Phần 6: Gia đình chấp nhận
Đêm tân hôn trôi qua, Dung và Đạt lại tiếp tục tuần trăng mật bằng một kỳ nghỉ ngắn ngày ở Vũng Tàu. Ngày ấy, kinh tế mọi người đều còn nghèo, phương tiện hàng không thì chưa phổ biến. Bởi vậy, từ thành phố Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu chính là sự lựa chọn rất hữu ích cho các chuyến du lịch như vậy. Chuyến đi ngắn nhưng cũng thơ mộng, để rồi sau đó, đôi vợ chồng lại tiếp tục với cuộc sống hàng ngày.
Dung lại tiếp tục công việc văn phòng của mình, Đạt thì chăm lo cho 2 đứa nhỏ cùng với quản lý căn nhà đang cho thuê và dĩ nhiên là cả việc học, việc làm nữa. Tài sản thì tất nhiên là của Dung, nhưng thu nhập giờ thì đã là của chung. Họ cùng nhau chăm lo cho tất cả để những mong có một cuộc sống tốt. Thật may là hai đứa nhỏ cũng đã có thiện cảm với Đạt từ trước nên việc hòa nhập với gia đình không có gì khó khăn cho lắm.
Ngày tháng trôi qua, chừng hơn một tháng sau, khi đang ăn sáng, Dung bỗng cảm thấy buồn nôn. Đạt và Dung cùng hai đứa nhỏ đã mường tượng ra một điều gì đó và tỏ ra vui mừng ra mặt. Đạt hỏi Dung:
– Liệu có phải là em đã có bầu rồi không nhỉ?
Dung đáp lại:
– Em chậm kinh rồi, lại có biểu hiện buồn nôn nữa, khả năng cao là có bầu rồi. Thế nhưng mọi thứ thì cũng chưa khẳng định chắc chắn được. Tốt nhất là vợ chồng mình nên đi khám.
Nghe nói vậy, Đạt tức thì chuẩn bị và đưa Dung đi khám với thái độ không thể hồ hởi hơn. Đặc biệt, khi bác sĩ đã đưa ra kết luận chính thức là Dung đã có thai, cậu càng vui mừng hơn nữa. Đạt ôm chặt lấy Dung, Dung liền nói:
– Chết! Anh ôm em chặt quá, hại con mình giờ.
Đạt gãi đầu cười rồi nói:
– Xin lỗi vợ nhé, anh vui quá!
Dung cũng đáp lại:
– Em cũng vui lắm anh! Cuối cùng thì cuộc hôn nhân của bọn mình cũng có kết quả rồi. Em cũng vui khi mà lâu rồi mới lại trở lại cảm giác làm mẹ như thế này.
Từ sau khi Dung có thai, Đạt ra sức học tập, làm việc và chăm sóc cho Dung. Cậu không để Dung làm bất cứ việc nặng gì, thậm chí đôi lúc giành luôn phần nấu cơm cho Dung nữa. Dung càng cảm thấy hạnh phúc với cuộc hôn nhân này. Không chỉ vậy, khi các thành viên trong gia đình nhận được tin này, họ cũng vui không kém. Ba mẹ chồng cũ cũng như ba Dung đều chúc mừng Dung. Còn về phía nhà Đạt, chị hai Ánh rất vui mừng khi em dâu đã có bầu và liên tục gửi đồ lên để cho Dung tẩm bổ. Chị Ánh nói với Dung:
– Chúc mừng cậu mợ nhé! Hy vọng nó sinh ra sẽ khỏe mạnh, rồi chị sẽ lựa lời nói với ba mẹ để ba mẹ đón nhận hai vợ chồng.
Cuộc sống lại tiếp tục, ngày tháng lại trôi qua và cũng tới ngày Dung sinh con. Ngày đó, cuộc sống còn nghèo và lạc hậu, điện thoại di động chả ai có. Vậy nên Đạt và Dung đã thống nhất là khi còn khoảng 1 tuần nữa tới ngày dự sinh thì mẹ chồng cũ của Dung sẽ lên để trông và đưa Dung đi sinh, đồng thời bà cũng sẽ gọi điện tới điện thoại ở trường Đạt để báo tin cho Đạt về. Nhưng cũng thật may là hôm đó là chủ nhật, Đạt nghỉ ở nhà nên đã kịp thời đưa Dung tới bệnh viện và sinh hạ thành công một bé trai. Bé trai khỏe mạnh và chị Ánh khi lên thăm cháu cũng rất vui. Chị nói với Đạt:
– Thế là cậu đã có thằng cu nối dõi nhé. Nhanh lớn để chị còn đưa về cho ông bà gặp mặt cháu nữa.
Về phần Dung, Dung không chỉ vui vì đã sinh được cho Đạt một cậu con trai mà còn bởi cô nhận được sự chăm sóc từ mẹ chồng cũ. Giờ cô đã có gia đình mới, dĩ nhiên về lý thì mẹ chồng cũ của cô chả có nghĩa vụ phải làm gì với cô hết. Ấy vậy mà bà đã tình nguyện lên chăm nom cô khi chuẩn bị sinh, giờ sinh con xong lại ở lại chăm cháu cùng cô nữa. Cô xúc động không nói nên lời, cầm tay mẹ chồng và nói:
– Con cảm ơn mẹ! Mẹ đã chăm con khi sinh hai cháu lớn, giờ cháu này không phải là cháu của mẹ mà mẹ vẫn chăm nom không khác gì cháu của mình.
Bà Duyên – mẹ chồng cũ của Dung đáp:
– Thôi mà con! Chuyện này là chuyện nhỏ mà! Con đã làm tròn nghĩa vụ của việc làm dâu con trong nhà. Hùng nó mất đi thì con cũng đã lo thờ cúng đầy đủ, không hề lỗi đạo làm vợ. Bây giờ mẹ có chăm con và cháu thì cũng có xá gì đâu.
Sinh con xong, Dung được nghỉ chế độ ở nhà, mẹ chồng và Đạt thay phiên nhau chăm sóc Dung cũng như đứa nhỏ khiến Dung thấy vô cùng hạnh phúc. Tháng năm trôi qua, con nhỏ thì lớn dần, Đạt thì cũng đã tới ngày tốt nghiệp. Ngày anh tốt nghiệp, Dung bế con tới cùng dự lễ tốt nghiệp với Đạt và càng vui mừng hơn khi mà Dung lại mang thai lần hai với Đạt và sinh sau lễ tốt nghiệp sau đó khoảng hơn một tuần.
Lần này, Dung sinh đôi – một trai một gái và có lẽ đây chính là những kết quả đáng mong đợi nhất của cuộc hôn nhân này. Dung khi này đã 41 tuổi – độ tuổi mà đối với nhiều phụ nữ họ xác định đã không còn nghĩ tới chuyện sinh nở nữa nhưng cô vẫn sinh tận 2 lần với người chồng trẻ của mình. Không chỉ vậy, mấy đứa trẻ sinh ra đều khỏe mạnh, ngoan ngoãn nên họ luôn coi rằng đây chính là lộc mà trời đã ban cho mình.
Rồi cuộc sống lại tiếp tục, sau ngày tốt nghiệp khoảng hơn 3 tháng, khi đó Dung đã hết ngày ở cữ trong lần sinh thứ hai. Hôm đó, Đạt mua khá nhiều đồ ăn về nhà. Dung thấy vậy liền hỏi:
– Hôm nay sao chồng em tự nhiên mua nhiều đồ ăn về nhà đến vậy?
Đạt liền đáp:
– Ôi có chuyện vui lắm em ạ! Hôm nay là ngày vui của anh nên anh muốn làm cái gì đó khác biệt đi. Tí vợ chồng mình ngồi ăn, anh sẽ kể.
Ngồi vào bàn ăn, khi đó cũng có bà Duyên – mẹ chồng cũ của Dung lên chăm cháu. Đạt tuyên bố lý do:
– Hôm nay anh vui lắm, có hai chuyện hẳn hoi. Chuyện thứ nhất là anh mới kiếm được việc làm, công việc có chuyên môn hẳn hoi nhé. Anh sẽ đi làm kỹ sư xây dựng ở Tổng Công ty Cienco.
Dung nghe vậy liền vỗ tay rồi nói:
– Chúc mừng chồng yêu của em nhé! Mới ra trường đã có việc như thế, vừa có lương lại có chuyên môn nữa. Thế còn chuyện thứ hai là gì?
Đạt lại nói tiếp:
– Chuyện thứ hai là hôm nay, chị Ánh có gửi thư lên, nói là ba mẹ ở nhà đã nguôi giận rồi. Sắp tới chúng ta nên bố trí về nhà đi để cho em chính thức được ra mắt ba mẹ, được ba mẹ công nhận và quan trọng là cháu được gặp ông bà nữa.
Dung nghe vậy thì nửa vui nửa buồn, cô nói:
– Em thấy đấy cũng là chuyện rất vui. Nhưng liệu ba mẹ đã hết giận thật không, em sợ quá.
Đạt lại nói:
– Ôi trời vợ yêu của anh ơi! Chị Ánh nói mà em còn không tin nữa à. Với nữa em cứ nghĩ thế này nhé, ba mẹ cũng chả thu được lợi lộc gì khi giận bọn mình, hơn nữa còn có các cháu nữa. Lại nữa nhé, mình là con, nghĩa vụ phải phụng dưỡng cha mẹ nên dù có giận cũng phải cố gắng về gặp cha mẹ mong cha mẹ tha thứ mới phải chứ. Mấy năm rồi mình chưa về gặp ba mẹ chính ra cũng là lỗi đạo đấy.
Dung nghe vậy thì cười rồi đáp:
– Thôi vậy thế là vui rồi! Thôi hôm nay ăn uống thật vui vẻ nhé!
Nói rồi, họ cùng ăn uống trong không khí thật hân hoan với nhiều việc quan trọng như thế. Sau đó, Dung và Đạt cũng sắp xếp và tranh thủ một tuần trước khi Đạt nhận việc, họ đã đưa nhau về quê để thăm ba mẹ nuôi của Đạt. Về tới nhà, chị Ánh đưa Đạt vào nhà. Ông Dũng ở trong nhà nhìn thấy bóng dáng Đạt thì liền hỏi chị Ánh:
– Đứa nào tới đó nhỉ?
Chị Ánh liền đáp:
– Kìa ba, sao ba nói vậy. Thằng Đạt chứ ai nữa. Hôm nay nó dẫn vợ con nó về nữa ba kìa.
Nói rồi, chị Ánh ra hiệu và Đạt với Dung cùng bước vào nhà. Dung liền dẫn con vào và bảo thằng nhỏ:
– Chào ông bà đi con!
Nghe tiếng thằng nhỏ bi bô: “Chào ông! Chào bà!”, Ông Dũng chợt nở một nụ cười. Trông thằng nhỏ mới thật dễ thương làm sao. Đạt thấy vậy liền nói:
– Ba, ba hãy tha lỗi cho con nhé! Con xin lỗi vì đã trái lời ba. Con mong ba hãy chấp nhận vợ con con.
Ông Dũng liền đáp:
– Thôi! Bọn bay ăn ở với nhau giờ ra ba mặt con thế này, bảo tao giờ phải làm sao nữa. Ván đã đóng thuyền rồi.
Đạt liền hỏi lại:
– Thế ba hãy nói rõ, tha lỗi cho con và chấp nhận vợ con con đi.
Ông Dũng xoa đầu con, cười rồi nói:
– Thằng quỷ này, mày tốt nghiệp rồi đấy. Ba đùa đấy thôi. Thú thực là lúc đầu ba cũng giận lắm chứ. Nhưng sau thấy chị Ánh nói chúng bay hạnh phúc, sinh con đẻ cái, cháu nó lại dễ thương thế. Chưa kể là cái Dung nhìn cũng xinh xắn dễ thương đấy chứ, tuy là vẫn cứng hơn mày nhưng mà so với tuổi nó thì nó sẽ trẻ hơn nhiều, nhìn lại thì trông cũng không tới nỗi nào. Thôi, giờ hai đứa vào rửa ráy chân tay đi, cho các cháu vào nghỉ rồi chuẩn bị ăn cơm. Má bọn bay cũng đỡ nhiều so với trước rồi, hôm nay cũng xuống chuẩn bị cơm nước. Bà ấy vui lắm đấy, chỉ mong chúng bay về thôi.
Dung nghe vậy cũng vui mừng rồi nói:
– Con cảm ơn ba đã chấp nhận con.
Ông Dũng đáp lại:
– Thôi ơn huệ gì con. Giờ là dâu con trong nhà rồi, đừng khách sáo gì nữa nhé. Sau con với Đạt ráng sống với nhau cho tốt vào, hôn nhân là việc hệ trọng của cả đời đấy các con ạ!
Không khí gia đình khi này đã thực sự trở nên vui vẻ hơn. Dung xắn tay xuống bếp cùng chuẩn bị cơm với bà Hoa – mẹ chồng hiện tại của mình. Gia đình quây quần ăn uống, ông Dũng nói với Đạt:
– Hôm nay về đây, gia đình tụ họp rồi. Thằng Đạt tiện nhớ đi thắp hương tổ tiên nhé, đừng quên thắp hương cho bà Lài đấy.
Đạt gật đầu vâng dạ, còn Dung thì hỏi:
– Bà Lài là ai vậy ba?
Ông Dũng đáp lại:
– Đó là người phụ nữ đã đưa thằng Đạt cho mẹ để nhờ mẹ nuôi đó. Bà ấy mất vì sức khỏe yếu từ lâu rồi. Cũng bởi vậy nên giờ nhà mình vẫn thờ cúng bà ấy, coi như để nhắc cho thằng Đạt nhớ tới người đã đưa nó tới gia đình mình đó con.
Nghe nói vậy, Dung cũng vâng dạ và dĩ nhiên cô chả có ý kiến gì khác vì cô thấy chuyện này cũng hoàn toàn bình thường thôi. Công sinh thì hơn công dưỡng, mà công cứu mạng thì mang ơn cả một đời, bởi vậy việc thờ cúng này cũng là bình thường. Tối hôm đó, Dung cùng Đạt thắp hương bàn thờ tổ tiên và không quên thắp hương cho người phụ nữ tên Lài đó. Dung thấy bàn thờ không có ảnh liền hỏi:
– Sao chỗ bát hương bà Lài lại không có ảnh vậy anh?
Đạt đáp lại:
– Anh nghe mẹ kể lại là bà Lài mất khi trong người không có giấy tờ gì cả, cũng không kịp chụp lại ảnh nên đã đành phải để không như vậy đó.
Dung không có ý kiến gì nữa, cô thắp hương cho bàn thờ tổ tiên rồi tới bà Lài. Bà Lài vì không phải người trong nhà nên được thờ ở một bàn thờ riêng. Khi cắm hương vào bàn thờ bà Lài, đột nhiên, Dung cảm nhận một làn gió lạnh thổi qua và có tiếng gọi:
– Dung… ơi! Dung… ơi!
Dung tự nhiên cảm thấy lành lạnh sống lưng, cô quay ra hỏi Đạt:
– Có ai gọi em phải không anh?
Đạt đáp lại:
– Có ai đâu! Ở đây có mỗi em và anh, anh chả gọi em rồi.
Dung đáp lại:
– Chả hiểu sao em cứ nghe thấy ai gọi tên mình.
Đạt đáp:
– Chắc em nhầm thôi, không sao đâu. Thôi thắp hương rồi đi ngủ thôi em.
Dung nghe vậy thì cũng không thắc mắc gì, cô thắp hương xong thì Đạt lên nhà trước, cô thì đi đánh răng chút rồi quay trở lại phòng ngủ để chuẩn bị đi ngủ. Nhà quê khá rộng rãi, các phòng xây cũng biệt lập trên một khu đất rộng nên để đi từ phòng vệ sinh khi vừa đánh răng xong tới phòng ngủ cần phải đi qua phần sân nhà. Khi đi ngang qua phòng thờ, đột nhiên cô lại cảm nhận được một luồng gió lạnh thổi qua. Luồng gió lần này dường như mang không khí cô liễu, ma mị hơn khiến Dung càng thấy sởn gai ốc. Một cảm giác rờn rợn tự nhiên lan tỏa trong cô. Cô lại nghe thấy tiếng gọi:
– Dung ơ… ơi! Dung ơ… ơi!
Tiếng gọi lần này dường như đã rõ hơn rất nhiều và văng vẳng trong đêm nghe rõ mồn một. Cô lắng nghe và dần đi theo hướng mà tiếng gọi đó vọng tới. Đột nhiên, cô thấy một bóng người áo trắng ở chỗ bụi dừa giáp giữa cánh đồng và sân nhà. Một bóng trắng trong đêm, mờ mờ ảo ảo. Bóng dáng này cô nhìn cảm thấy cực kỳ quen thuộc tựa hồ như đã gặp ở đâu vậy.
Bóng trăng lặng lờ trôi và cô đã nhìn rõ chắc chắn đây không phải là người bởi nó lướt rất nhẹ trong không trung. Mà đã không phải người thì chỉ có thể là ma thôi chứ đâu. Dung vốn đã sợ ma, giờ gặp ma thứ thiệt thế này càng làm cô khiếp đảm hơn. Cô sợ quá, chạy vội vào phòng ngủ, ôm lấy Đạt rồi nói:
– Anh Đạt, em sợ quá!
Đạt ôm lấy Dung rồi nói:
– Có chuyện gì vậy em? Ở đây là nhà ba mẹ anh mà, có ai nữa đâu.
Dung liền kể lại mọi chuyện cho Đạt nghe. Đạt nghe xong liền bảo:
– Chà, vợ anh hôm nay nhát gan ghê. Sống ở phố lâu nên anh không biết, giờ mới biết em sợ ma đấy. Đâu, con ma đó thế nào, để anh mở cửa ra xem xem.
Nói rồi, Đạt đưa tay ra mở cánh cửa sổ ở sau giường ra. Dung thì sợ hãi nép mặt vào người Đạt. Một lát sau, Đạt nói:
– Nào, ma cỏ nào, vớ vẩn quá đi mất. Chắc em thần hồn nát thần tính thôi. Gớm ở phố lâu ngày lại quên mất mấy khung cảnh này ở quê rồi à.
Dung nghe nói vậy thì ngó lên cửa sổ nhìn, đúng thật là chả thấy gì cả. Sau đó, Đạt đóng cửa lại rồi hai vợ chồng ôm nhau nằm ngủ. Tối hôm đó, Dung ngủ yên giấc tới sáng mà không có việc gì xảy ra cả. Câu chuyện sợ hãi đêm qua cũng trôi qua nhanh chóng khi được khỏa lấp bằng việc ba mẹ chồng đã chấp nhận mình. Trước khi rời nhà, ông Dũng có nói với hai vợ chồng:
– Nhớ bố trí sớm cho ba mẹ qua bên ông bà thông gia nhé. Hai đứa cưới nhau rồi mà hai bên gia đình chưa ai gặp ai cả.
Cả nhà chào tạm biệt ba mẹ Đạt, họ cùng nhau lên đường để chuẩn bị cho cuộc sống mới tiếp tục.