nhiều lợi thế hơn so với những trường ở tốp sau trong công việc đầu tiên sau khi tốt nghiệp. Điều này cũng dễ hiểu khi bằng cấp là thứ duy nhất để đánh giá sinh viên tốt nghiệp sau khi ra trường. Còn khi đã bắt đầu đi làm thì kinh nghiệm lại được đánh giá cao hơn.
Cái may mắn trong chuyện học hành của tôi tiếp tục khi tôi có quyền chọn những trường tốp đầu. Tôi chọn Bách Khoa Hà Nội đơn giản vì tôi thích nơi này mặc dù gia đình tôi hầu hết mọi người đều ở trong Nam.
Thật ra, Hà Nội không phải là nơi quá xa lạ khi mà anh cả và họ hàng tôi hầu hết ở ngoài này. Vì phải chuyển công tác, nên bố tôi mới kéo cả nhà vào trong Nam chứ ban đầu không ai trong gia đình tôi muốn đi cả. Tôi thích Hà Nội đa phần là vì mùa đông chứ không phải bởi mùi hoa sữa gì gì đấy. Tôi biết là tôi cũng hơi hơi sến, nhưng sến súa và thơ thẩn đến mức đấy thì chắc là không.
Tôi thích mùa đông vì khi đó tôi được mặc những chiếc áo dày sụ. Và điều quan trọng hơn cả là vào mùa đông thì ăn cái gì cũng ngon, nhất là lẩu với mấy cái thứ đồ nướng. Phải cái mấy thứ đấy toàn là món khoái khẩu của tôi cả. Ngoài ra, hình ảnh hai người ôm nhau để truyền hơi ấm dưới cái lạnh buốt giá luôn là một trong những hình ảnh trữ tình nhất mà tôi có thể nghĩ về tình yêu.
…
Việc không phải tốn thời gian ôn thi đại học giúp tôi có nhiều thời gian luyện thi IELTS phục vụ cho mục đích du học hơn. Để mang lại kết quả tốt nhất, bố mẹ đầu tư cho tôi lên Sài Gòn ở một trung tâm nổi tiếng. Do tôi không muốn ở nhà họ hàng vì sợ bị bó buộc, nên bố đã tìm và thuê cho tôi một căn phòng be bé gần chỗ học. Cẩn thận hơn, ông còn nhờ hẳn một bác xe ôm nhìn thật thà, chất phác đưa đón tôi đi học hàng ngày.
Ngày chia tay, trong khi mẹ cứ đứng sụt sùi vì lo lắng thì tôi lại khấp khởi trong lòng vì ý nghĩ cuối cùng mình cũng được tự do bay nhảy. Có điều tôi không thể để cái gương mặt hớn hở như thế trước mặt bà nếu không muốn bị mắng là đồ vô tâm, đồ hời hợt, đồ… . Tôi giả vờ đứng trầm tư, mặt buồn xo, nhưng đầy quyết tâm, rất ra dáng một chàng trai trưởng thành và đã sẵn sàng đương đầu với những thử thách sắp tới.
Cuộc sống tự lập khó khăn hơn tôi tưởng tượng nhiều. Đó không phải là một cuộc sống trong mơ như tôi vẫn hằng ao ước. Căn phòng bé, xập xệ và hơi tối khiến tôi mất cảm tình ngay từ lần đầu tiên bước chân vào. Không còn những bữa cơm nóng hổi với thực đơn theo yêu cầu mà thay vào đó là những bữa cơm nguội ngắt lê la hàng quán đầy xa lạ. Một thằng con trai vốn được cưng chiều từ bé bỗng chốc trở thành người lữ khách đi tìm kiếm tương lai nơi đất lạ xa quê không bạn bè, không người thân. Trải qua những giây phút cô quạnh như vậy, tôi mới cảm hết được tình yêu thương mà bố mẹ dành cho mình.
Tối nào mẹ cũng gọi điện dặn dò và hỏi thăm tôi tình hình thế nào. Lần nào cũng vậy, tôi luôn cố tỏ ra rắn rỏi và rằng mọi chuyện đều tốt đẹp cả. Tôi không muốn để cho mẹ hay những khó khăn mà tôi đang vướng phải, vì tôi dám chắc nếu biết không đời nào mẹ để cho tôi ở một mình như thế. Thế gian này, mẹ nào mà chẳng xót con…
Sự quan tâm, lo lắng từ mẹ đôi khi làm tôi ngộp thở. Mẹ lo cho tôi từ những việc nhỏ nhặt không gọi tên đến những việc quyết định cả tương lai của tôi sau này. Hình như trong mắt một người mẹ, dù có bao nhiêu tuổi chúng ta vẫn luôn nhỏ bé thì phải. Ví dụ như anh họ tôi tuy đã lên chức ông, nhưng vẫn bị bác tôi vác cây đuổi vòng quanh sân vì cái tội say xỉn, bỏ bê vợ con. Yêu thương càng nhiều thì sự kì vọng lại càng lớn, mà điều đó khiến con trẻ ngoan ngoãn và thành đạt hơn không phải lúc nào cũng đúng.
…
Dần dà, cuộc sống xa nhà cũng dễ chịu hơn khi tôi có thêm vài người bạn học chung lớp luyện thi. Trong số đó tôi thân nhất với một thằng, nhỏ hơn tôi một tuổi, tên Long.
Long là con đại gia. Điều đó dễ dàng được nhận ra qua cách tiêu tiền của nó. Tính Long hào phóng và đặc biệt quí tôi, nên cứ mỗi khi đi đâu, ăn uống gì, nó đều dành phần trả tiền. Nhưng tôi thuộc loại người khá rạch ròi trong chuyện tiền bạc và cũng chẳng muốn mắc nợ ai, nên tôi nói với nó rõ ràng.
– Chia đều đi, anh cũng đâu có thiếu thốn đâu mà. Mà có thiếu anh cũng chẳng để em trả
– Em có thì em trả. Anh khách sáo quá – nó cau mày.
– Anh biết mày quí anh, nhưng lòng tốt thì phải để dành
– Thôi vậy cũng được. Mời được anh khó quá – nó lắc đầu ngán ngẩm.
Không biết người khác như thế nào, thật sự tôi rất hạn chế nhờ vả bạn bè, đặc biệt là bạn thân, mặc dù tôi chắc chắn một điều nếu tôi chịu mở lời bạn tôi sẽ giúp hết mình. Không phải tôi ngại hay sợ gì, mà tôi tâm niệm rằng, bạn bè mình cũng bận đủ thứ trên đời, cho nên nếu cấp thiết lắm mới phiền đến người ta, còn không tự làm cho nhẹ đầu.
Cầm điếu thuốc trên tay, thằng Long rít một hơi thật dài rồi từ từ nhả ra một vòng khói điệu nghệ. Nó đẩy bao thuốc về phía tôi.
– Hút không anh?
– Anh không. Anh mày được cái không rược chè, không thuốc lá – tôi vỗ ngực ra vẻ tự hào.
– Vậy đi anh. Như em bây giờ bỏ thuốc khó lắm
– Sao em không bỏ đi?
– Bỏ đâu phải chuyện dễ… – thằng Long ngửa mặt lên trời suy tư. Nó tiếp.
– Vả lại khi buồn có điếu thuốc cũng thấy nhẹ nhõm hơn
– …
– Anh được bố mẹ thương lắm phải không? – nó gõ nhẹ điếu thuốc vào cái gạt tàn.
– Ừ. Nhưng cái gì quá cũng không tốt
– Vì sao?
– Thương quá thì kèm cặp quá dẫn đến mất tự do. Huống hồ anh mày là con trai nữa
– … giá mà anh chia cho em một ít từ sự quan tâm của bố mẹ thì tốt quá – giọng thằng Long đượm buồn…
Long kể khi sinh ra gia đình nó không khá giả như bây giờ. Ba Long làm kĩ sư, còn mẹ làm trong ngân hàng. Lúc đó chị nó mới bước vào lớp 1. Thời đấy, nhà nó có thể thiếu thứ gì chứ tình cảm thì không. Nhưng vài năm sau bằng năng lực, ba nó được đề bạt lên trưởng phòng, rồi phó giám đốc, rồi giám đốc như bây giờ. Lương càng cao, trách nhiệm, thời gian bỏ vào càng nhiều. Không còn những buổi tối cả nhà quây quần bên mâm cơm ấm cúng như ngày nào, mà thay vào đó là những bữa cơm chỉ với ba thành viên. Khoảng cách với chồng công thêm chuyện lên chức khiến cho mẹ nó chẳng còn mặn mà với hai chị em nó…
Tôi không nghĩ ba của Long sai, nhưng tôi nghĩ ba nó là một ông bố không hoàn hảo. Ba nó là một người đàn ông thành đạt khi không bao giờ để ba mẹ con nó phải lo lắng về vấn đề tài chính. Nhưng quả thực với những người như vậy để cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình không phải là vấn đề đơn giản. Không đơn giản không có nghĩa là không làm được, nếu thật sự họ có trách nhiệm với gia đình. Ví dụ cụ thể nhất là chuyện tổng thống Mỹ, Barack Obama, vẫn hàng ngày giúp vợ rửa bát, một cử chỉ đầy yêu thương.
Điều Long kể khiến tôi phải suy nghĩ…
…
Sau 3 tháng ôn luyện, cầm bằng IELTS đủ chuẩn trên tay mà tôi muốn rưng rưng nước mắt. Phần lớn là vì bằng tiếng anh là cái cuối cùng tôi phải hoàn thành để nộp hồ sơ du học, là thứ sẽ khiến cho tương lai của tôi thênh thang hơn với hoa hồng chờ đợi đằng sau những bụi mận gai đầy thách thức.
Trong thời gian chờ kết quả chính thức, tôi vẫn làm thủ tục học đại học như những đứa bạn đồng trang lứa. Bách Khoa Hà Nội là điểm dừng chân tiếp đó. Có nhiều lí do khiến tôi quyết định học ở Hà Nội chứ không phải Thành Phố Hồ Chí Minh. Một trong số đó là vì HN.
Đã bao giờ bạn đến một nơi vì một người đã thuộc về quá khứ chỉ vì bạn biết rất có thể bạn sẽ thấy họ nơi đó. Mà nếu điều đó có xảy ra thật đi chăng nữa thì chưa chắc bạn đủ dũng cảm để đứng dậy, bước lại gần và mở lời chào. Cái cảm giác kích thích khi vừa mong vừa không mong luôn khiến con người ta háo hức. Tôi nằm trong số đấy. Tôi muốn gặp HN một lần để, sau đó, chính thức cất mọi thứ về em vào trong một góc nhỏ của trái tim…
Tôi đặt chân đến Hà Nội vào một ngày cuối hè. Anh trai ra đón tôi với gương mặt khấp khởi.
– Đi mệt không em? – vừa nói anh vừa đỡ cái va li trên tay tôi.
– Bình thường thôi ạ. Em lên máy bay ngủ suốt ấy mà – tôi ngó nghiêng xung quanh xem thử sân bay Nội Bài có gì khác so với lần gần nhất tôi đến.
Cũng không thay đổi nhiều lắm. Taxi với xe ôm nhiều hơn thôi.
– Em gọi cho mẹ chưa? – ông anh cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.
– Em chưa lắp sim vào nữa. Thôi để lát về đến nhà em gọi sau
– Cầm điện thoại của anh mà gọi. Tính mẹ hay lo. Em mà không gọi, kiểu gì mẹ cũng lo sốt vó cho mà xem – ông anh dí ngay cái điện thoại vào tay tôi.
Sau khi gọi điện thông báo tình hình để mẹ yên tâm, ông anh bảo tôi chờ rồi ra bãi đỗ lấy xe. Nhìn điệu bộ ung dung, thư thả là đủ để biết anh tôi có tướng làm sếp. Mà thật sự, ông ấy giỏi thật. Chưa tốt nghiệp đại học đã được Bộ Quốc Phòng kí hợp đồng làm việc ngay sau ra trường. Làm được hai năm, anh tôi bỏ việc ra mở công ty riêng với một anh làm chung. Trong ba anh em, ông ấy là anh cả, là người cần cù, nhẫn nại nhất, và cũng là người tôi nể hơn cả.
Vừa vào đến cửa, Ngô, đứa con gái của anh tôi, chạy ra ôm chầm lấy tôi.
– A! Chú M! Chú M đến này mẹ ơi – vừa ôm ngang lưng tôi, nó vừa nhảy tưng tưng nhìn vừa đáng yêu vừa buồn cười.
– Ngô nhớ chú luôn à!? Giỏi thế – tôi xoa đầu nó.
– Nhớ chứ! Chú M đi mua kẹo cho cháu đi – nó nắm tay tôi lôi tuột ra phía cửa.
– Thôi được rồi. Để chú mua cho – tôi vừa cười vừa gói miếng kẹo cao su đang ăn dở vào trong khăn giấy.
– Ngô! Để chú lên rửa mặt mũi chân tay đã chứ. Chú mới về mệt, con bắt chú đi mua kẹo cho con ngay là sao? – tiếng chị dâu tôi vọng từ trong nhà dần ra phía cửa.
Con bé cháu tôi sợ mẹ một phép, nghe thấy thế, nó nem nép nhìn mẹ rồi quay sang kéo kéo tay tôi và nói.
– Nghỉ ngơi xong chú dẫn cháu đi chơi nhé. Cháu nhớ chú lắm – con bé ôm chặt lấy tôi như sợ tôi sẽ bỏ nó đi như khoảng thời gian ba năm về trước…
…
Ba năm về trước…
– Mẹ ơi! Con đậu rồi – giọng tôi run lên trong điện thoại lúc thông báo kết quả tuyển sinh vào trường cấp 3, đại học sư phạm Hà Nội.
– Con mẹ giỏi quá! – mẹ tôi tấm tắc với một chất giọng đầy vẻ tự hào.
– Một tháng rưỡi nữa là học rồi mẹ ạ. Mẹ cho con về quê ngoại chơi với các em nhé
– Ừ! Con ở nhà anh một hai hôm nữa rồi mẹ bảo anh mua vé xe về quê cho
– Dạ vâng!
– …
– Con tắt máy nhé
– Này! Con định sẽ học ở ngoài đó thật à? – bỗng dưng giọng mẹ tôi trùng xuống.
– Dạ! Con muốn được đi thi quốc tế – tôi nói lên giấc mơ của tôi. Đúng là hồi nhỏ, nhìn cái gì cũng đầy màu hồng.
– Con ở ngoài đó thì ai chăm. Vào đây với mẹ. Học trong này cũng tốt mà…
– Con tự lo được. Ở ngoài này còn có anh An, anh ấy sẽ lo cho con được – tôi nói giọng chắc đe.
– Con cứ suy nghĩ cho kĩ đi! Me dạy đây
Tắt máy mà lòng tôi đầy hứng khởi với những dự định ấp ủ sắp tới. Tôi sẽ được về thăm ông bà, được đi chơi với những đứa em họ đồng trang lứa, rồi sau đó là khoảng thời gian tôi sẽ tự quyết định cuộc sống của mình mà không có bố mẹ can thiệp vào. Tất cả dần dần hiện lên trong trí tưởng tượng bay bổng của tôi. Khi tôi đang miên man với viễn cảnh như ở thiên đường, Ngô không biết từ đâu chạy đến ôm chân tôi khóc tức tưởi.
– Chú ơi! Bạn Misa qua đời rồi
– Làm sao mà Misa qua đời – tôi cúi xuống đặt hai tay lên vai Ngô.
– Cháu không biết. Bụng bạn Misa bị rách. Bạn ấy chết rồi phải không chú – con bé vừa nói vừa nấc.
– Đâu? Dẫn chú đi xem
Ngô dẫn tôi đến chỗ con gấu bông bị rách một đường ở bụng. Có thể là do con cháu tôi không cẩn thận nên bị vướng vào đâu cũng nên.
– Misa không sao đâu. Bạn ấy chỉ bị lòi ruột ra ngoài thôi. Để chú làm bác sĩ cứu bạn Misa cho Ngô nhé – tôi nói nhẹ tâng chư thể người ta chỉ bị xước da bình thường vậy.
– Được không hả chú? – Ngô mếu máo.
– Được. Chú có nói dối Ngô bao giờ đâu
– Vâng – con bé đã dừng khóc nhưng vẫn chưa thôi nấc.
Tôi đi quanh nhà và tìm kim chỉ. Ngô như sợ tôi bỏ trốn, con bé theo tôi như hình với bóng. Tôi lấy ngón tay nhét mấy miếng bông rơi ra từ bụng con gấu rồi bắt đầu. Một tay giữ, một tay cầm kim, tôi tỏ ra lóng ngóng ra mặt. Khâu có cái vết rách chưa đầy 5cm mà tôi mất cả tiếng đồng hồ. Thế nhưng, Ngô luôn tỏ ra nhẫn nại, con bé kiên nhẫn nhìn theo từng khâu của tôi một cách chăm chú. Chắc chắn lúc đó con bé nghĩ tôi là người bác sĩ tài giỏi nhất cũng nên.
Cầm thành quả trên tay, dù không được như mong đợi, tôi cũng cảm thấy vui vui. Tôi đưa Misa cho Ngô.
– Bạn Misa sống rồi hả chú?
– Ừ. Misa sống rồi. Không những thế giờ Misa còn rất là men lì nữa
– Men lì là gì hả chú?
– Là đàn ông ấy. Ai mà có sẹo ở bụng nhìn cũng men lì hết. Nhất là ở chỗ đó nữa – tôi lấy tay chỉ vào chỗ vừa khâu.
– Vậy giờ mình gọi bạn ấy là Misa-men-lì nha chú – Ngô reo lên.
– Ừ! Misa-men-lì