Phần 22
Sau buổi học, tôi muốn đi theo xin lỗi Vân Nhu, nhưng nàng không trả lời. Tôi cứ như bong bóng xà phòng nổ tung biến mất trong mắt Vân Nhu, không còn tồn tại trên đời.
Chỉ nhìn qua cũng hiểu đã xảy ra chuyện gì. Thanh Thuỷ và Quyền mập cũng ái ngại chạy xe theo xa xa phía sau hai đứa tôi. Cho đến lúc tôi chán nản bỏ cuộc, hãm xe lại, hai đứa mới trờ đến bên cạnh. Ba đứa nhìn theo bóng dáng Vân Nhu đạp xe xa dần…
– Em xin lỗi… Em không nên… – Thanh Thuỷ nói.
Tôi nhìn Thanh Thuỷ, trầm giọng nói:
– Không phải lỗi em. Mà chính anh mới là người có lỗi với em… Anh xin lỗi.
– Em không trách anh đâu. – Thuỷ cúi đầu lí nhí nói.
Quyền mập choàng qua vai Thanh Thuỷ, nói xen vào:
– Thôi để tao hy sinh cặp với Thuỷ cho mày đỡ áy náy nha…
Thuỷ hất hất cánh tay nặng trĩu của nó ra:
– Phì… Hy sinh cái đầu ông đó… Lo mà giảm cái bụng còn một nửa đi rồi nói.
– Thiệt hả?! – Quyền mập lắp bắp mặt đỏ lên háo hức.
Thuỷ không quan tâm đến nó, quay qua hỏi tôi:
– Hay để Thuỷ đến nhà Vân Nhu nói chuyện… Mà không được… Thuỷ không biết nhà Nhu… Cả lớp này cũng không ai biết nhà Nhu ở đâu.
Tôi hơi bần thần nhìn về hướng Vân Nhu đã mất dạng. Tôi chợt nhận ra bao nhiêu thời gian bên Vân Nhu lại không quan tâm gì đến nàng… Thậm chí buổi sáng thứ Bảy khi phát hiện nàng làm thêm ở quán cafe, sau đó tôi cũng lơ là không một lời thăm hỏi… Tôi thấy mình hành xử như một đứa con nít to xác bày đặt nói chuyện yêu đương. Tôi thấy xấu hổ với chính bản thân mình.
– Về đi…
Để lại một câu cho Thuỷ và Quyền. Tôi kéo tay ga, lao vút về hướng Vân Nhu vừa đi.
Nửa tiếng sau, tôi chán nản bỏ cuộc… Vân Nhu trên chiếc xe đạp cứ như một nàng tiên dịu dàng nhàn nhã, nhưng chỉ cần hô khẽ một tiếng là biến mất không để lại chút tăm hơi.
…
Bước vào cửa nhà cô Ngọc Nhi tôi mới nhớ ra là nơi này không có ai nấu ăn cho mình. Thế là đành ngậm ngùi ôm cái bụng đói meo lê từng bước về phòng.
– Tuấn Phong… Em ăn trưa chưa? – Chợt tiếng chị Ngọc Trâm gọi ra từ trong bếp.
Tôi hơi ái ngại, cũng trả lời:
– Em… chưa ăn.
– Ừ, xuống đây. Ăn mì với chị.
– Ok, xuống đây.
Hai tô mì gói nóng hổi bốc khói nghi ngút. Bình thường tôi không hảo món này lắm. Nhưng hôm nay lại cứ chảy nước miếng liên tục.
– Ơ… Ăn đi. Chờ cái gì?! – Chị Ngọc Trâm kéo một tô về phía mình, bắt đầu ăn.
Tôi cũng gắp lên một đũa mì, thổi phù phù cho bớt nóng, hỏi:
– Trưa cô Ngọc Nhi Nhi ít khi về nhà hả chị?!
Chị Trâm vừa dùng tay quạt quạt cái miệng nóng đỏ, vừa nói:
– À… Hôm nay chị Nhi có về đấy… Chắc về trễ chút…
Chị nhìn đồng hồ, rồi cúi đầu ăn tiếp, lại ngồm ngoàm kể cho tôi nghe.
– Thường ngày chị Nhi không về ăn trưa đâu… Bên chị Nhi dạy bên Hồng Nghĩa có chế độ rất cao nha… Giáo viên ăn trưa theo tiêu chuẩn nhà trường… không phải mấy thứ mì gói như chị em mình đâu… Chị Nhi còn nói, đôi khi không dám xuống ăn, để giảm cân bớt đó…
Tôi thầm gật đầu, dường như hôm đó tôi nhớ cô Ngọc Nhi không ăn gì buổi trưa.
– Mà sao em gọi chị Nhi là cô chứ?! Chị có dạy em đâu?
– À… Em… – Tôi giật thót mình vì sơ hở của mình, vội chữa cháy. – Em bị bệnh sợ cô giáo nha… Cứ thấy cô giáo dù không dạy em, em vẫn sợ. Ha ha…
– Thật hả?! Hi hi… Mà không sao. Mấy tháng nữa chị Nhi lấy chồng thì căn nhà này chỉ còn chị với… em. – Nói đến đây thấy có vẻ hơi mờ ám, chị Ngọc Trâm mất tự nhiên, nín bặt.
– Chị Nhi lấy chồng?! Lấy ai vậy chị?! – Tôi hỏi dồn.
– Ah… Anh rể tương lai của chị là… Thầy Tùng, giáo viên ưu tú của Hồng Nghĩa nha. – Ngọc Trâm ưỡn ngực có vẻ tự hào, chợt che tay nói nhỏ. – Anh Tùng cũng là con trai lớn của thầy Hiệu trưởng.
Tôi gật gật đầu, không hiểu sao thấy lòng buông lỏng không ít. Tôi gần như có thể khẳng định cái đám cưới kia mà Ngọc Trâm hâm mộ sẽ không xảy ra. Và nhân vật Tùng và bố anh ta có thể là lý do chính mà cô Ngọc Nhi rời khỏi Hồng Nghĩa.
Ăn xong hai tô mì, tôi kiên quyết dành rửa chén, để chị Ngọc Trâm tranh thủ thời gian lên lầu thay đồ đi học. Không chỉ là hai cái tô trên tay, trong bồn rửa chén còn mấy cái khác, tiện tay tôi rửa luôn. Lúc trước còn ở Sóc Trăng tôi vẫn thường rửa chén cho Ba mẹ. Ông bà kỹ tính, không thích có người lạ trong nhà nên không bao giờ thuê người giúp việc.
Rửa xong chồng chén bát úp lên kệ, tôi chợt nghe tiếng chị Ngọc Trâm nói chuyện điện thoại:
“Chị… không được mà. Em đã bị trường nhắc mấy lần rồi. Xấu hổ chết được.”
“Rồi… chị nhanh lên nha… Em sắp trễ học rồi…”
Tôi bước lên phòng khách, lặng lẽ nhìn bộ dáng lo lắng bồn chồn của chị Ngọc Trâm. Dường như hai người đang có chuyện gì đó khó xử… Liên kết câu chuyện cô Ngọc Nhi kể khi sáng, tôi có thể đoán được ít nhiều.
– Chị chờ chị Nhi về à?! – Tôi thử dò hỏi.
– Ừ… Em đi nghỉ đi. – Chị Trâm không quay lại, gật đầu.
– Chị… chị bị trường nhắc học phí à?! – Tôi thấy mặt mình hơi nóng lên như một kẻ nhiều chuyện.
– Em… em nghe được rồi à. – Ngọc Trâm quay lại nhìn tôi, rồi dậm chân giận dỗi. – Do chị Nhi hết… Cứ ham công việc rồi quên trước quên sau… Ngày nào chị cũng nhắc rút tiền… Lại quên. Hừ… Hôm nay không có tiền, chị không đi học nữa. Bị nhắc hoài, xấu hổ chết được.
– Chị cần bao nhiêu?! Em đưa chị, rồi đi cho kịp giờ học. – Tôi nói.
– Ah, sao được?! Mà nhiều lắm… Em không có đâu. – Chị Ngọc Trâm sững người.
– Bao nhiêu mà nhiều?! Em cũng có khá khá tiền ba mẹ gửi lên… mua máy tính. Em chưa dùng đến.
– Hai mươi bảy triệu đó… Em có không?! – Chị Ngọc Trâm nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ.
– Có. Chị đợi em chút.
Chạy vù về phòng. Hai phút sau tôi đưa cho chị Trâm, tôi nói:
– Chị cầm đi.
Chị Ngọc Trâm nhìn cọc tiền xanh trước mặt lại nhìn tôi vẻ khó tin:
– Em thật sự có… Em còn nhỏ như vậy mà Ba mẹ em cho em giữ tiền?!
– Trời… Em nói đây là tiền mua máy tính. Chẳng qua em thấy cái laptop em đang xài còn tốt nên chưa mua thôi.
Hơi mất kiên nhẫn với bà chị ngây ngô này, tôi dúi luôn cọc tiền vào tay chị, hối thúc:
– Cầm đi. Đi học lẹ, không muộn bây giờ.
– Ờ… Tối nay chị có sinh nhật bạn về trễ… Về chị nói chị Nhi trả em ngay… Cảm ơn em nhé. – Chị Ngọc Trâm cẩn thận nhét tiền vào túi.
– Được rồi… Được rồi… Em như em đóng tiền nhà dài hạn cũng được mà… Đi đi…
– Hả?! Tiền nhà 1, 5 triệu một tháng… Hai mươi bảy triệu… là… là… Một năm rưỡi…
Nghe Ngọc Trâm vừa dắt xe ra, vừa lẩm nhẩm tính toán, tôi chỉ biết cười khổ. Chị Ngọc Trâm so với chị Thuỳ Vi vừa giống mà cũng khác nhau khá nhiều. Chị Vi ngây ngô chuyện tình cảm, sống khép kín… Còn chị Vi có vẻ hoạt bát hơn nhiều, nhưng còn lại là một đứa trẻ trong thân xác người lớn ah. Chợt nhớ đến Vân Nhu, mặt tôi tối sầm nín lặng. Tôi có quyền cười người ta là con nít sao?! Khi chính tôi cũng cư xử ấu trĩ dại dột.