Phần 25
– Nào dậy! Dậy thôi đồng chí, đến nơi rồi!
Đang say giấc nồng thì một bàn tay lay tôi dậy, tôi giật mình mở choàng mắt ra, khuôn mặt vẫn chưa hết ngái ngủ. Vấn đôi má núng nính chú nhìn tôi cười.
– Dậy rồi lên phòng ngủ tiếp.
– Không ạ, cháu hết buồn ngủ rồi – Tôi vặn người cho đỡ mỏi rồi với tay mở cửa bước ra ngoài. Ngoảnh nhìn xung quanh, thấy mình đang đứng trong khuôn viên của một khu tập thể, khá là rộng! Có cả vườn hoa, ghế đá… Không vắng lặng như ở nhà tôi, ở đây người đi đi lại lại có vẻ nhộn nhịp hơn, hình như cũng trưa rồi thì phải, thấy ai đi về cũng lỉnh kỉnh rau quả và đồ ăn, thi thoảng một nhóm trẻ con đùa nghịch đuổi nhau chạy vụt qua…
– Nhìn ngắm chán chưa? Rồi cháu sẽ quen thôi, cầm lấy ba lô rồi đi theo chú. – Chú vừa nói vừa bước ra mở cốp.
– Vâng! – Tôi lại đỡ lấy 2 cái ba lô rồi bước theo chú đi về phía cầu thang.
– Ở tầng mấy hả chú?
– Tầng 2 thôi… A chào thủ trưởng! – Chú vừa đi vừa chào một người đàn ông cũng có vẻ đứng tuổi đang bước từ trên cầu thang xuống.
– Cháu chào bác! – Tôi cũng cúi chào.
– Ai đấy? – Người đàn ông nhìn tôi xăm soi từ đầu đến chân khiến tôi bối rối.
– À! Thằng cháu em mới thi đỗ đại học, em bảo nó đến đây ở cùng em cho vui ấy mà! – Chú niềm nở:
– Tối nay nếu thủ trưởng rảnh anh em mình lại làm mấy ván nhé, mấy hôm nay không đánh, vật quá!
– Mày toàn vật gái chứ vật gì cờ! – Người đàn ông cười ha hả.
– Kìa bác lại nói em thế – Chú e dè liếc nhìn tôi:
– Thôi chú cháu em xin phép thủ trưởng nhé, cho cháu nó nghỉ ngơi kẻo đi đường xa mệt, thủ trưởng để ý hộ em cái xe nhé, có gì tối lên phòng em nhâm nhi rồi làm mấy ván.
– Ờ, lên đi!
– Cháu xin phép bác ạ! – Tôi cúi người chào lại lần nữa rồi bước theo chũ Dũng, lờ mờ đoán ra người đàn ông đó chắc là bảo vệ hay quản lý gì đó ở khu tập thể này…
…
– Sao, ổn không hả ông cháu! – Chú đẩy cửa bước vào rồi quay lại nhìn tôi ra vẻ rất tâm đắc.
Tôi ngó vào, một căn hộ khá rộng với 1 phòng khách, 1 phòng ngủ, một gian bếp và một nhà tắm, tường vôi ve tuy cũng đã bạc màu, nhưng sạch sẽ, đồ đạc tiện nghi đầy đủ không thiếu cái gì cả. Lại còn có cả điều hoà nữa chứ, thứ mà thời bấy giờ ít có nhà dân nào dùng, chỉ có thể thấy ở các cơ quan lớn hoặc nhà nghỉ – khách sạn. Trời ạ! Tôi có nằm mơ cũng không giám nghĩ đến việc mình sẽ ở một nơi như thế này trong suốt những năm tháng sinh viên. Tôi đi hẳn vào giữa nhà, nhìn ngắm khắp xung quanh, mặt vẫn chưa hết ngỡ ngàng.
– Hehe! Chú đã bảo là mày sẽ thích mà! Thôi vứt tạm ba lô ở đấy rồi nghỉ ngơi đi, có tắm rửa cho tỉnh người thì tắm, mỳ tôm chú để trong tủ bếp, trứng trong tủ lạnh, ăn tạm đi. Giờ chú đang vội, có gì tối chú về thảo luận sau, à cầm lấy chìa khoá này, lúc nào rảnh sẽ đánh thêm 1 chìa nữa! Thế nhé!
Chú lúi húi tháo một cái chìa trong chùm chìa khoá của chú ném cho tôi, rồi vội vã bước ra ngoài đóng cửa lại. Tiếng bước chân chú xa dần…
Tôi đứng tần ngần thêm một lúc rồi đi đến tủ lạnh lấy một chai nước lọc ra tu một hơi. Từng dòng nước lạnh xả vào lòng mát rượi, sau đó tôi bước vào phòng ngủ tiếp tục khám phá không gian sống của mình. Oh! Trong này có một cửa sổ, tôi bước lại mở ra và khẽ reo lên thích thú, đằng sau lại là một con phố lớn khá sầm uất, phía đối diện bên kia đường là một ảnh viện áo cưới rất lộng lẫy, rồi đến những cửa hàng quần áo, tạp hoá, hàng ăn xen kẽ nhau… Có lẽ cũng đang vào buổi trưa nắng nên người đi lại trên đường cũng ít, thi thoảng có một chiếc xe Bus phóng vụt qua… nhấp thêm ngụm nước nữa tôi tựa vào cạnh cửa say xưa thưởng ngoạn không gian phố xá đô thị từ căn phòng nhỏ này… đâu đó có tiếng loa phóng thanh đang phát đi một bài hát… tôi nghe câu được câu mất…
‘… Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ.
Ai đó chờ ai… tóc xoã vai mềm.
Ta còn em… cây bàng mồ côi mùa đông…
Ta còn em… góc phố…’
Bỗng nhiên tôi thoáng giật mình, “cây bàng… mùa đông” ư? Sao nghe thân quen quá… một hình bóng thân thương… ngày ấy…
Hà Nội ơi! Có lẽ đây là nơi khởi đầu để thực hiện những giấc mơ và hoài bão… nhưng cũng là nơi để tôi đặt những bước chân đầu tiên trên con đường tìm lại… tìm lại cuộc sống… và… viết tiếp câu truyện cổ tích còn dang dở…
… cho tôi và cho em…
Tiết trời Hà Nội vào thu, đầu tháng mười. Gió heo may đã bắt đầu thồi nhè nhẹ trên những con phố, lùa vào những tán cây. Không khí dịu mát đã trở lại sau những ngày nắng nóng cuối hạ. Đi dạo trên đường khu vực trung tâm, nhất là ở những khu phố cổ sẽ dễ dàng bắt gặp những gánh hàng cốm, hàng hoa, nổi bật là màu vàng rực rỡ của hoa cúc, khiến lòng bồi hồi những xúc cảm nhớ thương… Và còn một đặc sản không thể vắng mặt trong bữa tiệc thu Hà Nội, đó là hoa sữa, mùi hương phảng phất dìu dịu quyện vào người đi đường như níu kéo và gợi mở tâm hồn ta nhớ về những hồi ức thiêng liêng, và ghi sâu vào trong lòng ta một cái gì đấy rất riêng, rất Hà Nội…
Rảo chân đạp xe trên những con đường, tôi thả hồn vào bầu không khí mát lành, say sưa tận hưởng và đắm chìm trong những cảm xúc mới khám phá nơi phố phường nhộn nhịp này.
Vậy là tôi đã bước vào đời sinh viên được gần một tháng rồi, vẫn đang trong giai đoạn hoà nhịp với cuộc sống nơi đây, nhưng đã không còn cái cảm giác bỡ ngỡ như lúc ban đầu mới lên Hà Nội nữa. Ngoài thời gian lên lớp, thư viện, học bài… tôi vẫn luôn để dành cho mình một chút thời gian rảnh rỗi để tự đạp xe đi khám phá cuộc sống. Đôi lúc mải đi quên cả đường về, hỏi đường mò mẫm mãi mới tìm về được đến nhà.
…
– A! Chào ông cháu!
– Ơ, sao hôm nay chú về sớm thế? – Vừa bước vào phòng tôi đã thấy chú Phong đang lúi húi chỗ quầy bếp, ngoảnh ra nhìn tôi cười:
– Hôm nay sếp đi công tác trong Sài Gòn, đến tận ngày kia mới về, vừa đưa lão ý ra sân bay xong.
– Vậy là ngày mai chú cũng được nghỉ luôn ạ? – Tôi tháo giày ra đặt ba lô xuống.
– Ờ! Thi thoảng cũng có một vài ngày nghỉ như thế này – Chú vừa nói vừa đưa thìa súp lêm miệng nếm, cái mặt núng nính nhăn lại:
– Ui chao, bỏ mẹ, cho hơi nhiều muối rồi!
– Chú nấu cái gì đấy! Có cần cháu giúp gì không? – Tôi bước lại, thấy trên quầy bày ngổn ngang rau và thịt, trên bếp một nồi canh đang sôi sùng sục.
– Hôm nay mát giời, lại được nghỉ xả hơi nên chiêu đãi ông cháu bữa lẩu! Trải chiếu rồi bày luôn cho chú bọn rau này ra, xong rồi đấy!
– Vâng ạ!
Những lúc chú mà nấu ăn thì tôi chỉ có làm chân lặt vặt thôi, vì trong cái việc bếp núc tôi khá là vụng, 2 chú cháu phân chia công việc theo kiểu đứa nào về trước thì đứa đấy đi chợ nấu cơm rồi ghi sổ lại, cuối tháng cộng tổng kết rồi cưa đôi tiền ăn, ai bỏ ra ít hơn thì bù cho người kia, nếu muốn chiêu đãi ngoài hợp đồng thì khỏi phải ghi, tính cách chú thoải mái thẳng thắn nên rất dễ sống. Với khả năng nấu ăn của tôi, quanh quẩn mãi cũng chỉ rau luộc, trứng tráng, đậu rán, thịt luộc, thịt rang muối và những món đơn giản khác. Còn chú phải nói là một đầu bếp khá cừ khôi, nhưng món ăn chú nấu đều rất cầu kỳ và ngon miệng, không thua kém bất kỳ nhà hàng nào cả.
Nhưng cũng không vì thế mà chú chê bai những món tôi nấu, chú luôn bảo: “Ăn sơn hào hải vị mãi nhàm rồi, đôi khi những bữa cơm đạm bạc lại cảm thấy ngon miệng và ấm cúng…” Tôi cũng chẳng biết chú nói thật hay chỉ là an ủi nữa.
– Nào uống đi!
– Vâng cháu mời chú! – Tôi nâng chén rượu lên cụng với chú rồi… nhăn mặt nhấp một chút. Chú dốc thẳng chén rượu lên ực một hơi hết sạch, chép miệng khoan khoái.
– Ơ, uống hết đi chứ – Chú trố mắt nhìn chén rượu vẫn sóng sánh của tôi.
– Hì hì! Chú thừa biết là cháu không biết uống rượu mà. – Tôi nhe răng cười trừ.
– Này chú ăn đi, chín rồi đấy, cháu không uống thì cháu phục vụ chú mà. – Tôi với tay gắp cho chú.
– Chán ông cháu quá! – Chú khẽ lắc đầu rồi rót thêm chén rượu nữa. Ực thêm hớp nữa rồi chú nói tiếp.
– Tửu và sắc là 2 món ăn tinh thần số một của đàn ông hội mình, chỉ biết mỗi một thứ đã là kém cỏi, mày không biết cả hai thứ thì về nhà mượn mẹ mày cái váy đi cháu ạ. – Nói xong chú cười khà khà.
– Cháu còn đi học mà chú. – Tôi vừa nhồm nhoàm ăn vừa cười.
– Ui giời! Nói chuyện với mày chán bỏ mẹ. – Chú lắc đầu rồi cắm cúi ăn.
– Mày có người yêu chưa? Đã từng thấy rung động trước một đứa con gái nào chưa – Bỗng nhiên chú ngẩng lên hỏi tôi. Khiến tôi giật mình, tôi cúi mặt xuống bát bối rối.
– Cháu ạ..? Cháu… chưa chú ạ.
– Thật không? Tao chẳng tin! Nom mặt và thái độ của mày tao biết thừa – Chú nheo mắt nhìn tôi dò xét.
– Thật… cháu… – Bỗng nhiên tôi vơ lấy chén rượu của mình làm ực một hơi, một mùi cay nồng sộc lên mũi khiến tôi lợm giọng, phải đưa tay lên bưng miệng. Chú trợn mắt nhìn tôi như người ngoài hành tinh.
– Mày làm sao thế?
– Cháu… không sao! – Tôi thấy người râm ran, một cảm giác nóng bừng đi từ cổ xuống dạ dày, lần đầu tiên tôi uống hết một chén rượu đầy. Chẳng hiểu sao mỗi khi có một cái gì gợi nhớ đến người ấy là tôi lại mất tự chủ đến vậy.
– Này! Uống thêm nữa đi – Chú rót thêm cho tôi một chén.
– Không! Cháu thôi, cháu không uống đâu ạ – Tôi lầm lũi cắm cúi ăn.
Chú vừa nhâm nhi chén rượu, vừa nhìn tôi dò xét:
– Tao xem thái độ của mày khác thường lắm?
– Không có gì đâu mà chú! – Tôi cố gượng cười.
– Mày không nói thì thôi, tao đếch hỏi nửa, kẻo mày lại bảo tao nhiều chuyện. – Chú dốc chén rượu uống cạn.
– Thế mai chú có về với cô không ạ. – Tôi nói lảng sang chuyện khác rồi với lấy chai rượu rót thêm cho chú.
– Không! Lâu mới được nghỉ ngoài luồng, về nhà với cô mày thì phí lắm. – Chú nháy mắt.
– Sao lại phí ạ, cháu mà được nghỉ là cháu cũng về với mẹ cháu.
– Thôi ăn đi ông nội ơi, tao biết mày là số một rồi. – Chú lắc đầu xua tay tỏ vẻ chán nản.
– Vâng! – Tôi cũng chẳng muốn nói nữa kẻo chú lại bảo đa sự, nhưng có vẻ như thế giới đàn ông đang có quá nhiều điều phức tạp với suy nghĩ của tôi, khiến tôi chưa thể nào tiếp thu ngay được.