Phần 19
Cuộc họp sáng nay, trưởng đoàn công tác huyện đề nghị với bí thư Xuân Tươi phải thay đổi chương trình. Anh nói:
– Hôm qua ta đã vội vàng và nhân nhượng hữu khuynh. Không thể chiều theo ý một cá nhân nào, càng không thể nên đứng về một phía nào. Nhưng chuyện cá nhân giữa ông Phúc và ông Thủ hãy tạm để đấy đã. Phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân đã.
Các đảng viên lục tục kéo đến. Túm năm tụm ba, thì thầm to nhỏ suốt dọc đường. Đêm qua cả làng lại nháo nhác cả lên về tin bà Son. Sáng nay vẫn chưa thấy tăm hơi, Thủ vẫn đi lại thư thái, nhưng mặt mũi không giấu được anh đang nghĩ ngợi lung lắm. Cao thì nhớn nhác ra mặt. Lần đầu tiên đêm qua Cao thức trắng. Sáng ra người háo, uống nước như còn mà người vẫn nóng như rang. Thỉnh thoảng Thủ lại đưa mắt nhìn Cao kín đáo. Ấy là Thủ nhắc, Thủ kèm để Cao không phụt ra điều gì sơ hở.
– Thôi ta vào các đồng chí ơi! Hôm nay nhiều vấn đề lắm – Xuân Tươi lại vỗ vỗ tay mời mọi người.
Tất cả vừa yên chỗ, Xuân Tươi đứng lên nói:
Hôm nay ta phải làm lại các đồng chí ạ. Vội vàng như hôm qua là hỏng! Tôi xin nhận khuyết điểm! Chúng ta không được dùng một nghị quyết lớn của đảng để sát phạt nhau! Từ giờ việc điều hành chính sẽ là đội công tác của huyện.
Bỗng có tiếng chao chát ngoài ngõ. Mọi người vừa quay ra, thì bà Cả đùng đùng chạy tới sân. Quần ống thấp ống cao, phô hai ống chân dài và đen. Tay áo cũng bên xắn bên không. Khuôn mặt gầy của bà cứ gồ lên phừng phừng.
– Thưa các ông các bà đảng viên của cả làng? Nghe nói có cả người của huyện xuống nữa. Tôi xin hỏi rằng là dì Son em tôi có tội tình gì mà các ông các bà bắt dì nó ra giữa làng để vặn vẹo? Tại làm sao nó phải làm cái việc kiện tụng, các ông các bà có biết không? Thì cứ hỏi ông Thủ ngồi kia? Hỏi cậu Cao ngồi kia! Nó bỏ đi đâu từ đêm qua đến giờ? Nó mà làm sao thì tất cả không xong với tôi đâu! Cả ông Phúc kia nữa! Ông để vợ ông lộng mồm như thế à. Rồi tôi phải gang mồm, móc họng ra cho chửa cái thói…
Xuân Tươi chạy ra ôm lấy vai bà Cả kéo ra sân, miệng rối rít:
– Bá cứ bình tĩnh, em biết cả rồi! Em hứa sẽ làm công minh. Trưởng đoàn công tác huyện cũng chạy ra nói, bà Cả mới nguôi ngoài. Một vài Đảng viên trung gian không thuộc bên nào đề nghị phải xem xét ngay việc bà Son, chứ không thể đánh bài ỉm được, vì nếu xảy ra chuyện gì thì chi bộ không phải là không có trách nhiệm.
Thế là lại tranh luận um sùm. Một thôi một hồi, thấy rối rắm quá, vì càng bàn cãi càng đi xa nội dung, càng không ai chịu ai. Trưởng đoàn công tác huyện lại hội ý với Xuân Tươi thôi đành tạm hoãn để chuẩn bị lại cho cuộc họp buổi chiều chu đáo hơn. Thế là cuộc ra quân lần hai lại xúi! Cả đôi bên ra về như bị bước hụt, vì đang ngứa gan ngứa miệng?
Trong khi đó bà Cả và chị em Đào cứ nháo nhác. Đến lúc này thì anh em ông Hàm cũng nao núng lắm rồi. Đứng ngồi không yên, lòng dạ bổi hổi, hơi tý là giật thót cả người. Vẫn không ai biết bà Son ở đâu!
Ông Phúc chưa về đến nhà, đã nghe hàng xóm mách là bà Dần vợ ông và cô Cành con gái đầu bà Cả đã có chồng có con, đang cãi nhau như chợ vỡ ở ngoài Soi Dâu. Ông Phúc bỗng tức lộn cả ruột. Đúng là đàn bà chỉ tổ làm rách việc. Tối hôm qua ông đã gắt ầm lên về việc bà Dần đi chửi như như khua mõ khắp làng rồi. Không cần phải hàng tôm hàng cá như vậy, vì ông đã nắm đằng chuôi con dao hai lưỡi này!
Giữa lúc phải trái, thắng bại đang lừa miếng nhau như con dao hai lưỡi, thì anh nào nắm được đằng chuôi, anh ấy thắng. Trong lúc ông đang bị dồn vào thế nắm đằng lưỡi, phải ngậm bồ hòn làm ngọt, thì bỗng thế cờ lật ngược. Chính vì chú cháu Thủ Cao, Cao Thủ quá hiếu thắng, quá chủ quan đến mức coi trời bằng vung, định đánh một đòn chết tươi để kết liễu anh em chi họ Vũ Đình trước bàn dân thiên hạ, nên đã cuồng lên mà mất hết tỉnh táo, thì bỗng dưng con dao quay ngược lại!
Chính bà Son, bà Cả đã vô tình đẩy con dao quay ngược lưỡi? Cũng là gây oán, trả oán đấy thôi! Nhưng lời chao chát của bà Cả vừa rồi, đấy chính là cái chuôi dao để ông cầm mà phạt chú cháu Thủ – Cao cứ là gãy rôm rộp như phạt mía! Thế cho nên không việc gì mà phải đanh đá cá cầy, cho dân làng thêm ghét.
Ông Phúc tính phải ra ngay Soi Dâu để ghìm cái máu hổ của vợ. Cô Cành con gái bà Cả tuổi đã sồn sồn cũng không phải tay vừa. Chanh chua thì khế cũng chua. Cành cũng chao chát nanh nỏ như mẹ. Bây giờ chỉ cần ta gây thêm chuyện gì là chú cháu Thủ Cao sẽ dựa vào đấy để đánh lạc mục tiêu. Rồi thì tôi có khuyết điểm chuyện này, anh cũng thiếu sót chuyện kia. Thế là hòa! Hòa?
Về đến nhà thấy cửa đóng im ỉm, ông Phúc vớ lấy chiếc mũ là cọ đi ngay. Hôm nay mẹ con bà Dần đi gặt nốt đám ruộng ở ngoài Soi Dâu giáp sông Công. Ở vùng này, tất cả những bãi sa bồi bên sông đều được gọi là Soi. Thuở xa xưa Soi Dâu đã trồng dâu nuôi tằm, nhưng nghề ấy không thịnh ở đây. Chưa ra tới nơi, ông Phúc đã được biết vừa mới rồi bà Dần và cô Cành sau một hồi lời qua tiếng lại, đã xông vào xé áo nhau làm náo loạn cả cánh đồng. Người lớn phải lao vào kéo hai người như hai con gà mái mổ nhau, còn đám trẻ con thì khoái đến tận củ tỉ, chúng nhảy lò cò hò reo: A phóng chưởng rồi! Bố tướng quá! Bây giờ hai bên đã lui vào thế phòng ngự. Nhưng chốc chốc lại câu pháo sang nhau.
Cô Cành gặt ở thửa ruộng trên này. Tay cắt lúa soạn soạt, nhưng mồm vẫn cứ toang toang giữa trời đất. Đây, cô đang câu pháo bằng cách quát đứa con gái hơn mười tuổi đang đuổi bắt muỗm:
– Đi khuân lúa lên bờ. Đã bắt thì bắt hổ bắt báo bất hùm bắt cọp mà thui mà nướng cho sướng cái đời, chứ bắt làm gì con muỗm muỗm?
Ấy đấy, thế là phạm húy sát sạt đến tên vía bà Dần rồi! Mà cô Cành lại muốn thui, muốn nướng cái người cầm tinh hổ nữa cô đấy! Bị chạm nọc, bà Dần đang lượm lúa ở mãi thửa ruộng vành khăn dưới kia cũng gầm lên với tháng Kiệm, thằng dân đang xếp lúa vào xe cải tiến. Bà phản pháo:
– Sao chúng mày lại xếp lộn tùng phèo như thế thì được mấy nả? Con giai chứ có phải con gái đâu mà dốt thế! Ấy là bà Dần đang móc máy cái ghen đẻ toàn con gái của nhà cô Cành đấy. Đời ông bà cô Cành chỉ đẻ được bà Cả, bà Son. Đến bây giờ Cành lại làm một lèo bốn đứa con gái. Cô vẫn lấy làm cay cú về cái chuyện đẻ đái của mình lắm! Bị chạm đúng nỗi đau âm ỉ, Cành nổ súng ngay, giọng lại vóng vót như hát đối:
– Có là ngựa là hổ thì cũng chui từ cái chỗ kín của người đàn bà ra! Từ con ba mươi đến thằng chín chục cũng chẳng thoát được cái lỗ rò ấy?
Câu sau cùng lọt vào tai ông Phúc. Ông thấy da mặt mình đã sần lên. Vợ ông tuổi hổ, cụ Cố Đại thọ 90 tuổi, vậy là cô Cành đã vơ tuốt ráo vào một câu chửi! Nhưng ông Phúc biết bỏ qua đối tượng phụ, vả lại trong lòng ông đang thầm cảm ơn chị em bà Cả đã vô tình giành cho ông phần thắng, nên ông đủ bình tĩnh mềm mỏng:
– Thôi cô Cành ạ, có chuyện gì đã có tôi đây.
Cành quay lại, làm ra vẻ ngạc nhiên như bây giờ mới nhìn thấy ông Phúc. Khuôn mặt gồ của cô tía lên dưới vành nón, và giọng vẫn cong cớn:
– Ông cứ hỏi cả làng trên xóm dưới xem là ai gây sự trước? Chiều qua mà tôi ở nhà thì đừng có hòng động đến dì tôi Sinh sự thì sự sinh.
– Thì hôm nay có gì cô cứ nói với tôi – ông Phúc nói nhỏ rồi đi xuống thửa ruộng nhà mình.
Bà Dần vốn nể chồng, nên thấy ông ra bà xếp ngay miệng lại cứ cắm cúi gặt như mải mê lắm. Thằng Kiệm, thằng dân cũng nem nép xếp lúa. Ông Phúc đang định nói một câu nghiêm nghị trách móc vợ, thì bỗng tiếng la thất thanh phía cuối cánh đồng, chỗ. Giáp bờ sông:
– Cô Cành! Ơi cô Cành?
Cành vẫn đang lóe xoè la đứa con gái, giật mình quay lên nhìn mấy đứa trẻ chăn trâu đang cởi trần trùng trục định xuống tắm sông, nhưng bỗng chúng chạy tóe trở lại, vừa chạy vờ gọi ú ớ Cô Cành! Cô Cành! Như một lũ động kinh. Cành hở, hở rồi vứt liềm hớt hải chạy đến. Theo tay chỉ của đám trẻ trâu, cô lao xuống bờ sông. Rồi chính cô cũng chạy tốc trở lại. Vừa ngã dúi ngã dụi, vừa khóc rầm rĩ, hai tay bò bới quáng quàng như bỗng hóa điên hóa mù:
– Ơi giời ơi! Dì tôi? Dì tôi!
Người ông Phúc bỗng giật mạnh một cái. Rồi hoàn toàn vô thức, không kịp đắn đo kìm nén, ông vứt bó lúa đang lượm, chạy bổ lại.
Chỗ ấy chính là đoạn sông Vai Cày!
Có một góc của cõi lòng đã cất kỹ, đã giấu kín cho quên đi bây giờ bỗng bị khua dậy! Ông Phúc chạy đến chỗ lùm tre là sát trên mặt nước. Quãng này sông ăn hoắm vào thành hình chữ C, nhưng người thôn quê chỉ nhìn nó giống như chiếc vai cày. Nước lừ đừ trong đám rong trôi trôi ra theo xoáy nước. Ông Phúc kêu á một tiếng, hai mắt giật giật kinh hãi nhìn hút vào cái hình dáng đã hiện ra rõ mồn một. Bà Son!
Ông Phúc hoa tay, hét lớn:
– Lại đây! Lại đây!
Tất cả chạy túa lại. Cả vợ con ông Phúc cùng hớt hải đến. Nhưng không ai dám tới gần, mặt mũi cứ táo tác bợt bạt ra. Cô Cành thì vẫn nửa mê nửa tỉnh, vật vã trên đất. Ông Phúc vẫy thằng bé nhỉnh hơn cả trong đám trẻ trâu lại, rồi ông lập cập bước xuống mép nước. Ông nhoài người ra trong tư thế bơi đang, khẽ nấm lấy tay áo của người tử nạn đã biến dạng, trương to như vữa ra trong quần áo.
Bàn tay co quắp răn rúm. Cái miệng méo đi. Hai con mắt bạc nhợt ngâm trong nước vẫn mở trừng ra, như cũng kinh hãi về cái chết của chính mình. Mái tóc dày xổ tung, cuốn lỏa xỏa trong nước như đang run rẩy, run rẩy. Ông Phúc cúi xuống lùa một tay dưới gáy, một tay dưới lưng người đàn bà đã cho ông những ngọt ngào, đã cho ông những cay đắng, bây giờ đang dập dềnh chìm nổi trong nước.
Ông thầm nói bằng cái nhìn rối bời. Tôi đây! Phúc đây! Chính ở chỗ Vai Cày này, ngày ấy bà rủ tôi bỏ nhà, bỏ làng đi lên rừng hay xuống biển cũng được miễn là có nhau. Tôi sợ, tôi chối. Bà bảo đến nước này thì chỉ còn muốn chết? Mà muốn chết trong vòng tay của nhau! Nếu em chết trước, anh hãy cho em nằm trên tay anh một lần cuối. Và đêm đầu tiên em ở một mình dưới đất, anh hãy ra ngồi với em, dù âm dương cách trở? Tôi đã bảo đứng có nói gở. Dù có thế nào thì sống vẫn hơn chết! Thế là bà giận, bà cáu, bà là ầm ầm lên. Tôi phải bịt lấy miệng. Bây giờ sau mấy chục năm lở bãi, tóc đã bạc, tới lúc tôi đưa bà đi một đoạn, đưa bằng đôi tay của tôi đây!
Ông Phúc cúi xuống thấp nữa. Một luồng hơi lạnh phả lên, thấm rất ro như thổi vào từng đầu ngón tay, lùa vào từng mao mạch, nghe tê tê lạnh lạnh, chạy mãi lên cườm tay. Sau bao nhiêu năm không giáp mặt, bây giờ lại nhìn tận mắt, chạm tận tay vào làn da của người xưa, nhưng là một làn da đã sũng nước, trơn nhầy như cá. Ông Phúc đựng thông lưng, định xốc thi thể bà Son lên bờ, thì bỗng hốt hoảng tưởng như mình nhấc một khối chì, nặng đến dúi người xuống.
Ông ngoái lên định gọi thằng cu lớn nhất trong đám trẻ trâu tới giúp, nhưng thấy nó đang run rẩy tái xám trên bờ, ông lại cúi xuống, gồng sức vào hai cánh tay nhấc bật thi thể đã trương như một cái phao lên khỏi mặt nước, rồi loạng choạng lên tới gốc sim, thì hai mắt ông hoa lên, tay lạnh đến cứng đờ ra, ruột gan cuộn thốc tháo.
Thi thể bà Son vừa chạm đất, tức thì từ mũi xổ ra hai dòng máu còn chưa ngả màu, vẫn tươi đến rợn người. Cô Cành đi như lê đến, vừa run rẩy rờ rẫm như người lòa trên cái bụng trương to đến kênh hết cả áo của người dì xấu số, vừa than khóc đứt hơi đứt tiếng:
– Ối dì ơi là dì! Sao dì lại chết khổ thế này dì ơi!
Một người đàn bà từ dưới đồng vừa chạy tới, quỳ xuống lấy khăn vuông thấm máu trên múi bà Son. Ông Phúc cầm chiếc nón của đứa con cô Cành đang khóc rũ rượi cạnh mẹ, úp lên mặt bà Son. Trong phút giây cuối cùng, ông nhìn hút vào khuôn mặt trương phù đang xám lại rất nhanh, và đôi mắt đã được người đàn bà hàng xóm vuốt xuôi xuống, nhưng không khép lại được, vẫn mở lom lom như còn đây ai oán nuối tiếc.
Thêm nhiều người từ các đồng xa nháo nhào chạy đến. Ông Phúc bước lùi trở ra, mắt ông vẫn nhìn vào chiếc nón úp trên mặt bà Son. Thật là chiếc nón tiền định cho số phận! Ngày xưa người ta đặt thành ca, thành vè: Chiều tà dạo mát bờ sông, thấy cái nón trắng mà không thấy người… ấy là cái nôn quét quang dầu bóng nhoáng như thoa mỡ của cậu giáo Phúc mua tặng cô Son đấy! Chiếc nón ấy đã đưa cô Son vào tuổi rực rỡ của người con gái. Còn bây giờ chiếc nón này đưa bà Son từ giã cõi đời!
Ông Phúc vẫn bước giật lùi. Nước từ chiếc quần trên người ông rỏ xuống ròng ròng. Chợt linh tính báo cho ông có một cái nhìn bỏng rát phía sau gáy. Vũ Đình Phúc vừa quay lại thì đã thấy sừng sững trước mặt mình Trịnh Bá Hàm đang thở hồng hộc. Cái lưng gấu gù gù, hai tay nắm lại, đôi mắt cá rói đỏ đến tối xầm. Sự điên khùng nhất của Trịnh Bá Hàm lúc này chưa phải là cái chết của người vợ đẹp, mà Hàm thấy hớa ra bao giờ mình cũng là người đến chậm.
Vũ Đình Phúc luôn luôn đến trước, luôn luôn hưởng trước ta! Cả đến cái chết của Son, Phúc cũng chứng kiến trước ta! Lúc nãy Trịnh Bá Hàm vừa rót rượu ra, thì nghe có tiếng gọi lạc giọng: Bác Hàm! Giời đất ơi Bác Hàm! Bá Son chết ở ngoài sông rồi! Chỗ Vai Cày ấy, bị ông Phúc và mấy người làm đồng vừa vớt bá từ dưới sông lên! Chén rượu trên tay rơi đánh choang, Hàm chạy rông đi như một con thú bị thương. Đầu óc bừng cháy trong nỗi thèm khát đập phá, thèm khát trả thù!
– Mày! Mày… Ai thèm đến cái mặt mày ở đầy?
Phúc vừa quay lại, thì Hàm gầm lên, rồi vung tay lao vào người Phúc. Nhưng sự hốt hoảng bao giờ cũng hỏng việc Nhanh như cắt, Phúc né người sang bên gạt khẽ chân, khiến Hàm mất đà ngã chúi về phía trước. Nhưng ông trưởng chi họ Trịnh Bá đã vùng ngay dậy và nhìn thấy chiếc đòn gánh của bà hàng xóm phía trước, Hàm nhảy bổ đến vồ lấy chiếc đòn, rồi hung hãn quay lồng lại Phúc.
Mấy người đàn bà la thất thanh. Nhưng thình lình như từ dưới đất mọc lên, một múi súng săn đen ngòm đã chĩa thảng vào mặt Hàm? Và Tính, người em rể của Phúc, ông quản đốc nghỉ hưu suốt ngày đi săn chim săn cò, đã kíp thời lao bố đến. Tính cũng hét lên giọng ăn tươi nuốt sống đối thủ vì ông em rể này cũng rất ham chuyện đấu đá:
– Dừng lại? Tiến một bước nữa tôi bắn vỡ sọ!
Rồi Tính cao giọng tuyên ngôn, không hiểu Tính thuổng ở đâu được thứ lý luận này:
– Tất cả đều được làm ra từ súng! Quyền lực và sức mạnh cũng đều từ nòng súng chui ra! Bây giờ súng không ở trong tay các người! Ta đã giật được súng khỏi tay các người. Rồi ta sẽ tước hết!
Hàm sững người lại như bị trói bằng ma thuật! Nhưng kìa, ai kia nữa? Thật là anh hùng hội ngộ. Một người đang phăm phăm chạy đến và, Tính chưa kịp quay lại, thì một cánh tay dài ngoằng đã vươn tới giật phất khẩu súng trong tay Tính. Rồi nhảy một bước, cánh tay ấy lại giật phắt chiếc đòn gánh vẫn đang giơ lên như chết lặng trước mặt Hàm. Rào một cái, cả súng lẫn đòn bay vù vào cây tu hú lùng nhùng những gai. Đoạn người ấy quay lại nhìn thẳng vào Tính, hạ một lời phán quyết:
– Anh chưa đáng mặt là người cầm súng?
Rồi nhìn lướt cả ba người đàn ông đang đứng như bị chôn sống, buông tiếp những lời chắc nịch:
– Các anh chỉ là những kẻ say thù hằn ti tiện! Một cái chết như thế kia vẫn chưa đủ để sáng mắt ra hay sao?
Và như thể không chịu được những bộ mặt chán ngán đến vô nghĩa lý, người ấy quay đi, bước thẳng đến chỗ bà Son không ngoái lại. Cái dáng cao gầy của ông vượt lên giữa đám người cứ như con dang con sếu đi lêu đêu giữa đàn gà vịt!
Đấy là trung tá Chỉnh, tức Chỉnh húc? Ông vừa dỡ gạch trong lò xong. Mẻ này đẹp quá, gạch chín cứ roi rói như hoa như sao! Ông đang chở gạch từ lò về nhà ở cuối làng kia thì Tùng hớt hải chạy đến nhờ ông cứu viện, vì Tùng vừa nhìn thấy ông Hàm đang tập tễnh chạy ra bờ sông, hung hãn đúng thư một con hùm thọt! Tùng vừa được nghe tin bà Son và biết ông Phúc đang ở ngoài ấy.
Vậy thì phải có ông Chỉnh đứng giữa, nếu không sẽ hỏng to. Ở đây ông Chỉnh là người duy nhất khiến cho cả bên Trịnh Bá lẫn Vũ Đình đều nể trọng, vì ông không thuộc người của bên nào, tính tình cương trực đến cứng nhắc, và đặc biệt lại thêm ngón này nữa: Ấy là ông Chỉnh còn huấn luyện thêm cho Tùng về Ka – ra – te! Mà Tùng thì đám trai tráng trong làng đã tôn là đại ca rồi, vậy mà Tùng bảo so với ông Chỉnh, anh còn cách một đoạn dài đúng như cấp bậc của hai người: Thượng sĩ và trung tá? Thành ra ông Chỉnh được cả hai bên ve vãn muốn lôi kéo, chẳng phải ông mạnh về gạo bạo về tiền, hay giỏi giang về lý luận lý liếc gì, mà người ta thèm cái khả năng khi cần có thể dùng cái ngón luật rừng của vị cựu trung tá!
Trông thấy Luyến vừa khóc, vừa ôm chiếc võng đay đang liêu xiêu đi tới, ông Chỉnh vẫy lại, rồi hô mọi người đưa bà Son vào võng. Tùng là người sắn tay áo đầu tiên. Anh đứng ngay cạnh Đào đang ngồi gục khóc rũ rượi. Khi cúi xuống nâng bà Son, Tùng càng sát người Đào. Tiếng khóc ngằn ngặt của cô ở ngay bên mang tai, cảm được cả hơi nóng của tiếng thở dài và mùi vị của quần áo, nhưng Tùng biết thế là Đào càng xa mình lắm rồi. Cái chết đau lòng đầy oan khuất này càng tách hai người ra xa. Mới lúc nãy nghe tin bà Son đã có người nói: Thế là trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết rồi! Thù hằn nhau cho lắm vào!
– Ông Hàm đâu rồi? – Đưa bà Son vào võng, phủ lên chiếc chiếu! – Ông Chỉnh quay lên gọi to.
Thủ hấp tấp chạy lại, mặt mũi tái ngắt, nói lập bập:
– Vâng, vâng, bác để em lo liệu. Có gì đến chiều mới dám phiền các bác.
Rồi Thủ quay sang nổi cáu vô cớ hét mấy thằng cháu bên nội bên ngoại lộc ngộc, mà cứ đứng ngẩn ngơ như gà công nghiệp. Ông Long cũng đứng đấy, hoàn toàn như người mất hồn, lóng ngóng đến không biết làm gì…
Anh em chú cháu Thủ cáng bà Son về nhà. Đào ôm mặt bíu vào cáng, đi lẩy bẩy như người cô sắp tan ra từng mảnh. Bà Cả đang từ trong làng đi ra, vừa khóc, vừa hờ, vừa chửi. Tùng thấy người rã rời chán ngán quá. Anh quay lại ông Chỉnh.
– Về thôi chú.
Rồi Tùng đi với ông Chỉnh ra chỗ lò gạch của ông luôn, chứ không về nhà. Những người xung quanh cũng xao xác cả lên, tay vẫn cầm liềm cầm hái, nhưng cứ đứng vón lại từng tốp, ngơ ngẩn bàng hoàng. Những người hiền lành chân chỉ thì sít soa thế là bà Son thiệt thân, đúng là cái số đào hoa bạc phận. Còn những người ra vẻ hiểu biết thì nói rằng với những cái chết như thế này, người ta phải mời pháp y xét nghiệm để tìm nguyên nhân xem tự vẫn hay bức tử, và như thế sẽ tìm ra vô khối những người liên quan, sẽ có anh bỏ bà chứ tưởng bỡn!
Nhưng rút cục chẳng có ai bỏ bà! Chỉ có người chết là thiệt thôi. Vì những người thân trong vai khổ chủ, tức anh em ông Hàm không yêu cầu đề nghị gì với xã, với huyện. Bà Son được đưa về đặt trên chiếc chõng tre ngoài sân, chính chiếc chõng người đàn bà làm thuê đang ngủ ở nhà ngang. Theo tục lệ vùng này, người chết bất đắc kỳ tử ở ngoài nhà thì không được đưa vào khỏi giọt gianh để tránh trùng họa.
Bà Son nằm trên chõng đắp chiếc hiếu chừng hai tiếng sau thì áo quan đã đóng xong. Nhanh chóng khâm liệm, rồi áo quan lại được đặt trên chõng. Sang chiều gia đình đã tổ chức đưa ra đồng. Vì không làm lễ cầu hồn nên không mời phường bát âm. Thành ra đám tang người đàn bà vẫn được tiếng là xinh đẹp và sung sướng nhất làng, lại thật đơn giản, chóng vánh, đúng là chết theo đời sống mới, nhanh! Trước khi đưa ra đồng, Thủ thay mặt gia chủ cám ơn sự giúp đỡ của dân làng và nói vì người nhà chúng tôi mất trong điều kiện không bình thường, phải quàng ngoài trời để lâu không tiện, nên gia đình quyết định đưa người chị dâu trưởng họ hiếu thảo về nơi an nghỉ sớm, mong dân làng hiểu cho.
Rồi chỉ có những nhịp trống phát dẫn và những tiếng khóc ời ời cùng đoàn người rồng rắn đưa bà Son ra đồng. Anh em nội ngoài bên nhà Vũ Đình chỉ có chồng bà Lộc, bà Tài hai ông rể về hưu đến chia buồn, nhưng không đi theo ra đồng. Còn duy nhất có Tùng dự từ đầu tới cuối là tự ý anh. Còn lại tất cả đứng lấp ló nhìn ra. Ai cũng thấy sau đám này, cái hố ngăn cách giữa hai dòng họ lớn nhất và thế lực nhất làng càng sâu hoay hoáy! Người ta hỏi nhỏ nhau không biết rồi đây bước vào họp tiếp nghị quyết 04 để làm trong sạch đội ngũ Đảng, không biết anh nào sẽ làm sạch anh nào? Và người ta có dùng nhân chứng đã về nơi chín suối để hoạch họe nhau nữa không?
Nhưng dân làng chưa kịp mục kích cảnh này, vì chi bộ chưa kịp họp tiếp, đoàn công tác của huyện về báo cáo tình hình với cấp trên còn chưa quay lại, thì ở đây lại nổ bùng một chuyện mới! Và vẫn nổ ra ở ngay nhà ông Hàm! Người ta nghiệm thấy rằng những gia đình sau khi có tang, trong ba tháng đầu nếu không biết kiêng cữ giữ gìn thì thường hay xảy ra tiếp những chuyện bất trắc. Câu nói từ xa xưa phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí là đã mang sự đúc kết lắm lắm!
Lần này cái họa vô đơn chí đến với nhà ông Hàm nhanh đến mức không chờ phải ba tháng, cũng không chờ hết hôm cúng vía bà Son, nó đã nổ đánh toác giữa nhà ông Hàm!
Buổi sáng ngày thứ ba kể từ hôm bà Son mất, trước khi gia đình ăn cơm, bà Cả đã sang để chỉ bảo chị em Đào việc cúng cơm cho bà Son. Nhưng hôm nay Đào không phải khấn hồn mẹ về xơi cơm nữa, vì tối qua Dương là con trai cả của vợ chồng ông Hàm từ trên khu gang thép được ông Long lên báo, đã bổ về. Thoáng thấy bà Cả từ ngoài ngõ đi vào, Dương ở nhà trên đã chạy ra chào lễ phép:
– Bá sang ạ.
Bà Cả nhìn người cháu trai cao dỏng dớt và trắng xanh như một cây rau cần, thật đúng với cái nghề văn thư đánh máy của cậu ta. Dương không được khỏe mạnh và hoạt bát như Dinh, người con trai thứ đang đi lao động ở nước ngoài. Bà Cả bật khóc tô tô:
– Thế là cháu mất mẹ rồi cháu ơi! Mày về không được nhìn thấy mặt mẹ nữa! Ới dì Son em ơi!
Dương dìu bà bá tuy nghèo, tuy nồng thách, nhưng họ hàng máu mủ thì ai cũng thấy rõ là bà Cả yêu thương và bảo vệ hết lòng. Đào hai mắt vẫn sưng mọng, bưng bát cơm và quả trứng luộc từ dưới bếp lên đặt vào một góc bàn thờ trước tấm ảnh cũ của bà Son mới được phóng vội. Bà Son trong ảnh mặc áo cổ tim, tóc rẽ ngôi giữa, khăn nhung đội lệch, mặt trái xoan với nét môi tròn mọng và cặp mắt lá răm nhìn đăm đắm, đẹp mà buồn, thần sắc toát lên là người yểu số. Bà Cả giục Dương:
– Thắp hương lên cháu. Thắp ba nén. Hôm nay con Đào không phải khấn mẹ nữa, để anh mày làm. Rõ là cái số mẹ mày khổ, hai hôm nay con gái phải khấn thay con giai trưởng. Dương đứng ra đây bá dặn. Bây giờ cháu vái, rồi khấn thế này: Hôm nay là ngày tị tháng ngọ năm thìn, con xin mời mẹ tự phúc Son đang ngụ ở xứ đồng Cây Quéo về xơi cơm! Mẹ phù hộ độ trì cho gia đình, cho chúng con được bình yên khỏe mạnh. Đấy, chỉ cần khấn nôm thế thôi. Không phải đọc họ. Người mất không còn họ nữa. Dưới tuổi thành niên mà mất thì gọi là tự trực, tuổi can là tự phúc, cháu phải biết những điều ấy. Đứng dịch vào đây cháu.
Trưởng nam Trịnh Bá Dương run run đứng trước bàn thờ, nhìn vào tấm hình người mẹ xấu số mờ ảo sau làn khói hương ngùn ngụt. Dương chắp hai tay đưa lên trước ngực, vừa lầm rầm đọc đến câu hôm nay là ngày tị tháng ngọ… thì bỗng ngoài sân vỡ tóe ra một tràng cười the thé, sắc lạnh như những mảnh chai sát vào nhau!
– Á a… a… Mới vắng mặt tôi có ba ngày mà nhà cửa đã tanh bành thế này rồi! Sao gà bây giờ vẫn chưa thả? Lợn chưa chăn, hả? Con khoang đang chửa, mọi hôm tôi vẫn nấu cháo cho nó ăn, bây giờ cô Đào thay tôi việc cửa việc nhà, mà bỏ phóng thiên phóng địa thế này hả? Tôi đã biết trước là cô lo chưa tới, với chưa thông mà! Nên tôi đã được báo mộng, tôi đã tìm người thay tôi! Nhưng cô đã coi người ta như con sen, con ở, ăn bám ăn nhờ không bằng Con còn trẻ người non dạ lắm con ơi!
Tất cả quay phắt ra và cùng đứng sững. Gai nỗi khắp người. Ông Hàm đang từ trong buồng chạy ra cũng bủn rủn cả chân tay, trố mắt lên nhìn người đàn bà làm thuê làm mướn đang bước giữa sân gạch trống huênh, mà vừa đi hai tay chị ta vừa rẽ ra hai bên, cứ như chị ta đang đi giữa bụi gai bụi cỏ. Phải! Trước mắt bà Cả và bốn bố con ông Hàm đích thị là người đàn bà làm thuê làm mướn, vẫn bộ quần áo tàng tàng, nhưng được giặt sạch sẽ.
Người chị ta đã đẫy ra, mẩy ra sau hơn một tháng được ăn no ngủ kỹ, nhưng chân vẫn đi đất, tóc búi ngược lên khiến khuôn mặt chị ta càng dài và hai gò má càng cao, tía lên như hơ lửa. Nốt ruồi to bên lưỡng quyền càng đen mọng lên. Đôi mắt nhìn trừng trừng, con ngươi đảo ngang đảo dọc, ném những tia bỏng rát. Tiếng the thé lạnh như tiếng kim khí!
Người đàn bà đang cơn đồng nhập?
– Ôi cả đời chị cả đấy ư? Chỉ có chị là thương em nhất trên đời này thôi! Nhưng em phải về trước chị rồi! Em đã gặp thầy u rồi! Trước khi về em đã tìm được người lo liệu thay em ở trên này! Chị thương em thì dàn xếp giúp em!
Vừa nói người đàn bà làm thuê vừa giơ tay bắt chuồn chuồn, chân cứ tiến thắng đến chỗ bà Cả. Bà Cả cuống quít hai tay chắp trước ngực, nói hào hển run như dẽ:
– Tôi lạy dì! Chị lạy em! Em ăn hiền ở lành thi hãy sống khôn chết thiêng, em phù hộ độ trì cho chồng cho con, chứ đừng về quấy quả em ơi. Những lời em dặn, chị sẽ cố lo cho tròn!
– Nhá! Chị nhớ đấy nhá! Đừng để em phải về lần nữa đấy nhá!
Vừa nói rang rảng, người đàn bà vừa bước lên thềm. Nhưng chưa qua giọt gianh. Chị ta bỗng kêu ú ù! Ú ù! Như tiếng hút gió, rồi lảo đảo lăn đùng ra, chân tay duỗi thẳng dằng, mắt trợn ngược, rặt lòng trắng như cùi nhãn. Mọi người cuống quít xô đến. Kẻ nâng đâu, người nâng chân, hối hả đưa người vừa đồng vào chính giường ông Hàm ngay cạnh bàn thờ, nâng niu và sợ sét như dìu bà Son vừa sống lại chứ không phải là người đàn bà làm thuê nữa.
Trưởng nam Trịnh Bá Dương quên mất cả cúng cơm mẹ, ba nén hương đã tàn đến chân. Không biết ở dưới kia, bà Son có ngâm cười nơi chín suối? Bà Cả quay sang ông Hàm thì thào, có lẽ lâu lắm bà mới nói với người em rể ngọt ngào thế này:
– Thế là phúc đấy, dượng ạ! Dì ấy vẫn dành lộc cho chồng cho con, không bướcvào quá giọt gianh thế là thần trùng chưa vào nhà đâu!
Mọi người sẽ sàng lui ra, để yên cho người đàn bà làm thuê nằm thiêm thiếp quay mặt vào tường.
Ra đến sân bà Cả hỏi nhỏ Đào:
– Đúng là con khoang đang chửa à? Mấy hôm nay chị em mày không nấu cháo cho nó thật à? Thế thì đúng u mày về quở đấy cháu ạ! Sửa ngay đi!
Đào vâng dạ cung cúc đi làm ngay. Trịnh Bá Dương hết xuống bếp lại lên nhà trên với vẻ mặt bồn chồn. Mặt ai cũng nhớn nhác thấp thỏm thế nào. Ngay bà Cả đã từng trải trong những chuyện đồng cốt, cũng quên khuấy mất điều này: Ấy là đồng thường chỉ nhập vào những người có quan hệ huyết thống, chứ chưa ai thấy đồng nhập vào người cha vơ chú váo! Nhưng với ông Hàm thì coi chừng nhé! Ông lẳng lặng ra bàn ngồi hút thuốc, thỉnh thoảng liếc mắt nhìn người đàn bà làm thuê, mọi hôm có đánh đố cũng không dám ngồi vào mép giường của ông, giờ đang nằm chình ình như một bà chủ ở đó!
Người đàn bà làm thuê bỗng kêu ú ớ, rồi ngồi vùng dậy, mặt mũi hốt hoảng:
– Ô sao tôi lại nằm đây! Dạ thưa ông, cháu làm sao thế ạ. Người đàn bà vừa sửa áo, vừa bước giật lùi vào tường nhìn ông Hàm sợ sệt. Ông Hàm đưa cái nhìn sóc sói vào người chị, nhưng giọng lại điềm tĩnh:
– Vừa rồi chị có biết mình làm sao không?
– Dạ không, cháu làm sao ạ?
– Không làm sao Không sao! Chị có khỏe thì hôm nay đánh cây rơm lên cho tôi!
– Dạ vâng, cháu đi làm ngay đây ạ.
Rồi chị ra vườn dùng cò – leo đánh cây rơm thật khéo, rất chặt. Trịnh Bá Dương chỉ là người phụ việc. Mọi người luôn kín đáo quan sát chị, nhưng chẳng thấy gì suất, chẳng còn mùi mẻ ma mồ đâu nữa.
Mãi tới nữa đêm, khi tất cả đã vùi người vào giấc ngủ sâu, ông Hàm mới lắng lặng vực dậy. Rồi cứ quần đùi áo cộc, ông đốt cây đèn con, tập tễnh đi xuống mở cửa ngách nhà ngang, se sẽ đi vào.
– Ai đấy?
Người đàn bà làm thuê hỏi giật giọng trong góc nhà. Chị ta đang nằm trên hai miếng phản chưa đóng đồ của ông Hàm ghép lại, vì chiếc chõng tre mọi hôm sau khi để linh cữu bà Son, không được đưa vào nhà nữa. Ông Hàm giơ chiếc đèn lên ngang mặt, vặn to lên để tự giới thiệu. Người đàn bà làm thuê ngồi bật dậy sợ hãi. Nửa người trên của chị ta chỉ mặc chiếc áo cộc cũn cỡn. Chị hỏi run rẩy:
– Kìa ông, ông hỏi gì cháu ạ?
Ông Hàm khoan thai chốt cửa lại, rồi vặn ngọn đèn thật nhỏ chỉ còn xanh xanh như con sên trời. Tất cả người ông chỉ là một khối rất lờ mờ. Lúc này cái người mang hình bóng ma lại là ông Hàm chứ không phải là người đàn bà láu cá kia nữa!
Tôi hỏi chị cái việc lúc sáng! – Ông Hàm cất tiếng thật trầm, thật nghiêm đến mức người bị hỏi như bị bắt mất hồn, chỉ còn biết khai tuồn tuột!
– Chị không giấu được tôi đâu! – Ông Hàm vẫn nói từng tiếng, trầm và nặng như buông từng viên chì – Nhìn vào mặt chị tôi biết chẳng phải đồng nhập đồng nhiếc gì cả! Chị giả vờ! Nhưng tôi không hiểu chị làm như thế để làm gì?
Người đàn bà làm thuê rén lên một tràng thật dài, đau đớn như một lời tự thú. Chị khom người run rảy bước đến trước mặt ông Hàm, rồi quỳ phục xuống vừa nói vừa khóc nức lên:
– Lạy ông cháu có tội. Cháu cắn rơm cắn cỏ van ông ông tha cháu. Ông đừng đuổi cháu! Vì muốn được ở lại hầu hạ ông, nên cháu mới dại dột nghĩ ra thế! Vì mấy hôm nay cô Đào muốn đuôi cháu đi, lúc nào cũng lườm cũng nguýt cháu, nên cháu mới phải đội lốt ma, đội lốt bà nhà để gia đình đừng đuổi cháu!
Người đàn bà quệt nước mắt, rồi sán đàn ôm lấy chân ông Hàm, càng nức nở:
– Xin ông làm phúc làm đức đừng đuổi cháu. Cháu xin làm con tôi con đòi hầu hạ ông suốt đời!
Ông Hàm bỗng rùng mình luống cuống né sang bên. Cái gì? Sao nhà chị này lại nói lại hệt cái câu của bà Son cách đây hơn ba mươi năm thê này? Tôi sẽ làm con tôi con đòi hầu hạ ông suốt đời? Bà Son đã nói đúng như thế trong đêm hôm ấy và đúng ở trong gian nhà ngang bừa bộn gõ ván y như thế này! Chỉ khác đấy là đêm nhập phòng, còn đêm nay và người đàn bà này như một sự tình cờ, một sự họa này, hay trời xui đất khiến nên bà Son đã dấm trước thật?
– Thôi chị cứ ớ đây! Mọi việc ở nhà này là tôi quyết định. Tôi thấy chị cung biết làm ăn.
Ông Hàm vừa nói vừa cúi xuống gỡ tay người đàn bà, thì những lời ông Hàm như mở cờ. Như có lực hút, khiến chị ta càng nhoai người lên ôm chặt lấy thắt lưng ông Hàm, ngả người vào lòng ông nói hào hển, hào hển:
– Giời ơi thế thì cháu đội ơn ông! Em đội ơn ông! Em sẽ phục dịch ông suốt đời!
Nước mắt chị ta rơi lã chã xuống đầu gối ông Hàm. Ông ngã ngồi xuống nền nhà. Tức thì cả nửa trên của người đàn bà ép chặt vào người ông, cọ xát vào những giác quan bén nhạy đang nóng ran trên da thịt ông. Chị ta vươn cổ tắt phụt ngọn đèn. Tối mò. Bóng đêm càng khiến cho cái chất táo tợn của người đàn bà lồng lên như ngựa. Một tiếng thúc gió réo vang trong lòng: Dấn nữa lên!
Cứ dấn nữa lên! Phải dành được sự sống đang chơi vơi lơ lửng như cái diều trước gió chỉ chực bay tuột mất khỏi đôi tay khoẻ mạnh, nhưng đang chưa biết bấu víu vào đâu của chị! Miệng rên ư ử? Người đàn bà khóc hay cười? Đau khổ hay sung sướng? Nước mắt rơi đến ướt nhoè trên bắp đùi ông Hàm như những giọt nước sôi. Không nhìn được gì nhưng ông lại thấy rất rõ thân thể người đàn bà, cái thân thể của gái một con, nở nang và săn chắc, thân thể của người đàn bà mới vào tuổi bốn mươi cứ cuồn cuộn da thịt và máu huyết thì sôi sục liều lĩnh! Chị ta đang ép trên bụng ông. Toàn thân chị ta đã trụi trần không còn một mảnh vải! Hai bầu vú nở căng, ấm mềm, trùm kín cả mặt ông Hàm! Bàn tay chị ta rối rít lần tìm trên bụng ông.
– Em thương ông! Em sẽ hầu hạ ông?
Người đàn bà vừa nói vừa khóc, vừa thở hào hển, rồi chị rên lên như mê sảng. Ông Hàm chới với, rồi buông hẳn nằm xoài xuống nền nhà. Chính ông, một con người ghê gớm dữ dằn, một đấng mày râu cường dương tráng khí, nhưng đêm nay, trước người đàn bà hú hoạ này, thì ông đã bị hiếp!