Phần 67
Giữa buổi sáng hôm sau, Thụy Kha trở lại Việt Nam, cô vừa đưa giáo sư Robert đi gặp bác sĩ Thông để trao đổi về bệnh tình của bệnh nhân, mặc kệ hai người nói chuyện với nhau, Thụy Kha chạy ào về phòng bệnh nơi Thìn đang điều trị, cô chạy bộ từ tầng 1 lên tận tầng 5 vì chờ thang máy lâu quá.
Từ ngày biết anh đến giờ, cô chưa bao giờ xa anh quá 24 giờ đồng hồ, nay xa anh những tận 7 ngày mà cô cảm giác như phải 1 tuần. Chả cần gõ cửa vì đây là phòng mình, Thụy Kha ào vào như một cơn gió, gặp điều dưỡng Liên đang làm những công việc chuyên môn, Thụy Kha hỏi ngay:
– Chị Liên, anh Thìn nhà em sao rồi?
Nhìn thấy khuôn mặt đỏ bừng vì chạy bộ, hơi thở hổn hển của Thụy Kha, điều dưỡng Liên cười hiền hòa:
– Xem kìa, mới đi có 1 tuần mà cứ là như là vài tháng không bằng. Thìn vẫn ổn, mọi thứ vẫn bình thường.
Có điều dưỡng ở đây nên Thụy Kha không dám làm gì quá trớn, cô chỉ lại gần mà cầm lấy tay anh bóp bóp cho đỡ nhớ thôi:
– Vâng, em đi có một tuần mà nhớ anh ấy lắm ạ.
Thụy Kha bẽn lẽn như thú tội. Nhưng chính hành động này lại làm cho chị Liên cảm nhận rất rõ tình yêu của đôi trai gái, chị rất tôn trọng Thụy Kha, không chỉ bởi cô là một khách hàng VIP của VIP, mà chính là ở cách ăn nói, cách đối nhân xử thế của Thụy Kha với tất cả mọi người, từ bác sĩ, điều dưỡng, y tá đến cả những lao công, bảo vệ ở bệnh viện cô đều hết sức chừng mực, tôn trọng. Không có thái độ kênh kiệu, cao sang quyền quý, cậy mình có tiền mà coi thường người khác.
Một lần nữa điều dưỡng Liên nghiệm ra một kết luận mà cô đã đọc ở đâu đó. Giàu có 2 loại, giàu có chỉ là giàu từ thắt lưng trở lên, giàu sang là giàu từ gót chân lên tới tận đỉnh đầu. Ở trong cái bệnh viện này, đa số đều là người có tiền đến khám và điều trị, nhưng để giàu mà sang như Thụy Kha thì thực sự không phải là nhiều.
– Em có mời được giáo sư bên Mỹ về không?
– Có ạ, giáo sư đang nói chuyện với bác sĩ Thông.
– Tốt rồi, chị hy vọng Thìn sẽ sớm tỉnh lại.
– Vâng, em cảm ơn ạ.
Khoảng gần 1 giờ đồng hồ sau thì giáo sư Robert cùng với bác sĩ Thông (cũng là một giáo sư của ngành y Việt Nam) đến thăm khám cho Thìn, sau đó anh được các y tá chuyển đi xét nghiệm, chụp chiếu chuyên khoa gì đó mãi đến trưa các điều dưỡng mới đẩy cáng về phòng.
Lúc chỉ có hai người với nhau, Thụy Kha lại làm công việc quen thuộc của mình.
– Em đi một tuần anh có nhớ em không? Chắc là chẳng nhớ gì đâu nhỉ. Em thì nhớ anh lắm. Về Mỹ một tuần mà em chỉ gặp bố mẹ được chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, chủ yếu em ở NewYork. Cũng may em đã mời được giáo sư về đây. Em tin tưởng rằng anh sẽ sớm tỉnh lại mà nói chuyện với em thôi.
…
– Em nhớ giọng nói của anh lắm, em nhớ tiếng đàn của anh, em nhớ giọng hát của anh, em nhớ mùi vị những món ăn của anh nấu. Em thèm được ngủ ở bên cạnh ghế lái trên oto, chỉ có anh lái xe em mới yên tâm mà ngủ được. Anh tỉnh lại đi, chúng mình sẽ lại cùng nhau lên Hà Giang một lần nữa, anh Hòa báo là còn mấy điểm trường ở sát vùng biên cần chúng ta hỗ trợ xây dựng trường mới.
…
– Mai Ngọc chăm sóc anh có tốt không? Em ngày nào cũng điện về để hỏi thăm tình hình của anh, để nhìn thấy mặt anh đấy. Em tin tưởng là cô ấy sẽ chăm sóc anh tốt. Đợt sinh nhật anh, cô ấy tặng anh vé xem phim là có ý thích anh thì phải, nhưng chắc chưa đến mức yêu đâu anh nhỉ. Em không thích ai yêu anh, chỉ mình em được yêu anh thôi. Và anh cũng chỉ được yêu mình em thôi nhé.
…
– Mai em đi học đàn ghi ta lại, học được có 1 buổi lại phải đi Mỹ 1 tuần. Em muốn học đàn để đánh cho anh nghe, biết đâu vì anh thích tiếng đàn của em mà tỉnh lại phải không? Hihihihiii, nhưng khi anh tỉnh lại em sẽ không đi học đàn nữa, anh sẽ dạy cho em chứ? Rồi em trả lương thầy dạy đàn, trả luôn cả thầy dạy nấu ăn, huấn luyện viên GYM, huấn luyện viên bơi. Em trả bằng cả cuộc đời em.
…
Buổi chiều, giáo sư Robert và bác sĩ Thông đến thăm Thìn và mang thêm một số thiết bị chuyên khoa mới vào trong phòng. Họ gắn lên hai thái dương, giữa đỉnh đầu, giữa ngực Thìn một thiết bị điện từ gì đó mà Thụy Kha không biết là cái gì. Chỉ biết rằng khi cái máy được bật lên thì các miếng gắn đó rung rung lên rất nhẹ, rung giống miếng dán SOS mà Thìn vẫn đeo ở gốc dương vật.
Thụy Kha quan sát rồi hỏi bác sĩ Robert, hai người nói tiếng Anh nhưng tôi dịch luôn ra tiếng Việt cho tiện:
– Giáo sư, những miếng gắn vào người anh Thìn có tác dụng gì vậy?
Vị giáo sư nổi tiếng thế giới, ông có mái tóc ngắn bạc phơ, trán hói bóng loáng:
– Cái này là các thiết bị điện từ, có tác động kích thích hệ thống thần kinh đang bị tổn thương. Tôi đã trao đổi với giáo sư Thông và cả hai thống nhất sẽ áp dụng thêm phương pháp điều trị này. Tôi hy vọng là có tác dụng, tất nhiên là không thể ngay lập tức được. Điều trị bệnh nhân như Thìn đòi hỏi phải kiên nhẫn, từng bước một mới có kết quả.
Thụy Kha đã hiểu tác dụng, cô đang cân nhắc không biết có nên nói cho giáo sư biết về chuyện miếng dán SOS không, cuối cùng sau một hồi đắn đo, cô quyết định kể về miếng dán SOS, kể rất chi tiết không sai một chút nào theo hiểu biết của cô.
Thụy Kha kể xong thì giáo sư nói:
– Cô có thể cho tôi xem miếng dán ấy được không?
Thụy Kha đưa cho giáo sư xem, khi miếng dán bằng đồng xu ấy ở trên tay giáo sư thì Thụy Kha bấm vào nút SOS trên chiếc vòng tay của mình, đồng xu rung lên, cường độ rung có mạnh hơn một chút so với thiết bị mà giáo sư vừa gắn vào người Thìn.
Giáo sư giải thích:
– Cậu ta đặt vào vị trí đó là rất khoa học đấy. Vị trí đấy là nơi tập trung rất nhiều dây thần kinh, cách đặt lại luôn luôn làm cho miếng dán dính với da. Vì vậy trong bất kỳ trường hợp nào cũng ngay lập tức phát hiện tín hiệu rung.
Thụy Kha gật gù, lúc đầu cô cứ tưởng anh Thìn biến thái gắn vào chỗ nhạy cảm để thủ dâm giống như phụ nữ các cô có trứng rung, nhưng nghe giáo sư giảng giải vậy cô đã hiểu, Thụy Kha mỉm cười:
– Vâng thưa giáo sư, cháu đã hiểu rồi ạ. Thế bây giờ cháu có thể gắn vào vị trí mà trước kia anh ấy hay đặt không?
Giáo sư suy nghĩ rất nhanh rồi gật đầu:
– Được, cũng rất tốt. Tôi nghĩ đây là một trong những nghiệp vụ của cậu ấy, có thể miếng rung sẽ tác động vào những trạng thái mà khoa học gọi là “phản xạ có điều kiện”, cháu cứ thử làm xem. Có tác dụng hay không thì chưa biết nhưng chắc chắn là không có hại gì đâu.
– Vâng ạ, cháu sẽ làm như vậy.
Sau đó giáo sư Robert và bác sĩ Thông còn trao đổi thêm những vấn đề chuyên môn nữa rồi rời đi. Thụy Kha đã sắp xếp để giáo sư ở một khách sạn 5* gần bệnh viện, theo lịch thì giáo sư sẽ ở lại Việt Nam hỗ trợ điều trị cho Thìn khoảng 1 tuần rồi mới trở về Mỹ. Chắc chắn rất nhiều phương pháp điều trị tiên tiến trên thế giới sẽ được giáo sư chuyển giao và hướng dẫn.
Việc này có lẽ bác sĩ Thông là cảm kích nhất, ngoài việc điều trị cho Thìn thì đó còn là những kiến thức y khoa quan trọng để áp dụng cho những bệnh nhân sau. Chưa kể việc giáo sư Robert trực tiếp về bệnh viện hỗ trợ cũng làm cho uy tín của bệnh viện nâng lên trông thấy.
…
– Anh à, vậy là hôm nay anh ngủ được tròn một tháng rồi đấy. Anh còn nhớ không? Mọi ngày anh đều là người đi ngủ sau em và dậy trước em. Em biết là mỗi lần em tắt đèn đi ngủ, lúc đó anh mới yên tâm về phòng mình, em còn thức là anh còn thức cùng em. Lần nào cũng thế, em dậy xuống nhà là anh đã quần áo chỉnh tề ở bên dưới rồi. Nhưng lần này anh ngủ lâu ghê, đàn ông gì mà ngủ liên tục một tháng trời vậy hả anh?
– Ngày nào em cũng bấm đồng xu SOS vài lần, không biết anh có nhận ra không? Đồng xu này đã cứu em hai lần rồi, một lần bị rắn cắn ở Hà Giang, em bấm một cái và chưa đầy một phút sau anh đã ở trước mặt em. Em sẽ nhớ mãi cái hành động anh hút máu ở chân em, có lẽ em nhận ra mình thực sự yêu anh từ giây phút ấy. Rồi lần thứ 2 là lúc anh lao vào đẩy em ra và thay em lĩnh viên đạn oan nghiệt đó, giờ nghĩ lại giây phút sinh tử ấy em vẫn giật mình thon thót, vẫn run bần bật anh ạ. Miếng rung này đã cứu em 2 lần, em mong rằng cũng chính miếng rung này sẽ làm anh tỉnh lại. Em sẽ vẫn tiếp tục làm.
– Anh ơi, chuyện công ty vẫn rất tốt anh ạ. Em đang lên ý tưởng để mở một trường đào tạo vệ sĩ, ngôi trường này sẽ lấy tên anh và do chính anh đứng tên làm hiệu trưởng. Em muốn trường sẽ đào tạo ra được những vệ sĩ chuyên nghiệp, can trường, dũng cảm giống như anh, để những vệ sĩ đó sẽ tỏa đi khắp bốn phương trời bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái thiện chống lại cái ác. Nhưng riêng anh chỉ bảo vệ mình em thôi.
…
– Vậy là anh lại ngủ thêm một tháng nữa rồi. Trời đã sang tháng 3 âm, những cơn gió lạnh đã bắt đầu giảm bớt để nhường chỗ cho mùa hè sắp về. Anh như một con mèo lười, suốt ngày ngủ. Bác sĩ đã tháo băng bó ở đầu anh ra rồi, giờ anh trọc lốc, xấu òm. Em đếm có tất cả 45 mũi khâu ở trên đầu anh. Cộng với 24 mũi khâu ở lưng, vì em mà anh nhận đủ 69 mũi khâu trên người rồi đấy. Anh thiệt là bậy bạ hết sức, từ số điện thoại đến số mũi khâu đều là cái con số nhạy cảm này, nhưng em thích.
– Em tập đàn được 1 tháng rồi đấy anh ạ. Anh nhìn tay em này, giờ các ngón tay của em chai ra vì bấm gam rồi, em bắt đền anh đấy. À mà anh ơi, em không hiểu sao lúc em vào học cái lớp đàn ấy thì lớp đông phết, giờ chỉ còn mình em, hay là họ tự ti vì em đánh đàn hay quá anh nhỉ? Em nghe cũng bình thường mà. Em dự kiến khoảng 3 tháng nữa, em học hòm hòm rồi sẽ mang đàn về đây đánh cho anh nghe. Rồi em sẽ tự hát những bài hát mà em thích nữa. Anh nghe không hay là phải tỉnh dậy góp ý cho em luôn đấy.
– Bố mẹ anh và anh Dần chị Hợi hôm nay về rồi. Họ thương anh lắm, muốn ở đây với anh lâu nhưng còn công việc ở nhà, em nghe mẹ nói là sắp bắt đầu vào vụ muối rồi, anh Dần cũng phải đi biển. Em thương mọi người vất vả nhưng không biết làm thế nào anh ạ. Có lẽ đến khi nào em chính thức làm vợ anh. Hi hi hi hi, thì lúc đó em giúp mọi người mới nhận. Mẹ đưa cho em 20 triệu mà em khóc anh ạ, em nói là không cần vì em có đủ điều kiện để chăm sóc anh tốt, nhưng mẹ cứ dúi vào em, bắt em phải nhận. Mẹ nói là của bố mẹ, các anh chị và bà con cô bác họ hàng góp vào hỗ trợ em chăm anh. Mẹ về rồi em mới dám mở bọc tiền ra. Tiền 5.000 có, tiền 10.000 có, tiền 50.000 có, có cả đồng 100.000,200.000 và 500.000 nghìn nữa. Em thương mọi người lắm vì có đồng tiền em ngửi thấy mùi cá, có đồng tiền em sờ vào còn thấy những hạt muối li ti bám vào, có đồng tiền em thấy còn nhàu nát không biết là do nước hay do mồ hôi nữa. Hix, hix. Anh sớm mà tỉnh lại đi nhé, em thì không sao nhưng người thân của anh thì họ vất vả và lo lắng cho anh lắm đấy.
– À, có chuyện này em kể cho anh. Dạo gần đây em thấy Mai Ngọc có điều gì khang khác thì phải. Công việc trên công ty thì vẫn làm rất tốt, nhưng mỗi lần gặp em cô ấy có điều gì đó như kiểu tránh mặt, sợ sệt gì đó mà em chưa lý giải nổi, trước giờ không có chuyện đó. Em vẫn coi Mai Ngọc như em gái mình mà chỉ dạy cô ấy, rồi còn giao việc điều hành công ty cho cô ấy. Em linh tính có chuyện gì đó mà hiện giờ chưa biết là chuyện gì anh ạ. Để mai mốt em hỏi cho ra lẽ mới được. Còn Ánh Tuyết thì hình như sắp làm đám cưới rồi thì phải, chắc là lấy cái cậu gì tên là Quang, chắc anh không biết mặt, em cũng mới biết vì hồi Tết cậu ấy ở đây hỗ trợ em chăm anh. Nhìn hai đứa mà em thấy buồn cười, hai người đó như là tương phản nhau. Nhưng nghĩ kỹ lại chúng nó lấy nhau có lẽ là hợp vì là sự bổ xung bù trừ cho nhau, cái thiếu của người này được người kia khỏa lấp. Thôi kể cũng mừng. Anh mau tỉnh dậy đi, em cũng muốn làm đám cưới giống tụi nó. Hihihihihi.
…
– Tháng 4 mùa hoa loa kèn rồi đấy anh biết không? Đây là loại hoa mà em thích nhất, em đi ngoài đường thấy người ta bán rất nhiều nhưng không dám mua về đây vì bác sĩ không cho phép. Đã hơn ba tháng rồi mà sao anh chưa ngủ dậy vậy, hoặc ít ra anh cũng cho em biết dấu hiệu gì đó là anh sắp tỉnh đi, cho em một chút niềm tin nào đó là anh sẽ tỉnh đi anh. Em nhớ anh lắm, anh ở ngay đây nhưng em vẫn nhớ anh, nhớ giọng nói của anh, nhớ ánh mắt của anh. Và em nhớ cả nụ hôn mà anh đã trao cho em nữa, hôm đó chỉ là đóng kịch thôi nhưng em tin chắc rằng mình không diễn phải không anh. Lúc đó em hôn anh một cách thực sự, em cũng cảm nhận thấy sự ngọt ngào ở đôi môi của anh. Anh không diễn đâu đúng không?
– Bác sĩ nói anh vẫn không có tiến triển gì mới, em buồn lắm anh ơi. Nhưng em vẫn không giảm niềm tin đâu anh yên tâm. Dù có phải sống với anh như thế này 1 năm, 10 năm hay thậm chí cả đời, Thụy Kha này cũng sẽ không bao giờ rời xa anh. Em biết, em là một cô gái cá tính, em khó yêu lắm, đến 30 tuổi người ta chồng con đề huề rồi còn em chưa từng yêu ai. Nhưng một khi em đã yêu là sẽ cuồng nhiệt với tình yêu của mình, em sẵn sàng chống lại cả thế giới để bảo vệ tình yêu đó. Để được yêu. Chính anh đã dạy em thế nào là Tự Do và em đã biết thế nào là Hạnh Phúc. Tự do là được làm những gì mình thích, còn hạnh phúc là thích những gì mình làm. Và em đang có cả Tự do và Hạnh phúc, cảm ơn anh!
– À, để em mang đàn ra đánh thử cho anh nghe nhé, nhưng em nói trước, em đánh không hay đâu, mới học mà.
“Tửng tửng… toong toong toong… teeng teeng teeng tèng… tục tục tục túc túc… ngoech ngoech ngoech… ooc ooc ooc oocc ooc…”