Phần 59
Dựng chiếc xe đạp vào một chỗ, Nghĩa chầm chậm đi về phía bãi đất trống ở xóm Làng Chài, cậu vô cùng ngạc nhiên và có phần hồi hộp, bởi khung cảnh đơn sơ trước mắt cậu nhưng đẹp diệu kỳ. Lô nhô cả trăm chiếc thuyền mấp mô trên sông vì sóng nước, ở trên những mui thuyền, có cả trăm con người đang đứng nhìn về phía bãi đất trống ấy. Có 5 dây điện nhỏ nhỏ nối với bình acquy trên thuyền xuống đến bãi đất trống để thắp sáng lên những ngọn đèn nhỏ, ánh điện đỏ quạch hòa lẫn với ánh trăng tròn trên đỉnh cầu Long Biên tỏa thứ ánh sáng kỳ diệu xuống cho các em nhỏ.
Những đôi mắt sáng long lanh, háo hức, chờ đợi của các em đang dõi theo từng bước chân của Nghĩa, có cảm giác như những hơi thở của Nghĩa cũng được các em chăm chú lắng nghe. Ôi những đứa trẻ bên lề xã hội, cái áo chúng mặc đủ loại hình thù, màu sắc và độ bẩn khác nhau, mỗi đứa ngồi trên một chiếc ghế gỗ con con, thẳng hàng ngay ngắn trước một cái tấm gỗ to dựng phía đằng trước. Phảng phất đâu đây mùi của nước, mùi của những bông lau mọc bừa trên đất bãi bị gió cuốn về, mùi của cá tanh tanh nồng nồng từ những con thuyền và của chính những đứa trẻ đang ngồi ở đây.
Các em im phăng phắc chờ đợi Nghĩa bước đến vị trí trước tấm bảng trước mặt chúng. Nghĩa có cảm giác các em đang ngồi đây và chính phụ huynh của các em ở trên thuyền đã chờ đợi giây phút này lâu lắm rồi, từ lúc mới được sinh ra cơ. Họ chờ đợi một cơ hội để có thể trở thành một phần nào đấy dù nhỏ bé nhất trong cái xã hội luôn luôn biến động này, họ chờ đợi một cơ hội được biết đến con chữ, để có thể nhìn mà đọc to tên của tấm biển quảng cáo trên đường.
Chỉ duy nhất một người lớn đứng ở mạn sườn lớp học, đó là ông Từ. Chờ cho đến khi Nghĩa bước vào vùng ánh sáng của những ngọn đèn nhỏ, trước tấm gỗ màu đen làm bảng mà mãi về sau này Nghĩa mới biết nó chính là một tấm ván gỗ quan tài được xịt sơn đen lên, ông Từ đến gần Nghĩa trao gửi tâm tư của tất cả người dân xóm này:
– Nghĩa, ông thay mặt cho tất cả các gia đình của 37 em nhỏ trong xóm này cảm ơn cháu. Vì cháu đã đến đây dạy chữ cho lũ trẻ.
Dừng câu nói, ông gật đầu vì không biết nói gì thêm. Mọi tâm tư ông dồn cả vào cái gật đầu kèm với ánh mắt ấy.
Nghĩa không ngờ việc làm của mình lại được những người dân xóm Làng Chài và đặc biệt là các em nhỏ đón chờ như vậy. Ở dưới kia có tất cả 5 hàng ngang, mỗi hàng 7 người, và ở dưới cùng có 2 người lớn nhất ngồi, có lẽ 2 em lớn nhất một trai một gái đã đến tuổi thanh niên rồi. Nhân 7 với 5, cộng thêm 2, vị chi là 37 em tất cả. Vậy là toàn bộ các em độ tuổi từ 6 đến 15 đều có mặt ngồi dưới đây không sót một ai.
– Ông và các cô các chú cứ yên tâm. Cháu hứa sẽ cố gắng hết mình để dạy các em biết đọc, biết viết và nhiều thứ khác nữa trong hiểu biết của cháu.
Và ông Từ gật đầu thêm một lần nữa, ông lùi dần ra xa lớp học bên sông, vượt ra khỏi vùng ánh sáng của 5 bóng điện trên những cái cọc tre tạm bợ xung quanh lớp học. Ông nhường không gian này cho Nghĩa và các bạn nhỏ.
Từ nãy đến giờ, các em không một ai nói chuyện, từ các bạn chỉ mới 6 tuổi đến các anh chị lớn hơn đều như vậy, có cảm giác đến thở mạnh bọn chúng không dám nữa. Nghĩa nhìn từ trên xuống dưới, nhìn từng khuôn mặt một để nhớ trong đầu. Có lẽ làm quen bằng ánh mắt là cách làm quen để lại ấn tượng nhất.
– “Anh tên là Nghĩa”, mở đầu, Nghĩa giới thiệu tên mình.
Những ánh mắt vẫn cứ dán chặt vào khuôn mặt Nghĩa, kể cả khi lũ trẻ gật đầu thì ánh mắt vẫn không đổi.
– Anh sẽ dạy cho các em biết đọc, biết viết và những thứ khác nữa vào mỗi tối thứ 3 và thứ 6 hàng tuần, các em có đồng ý không?
Ở dưới, tất cả không ai bảo ai đều đồng thanh đáp, tiếng đồng thanh như cộng hưởng lại với nhau, át cả tiếng gió vi vút từ phía sông thổi lên:
– Có ạ!
Nghĩa gật đầu:
– Anh đảm bảo, chỉ cần các em chăm chỉ, ngoài thời gian anh dạy ở đây, về nhà các em ôn luyện thêm, thì chỉ trong nửa năm thôi là tất cả các em sẽ biết đọc, biết viết.
Cả lớp cười rào rào vui mừng cứ như thể vừa mới đó là đã qua 6 tháng, giờ chúng đã biết đọc biết viết cả rồi. Hết tràng cười, các em im lặng trở lại để nghe Nghĩa nói tiếp:
– Anh năm nay 19 tuổi, các em từng người một giới thiệu tên và tuổi cho anh biết được không?
Ở dưới cả lớp lại đồng thanh:
– Được ạ.
Nghĩa chỉ vào em nhỏ nhất ngồi hàng đầu tiên, có lẽ ông Từ cũng đã có chủ đích sắp xếp chỗ ngồi nhỏ trên lớn dưới rồi. Em bé gái được Nghĩa chỉ tay bẽn lẽn đứng dậy, khuôn mặt em nhem nhuốc nhưng hai má núng nính, em nói nhát ngừng:
– Em tên… là Tí, em… 6 tuổi ạ.
– Em tên là Xuân, em 7 tuổi.
– Em tên là Hạ, em 7 tuổi ạ.
– Em tên là Thu, em 8 tuổi ạ.
– Em tên là Đông, em 9 tuổi.
– Em tên là Sông, em 10 tuổi ạ.
– Em tên Hồng, em 11 tuổi ạ.
… v. V.
Đến hai em lớn nhất ngồi hàng dưới cùng, một đứa là con trai có mái tóc cắt cua tròn lông lốc nhưng khuôn mặt lại sáng ngời, một đứa là con gái có mái tóc dài buộc gọn ra đằng sau bằng một cái kẹp sắt sáng loáng. Đứa con trai đứng dậy trước:
– “Em là Kiên, năm nay em 15 tuổi”, nói xong Kiên ngồi xuống ngay ngắn tại vị trí của mình.
Sau khi Kiên ngồi xuống, em gái ngồi cạnh Kiên mới từ từ đứng dậy, em cho tay lên trước ngực, có lẽ mới lớn nên em ngại đứng và nói trước đông người, hoặc có thể em cố tình che đi phần ngực vừa mới nhú như quả cau chõn của mình:
– Dạ… thưa… em tên là… Trinh. Năm nay em… 15 tuổi ạ.
Cũng như những người khác, Trinh nói xong thì ngồi xuống luôn, khi trên đà ngồi xuống, em nhìn sang phía Kiên một cái, em bắt gặp ánh mắt của Kiên nhìn lại mình, chỉ bấy nhiêu thôi cũng làm tim em bối rối rồi. Hình như 2 đứa này thích nhau, Nghĩa tinh ý phát hiện ra điều ấy.
Nghe ông Từ nói là có mấy em biết nguệch ngoạc vài chữ, chắc không tính là biết chữ nên tất cả các em đều có mặt ở đây. Khi tất cả lũ trẻ giới thiệu tên xong, Nghĩa nói:
– Những buổi học đầu tiên, anh sẽ dạy các em bảng chữ cái Tiếng Việt, sau đó là đến tập viết, ghép vần, ghép chữ và ghép câu. Buổi đầu tiên này, anh tặng các em mỗi người một cái bảng đen và 1 hộp phấn, anh em mình cùng cố gắng, các em có đồng ý không?
Ở dưới, cả lớp nhao lên, khuôn mặt lũ trẻ rạng ngời vì được tặng quà, có nhiều đứa đây là lần đầu tiên chúng được người khác cho một cái gì đấy:
– Có ạ!
Nghĩa nhìn về phía cuối lớp:
– Kiên, Trinh, hai em cùng anh ra xe lấy bảng phát cho các bạn.
Kiên và Trinh đứng dậy luôn theo Nghĩa ra chỗ xe đạp lấy bảng đen và phấn. Những thứ này Nghĩa mua chiều hôm qua, đang chằng ở yên sau của chiếc xe đạp thồ.
Sau đó mỗi em được phát một cái bảng đen và một hộp phấn trắng.
Sau đó, Nghĩa viết từng chữ cái a, b, c, d, e, f, g, h, i, gì, k, l, m, o, p, q, t, v, s, x lên trên bảng. Cậu viết nắn nót từng chữ một, thẳng hàng, thẳng lối giống y như giáo viên tiểu học thật.
Cầm chiếc đũa ăn cơm đã chuẩn bị từ trước, Nghĩa chỉ vào chữ cái đầu tiên:
– Các em đọc theo anh nhé. A, bờ, cờ, dờ, đờ…
Ở bên dưới, các em đọc theo: A bờ cờ dờ đờ…
Những chữ cái đầu tiên trong đời cứ thế vào trong đầu các em ở lớp học bên sông, Nghĩa đặt tên cho lớp học của mình là Lớp học bên sông.
Xa xa, nếu người nào thính tai đi trên cầu Long Biên, có thể nghe thấy lẫn trong gió tiếng giảng bài của Nghĩa thành một bài thơ như sau:
‘I, t (tờ), có móc cả hai.
I ngắn có chấm, t (tờ) dài có ngang.
E, ê, l (lờ) cũng một loài.
Ê đội nón chóp, l (lờ) dài thân hơn.
O tròn như quả trứng gà.
Ô thì đội mũ, ơ thời thêm râu’
Và nếu họ có thời gian mà dừng lại, nhìn xuống vùng đất bãi, họ sẽ thấy ở giữa 5 bóng đèn nhỏ vàng vọt chạy điện acquy là một lớp học không bàn, không ghế, không mái, không nền. Nhưng vẫn có thể gọi là lớp học được, bởi có thầy, có trò. Như vậy đã đủ để gọi là lớp học chưa nhỉ?
…
Trong khi Nghĩa kết thúc buổi dạy học đầu tiên của mình lúc trời đã bắt đầu chuyển sang cái lạnh của đêm, có lẽ cũng phải 10 giờ rồi, thì ở cách đấy không xa theo đường buồi bay (hoặc gọi theo ngôn ngữ hàng không là đường chim bay), ở ngôi biệt thự ba tầng cổ trong một con ngõ khu phố cổ Hà Nội, là nhà của mẹ con Cẩm Tú. Thủy Tiên từ trên tầng 3 chạy xuống gõ cửa phòng mẹ, khuôn mặt Thủy Tiên nặng trĩu tâm tư, không đợi mẹ mở cửa gọi vào, Thủy Tiên đẩy luôn cửa ra. Nhìn thấy mẹ cô òa khóc rồi vụt chạy lên rúc vào người mẹ nức nở:
– Hu hu hu!!!
Đã lâu lắm rồi, thực sự là quá lâu rồi Thủy Tiên mới có hành động này, cô đã 18 tuổi chứ không còn nhỏ bé gì để có hành động con nít như vậy. Chắc phải có chuyện gì lớn lắm, vượt sức chịu đựng của cô đây. Cẩm Tú choàng tay ôm trọn lấy con mà vỗ về:
– Con gái, sao vậy? Sao lại khóc.
Thủy Tiên càng khóc to hơn vừa nãy, cô khóc to để cho lòng nhẹ bớt, trong tiếng khóc, cô nhát gừng kể với mẹ nhưng cũng là để cho thỏa lòng:
– Hu hu hu, mẹ… ơi… con… Hu hu hu… Con… nhớ… anh… Nghĩa lắm… Hu hu hu hu… Lúc nào… con cũng… nghĩ về anh ấy… thôi. Con… con… yêu… anh ấy… thật rồi… mẹ ạ…
Cẩm Tú thở dài một cái, trong lòng thầm nghĩ: “Mẹ còn nhớ gấp 9 lần con ấy chứ”. Xoa xoa vào lưng con:
– Được rồi, bình tĩnh, có chuyện gì nói cho mẹ xem nào, sao vừa đi đâu về mà đã khóc sướt mướt thế này.
Thủy Tiên thở mạnh liên tục mấy cái lấy lại bình tĩnh, nước mắt vẫn giàn giụa chảy ra khỏi hai khóe mắt, mái tóc dài chớm đến cổ rối bù xù:
– Con đi tìm anh Nghĩa. Nhưng… Hix… hix… không gặp. Hu hu hu… Mẹ ơi, anh Nghĩa khổ lắm mẹ ạ.
Cẩm Tú ngồi dậy, không ôm con nữa, nghe con nói “Nghĩa khổ lắm” lòng cô cũng đau như cắt, nhưng khuôn mặt không thể hiện điều đó mà vẫn lạnh tanh:
– Con không gặp sao biết khổ.
Lấy vạt áo đưa lên mặt lau nước mắt nhem nhuốc, Thủy Tiên kể lại việc tối nay cô đi đâu:
– Con vừa từ chỗ nhà trọ của anh Nghĩa về đây. Anh ấy đã chuyển chỗ trọ khác từ sau cái hôm mẹ con mình và bác Quân đến rồi. Con gặp cái chị ở cạnh phòng của anh Nghĩa, chị ấy nói là anh Nghĩa không chịu được những lời dèm pha, móc máy của những người trong xóm nên phải chuyển đi. Chị ấy còn kể là ở quê của anh ấy, mọi người đều biết chuyện và tẩy chay gia đình anh ấy nữa.
Cẩm Tú ngồi thụp xuống giường, hai bàn tay cô vuốt mặt lên xuống, có lẽ hành động của cô đã sai, đã đẩy một thanh niên vừa mới chập chững vào đời xuống vực thẳm. Thời gian vừa qua, Cẩm Tú đã suy nghĩ rất nhiều về Nghĩa. Đương nhiên cô vẫn khẳng định là Nghĩa đã lấy tiền của mình, nhưng cái cô cảm thấy hối hận đấy chính là cách mình làm. Nếu cô gọi riêng Nghĩa ra để hỏi chuyện này, hoặc dùng một cách nào đó mà chỉ có vài người biết với nhau thôi thì có lẽ Nghĩa đã không phải rơi vào hoàn cảnh này. Đằng này, trong lúc nóng vội, cô lại lăm lăm dẫn cả công an đến phòng Nghĩa, giữa hàng biết bao người, chưa biết đúng sai như thế nào, nhưng mang tiếng là kẻ trộm là chắc rồi.
– Thế sao con không hỏi chị ta là Nghĩa đang ở đâu?
Trong đầu Thủy Tiên hồi tưởng lại lúc cô đứng nói chuyện với chị Mận trước cửa phòng của chị ấy, còn có cả anh Cung đứng bên cạnh nhưng anh không nói gì:
– Con có hỏi, nhưng chị ấy bảo là Nghĩa không muốn cho con biết. Con có linh cảm là chị ấy biết điều gì đấy nhưng giấu giếm. Con hỏi mãi mà chị ấy cũng không nói. Mẹ, mẹ có biết anh Nghĩa đang ở đâu không? Mẹ chỉ cho con với. Con muốn gặp anh ấy, con muốn biết anh ấy dạo này thế nào? Chắc anh ấy ghét con lắm. Vì mẹ con mình mà anh ấy mới ra nông nỗi này.
Cẩm Tú biết để tìm Nghĩa dễ như trở bàn tay, cứ ra chỗ gầm cầu Chương Dương, nơi lần đầu tiên chính cô đã gặp Nghĩa tìm là thấy ngay. Nhưng đương nhiên cô không nói cho con biết rồi. Bản thân mặc dù có nhớ nhung, có một chút hối hận vì cách làm của mình, nhưng cô vẫn hiểu rằng, Nghĩa lấy trộm tiền của mình thật, đã phản bội lại lòng tin của cô, một người đã từng bị chính chồng mình phản bội một lần rồi:
– Không phải tại mẹ con mình. Mẹ con mình không xui Nghĩa lấy trộm tiền. Cậu ta phải tự chịu hậu quả do những hành động của mình gây ra. Với lại mẹ cũng không biết cậu ta đang ở đâu.
Thủy Tiên gần như hét lên:
– Con không tin! Con không tin! Không bao giờ con tin anh Nghĩa là người như vậy.
Cẩm Tú biết con gái đang ở độ tuổi nào, cái tuổi nửa bé nửa lớn này tâm sinh lý thay đổi vô cùng thất thường, tội cho con gái, tình yêu đầu đời không phải dành cho ai khác, lại chính là dành cho Nghĩa. Cẩm Tú nhẹ giọng lại an ủi con:
– Được rồi, thời gian sẽ trả lời tất cả. Giờ về phòng hay ngủ luôn đây với mẹ nào.
Thủy Tiên lầm lũi bước ra khỏi giường, cô đi như kẻ thất thần. Ra đến cửa, bỗng mẹ gọi lại vì nhớ ra một chuyện gì đó:
– À, Thủy Tiên, mẹ có chuyện này muốn hỏi con.
Chẳng còn tâm trí đâu mà trả lời mẹ, Thủy Tiên hờ hững đứng ở cửa chẳng nói gì, chờ đợi mẹ nói tiếp. Cẩm Tú lấy ở trong ngăn kéo bàn ra một chiếc cúc áo màu xanh nõn chuối:
– Con có biết cái cúc áo này của ai không?
Nghe mẹ nói, Thủy Tiên mới quay đầu lại rồi đi về phía mẹ, tim cô đập thật mạnh như linh cảm thấy điều gì đó, có lẽ con người có giác quan thứ 6 thật. Cầm cái cúc áo màu xanh bộ đội ở trên tay, Thủy Tiên hỏi lại mẹ:
– “Sao mẹ lại có cái cúc áo này?”, Vừa nói mà cô vừa run run, hình ảnh hàng cúc áo có một chiếc cúc khác màu trên cái áo lao động của Nghĩa đang rõ mồn một trong đầu Thủy Tiên.
Cẩm Tú đương nhiên không thể biết được rồi, cô chỉ kể lại đúng những gì mà mình biết mà thôi:
– Mẹ nhớ là chính bác sĩ đưa cho mẹ cái cúc áo này, bác sĩ nói là khi con vào nhập viện thì trong tay vẫn còn nắm chặt cái cúc áo, bác sĩ lấy ra đưa cho mẹ. Lúc đó vì vội quá mẹ đút trong túi quần vải. Rồi mùa đông không mặc quần đấy nên mẹ cất đi. Vừa nãy mới lấy ra mặc thử xem còn vừa không thì phát hiện ra trong túi có cái cúc này.
Mắt Thủy Tiên mở trừng trừng nhìn cái cúc áo, môi cô run lên bần bật, hàm răng cắn vào môi đến suýt nữa thì bật máu:
– Mẹ chắc chắn là bác sĩ lấy ở tay con lúc ở trong bệnh viện chứ?
Cẩm Tú khẳng định chắc nịch:
– Chắc luôn. Nhà mình không có loại cúc màu này. Con biết cái cúc áo này của ai à?
Thủy Tiên như phát điên lên, tim cô như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, từ bé đến lớn cô chưa bao giờ rơi vào trạng thái cảm xúc như lúc này đây. Nửa khóc, nửa cười, nửa mừng, nửa tủi:
– Là của anh Nghĩa.
Cẩm Tú cũng đứng phắt dậy, cô cũng linh cảm thấy điều gì đấy rất khó tả trong lòng, cái cúc này nằm trong tay con lúc được cấp cứu vào bệnh viện, và nó chính là của Nghĩa, tại sao nó lại nằm ở đấy, không lẽ nào…
– Tại sao con biết?
Cầm chặt cái cúc áo trong tay mình như thể sợ nó bị bay mất:
– Vì anh Nghĩa có một cái áo toàn cúc màu này, chỉ có duy nhất một cái không giống do đính lại. Mẹ ơi… không lẽ nào… người cứu… con không phải… là anh Ba. Mà chính là… anh Nghĩa. Đi… con phải đi luôn đây.
Nói xong Thủy Tiên chạy vội ra khỏi phòng mẹ, Cẩm Tú đuổi sau lưng con, vừa đuổi vừa hét lên:
– Thủy Tiên, con định đâu? Đêm rồi.
Thủy Tiên chạy lên tầng 3 thay quần áo, với cô một phút một giây tìm ra sự thật cũng là quý hơn vàng hơn bạc:
– Con phải ra bờ sông, ở đó chắc chắn có người biết được sự thật.