Phần 45
– Ui chao! Thơm quá! Anh trở thành đầu bếp từ khi nào vậy? – Nàng suýt xoa khi thấy tôi bưng mâm cơm lên.
– Trời bà đã bảo không phải bổ củi nữa mà… Lại còn nấu cơm cho cả hai bà cháu nữa! – Bà cười cười.
– Không phải tại cháu lười nha! Tại anh ý cứ đòi thể hiện! – Nàng vừa dìu bà lại chỗ mâm cơm vừa nói.
– Vâng! Cháu tôi lúc nào chẳng ngoan, chỉ mỗi tội hay bắt nạt cậu bé tội nghiệp kia thôi – Bà bẹo má nàng một cái.
– Bà… Ai bắt nạt chứ… – Má nàng từ đỏ chuyển sang ửng hồng, rồi nàng nũng nịu như một đưa trẻ con.
– Không có rau cải, anh thay bằng su hào nhé! – Tôi mỉm cười nhìn nàng.
Nàng lúng túng tránh ánh nhìn đó của tôi…
Bầu trời vẫn xám xịt một màu ảm đạm, thời tiết hình như đã chuyển sang rét đậm. Từng cơn gió mùa đông bắc như muốn đem cái giá rét len lỏi vào khắp vạn vật, nhưng không thể len được vào ngôi nhà tranh nhỏ này… Bữa cơm đầm ấm giữa mùa đông giá lạnh, dẫu rằng niềm vui là nhưng chắp vá nhỏ nhoi… nhưng tôi như sống lại được một nửa trái tim mình. Dẫu rằng vẫn còn muôn vàn những dấu hỏi… nhưng tôi nguyện nén lại. Vì đôi mắt kia, nụ cười kia…
– Kìa! Ăn cơm đi cháu! Sao cứ ngồi tần ngần thế!
– Dạ vâng! Vâng ạ! – Tôi giật mình tạm thời tắt những dòng cảm xúc, cúi xuống ăn tiếp.
– Trư Bát Giới thay đổi nhiều quá! – Nàng khẽ liếc nhìn tôi.
– Cao Thuý Lan cũng đâu còn như xưa! – Tôi cũng hướng đôi mắt buồn về phía nàng. Khiến nàng bối rồi…
– #$%^&* – Bỗng có tiếng chuông điện thoại reo. Nàng rút điện thoại ra, hơi nhìu mày một chút… rồi nàng đi ra cửa nghe điện.
Nỗi thất vọng trào dâng, nhưng tôi… vẫn cố căng tai ra để lắng nghe.
– Dạ em đây!
– …
– Dạ ở đây sóng yếu quá nên em không nhận được ạ.
– …
– Chị và mọi người cứ về Hà Nội trước cũng được, em đi thăm một người họ hàng rồi sẽ bắt Taxi về sau!
– …
– Anh ấy hôm nay có hẹn với một vài người bạn, em cũng không biết, chị thử điện cho anh ấy em!
– …
– Dạ vâng! Em chào chị!
Nàng khẽ thở dài, rồi quay vào. Cũng chẳng nhìn tôi, nàng ngồi xuống lầm lũi ăn tiếp. Tôi cũng chẳng hiểu cảm xúc của mình thế nào nữa, tự nhiên thấy lòng trùng xuống, bữa cơm bỗng trở nên nhạt nhẽo vô cùng… ngoài trời, gió vẫn rít gào… lạnh buốt…
– Kìa! 2 Đứa sao vậy? – Bà cũng ngạc nhiên trước thái độ của hai chúng tôi.
– Dạ… cháu không sao! – Nàng lí nhí.
– Bà ăn nữa đi ạ, bà đưa cháu xới tiếp cho! – Tôi nói lảng.
– Thôi bà đủ rồi! Hai cháu cứ ăn tiếp đi!
– Cháu cũng đủ rồi ạ! – Nàng đặt bát xuống rồi đỡ bà lên.
Tôi trầm ngâm ngồi gẩy gẩy mấy hạt cơm nữa rồi cũng buông đũa và bê mâm ra ngoài giếng.
– Anh để em rửa cho! – Đang múc nước thì nghe giọng nàng khẽ vang lên phía sau.
– Em vào nói chuyện với bà đi! Đứng ngoài này làm gì… lạnh lắm! – Vẫn cắm cúi múc nước, tôi nói.
– Vậy anh chắc là ấm…
Nghe tiếng bát đũa lạo xạo trong chậu, tôi ngoảnh lại, thấy nàng đã bỏ áo choàng ra, chỉ bận mỗi chiếc áo len, xắn tay áo lên và rửa bát.
– Ngọc…
– Để anh làm tất cả mọi việc, bà lại bảo em bắt nạt anh! – Nàng ngắt lời tôi.
Tôi cứ đứng trân trân nhìn nàng mà chẳng nói thêm được lời nào nữa, vẫn giọng nói ấy, tính cách ấy… công chúa mít ướt của tôi không hề đổi khác… nhưng tại sao…
– Kìa múc nước cho em!
– À! Uhm…
Thêm một vài cơn gió thổi qua, lá khô bay xào xạc… múc đầy lu nước, tôi cũng cúi xuống cùng với nàng rửa cho nhanh.
…
– Lạnh không em? – Tôi nhìn đôi bàn tay nhỏ xinh đang hơ trên bếp lửa của nàng, khẽ hỏi.
– Không! Còn anh?
– Đối với anh, đây chính là nơi ấm áp nhất trong cuộc đời…
Thoáng một chút rung động, nàng im lặng nhìn ngọn lửa leo lắt trên bếp.
– Tại sao..! – Hai chúng tôi bỗng quay sang nhìn nhau, cùng cất tiếng.
– Em nói đi! – Tôi run run.
– Không! Anh nói trước đi! – Nàng cũng xúc động không kém.
– Anh không thể hiểu… – Tôi hít một hơi thật sâu rồi nhìn thẳng vào mắt nàng.
– Rửa bát xong rồi hả hai cháu? – Giọng bà vang lên khiến hai đứa giật nẩy người.
– Vâng… vâng ạ! – Nàng bối rối cúi xuống dâu mấy thanh củi vào bếp.
– Ấy bà để cháu đỡ! – Tôi kê ghế rồi đứng dậy dìu bà ngồi xuống.
– Bỏ nắm lá này vào siêu nước đun rồi uống cho ấm bụng – Bà đưa nàng một nắm lá vối.
– Vâng ạ!
– Ôi chao là rét mướt, ngoảnh đi ngoảnh lại cũng sắp hết năm! – Bà khẽ thở dài.
– Lại sắp tết đến nơi rồi bà nhỉ? – Tôi nói.
– Cô chú có hay về thăm bà không ạ? – Nàng quay sang bà hỏi.
– Chú tháng trước xin được mấy ngày phép về sơn lại mộ cho ông rồi lại đi, chắc tết này chú không về được. Cô thì ở mãi trong đấy nên một năm cũng chỉ về được một hai lần. Cũng không biết tết này nó có về được hay không nữa? – Giọng bà bùi ngùi.
– Sao bà không chuyển hẳn vào trong đó ở cùng với cô ạ! Rồi đợi khi nào chú lấy vợ an cư ở đâu thì bà lại về ở với chú!?
– Còn mồ mả hương hoả tổ tiên ở đây, bà đi sao đặng! Con cháu còn công việc, ngày nào về thăm được bà vui ngày ấy. Chúng nó yên ổn làm ăn, sống vui vẻ bà cũng thấy ấm lòng. Chứ còn bà già rồi, nhấc chân ra vườn đã là nhọc lắm rồi… tuổi già lá rụng về cội, có nằm xuống cũng phải đắp nắm đất của quê hương cháu ạ! – Mắt bà rưng rưng.
Tôi thấy sống mũi cay cay…
– Bà ơi! – Nàng ngồi sát lại quàng lấy tay bà. Cầm lấy tay bà áp lên má.
– Cháu sẽ về thăm bà nhé… tết này! Cháu sẽ không thất hứa nữa đâu! – Nàng rơm rớm nước mắt nghẹn ngào nói.
– Cha bố cô! Con gái mau nước mắt quá là khổ lắm đấy, cả cháu trai nữa. Bà cũng chỉ cần hai đứa sống vui vẻ hạnh phúc. Thi thoảng vào thăm bà… là bà cũng vui lắm rồi! – Vẫn nụ cười móm mém phúc hậu, đôi mắt bà hấp háy niềm vui.
– Vâng ạ! – Tôi len lén nhìn sang nàng, thấy nàng cũng khẽ liếc nhìn tôi.
Ánh lửa cháy nỏ kêu tanh tách! Căn bếp bỗng trở nên ấm cúng lạ thường… như không hề biết đến cái gió rét của mùa đông đang vần vũ ngoài kia…
…
– Bà vào nhà đi kẻo lạnh! – Nàng nắm chặt tay bà lưu luyến không muốn rời.
– Không phải tiễn tụi cháu đâu, trời đang rét mà bà! – Tôi vừa dắt xe vừa nói.
– Hai cháu cứ đi đi! Rồi bà vào!
– Không! Bà phải vào rồi tụi cháu mới đi, để cháu dìu bà vào! – Nàng lắc đầu nguây nguẩy rồi đỡ bà đi vào trong nhà.
– Cha bố cô! – Bà khẽ mắng yêu, rồi miễn cưỡng đi vào trong.
Dìu bà vào trong nhà xong nàng bước ra, đôi mắt đỏ hoe…
– Về thôi anh! – Giọng nàng trầm buồn.
– Uhm.
Bỗng trong nhà khẽ vang lên tiếng hát, bà đang ngân nga hát một bài dân ca bằng tiếng bản địa, tôi không hiểu rõ nghĩa… tiếng hát ê a như từ một hoài niệm sâu thẳm nào đó vọng về…
Tôi và cả nàng cùng bần thần nhìn lại cảnh vật lần cuối…
– Đi nhé em!
– Uhm…
Tôi đạp máy nổ, rồi phóng đi… gió thổi bạt vào người lạnh buốt, những tiếng hát của bà vẫn văng vẳng bên tai lẫn với tiếng gió… khiến cho lòng chúng tôi ấm lại…
…
Cảnh vật con đường năm xưa… vẫn vậy! Có khác chăng là sự đối lập giữa mùa hè ấm áp và mùa đông rét mướt. Chúng tôi đi giữa cánh đồng, sương giăng mù mịt. Cũng như lúc đi, chẳng ai nói với ai câu nào… dường như mỗi người đang theo đuổi những suy nghĩ riêng…
– Em có lạnh không? – Tôi mở lời trước.
– Không… – Nàng đáp nhưng giọng đã run run.
– Nói dối…
– Gì cơ?
– Em nghĩ là anh tin những lời em nói sao! Rõ ràng là em đang rất lạnh!
– Không… Thật mà! – Nàng phản ứng bằng một giọng yếu ớt.
– Em là đồ nói dối… – Tôi vẫn không chịu buông tha.
– Anh… thôi đi! Em không muốn nghe nữa! – Nàng gắt lên.
…
‘Nắng ươm vàng lúa toả hương bay.
Rộn ràng gió thổi lòng ngất ngây.
Tim anh ngập tràn trong hạnh phúc.
Em ơi… hãy nhớ khúc xuân này.’
Tôi bỗng ngân vang bài thơ năm xưa, bài thơ chất chứa biết bao hương vị ngọt ngào của mối tình đầu…
– Trả lời anh đi! – Tôi chua chát nói.
Bỗng có tiếng nàng khóc nức nở vang lên phía sau. Tôi nhả ga phanh kít xe lại, dựng chân trống xuống, nhảy xuống xe, không giám quay lại nhìn nàng, tôi chạy thẳng xuống cánh đồng khô cằn nứt nẻ chỉ còn trơ những gốc rạ…
– AAAAAAAAAAAAAAA!! – Tôi hướng về phía màn sương, về phía mênh mông, mịt mùng. Hét lên… hét thật to… hét cho những ức chế đang dồn nén trong lòng, cho những đau đớn đang cào xé con tim… và cho những cay đắng, xót xa đang lấp đầy tâm trí được giải toả… được bung ra…
– Anh thôi đi có được không? – Nàng tức tưởi gào lên.
– Tại nơi đây!? Tại chính nơi đây, em đã nói những gì, đã nói những gì? – Tôi quay lại nhìn nàng.
Nàng sững người, nhìn tôi. Hai hàng nước mắt lăn dài trên má.
– Mai Ngọc… – Tôi mỉm cười, mắt cũng nhòa đi.
– Hãy nhìn lên bầu trời đi… đã là cuối chiều… Có ánh hoàng hôn nào không em?
– …
– Không có đúng không?
– …
– Hoàng hôn chỉ xuất hiện vào buổi chiều, chỉ đẹp vào mùa hè! Nhưng với anh… hoàng hôn của anh… tình yêu của em… luôn rực cháy trong tim anh, toả sáng mọi lúc mọi nơi… không bao giờ tắt, mãi mãi không bao giờ tắt! – Tôi thổn thức nghẹn ngào.
– Anh… nói… dối!
– Cái gì? – Tôi sững sờ.
– Anh cũng là đồ nói dối – Nàng đau đớn nhìn tôi.
– Anh không hiểu!?
– Suốt một năm trời, 365 lá thư không có hồi âm! Anh giải thích đi… tại sao chứ??
– Thư?? Hồi âm… Gì chứ? – Tôi loạng choạng, nghe như có tiếng sét đánh ngang tai.
– Ào! Ào! Ào! – Trời bỗng đổ mưa phùn.
Hai chúng tôi đứng dưới trời mưa nhìn nhau, từng giọt nước mưa lạnh buốt bết trên tóc thấm vào da thịt, nhưng không thể át đi những nỗi niềm đang sục sôi trong lòng.
– Thư? Em nói lại anh nghe, em nói lại anh nghe! – Tôi bước tới.
– Anh còn có thể nói được gì nữa sao? – Nàng lùi lại, khẽ lắc đầu, mỉm cười cay đắng. Rồi vụt chạy đi trong màn mưa.
Tim tôi như nhói lên, tôi giật mình thảng thốt đuổi theo nàng.
– Ngọc..! – Tôi chộp lấy tay nàng giật lại.
– Anh buông ra! – Nàng cố giằng ra khỏi tay tôi.
– Em thừa biết là anh sẽ không buông… – Tôi nghiến chặt răng.
– …
– Nhìn thẳng vào mắt anh đi, nhìn thẳng vào mắt anh đi!
Nàng ngước lên nhìn tôi, nước mưa lăn dài trên khuôn mặt, chan hoà cùng nước mắt…
– Đây là câu trả lời rõ ràng nhất! Em hiểu không… là câu trả lời rõ ràng nhất! – Tôi cầm tay nàng áp vào ngực mình.
– Anh… – Nàng khẽ mấp máy môi.
– Kể cả những lúc ốm đau hay những lúc suy sụp tinh thần nhất, em vẫn viết, dù anh không hồi âm, em vẫn viết. Vì chỉ những khi ngồi viết cho anh, nghĩ về anh… em mới có thêm nghị lực và niềm tin để vượt qua tất cả… nhưng 365 ngày, anh ơi! 365 ngày… tại sao sự chờ đợi lại dài đến như vậy??? – Nàng nức nở.
– Em nghĩ rằng anh có thể ngồi yên khi biết một chút tin tức nào đó của em sao, anh có thể ngồi yên được sao? – Tôi ôm nàng vào lòng thổn thức.
Xiết chặt lấy nhau trong cơn mưa lạnh giá… như ngày nào… gió vẫn gào thét, từng giọt mưa lẫn sương bắn xối xả vảo người… nhưng chúng tôi không còn cảm thấy lạnh nữa… bởi hoàng hôn đang về… với những tia nắng ấm áp…