Phần 2
Tôi vặn người cho đỡ mỏi, save lại cái bản vẽ ở cái máy tính xách tay, đứng dậy đi đến cái tủ lạnh mà cô Hằng mẹ nó sắm khi nó thuê trọ cùng tôi, lấy một chai beer. Tôi đã không thể liên hệ được với cô Hằng từ sau buổi tối thằng Thuận làm loạn đó, chẳng hiểu cô giờ như thế nào?
Mở cửa đứng ra ngoài đón hơi lạnh mùa xuân sau Tết có chút ẩm ướt, tôi khoan khoái nhấp một ngụm bia lắc đầu để gạt bỏ những suy nghĩ vẩn vơ trong đầu. Trời mùa xuân nửa đêm tối đen như mực, lác đác có hạt mưa bụi rơi xuống lành lạnh, các nhà xung quanh đã cửa đóng then cài, những tiếng động đã dừng lại hẳn để nhường chỗ cho giấc ngủ yên bình.
Tai tôi đột nhiên vểnh lên lắng nghe, trong tiếng gió vẳng lên tiếng ọ ọe vọng lại từ ngoài đường. Tôi tò mò nhìn lên nhìn xuống trong ngõ, hoàn toàn yên tĩnh. Và sau đó không cưỡng lại được sự tò mò, tôi đi hẳn ra ngoài cổng ngó ngang dọc cái ngõ để xác định nghi hoặc của mình. Không có gì, đang định quay vào nhà, tiếng ọ ọe rõ hơn vang lên ngay bên cạnh. Cuối cùng tôi xác định được nơi tiếng ọ ọe phát ra, một cái bọc được che bởi tấm nilon để ngay trên đống gạch xếp cao mà bác Kiên định chuẩn bị xây lại đoạn tường bị đổ do nước mưa xối vào.
Đi đến đống gạch, tôi thận trọng mở tấm nilon lên, phía dưới là một cái giỏ giống cái giỏ đựng hoa quả, không chính xác là một nôi trẻ em có tay xách. Một cô bé con còn rất nhỏ được bọc ấm trong cái chăm chỉ hở cái mặt xinh xắn đang mở mắt tò mò nhìn tôi, rồi bỗng nhiên nhoẻn miệng cười và giãy lên ọ ọe. Tôi sửng sốt, sau đó lấy tờ giấy được gập lại để ngay đầu cô bé.
“Cháu tên là Minh Hạnh, sinh ngày xxxx. Xin các anh, các chị, các cô, các bác cứu giúp, rủ lòng thương nhận nuôi cháu khôn lớn. Mẹ xin lỗi con và hãy tha thứ cho người mẹ tội lỗi này. Hy vọng con sẽ gặp được người bố, người mẹ tốt hơn nuôi con khôn lớn”
Đó là nội dung tờ giấy, tôi có chút khó nghĩ, xung quanh mọi người đang ngủ yên, cô chú Kiên lại đang vào miền Nam thăm cháu. Thở dài một tiếng, phân vân chưa biết làm thế nào, cô bé vẫn nhìn tôi nhoẻn miệng cười. Nghĩ một lúc, tôi cũng ra quyết định.
– Chú đang là sinh viên nên không thể giúp cháu được. Chú sẽ đưa cháu ra chỗ các chú công an để các chú giúp tìm mẹ cháu nhé.
Con bé có lẽ không hiểu câu tôi nói, nhưng nghe được tiếng tôi lại càng cười tươi hơn, tiếng ọ ọe phát ra như mừng rỡ, hay cánh tay được cuộn trong cái chăn động đậy không ngừng. Tôi cầm cái giỏ lên, cầm cả cái túi màu xanh bên cạnh, lấy tấm áo mưa phủ lên cái giỏ để gió khỏi lùa vào, đi ra đầu ngõ đi thẳng đến đồn công an phường gần đó.
Đồn công an chỉ có một đồng chí công an trẻ măng đang trực, tôi đặt hết mọi thứ lên bàn và kể cho anh ta nghe về tình hình. Anh ta gật đầu, hỏi thêm một số chi tiết, sau đó đưa cho tôi tờ tường trình mà anh ta đã viết theo lời kể của tôi để tôi ký tên.
Cô bé không có thông tin gì ngoài tên và ngày sinh mà mẹ cô bé đã viết trên tờ giấy, trong cái túi xanh chỉ có một hộp sữa sơ sinh, hai cái bình sữa thủy tinh, một hộp tã, mấy bộ quần áo sơ sinh và một phong bì có mấy triệu ở trong đó. Cô bé không cười, chỉ ngơ ngác nhìn chúng tôi đang nói chuyện.
– Cháu ở đây với chú công an nhé. Chú ấy sẽ giúp cháu.
Tôi cúi xuống nói với con bé, không kìm được sự thương xót, con bé xinh thế này mà mẹ nó nỡ vứt bỏ, hy vọng sẽ có người hảo tâm sẽ thu nhận, yêu thương và nuôi nấng cho con bé.
Bắt tay người công an, tôi quay người đi ra cửa, nhưng bước chân chợt khựng lại vì tiếng khóc ré lên của cô bé. Tôi cố bước tiếp, tiếng khóc càng ré to hơn. Tôi đành quay lại nhìn anh công an đang cười khổ nhìn tôi, cô bé mắt không rời khỏi tôi, giọt nước mắt ứa ra trên mắt, cái miệng xinh xinh mếu máo nhưng ngừng khóc khi tôi đến gần.
– Cháu ngoan nhé. Ở đây với chú công an, các chú sẽ tìm mẹ cho cháu.
Tôi nựng nịu con bé, con bé lại nhoẻn miệng cười. Tôi lại đứng dậy bước đi, mới được mấy bước thì con bé lại khóc ré lên và lại ngừng khóc khi tôi đến gần. Cứ như thế mấy lần, tôi không thể rời đi được.
– Hay là anh cứ tạm giữ cháu bé mấy ngày, trong khi chúng tôi tìm người nhận nuôi cháu.
– Mình đang là sinh viên, cũng chẳng thể chăm sóc được con bé, mà cũng chẳng có chút kinh nghiệm nào.
– Nhưng bây giờ cũng chẳng có cách nào, con bé nó cứ khóc như thế này cũng khổ thân.
Con bé vẫn mở to đôi mắt nhìn tôi, như van xin, như hy vọng, làm tôi không nỡ.
– Thôi được rồi, mình sẽ cố thử xem.
– Vâng, cảm ơn anh. Chúng tôi cũng sẽ không để anh chăm cháu bé một mình, mai tôi sẽ hỏi mấy bác hàng xóm để hỗ trợ.
Tôi lại cầm các thứ lên tay, che tấm áo mưa cho con bé và đi về nhà.
– Chú chẳng biết chăm bé như thế nào nữa. Nằm ngoan đây nhé, để chú phải lên mạng tìm hiểu đã.
Khá nhiều thông tin tôi tìm được trên mạng, tôi có thể đọc hiểu, nhưng đúng là làm mới khó. Đầu tiên tôi cởi cái chăn để tay con bé được tự do, bàn tay xinh xinh khua loạn lên sung sướng, kèm theo nụ cười tươi rói trên mặt.
– Để chú kiểm tra tã lót cho cháu nhé. Ừ vẫn khô ráo. Bây giờ phải uống sữa, rồi đi ngủ nhé. Muộn lắm rồi. Ài… mai chú phải làm sao đây? Sáng mai chú có tiết học đấy.
Tôi vừa làm vừa nói chuyện với con bé, cắm một ấm nước, sau đó tráng lại bình sữa bằng nước nóng, đổ chút nước nguội vào bình sau đó chêm thêm nước sôi để đạt nhiệt độ như hướng dẫn trên mạng, mở hộp sữa đong đúng tỉ lệ sau đó lắc đều.
– Chú pha sữa rồi này, chắc sẽ vừa miệng vì chú làm đúng hướng dẫn mà. Cháu ăn ngon nhé.
Con bé hau háu nhìn bình sữa trong tay tôi, há miệng khi tôi đưa cái núm vào gần miệng, sau đó con bé chùn chụt bú ngon lành.
– Chú nói mà, rất ngon đúng không? Chú giỏi đấy chứ nhỉ?
Vừa cầm bình sữa, tôi vừa nựng nịu con bé, con bé cũng rất nhanh bú hết bình sữa.
– No bụng rồi, thì phải đi ngủ để mau lớn nhé. Lúc nào đói lại gọi chú nhé.
Lấy cái khăn ướt mà mẹ cô bé cũng chuẩn bị trong túi, tôi lau sạch những giọt sữa nhểu ra khi cô bé bú. Sau đó lấy cái chăn tấn xung quanh người cô bé, rồi tắt cài đèn trần chỉ để lại cái đèn ở bàn học. Học đúng trong hướng dẫn, tôi vỗ nhẹ vào người cô bé qua tấm chăn để ru cô bé ngủ. Hàng mi cô bé từ từ khép lại, sau đó yên tĩnh ngủ.
Con thật xinh và kháu khỉnh, và ngoan nữa, ngồi nhìn con bé ngủ an lành tôi nghĩ.
Sáng hôm sau mới bảy giờ sáng tôi còn đang ngủ ngon lành thì có tiếng gọi cửa là tôi choàng tỉnh giấc, lúc này mới nhớ tới con bé đang nằm ngủ trên giường của tôi. Rời giường của thằng Thuận, tôi đi đến giường của mình, con bé đã dậy mắt mở to nhìn tôi rồi lại nhoẻn một nụ cười.
– Chào cháu bé. Hôm qua ngủ ngon không?
Nựng nựng cái má bầu bĩnh của con bé, tôi hỏi. Tiếng đập cửa lại vang lên, kèm theo tiếng của đồng chí công an. Tôi đi ra mở cửa, đồng chí công an đang đứng trước cửa phòng tôi, bên cạnh là bác tổ trưởng tổ dân phố.
– Chào anh! Cháu bé có ngoan không?
– Chào anh! Chào bác! Cháu ngoan, đêm qua uống một bình sữa, rồi ngủ đến bây giờ.
Bác tổ trưởng nhoẻn một nụ cười nhìn tôi rồi phăm phăm đi vào nhà, đến chỗ con bé. Tôi cũng đi theo.
Con bé ngỡ ngàng mở to mắt nhìn bác tổ trưởng, sau đó lại khóc ré lên khi bác đưa tay ra bế nó lên, làm bác phải đặt trở lại giường.
– Hôm qua cũng thế, có vẻ cô bé chỉ chịu cậu Hải bế thôi.
Tôi đi đến bế con bé lên, cô bé không khóc mà còn nhoẻn miệng cười.
– Cậu nhận nuôi con bé luôn đi còn gì, nó đã chịu rồi này. Khổ thân con bé, xinh xắn kháu khỉnh thế này mà có người mẹ đang tâm vứt bỏ.
Bác làm một hơi không ngừng.
– Cậu đừng bế như thế, một tay ôm lấy dưới mông đỡ lấy lưng, tay kia đỡ lấy đầu con bé. Mới có mấy tháng, người con bé vẫn mềm lắm.
Vừa nói bác vừa chỉnh tay tôi, sau đó là một bài giảng không ngừng về cách chăm sóc trẻ con, cách tắm, cách cho bú sữa.
– Cậu làm vậy không được. Khi con bé bú xong, phải bế nó lên vai, sau đó vỗ nhẹ vào lưng… đúng như thế… để hơi nó thoát ra, nó mới không bị trớ sữa. Cậu đưa bình sữa đây, để bác pha cho, sau đó cho con bé uống.
Tôi chỉ cho bác chỗ để bình sữa, sau đó lại một tràng.
– Bình sữa uống xong phải rửa ngay, sau đó tráng nước nóng để khô bình, cả núm vú cũng phải rửa sạch ngay, không dùng nước nóng quá làm núm vú bị hỏng, chất độc nó ra sẽ có hại cho bé.
Tôi bế con bé ngẩn người nghe bác luôn mồm nói, đồng chí công an cũng đứng nhìn cười.
Cứ như vậy, suốt tuần đó tôi phải nghỉ học, do con bé không chịu ai bế, bác tổ trưởng hàng ngày vẫn đến mấy lần để kiểm tra và làm mẫu cho tôi chăm sóc con bé. Mấy ngày sau con bé mới quen bác và chịu cho bác bế, tôi mới đi học trở lại. Cũng may các tín chỉ cơ bản của tôi cũng đã hoàn thành sớm, vì tôi muốn dồn thời gian để nhận vẽ bản vẽ thiết kế từ chỗ anh Tùng. Khoảng một năm lại đây, tôi không nhận vẽ các bài tập cho các anh lớp trên nữa, mà nhận việc từ chỗ anh Tùng đang làm cho một viện thiết kế kiến trực. Thời gian này, một tuần tôi chỉ cần lên lớp có ba buổi.
Thời gian trôi qua, tôi lại càng quyến luyến con bé, phải nói con bé rất ngoan, gần như không khóc bao giờ, chỉ khi có người lạ đòi bế nó mới khóc tỏ vẻ không đồng ý. Ngoài tôi, chỉ có bác tổ trưởng là có thể bế được con bé. Có thể nói, nuôi con bé rất nhàn, lại thêm có bác tổ trưởng hỗ trợ nên con bé ngày một phổng phao, biểu đồ tăng trưởng của con bé mà bác tổ trưởng dán trên tường lúc nào cũng nằm ở khoảng xanh.
Hai tháng trôi qua mà công an phường chưa tìm được ai nhận nuôi, trong khi bác tổ trưởng lại cứ cổ vũ tôi nhận nuôi con bé và hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ tôi chăm sóc. Thêm nữa con bé cũng quyến luyến tôi, tiếng cười của con bé đã phát ra âm thanh thanh thúy mỗi khi nhìn thấy tôi, hai cánh tay xinh xắn biết vươn ra đòi tôi bế. Tôi đồng ý. Thế là giấy tờ nhận con nuôi được bác tổ trưởng và công an phường cam đoan đã được đứng tên tôi.
Căn phòng trợ của tôi biến thành nhà trẻ đúng nghĩa, cái giường của thằng Thuận tôi đem đóng các tấm chắn thành cái cũi để con bé thoải mái lật, mà không sợ lọt ra ngoài, trong nhà đầy đồ chơi do các cô bác hàng xóm mang cho, quần áo của con bé tôi cũng không cần phải mua toàn các cô các bác mang cho. Con bé cũng thân thiện hơn, nó chịu chơi với người khác nhưng vẫn không chịu cho ai bế.
Từ tháng thứ sáu khi bắt đầu ăn bột, thì một loạt các vấn đề phát sinh, chủ yếu do vấn đề đường ruột, cũng một phần tôi không có kinh nghiệm nên chủ quan, con bé liên tục bị táo bón, gây lên những trận sốt, cũng đúng thời gian tôi phải hoàn thành các môn thi học kỳ để chuẩn bị cho đợt thực tập năm sau và đồ án tốt nghiệp.
Thời gian đó, tôi gầy rộc đi vì những đêm thức canh con bé, lòng thắt lại mỗi khi con bé nhăn nhúm mặt ọ ọe vì khó chịu, vì bị sốt. Thời gian con bé nằm viện còn nhiều hơn ở nhà, do bị sốt liên tục, con bé cũng gầy sọp đi vì không ăn được, vì bị những cơn sốt hành hạ. Số tiền mà mẹ con bé để lại tôi vẫn không dùng đến cũng tiêu hết sạch, tôi còn phải tạm ứng trước từ chỗ anh Tùng, cũng may sau đó công an phường và bác tổ trưởng xin được giấy miễn trừ gia cảnh, tôi mới đỡ áp lực hơn một chút.
Cuối cùng sau hơn một tháng trời điều trị, con bé cũng đỡ dần và tôi cũng vừa thi xong cuối học kỳ. Tôi cũng trở ông bố đầy kinh nghiệm, chỉ cần nhìn phân của con bé có thể đoán ra được thức ăn con bé ăn có phù hợp hay không, ngày ăn bao nhiêu gram thức ăn gì cũng được tôi thống kê đầy đủ. Hè tôi quyết định không về nhà, mà dồn sức để chăm con bé phát triển trở lại, mẹ tôi biết chuyện cũng lên hỗ trợ tôi mấy tuần, sau đó liên tục gửi đồ hải sản lên cho hai bố con tôi. Con bé cũng không phụ kỳ vọng của tôi, phát triển rất nhanh còn có xu hướng vượt qua tiêu chuẩn cho phép, đến khi bác sĩ phải cảnh báo tôi mới lại điều chỉnh lại.
Con bé đã biết ngồi, đã bắt đầu có thể bám vào thành giường để run run đứng lên, mái tóc con bé cũng đã dài ra đủ để buộc hai cái sừng xinh xắn trên đầu. Tiếng cười cũng đã biết biểu lộ trạng thái tình cảm, cái đầu lắc lắc nếu không đồng ý, gật gật khi hài lòng. Con bé giờ không chịu ngồi xe đẩy mà bác tổ trưởng cho khi trước, nó chỉ thích tôi bế mỗi khi ra khỏi nhà, mà mỗi lần tôi ra khỏi nhà là con bé đòi theo. Tôi mua một cái địu đeo vào người để thuận tiện cho mang con bé đi khắp nơi.
Chiếc xe máy cà tàng của tôi lắp thêm một cái thùng to đùng đằng sau, trong đó có đủ thứ từ bình giữ nhiệt, mình sữa, bột ăn liền, hoa quả cắt sẵn đựng trong hộp, cả một cái bếp gas du lịch để cần thiết sẽ nấu cho con bé ăn, một chiếc giường sếp lại nhỏ cũng buộc sẵn trên xe để con bé có thể ngủ bất cứ lúc nào khi ra khỏi nhà.
Công việc của tôi cũng nhiều dần lên theo đà thăng tiến của anh Tùng, không chỉ đơn giản là vẽ theo thiết kế có sẵn mà tôi còn nhận cả thiết kế chi tiết. Thu nhập của hai bố con cũng dần thoải mái và thời gian hai bố con ở bên nhau cũng nhiều lên. Nếu tôi làm việc ở nhà, con bé sẽ nhẫn nha ngồi chơi bên cạnh, nếu tôi đi ra ngoài con bé sẽ ngồi trong địu. Cảnh con bé đi cùng tôi cũng dần dần trở thành điều bình thường, có hôm tôi ngồi họp với đội của anh Tùng, con bé sẽ yên lặng ngồi trên cái ghế nhựa con dành riêng cho con bé yên lặng chơi đồ chơi, hoặc tò mò nhìn khắp mọi người, có khi nằm ở cái ghế gấp ngủ ngon lành.
Cuộc sống của tôi trở nên tĩnh lặng hơn, ngoài công việc và con bé, tôi không có mối quan hệ nào khác. Cô Hằng vẫn chưa liên lạc được, tôi cũng không có thời gian đi tìm thằng Thuận, tôi cũng muốn ngồi nói chuyện thẳng thắn với nó.
Sang năm học mới, tôi coi như làm việc bán thời gian tại chỗ anh Tùng và coi như thực tập tốt nghiệp luôn. Đề tài tốt nghiệp cũng đã chọn sẵn là công trình nhà văn hóa mà tôi đang thiết kế cho anh Tùng. Con bé cũng bắt đầu tập nói, tiếng gọi “bố” mà không phải “ba ba” đầu tiên nó gọi, làm tôi trào nước mắt ôm con bé vào lòng để nó tiếp tục một tràng “Bố… bố… bố” mỗi lúc một tròn và ngọt ngào. Con bé cũng tự bám vào thành giường để đứng dậy và lần đi men theo thành giường, sau đó lẫm chẫm mấy bước xiêu vẹo và cười như nắc nẻ khi lao vào vòng tay tôi.
Con bé tròn một tuổi trước Tết một tháng, tôi mời tất cả các cô bác hàng xóm và mấy cậu sinh viên cùng nhà trọ đến để làm một bữa liên hoan nhỏ, con bé cười khanh khách suốt buổi tối khi nhận một đống quà mừng tuổi, sau đó phùng mồm phì phì vào ngọn nến và lại cười khanh khách khi tôi thổi giúp.
Tết năm đó, lần đầu tiên bố con tôi về quê, thường tôi chỉ có cái ba lô, lần này là cả một vali to đùng toàn đồ của con bé. Con em gái tôi đang học lớp mười hai, đã lớn vổng thành một thiếu nữ duyên dáng, nó học cũng không tốt lắm và lại đang có quan hệ yêu đương với một anh chàng cùng xã đang chờ nó học xong để cưới. Thôi cũng được vì ít nhất bố mẹ tôi còn có người ở bên cạnh, chị gái tôi dù lấy chồng cùng huyện nhưng cách nhà tôi khá xa. Mẹ tôi dạo này sức khỏe cũng kém không đi biển cùng bố tôi được nữa, mẹ tôi ở nhà mua bán cá, tôm ở những tàu đánh cá và bán quanh vùng, mua cá nhỏ để ủ nước mắm lấy cốt bán cho các xưởng nước mắm lớn. Bố tôi vẫn khỏe mạnh vẫn theo tàu đi biển đều đều, tôi giống với bố tôi, đều cao to lực lưỡng. Nhà tôi cũng chỉ thuộc diện đủ ăn, dù bố mẹ tôi rất chịu thương chịu khó, bố tôi vẫn hay nói người tốt khó giàu.
Khi hai bố con về đến nhà, con em tôi quấn ngay lấy con bé mang nó đi ra phố chợ mua quà. Con bé cũng không phản đối, do sự quấn quýt thân thiện của con em gái tôi và ánh mắt khuyến khích của tôi.
Cất đồ vào phòng, tôi ra ngoài chỗ vòi nước để cùng mẹ mổ mớ cá tôm chuẩn bị cho bữa tối.
– Hay con để con bé ở nhà mẹ nuôi cho, chứ con vừa học vừa chăm con bé cũng vất vả, với lại đàn ông con trai chăm con bé cũng có nhiều bất tiện.
– Con bé ngoan lắm, chăm cũng không vất vả gì. Với lại sức khỏe của mẹ cũng ngày một kém, thêm con bé sẽ không kham nổi đâu. Con cũng không phải đến trường nữa, đang làm đồ án tốt nghiệp rồi, thu nhập kiếm thêm cũng thoải mái cho hai bố con.
– Ừ, trộm vía con bé ngoan thật, chắc nó cũng biết thương con. Chẳng biết con mẹ nó sao lại nhẫn tâm bỏ đi con bé xinh xắn đáng yêu như vậy. May mà nó còn gặp con.
– Vâng, có con bé con cũng vui. Từ khi có con bé, lại đâm ra điềm tĩnh hơn. Công việc cũng thuận lợi hơn.
– Mình ăn ở có nhân có đức, ông trời sẽ thương con ạ.
Có lẽ vậy, nhưng tôi lại cứ nghĩ con bé là quà tặng ông trời ban cho tôi.