Phần 122
Trong mỗi cuộc đời, chắc hẳn ai cũng đều theo đuổi một giấc mơ cho riêng mình, lãng mạn, viển vông hay thực tế với cuộc sống?? Đôi khi giấc mơ ấy lại là những điều mà mình đã đánh mất, hay nó tự xa rời cuộc đời ta? Thật khó để chiêm nghiệm, nhưng đã trót theo đuổi thì đó luôn là một nỗi khắc khoải trong lòng, dù có chôn chặt trong tiềm thức thì nó vẫn ám ảnh ta đến suốt cuộc đời…
Giấc mơ của tôi là những gì tôi đang có, đang hiện hữu. Dù đang phải trải qua những biến cố khủng khiếp, dù cho ranh giới giữa cơn ác mộng và một giấc mơ yên bình chỉ là một sợi chỉ mong manh, dù vẫn chưa thể thoát khỏi tâm trạng rối bời về một con đường chưa biết điểm kết thúc sẽ ra sao…
Nhưng đã mơ được đến lúc này, tại sao không cố níu giữ…
Tôi nghĩ nàng cũng vậy. Tình yêu và một chút nổi loạn của tuổi trẻ, khi niềm tin bị tổn thương nó sẽ trở thành sự bất cần…
Nói nôm na ra là chúng tôi đang mặc kệ tất cả…
…
– Nước này! – Bà bán nước hơi gắt lên khi thấy tôi đang ngồi ngẩn tò te.
– Dạ! Con xin! – Tôi lập cập đưa tay đón chén trà nóng hổi, nhấp một ngụm.
Nhìn ra đường lác đác một vài chiếc xe tải chở đất chạy qua cuốn theo khói bụi mù mịt, nắng đã chiếu rọi khắp muôn nơi.
– Nghe giọng cháu không phải người địa phương? – Buồn mồm bà bán nước bắt chuyện.
– Dạ!!!
– Lên Tam Đảo chơi hử?
– Tam Đảo? Đây gần Tam Đảo ạ? – Tôi buông chén nước.
Thực ra tôi đi không có định hướng, cũng tính quay trở lại Phúc Yên, nhưng sợ gã Nhật Huy sẽ lần theo dấu vết mò về đó thì mọi chuyện sẽ khó kiểm soát hơn. Thế nên tôi đưa nàng quay trở về hồ nước, đi lòng vòng ngắm cảnh. Rồi cứ thế đi miết, đến gần trưa qua một thị trấn nhỏ heo hút, chúng tôi dừng lại để mua ít nhu yếu phẩm.
Dù cũng là một địa danh ở trong tỉnh, nhưng tôi chỉ thi thoảng nghe tới Tam Đảo là một địa điểm du lịch địa phương, chứ chưa có dịp đến bao giờ.
– Khoảng hơn hai chục cây tính cả đường đèo dốc. – Bà bán nước vừa lau bàn vừa trả lời tôi.
– Dạ vâng ạ! Cảm ơn u!
– Chắc đưa người yêu đi chơi chứ gì? – Bác xe ôm bên cạnh vừa làm bi thuốc lào, miệng phả khói khề khà góp chuyện.
– Dạ! – Tôi đỏ bừng mặt.
– Hai cháu từ đâu tới?
– Cháu cũng ở gần đây thôi ạ!
– Mùa này lên đó là chuẩn rồi! Tam Đảo một ngày có đủ bốn mùa, nhưng đêm thì hơi lạnh đó.
– Vậy ạ?
– Ừ, đường đèo dốc hơi khó đi. Cháu phải mua một chai nước để đổ máy và ống xả, không thì cháy máy đấy.
– Vâng, cháu cảm ơn bác.
Tôi gật đầu cảm ơn bác xe ôm tốt bụng. Rồi lại nhấp ngụm trà, nhìn ra đường nghĩ ngợi tiếp. Lúc sáng điện về hỏi thăm tình hình của mẹ, rồi nói dối là phải ở lại nghe ngóng lịch chuẩn bị cho kỳ học năm thứ 3 để mẹ yên tâm và không hỏi han gì nhiều. Sau đó tiếp tục điện cho hội thằng Hòa. Thấy Hòa bảo mất dấu vết của hội Nhật Huy, nên không rõ tình hình ra sao. Bảo chúng tôi cẩn thận, có gì thì alo ngay cho chúng nó.
– Cho con xin điếu thuốc!
– Đây! – Bà bán nước bóc một bao thuốc, rút một điếu đưa cho tôi.
Đang phì phèo, chợt một bàn tay giật lấy vứt ra xa. Sau đó một cái véo tai đau điếng.
– Ái!!! – Tôi nhăn nhó.
– Nghiện ngập quá nhỉ? Lần này bắt quả tang, hết đường chối cãi nhé! – Nàng lườm tôi với vẻ nghiêm khắc.
– Anh xin lỗi, tại em đi lâu quá nên anh sốt ruột! – Tôi vừa rối rít xoa tai, vừa nói.
– Vậy hóa ra là lỗi của em à! Đưa nốt cái tai bên kia đây! – Nàng cau mày.
– Thôi được rồi, anh xin! – Tôi nhảy dựng lên né cú véo tiếp theo của nàng vừa cười.
– Có mua được gì không? – Tôi vội nói lảng.
– Chợ ở đây chẳng có gì ăn hết, có chút bánh và hoa quả thôi – Nàng thở dài.
– Ôi vẽ chuyện quá, anh đã bảo là không đói rùi mà – Tôi vừa nói vừa nhìn túi bánh nuốt nước bọt ừng ực.
– Xấu quá! Chẳng nói thật lòng mình bao giờ – Nàng đưa tay véo nhẹ lên má tôi.
– Thật không? – Tôi giữ bàn tay lại, áp vào má nhìn nàng trìu mến.
– Ủa, còn túi nào nữa mà nhiều thế này!?
– Thì mấy thứ linh tinh với cả quần áo, đồ lót… của anh và em! – Nói đến từ cuối nàng đỏ bừng mặt quay đi.
– Ơ! Làm sao em biết size của anh? – Tôi nheo mắt cười.
– Hỏi nhiều! – Nàng gắt.
– Ngày xưa bà mà cho tôi cầm tay, thì lão chồng bà có mà ăn cám – Bác xe ôm nhìn hai chúng tôi rồi liếc bà bán nước bỡn cợt.
– Mẹ! Sắp lên chức cụ đến nơi còn nói chuyện ngày xưa! – Bà bán nước cong cớn.
– Chẳng phải à, hồi ấy õng a õng ẹo, chê nhà tôi ít trâu ít ruộng, theo cái lão khèo khọt được mươi năm thì lão ngỏm củ tỏi.
– Chứ không phải hồi ấy lão mê tít cái mông cong tớn của con vợ lão rồi bỏ con này hả!! – Bà bán nước đập bàn cái rầm.
– Ấy làm gì mà nóng, hay giờ hai đứa mình rổ rá nong nia cạp lại với nhau nhể??
– Giờ ông có mà cạp đất với giun!
– Biết được à, nhìn tụi trẻ tình tứ mà tôi thấy hừng hực như thời trai tráng ý – Bác xe ôm ưỡn ngực khề khà.
– Lão thì mấy ngáp… – Đang định nói tiếp, nhưng nhìn chúng tôi đang mắt tròn mắt dẹt, bà bán nước ngưng giọng.
– U cho con tính tiền ạ! – Tôi kéo nàng đứng dậy, cố nín cười.
– 5 Quả trứng vịt, một cốc nước, một điếu thuốc! Tám ngàn!
– Hả, anh bảo anh không thích ăn trứng cơ mà? – Nàng tròn mắt nhìn tôi.
– Thì… anh đói quá! – Tôi gãi đầu.
– Rõ là Trư Bát Giới – Nàng bĩu môi.
Tôi lè lưỡi. Thanh toán tiền, mua thêm một chai nước lọc loại to rồi chúng tôi dắt tay nhau ra chỗ để xe.
– Anh mua thêm nước làm gì thế? – Vừa ngồi yên vị lên xe nàng đã tò mò hỏi.
– Để đổ vào máy cho khỏi cháy? – Tôi nháy mắt.
– Em không hiểu!
– Cứ đi đi, rồi sẽ hiểu! – Tôi tủm tỉm cười bí ẩn.
– Đi đâu?
– Bí mật!
…
Công nhận đường lên Tam Đảo quanh co thật, và lại dốc nữa, suốt cả đoạn đường xe chỉ có đi được số 2. Nhưng khung cảnh thì đẹp mê hồn. Nắng chiếu dọi lên những tán lá úa vàng, chim hót líu lo. Càng lên cao không khí càng trong lành mát rượi.
– Xèo xèo!!! – Tôi lấy chai nước đổ vào máy, từng làn khói nghi ngút bốc lên.
– Còn xa không anh? – Nàng ngồi lên một phiến đá ngước nhìn con đường dốc sâu hun hút lên phía trên đỉnh núi, tỏ vẻ sốt ruột.
– Anh cũng không biết! Theo công – tơ – mét thì chắc mình cũng đi được hơn nửa đường rồi.
– Em thấy ở đấy có nét gì đó khá giống Đà Lạt!
– Ừ, một ngày nó cũng có bốn mùa mà! – Tôi vặn nắp rồi bỏ chai nước vào túi, gác lên xe. Sau đó bước lại ngồi cạnh nàng.
Chợt thấy nàng mân mê chiếc điện thoại xem cuộc gọi nhỡ.
– Sao anh thấy chuông đổ nhiều mà không thấy em nghe cuộc nào!
– Em cũng chưa biết phải trả lời sao nữa! – Nàng thở dài.
– Mẹ gọi à?
Nàng gật đầu rồi ngồi trầm ngâm.
Tôi khoác vai nàng, kéo nhẹ vào lòng. Chúng tôi lại chẳng ai nói với nhau câu nào nữa. Mỗi người đang theo đuổi những suy nghĩ riêng, và có lẽ điểm chốt cuối cùng là những lo lâu vẫn đang âm ỉ trong đầu, muốn cố quên mà không thể quên được. Giấc mơ cũng không khỏa lấp đi thực tế, ngày mai sẽ ra sao..?
Chuyến đi này là chạy trốn hay thách thức với số phận? Tôi cũng chẳng rõ nữa. Vì giờ mọi thứ vẫn đang rất rối bời.
Ngồi thêm một lúc, chúng tôi lại tiếp tục hành trình…
…
– Được rồi! Mời anh chị lên phòng 506! – Cậu lễ tân cầm chứng minh thư rồi đưa chìa khóa phòng cho tôi.
– Sao lên cao thế? – Tôi hơi nhăn mặt. Vừa lên tới nơi, sau chặng đường đèo mệt mỏi lại phải leo nữa thì thật sự ngán ngẩm.
– Anh ơi, phòng đó mở cửa sổ ra là nhìn được toàn cảnh thị trấn, và nhìn bao quát được cả một vùng, đẹp lắm. Nhưng nếu anh không thích thì em đổi cho.
– Thôi được rồi, không phải đổi! – Tôi xua tay khi nghe cậu lễ tân trình bày, cũng khá hợp lý đấy chứ.
Hỏi han thêm về các địa điểm đi chơi, ăn uống xong tôi với nàng lên phòng.
Vào phòng, vứt đồ đạc qua một bên. Tôi nằm vật xuống giường, giờ mới cảm thấy chân tay rã rời.
– Bạn ấy nói đúng đấy, đẹp quá anh à! – Nàng mở cửa sổ, bước ra ngoài lan can say xưa nhìn ngắm.
– Ôi, giờ anh chẳng còn tâm trạng nào mà lãng mạn nữa… chỉ muốn ngủ một giấc thôi.
– Chàng thi sĩ trong anh chạy trốn đi đâu rồi? – Nàng ngoảnh lại cười.
– Anh cũng không biết, sau giấc ngủ anh sẽ gọi hắn về.
Tôi vừa nói vừa ngồi dậy, tháo giày. Với lấy đôi dép, rồi bước vào nhà tắm…