Phần 13
Vố này thì không phải chỉ riêng làng Giếng Chùa mà cả xóm Mới, xóm Trại, tính sơ sơ hơn hai ngàn hộ hơn sáu ngàn khẩu cứ chăm chăm xem cánh nhà Vũ Đình sẽ hạ bệ cánh nhà Trịnh Bá thế nào. Tông tộc của Đại – Sang – Phúc – Quý Lộc – Tài sẽ dồn đẩy tông tộc của Hoành – Hàm – Long – Thủ – Ngọc – Báu vào ngõ cụt ra sao thì bỗng chách một cái, tất cả kinh ngạc đến ngã bổ chửng!
Theo lệ thường, hai giờ chiều, văn phòng Đảng ủy và ủy ban – gồm hai gian nhà ở liền nhau, mới lác đác có người đến. Nhưng hôm nay mới hai giờ kém mười lăm, Thủ đã có mặt. Quần màu be, áo cộc tay màu nước biển, tóc chải ngôi, mặt mũi điềm tĩnh. Người ngoài nhin không biết anh vui hay buồn. Thủ dựng xe rồi đứng trên hiên gọi to:
– Bác Vòi đâu? Lên mở cửa nhá…
Bõ Vòi đang dội nước tắm uôm uôm, tưởng có khách trên huyện, trên tỉnh về thay xống áo tập tễnh đi lên. Đến khi chỉ thấy một mình Thủ, lão ngạc nhiên. Vừa mở khóa, bõ Vòi vừa thầm hỏi: Quái, sao hôm nay anh cu này lại có vẻ hách thế nhỉ? Giở chứng chắc! Người ta đang đồn là sắp mất chân bí thư đến nơi, chẳng nhẽ khôn róc như anh ta lại không biết?
– Bác để nhà cửa bẩn quá đấy – Thủ vào nhà nhìn quanh, nói nhẹ nhàng nhưng lạnh lùng.
Bõ Vòi vừa đi tìm chổi, vừa nói lầm bầm, trong lòng càng thấy lạ:
– Chiều hôm qua các ống ấy họp về muộn, tôi chưa kịp dọn. Hôm nay có khách ở trên về hả anh?
– Không có trên nào cả, nhưng vẫn phải phải sạch sẽ, có nước có chè.
Nói rồi Thủ bước ra ngoài, đi loanh quanh nhìn ngắm mấy khóm hoa, khóm táo, rồi thủng thẳng sang khu trường học, điệu bộ thật thong dong nhàn tản. Bõ Vòi nhìn theo không còn hiểu ra làm sao. Cứ tưởng ông bí thư đang bí rì rì, cuống cà kiêng lên mới phải, chứ còn lòng dạ nào mà ngắm hoa thưởng nguyệt. Chính Bõ Vòi đã bảo mỗi khi Thủ sang khu trường học để thăm mấy cô giáo viên là anh đi thưởng nguyệt đấy! Những lúc ấy lòng dạ phải phơi phới lắm. Vậy hôm nay trúng quả gì mà anh ta lại túng tắng thế nhỉ?
Vừa thấy chủ tịch Sửu đến, bõ Vòi đã từ dưới bếp chấm phẩy chạy lên, ghé sát vào tai Sửu thì thầm, cặp mắt vần vú những tia đỏ vì ngấm nhiều rượu cứ đảo lên. Nghe xong Sửu chỉ cười khủng khỉnh, rồi xách cặp bước lên nhà với cái dáng của ông chủ số một ở đây: Sửu được biết trên huyện đang rất buồn bực về Thủ. Hôm qua lên trên ấy có việc, cả chủ tịch và trưởng ban kiêm tra cứ hỏi liệu trong vụ đào bới này có vai trò của Thủ không? Sửu đáp lập lờ: Không biết thế nào mà lường! Vì bí thư của chúng tôi có phải là người ruột để ngoài da đâu! Về xã Sửu khuyến khích những người xưa nay vẫn muốn chống Thủ nhưng chưa có dịp, thì bây giờ đã có cớ đẩy Thủ vào thế cô lập rồi. Lâu nay Sửu vẫn phải đưa vào Thủ để củng cố vị trí của mình, nhưng Sửu văn âm thầm ấm ức khi biết mọi người vẫn nhún mình là cái bóng của Thủ, vẫn coi mình là anh ngụ cư phải sống tựa vào Thủ, nên nhìn việc Thủ bao sân sang công việc chính quyền, có những quyết định độc đoán, Sửu vẫn phải vui vẻ, phải lặng thinh. Như hồi trong năm mới đây, xã quyết định mở chợ ở đầu cầu treo bắc qua sông Công phía cuối xã kia. Hôm bàn cụ thể về việc thu thuế cầu, thuế hàng Thủ lại vắng mặt. Hôm sau Sửu nói lại. Thủ bỗng gắt ầm lên và chỉ ra những chỗ hớ đến ngờ nghệch trong những quy định của bọn Sửu.
Lần sau cái gì không biết nhớ hỏi tôi đã, chớ vội vàng như vậy thì đến mấy con mẹ buôn vặt nó cũng vừa dược ăn, vừa được cười cho! Thủ xẵng giọng nói, còn Sửu thì cứ phải ngồi ngay tán tàn. Vì cái thế của Thủ đang mạnh. Ở trên huyện Thủ quen thân hơn Sửu nhiều, còn dưới này thì vây cánh đông lắm Sửu cứ phải làm thinh chịu lép. Nhưng bây giờ thì khác rồi!
Gió chuyển rồi! Mấy hôm nay đã có người nói vui: Bác Sửu chuẩn bị kiêm luôn chân bí thư đi là vừa! Thì quyền bí thư cũng được. Sang năm đại hội, cờ sẽ vào tay bác chứ ai! Ở đâu không biết chứ ở đây bí thư vẫn quan trọng hơn chủ tịch nhiều. Bởi thế nghe câu nịnh mình dù quá sớm, nhưng Sửu cũng thấy sướng tai!
Sửu vừa bày số sách ra bàn thì Thủ về.
Anh đấy à? – Sửu quay ra vồn vã như thường ngày, rồi đứng dậy tráng ấm pha trà.
Thủ ngồi xuống ghế cũng hỏi với giọng bình thường như mọi khi:
– Mấy hôm nay có gì không?
– Không anh ạ! – Sửu rót nước ra chén, mùi chè ướp hoa sói toả thơm ngát – Tối qua bên anh họp chi bộ à? – Thủ nhìn vào mặt Sửu, nói thăm dò…
– Họp để triển khai nội dung mấy hôm trước thường vụ ta đã bàn.
Rồi không thấy Sửu nói gì, thế có nghĩa là Sửu chưa biết những chuyện diễn biến sau đó. Tốt lắm. Thủ hỏi sang điều mà anh mới nghe được:
– Nghe nói anh đã quyết định bỏ tổ truyền thanh?
Sửu vẫn chép chép từng nhụm nước nhỏ qua kẽ răng, và mặc dù giọng vẫn ngọt ngào nhưng rõ ràng đây là lần đầu tiên Sửu vẫn dám tự ý quyết định một công việc, và cũng lần đầu tiên Sửu nói với Thủ bằng gịong của người ngang hàng, cũng là một cách thăm dò sự phản ứng của Thủ ra sao!
– Thì việc này tôi đã nói mấy lần trước trong các cuộc họp là bây giờ lấy thóc đâu chi cho tổ truyền thanh? Xà xẻo như trước là gay rồi! Tổ những ba người, bây giờ cũng ít việc, mà lại ăn thóc bằng người làm việc cả ngày là không hợp lý. Thêm nữa, dạo này lại nghe người ta xì xào là cậu Hiên với cô Gấm cùng trong tổ truyền thanh nhiều chuyện léng phéng lắm. Vậy thì tốt nhất là giao quách máy cho trưởng ban văn hóa bắt anh cu Đích phải học thêm cách điều khiển máy. Truyền thanh với cờ đèn kèn trống về một mối là gọn.
Thủ cũng vừa nhấp nước, vừa thủng thẳng hỏi lại:
– Nhưng lại có ý kiến cho rằng phải bỏ chính cái anh chàng Đích chúa tào lao chúa qua loa đại khái ấy thì sao? Rồi giao luôn những việc cờ đèn kèn trống cho tổ truyền thanh. Sang năm ta thành lập thư viện như kế hoạch đã bàn, thì tổ truyền thanh kiêm luôn cả thư viện, vì cô Gấm trước đây đã học trung cấp thư viện, do phân công đi xa, nên cô ấy bỏ, anh không biết sao?
Mới có thể mà xem chừng Sửu đã bị 1 – 0! Sửu đang lúng túng chưa biết tự biện hộ cho mình ra sao, thì bỗng có tiếng líp xe tanh tách ngoài sân: Rồi phó ban công an Cao bó người trong bộ bò mốc loang lổ, hiện ra ở cửa, Hôm nay có vẻ trọng đại thế này, mà chiếc ba – bét của Cao lại hỏng.
– Báo bí thư và chú tịch, ông Phúc có việc muốn gặp đảng ủy và uỷ ban…
Thấy Sửu sửng sốt, đến không biết làm gì, Thủ đứng dậy vồn vã:
– À mời đồng chí Phúc vào đây – Rồi quay sang Cao – Đồng chí sang gọi anh Bí, rồi cùng đến đây nghe luôn.
– Rõ! Cao đáp như một người lính, rồi quay gót.
Lương Văn Bí là phó bị thư thường trực. Vì là người trung dung tốt tính, nên mọi người vẫn gọi là Lưu Bị. Bí cùng ở trong thường vụ với Thủ và Sửu. Nhà Bí ở cạnh khu trường học. Lúc nãy Thủ sang đấy dặn Bí cứ ở nhà để tý nữa có cuộc hội ý thường vụ, chứ đâu phải Thủ đi tán gái như bõ Vòi vội nghĩ hấp hoảng.
Ông Phúc mặc bộ quần áo tàu tàu, bỏ chiếc mũ lá cọ ra, ngồi xuống ghế. Mặc dù miệng khẽ mĩm cười cho có vẻ tự nhiên. Nhưng ngay Sửu là người chưa biết tí gì về màn kịch này, cũng không thấy điệu bộ ông có cái gì gượng gạo. Cập mắt ông khô khô hình như thiếu ngủ. Thủ đứng dậy, tự đi xúc ấm pha trà mới. Sửu không biết làm gì, liền rót nước sôi tráng từng cái chén, bụng càng hồ nghi.
Quái quỷ thật, hai ông này như Sơn Tinh – Thủy Tinh, sao bỗng dưng lại thân mật với nhau thế này? Mà sao lại cả thường vụ và công an ngồi nghe cái gì nhỉ? Hòa hay chiến đây? Tay Thủ không nói gì, nên Sửu cũng lặng thinh. Thành ra cả bí thư và cả chủ tịch cùng làm ra vẻ chăm chú vào việc pha trà để phục vụ một đảng viên thường! Và ông Phúc cũng như đang dằng co điều gì trong lòng nên im ốt. Không ai dám nhìn vào mặt ai. May quá Lương Văn Bí và Cao đã tới. Thủ nlồi xuống ghế ở chính giữa: Đúng vị trí của người chủ trì. Anh đã quên khuấy ấm nước vừa pha. Giọng mềm mỏng, cân nhắc.
– Đây không phải là họp thường vụ, mà tôi chỉ muốn sự có mặt của thường vụ và công an để chứng kiến sự hòa giải giữa hai gia đình và họ hàng chúng tôi với gia đình và họ hàng đồng chí Phúc. Cũng xin thông báo với thường vụ biết, có cuộc hòa giải này là do tôi đã chủ động gặp đồng chí Phúc tối hôm qua, và chúng tôi đã nhất trí việc làm sai của ông Hàm để hai gia đình chúng tôi tự giải quyết với nhau. Thôi thì chín bỏ làm mười, chứ nhờ đến pháp luật can thiệp thì nó sứt mẻ đến cái tình làng xóm láng giềng! Để cho đàng hoàng ba mặt một lời nên tôi có mời đồng chí Phúc tới đây, coi như chúng tôi thông báo cho cả thường vụ được biết. Về phần tôi, tôi rất cám ơn đồng chí Phúc đã giữ đúng lời hứa. Bây giờ xin nhường lời cho đồng chí Phúc!
Cả Sửu và Bí cứ trố mặt ra hết nhìn Thủ lại nhìn ông Phúc, cứ như mình đang bị cặp đối thủ này cuốn vào một trò chơi ú tim. Ông Phúc vẫn hơi mỉm cười gượnh gạo. Ông hắng giọng, rồi cũng nói như lời gần như Thủ. Cả hai người đại diện cho hai dòng họ ghê gớm, chưa chịu nhường nhau đến một sợi tóc, bây giờ đúng thời điểm tốt nhất để sát phạt, có dịp dồn nhau vào tận chân tường, thì bỗng cả hai bên cùng đề cao chuyện nhân nghĩa! Cũng vì tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, xí xóa hết mọi hiềm khích nhỏ nhen. Đến nước này thì ếch trong mả, cua trong lỗ cũng phải bò ra mà chúc mừng hoà bình vạn tuế!
Ông Phúc nói xong tất cả cùng ngồi lặng phắc, đến nỗi Thủ phải nhắc khéo Anh Sửu anh Bí có ý kiến gì không? Lúc ấy Sửu mới sực tỉnh và anh lập bập nói: Xin thay mặt chính quyền xã rất hoan nghênh thiện chí của cả đôi bên. Sự kiện này sẽ là tấm gương đáng cho tình đoàn kết không chỉ ở Giếng Chùa mà là tấm gương cho cả xã!
Thủ lại tiếp lời:
– Theo kế hoạch giữa tôi và đồng chí Phúc đã thỏa thuận, ngay sau dây đồng chí Phúc và đồng chí Cao thay mặt trưởng công an sẽ lên huyện làm việc với các cơ quan chức năng nội dung vừa rồi. Theo tôi để cho đàng hoàng, để cho các anh trên huyện thấy đây là sự tự nguyện chứ không phải ai ép buộc ai, ta nên có biên bản về cuộc gặp gỡ này…
Cao ngồi một mình giáp phía tường, liền nhau nhảu đứng lên:
– Tôi ngồi đây nghe đôi bên trình bày đã thảo luôn biên bản rồi. Giờ đây các đồng chí xem, rồi hai đương sự ký trước, dưới là chứng thực của chính quyền địa phương.
Lần này thì không những Sửu Bí mà ông Phúc là người bất ngờ nhất, bị động nhất. Chỉ có Thủ là không một chút ngạc nhiên, vì tất cả đã diễn ra đúng như ý định của anh. Rất đẹp! Thủ xem trước ra vẻ chăm chú rồi ký rất đậm phía dưới. Mấy người tiếp theo cứ như bị thôi miên, cùng ký soạn soạt trên mặt giấy. Thủ tự tay gấp tờ biên bản đưa cho Cao rồi đứng lên như là tuyên bố kết thúc cuộc gặp gỡ. Anh giục Cao và ông Phúc lên huyện ngay kẻo hết giờ làm việc.
– Tôi tưởng chỉ một mình chú Cao lên huyện là đủ – Lương Văn Bí hỏi khẽ Thủ.
Thủ liếc nhanh ông Phúc, giọng đến là thân tình:
– Có mặt bác Phúc càng đẹp! Vì bác là bên nguyên chủ động rút đơn. Các anh trên ấy cần hỏi gì càng tiện.
Nhìn hai người dắt xe ra khuất bụi tre. Thủ mới quay lại Sửu giọng vẫn ngọt như không:
– Mấy việc anh quyết định vừa rồi, hôm nào họp thường vụ ta bàn lại. Nếu thấy cần thì anh cứ giải thích với mọi người là những công bố hôm trước mới là dự kiến. Bây giờ tôi phải về có chút việc gia đình.
Dứt lời, Thủ bước xuống sân dắt xe đi ngay. Nhiều bóng người lố nhố trong nhà bõ Vòi đồ ra, mon men đi lên. Đây là những người đi xin dấu xin giấy và cả những người tò mò đi săn tin về cuộc họp với những thành phần rất lạ mắt này. Bí nhìn theo bóng áo màu ghi rất nhã của Thủ đang mờ dần trong năng quái, rồi quay sang lắc đầu với Sửu:
– Tài thật! Xoay chuyển được đến thế thì tài thật! Đối thủ này cao cường lắm, ông chưa lay được đâu ông Sửu ạ!