Phần 22
Đã hai ngày kể từ khi trở về từ Hà Nội. Tôi vẫn chưa thể nguôi đi nỗi buồn, nỗi hụt hẫng trong lòng. Chị đã mỉm cười yên nghỉ, để lại cho cuộc đời và tôi biết bao câu hỏi về sự trầm luân của kiếp người, về sự nghiệt ngã của số phận, và về lòng trắc ẩn trong xã hội hiện nay, có còn tồn tại không?
– Hiếu! Ra ăn cơm đi con! – Tiếng mẹ gọi hôm nay sao mà thân thương lạ.
– Dạ vâng! Con ra ngay ạ!
…
Bữa cơm của gia đình tôi, chỉ có tôi và mẹ. Trước đây thi thoảng đi qua nhà ai vào giờ này, liếc vào thấy cảnh tượng xum vầy, đông vui, đầm ấm, nói cười rôm rả. Dù cố gạt bỏ nỗi buồn và những suy nghĩ lại đang xới lên trong đầu, nhưng đọng lại vẫn cứ là một cảm giác chạnh lòng, tủi thân…
– Đang nghĩ gì vậy con? Hôm nay mẹ nấu nhiều cơm đấy, sắp nhập học rồi phải ăn nhiều vào mới có sức, có thực mới vực được đạo mà… này ăn thử món cá xem…
– Vâng! Con xin – Đón nhận miếng cá mẹ gắp, tôi cảm thấy cay cay nơi sống mũi. Chạnh lòng, tủi thân ư? Tôi còn muốn cái gì nữa khi có một người mẹ chăm bẵm yêu thương tôi đến như vậy. So với chị thì ông trời vẫn còn đãi ngộ tôi tốt chán. Hạnh phúc của một gia đình ư… Bỗng nhiên tôi nhìn mẹ mỉm cười:
– Mẹ cũng ăn đi này, con thấy dạo này mẹ gầy lắm!
Mẹ đón miếng thịt tôi gắp với đôi mắt ngạc nhiên và khó hiểu:
– Ông tướng hôm nay làm sao thế, mọi hôm chỉ biết cắm cúi ào ào ăn, hôm nay tự nhiên lại gắp cho mẹ nữa cơ đấy?
– Cơm mẹ nấu lúc nào cũng ngon! – Tôi nháy mắt rồi cười đánh trống lảng. Tự nhiên thấy trong lòng ấm áp lạ, đã từ lâu tôi đã lãng quên mất cái cảm giác này bởi những suy nghĩ mặc cảm tủi thân kiểu trẻ con. Mà không hề biết rằng hạnh phúc gia đình vẫn luôn hiện hữu bên tôi, bên người mẹ đã hy sinh cả cuộc đời vì tôi. Kể từ lúc tôi sinh ra, thì mẹ và tình yêu của mẹ đã chính là gia đình của tôi rồi.
Phải! Nên bằng lòng và hạnh phúc với những gì mình có, bởi đó là món quà mà cuộc sống đã ưu ái dành cho mình.
Chưa bao giờ ăn một bữa cơm ngon như hôm ấy…
…
Buổi chiều, mẹ đi làm. Tôi vẫn ngồi với những suy nghĩ miên man trong đầu. Chao ôi! Cái đầu tôi muốn nổ tung lên mất, sao tôi không thể dừng suy nghĩ và để cho nó thư giãn một chút nhỉ?
“Cộc! Cộc!” – Bỗng có tiếng gõ cửa.
– Ai đấy?
– Đại ca! Là em đây – Tiếng thằng Sơn.
Tôi ra mở cửa, nó nháy mắt nhìn tôi với cái điệu cười quen thuộc:
– Trà đá đi đại ca!
…
Nhâm nhi ngụm trà đá mát rượi, xuôi lòng, tôi nhìn lên cổng trường cấp 3 cũ của mình. Cũng sắp khai giảng rồi, đâu đó một vài tốp học sinh đến, hình như là tập văn nghệ cho lễ khai giảng. Nhìn tụi nó tôi bồi hồi nhớ lại cảnh tượng chia tay cuối cấp cách đây mấy tháng. Cả lớp học ngập đầy phượng và bằng lăng, thành quả của tụi con trai chúng tôi dậy từ 3h sáng để đột nhập vào uỷ ban hái trộm. Vì những cây phượng ở trường học đã trụi thùi lụi từ mấy hôm trước rồi, nên chúng tôi phải liều mình vậy, chia tay mà không có mấy món quen thuộc đó mất chất học sinh lắm. Tụi con gái khá là bất ngờ, có một vài đứa không cầm được nước mắt, mấy thằng tôi thì quần áo xộc xệch, lấm lem, te tua vì bị bảo vệ và chó ở uỷ ban đuổi chạy bán sống bán chết, những vẫn nhe răng cười, những nụ cười gượng gạo, nghẹn ngào… Đứa nào cũng ý thức được rằng đây sẽ là buổi nghịch ngợm cuối cùng của tuổi học trò…
Thằng Sơn như cũng có cùng tâm trạng với tôi, hôm nay thấy nó là lạ.
– Đại ca! – Bỗng nó quay sang tôi.
– Gì vậy?
– Đại ca có chút tin tức nào của sếp không?
Bỗng nhiên nó lại nhắc đến nàng, bất giác tôi quay nhìn về phía cổng trường, có 2 cô cậu học sinh muộn học đang đứng tần ngần trước cổng, là tôi với nàng sao?
– Đại ca!! Sao không trả lời em vậy? – Giọng thằng Sơn lại cất lên phá tan những hình ảnh ký ức vừa hiện về trong tôi. Tôi thất thần quay sang nó.
– Không… tao! Kể từ ngày ấy, không có một chút tin tức nào của Ngọc cả…
– Đại ca sẽ đi tìm sếp chứ? – Nó có vẻ nghiêm túc.
– Uhm, nhưng không phải lúc này. – Tôi trầm ngâm.
Nó khẽ thở dài:
– Sếp đã rất khổ tâm… hôm ấy khi đưa bức thư gởi đại ca cho em, sếp đã khóc rất nhiều, khiến thằng em đây cũng không cầm được nước mắt.
Nghe nó nói mà tim tôi nhói đau, cái thằng chết tiệt! Khi không lại đem chuyện cũ nhắc lại. Tôi cúi gằm mặt xuống, mím chặt môi mà cũng không thể ngăn được những giọt nước mắt mặn chát đang nhỏ xuống ly trà đá. Dù nó không nói thì tôi cũng biết mà… biết công chúa mít ướt là đồ nói dối… nói dối xấu xa…
– Em đã định chạy sang báo tin ngay cho đại ca ngay, nhưng sếp đã ngăn em lại, bắt em phải hứa là khi nào sếp đi rồi mới được sang đưa thư cho đại ca. Em xin lỗi… nếu biết trước đại ca buồn như vậy em đã…
– Mày im đi! – Tôi đưa 2 tay bịt chặt tai, hét lên ngắt lời nó.
– Dạ vâng! Em im… – Nó tiu nghỉu.
– Mày cứ ngồi đây đi, tao về trước đây. – Tôi đưa tay lau nước mắt rồi đứng dậy. Nếu cứ ngồi nghe cái thằng này thêm lúc nữa chắc tôi lại khóc oà lên mất.
– Đại ca! Khoan đã – Nó gọi giật giọng.
– Gì, cứ nói đi?
– Đại ca! Em sắp đi rồi, em ra đây chào anh.
Tôi sững người khi nghe nó nói vậy, tôi liền quay lại hỏi:
– Mày đi đâu? Không ôn thi tiếp năm nữa à!?
– Em có ôn thêm 100 năm nữa cũng thế mà thôi, tài hèn sức mọn, không học tanh tưởi như đại ca được – Nó nhe răng cười.
– Thế mày định đi đâu?
– Em đi buôn!
– Cái gì??? – Tôi bật cười sằng sặc:
– Mày mà đi buôn á, giờ tường nhà vệ sinh cứng lắm, không đục được đâu, với lại chị em giờ cũng cảnh giác lắm ông tướng ạ.
– Đại ca cứ trêu em thế! – Nó đỏ bừng mặt.
– Uh, thì không trêu nữa, thế rốt cuộc là mày định buôn cái gì và ở đâu? – Tôi nghiêm giọng.
– Em qua chỗ ông chú em bên Cộng hoà Séc đại ca ạ!
– Vậy hử?
– Vâng! Ông ý bảo lãnh em sang.
– Tốt, nhưng sang đó cuộc sống phức tạp hơn nước mình nhiều, mày thích nghi được không?
– Em nghĩ là được! Em qua đó nếu làm ăn tốt em sẽ bảo lãnh đại ca sang nhé.
– Thôi tôi xin ông, chỉ cần ông vác cái xác lành lặn về là tôi mừng thay cho bố mẹ ông lắm rôi, sang đó nhìn trộm phụ nữ là đi tù đấy, vớ vẩn nó đánh cho mày thành thái giám luôn ấy chứ!
– Đại ca lại trêu em rồi, đại ca đứng lại không!! – Nó vùng dậy đuổi theo tôi, 2 thằng dồn nhau chạy vào trong trường, rồi lại chạy vòng quanh sân trường. Mệt nhoài, chúng tôi chạy lên lớp học cũ, mỗi thằng một cái bàn nằm thở dốc.