Phần 16
Em đứng bên đường nhìn tôi và nở một nụ cười rất tươi, mái tóc xõa xuống vai đang bay theo gió, nhìn em đẹp quá. Đợi chiếc đèn đường chuyển màu xanh, em chạy nhanh để đến bên cạnh tôi, bỗng từ đâu một chiếc xe tải chạy vụt qua, em dừng lại rồi hét lên. Chiếc xe tông vào người em… em ngã xuống, máu từ đầu em chảy ra lênh láng, đỏ cả một vùng, đôi mắt em còn nhìn về phía tôi, hằn lên một nỗi đau đớn vô cùng… tôi gào lên thảm thiết.
Mở mắt ra, xung quanh một màu trắng xóa, một giấc mơ hãi hùng… toàn thân tôi đau ê ẩm như từng khớp xương đang bị gãy ra. Phải mất một lúc sau tôi mới định hình được là mình vừa bị tai nạn giao thông, vượt đèn đỏ cắm đầu vào gầm ô tô, và hiện giờ đang ở trong bệnh viện. Hình như là gãy chân phải, không thể cử động được, đau thấu ông trời. Cái bản mặt cũng vừa đau vừa rát, tay chân cũng trầy xước một số chỗ nữa, mỗi phần cứng có vấn đề, phần mềm (là cái não đấy ạ) không có gì nghiêm trọng vì tôi còn nhớ được tất tần tật mọi chuyện xảy và cả cái quá khứ của mình cũng không có chỗ nào bị sương mù bao phủ cả.
Tôi đưa mắt nhìn quanh quất, không thấy ai ở trong phòng bệnh cả. Ai đã đưa tôi vào đây nhỉ? Bố mẹ tôi đã biết chưa? Và… người đó có đã hay chuyện chưa?
Nhìn về phía khung cửa sổ, hôm nay nắng đẹp, lâu rồi mới có cảm giác yên tình và trầm tư như vậy. Gần khung cửa sổ có cây bằng lăng tím hoa còn chưa tàn hết, nó làm tôi thấy thoải mái và dễ chịu. Cố trở mình một chút nhưng cái chân lên tiếng phản đối, tôi cố gắng chờ đợi một lúc nữa xem có ai ở đây cùng tôi không.
Lúc sau thấy mẹ đi vào, thấy tôi ngước mắt nhìn, mẹ tôi mừng rỡ chạy vào, nước mắt ngắn dài:
– Con tỉnh rồi à? Mẹ lo cho con chết đi sống lại…
– Kìa mẹ, mẹ khóc cái gì, con đã chết đâu – thấy nước mắt mẹ rơi, tôi thấy ân hận vô cùng vì những hành động mình đã gây ra, cuối cùng, gia đình vẫn là nơi yêu thương tôi nhất, cho đi và không bao giờ cần đáp lại… là nơi bình yên để tôi trở về khi tôi vấp ngã.
– Tiên sư nhà anh, ăn nói gở mồm, anh có biết mẹ lo cho anh tới mức nào không hả? Nghe tin mẹ tưởng mẹ chết rồi chứ, bố con còn không cho mẹ đi vào đây, để mẹ ở nhà mẹ càng không muốn sống nữa. May mà không sao chứ con mà mệnh hệ gì mẹ sống sao được nữa – mẹ cứ sụt sịt vuốt ve gương mặt tôi.
– Số con còn phải sống tới 100 tuổi mẹ ơi, phải lấy vợ để sinh con cho mẹ bế cháu, để phụng dưỡng bố mẹ nữa chứ, mẹ đừng có lo nữa.
– Bố anh… toàn cứ làm mẹ lo lắng, hôn mê từ hôm qua tới giờ.
Ừ mẹ nói đúng, sống đến ngần này tuổi đầu, không lúc nào là khỏi làm bố mẹ phiền lòng, lúc nào cũng gây họa, rắc rối, để bố mẹ phải là người chịu đựng hậu quả… một thằng con bất hiếu.
– À, ai đưa con vào đây hả mẹ?
– Mẹ cũng không rõ, người ta đưa con vào xong thì gọi cho bố mẹ, lúc bố mẹ tới nơi thì họ đi rồi, chỉ gửi đồ đạc lại đây thôi.
– Vậy bạn bè con, hôm qua đến giờ có ai vào đây chưa mẹ?
– Có mấy đứa bạn con có tới đây thăm rồi, mẹ biết mỗi cái Trà bạn con thôi.
– Vậy hả mẹ – tôi thất vọng, quay mặt ra ô cửa sổ nhìn bầu trời nắng đẹp bên ngoài.
Em chưa biết, vậy thôi, em cũng đừng nên biết. Cứ cho như đây là khoảng thời gian cả hai đứa cùng bình tĩnh và suy nghĩ về mọi chuyện xảy ra vậy. Tốt cho cả em và tôi. Tôi cũng muốn thử thách xem tình cảm của em và tôi sẽ đi đến đâu, và liệu tất cả có như những gì tôi đang nghĩ hay không. Biết đâu được một thời gian không được gặp em, thì tình cảm tôi cũng theo đó mà nhạt dần… và những cái cảm xúc kia chỉ là say nắng? Tôi không hi vọng đó là sự thật, vì dù sao, cũng đã đến lúc tôi nên có một lối đi cho mình rồi. Tôi muốn em sẽ là người đợi tôi ở cuối con đường đó.
– Bố con cũng vừa về để đến công ty, cả hôm qua bố lo cho con thức trắng cả đêm ở bệnh viện rồi. Con muốn ăn gì mẹ đi mua?
– Con chưa thấy đói mẹ ạ, mẹ về nhà nghỉ ngơi đi, nhìn mẹ mắt thâm quầng xấu quá, đâu có giống mẹ xinh đẹp của con hằng ngày đâu.
– Anh còn trêu mẹ được nữa hả? Có đau lắm không con?
– Ôi zời từng này có đáng là gì đâu mẹ. Mẹ cứ về nghỉ ngơi đi, mua cho con cái gì đấy là được rồi, trưa con tự ăn, có gì con gọi, chiều rồi hẵng qua. Ngày mai cho con ra viện nha mẹ? Ở đây lâu ai cũng vất vả cả.
– Không được, phải ở đây cho bác sĩ theo dõi bệnh tình… ít nhất phải một tuần nữa con mới được về nhà.
– Trời ơi ở đây chán chết đi được, rồi mẹ không sợ vất vả à?
– Có làm sao đâu, sức khỏe của con mới là quan trọng.
– Thế thì mẹ đi về mà nghỉ ngơi đi, không con trốn viện con về à nha.
– Được rồi. Vậy thì mẹ về nhà một chút, chiều mẹ qua nhé? Giờ mẹ đi mua đồ ăn cho con, có gì con gọi mẹ ngay nhé?
Tôi cứ nằm yên lặng như vậy đến chiều. Không có cảm giác muốn ăn uống, cũng không bận tâm suy nghĩ điều gì cả. Đôi lúc hình ảnh của em lởn vởn trong đầu, đôi lúc lại thấy em xa vời vợi. Nhớ em, muốn gọi cho em nhưng lại không muốn gọi, chơi vơi, chênh vênh… dù sao tâm trạng hiện giờ của tôi khá ổn định so với những ngày qua, và tôi muốn như thế này một thời gian nữa.
Đầu giờ chiều, mấy đứa bạn ghé qua chơi, những lúc một mình như vậy tự nhiên lại thèm cảm giác có người quan tâm:
– Tự nhiên sao lại chui vào gầm ô tô nằm chi vậy mày? Làm anh em lo muốn hốt luôn.
– Sao biết tao bị tai nạn mà tụi mày đến?
– Thì chừng đó tao gọi cho mày, nghe cái Trà bảo mày tới nhưng đi đâu, tính gọi mày lại chơi, gọi lần đầu không thấy bốc máy, lần hai thấy ai nghe máy bảo mày vừa bị tai nạn xong. Hốt quá tụi tao đi thẳng tới đây luôn đó – Đức vẹm nhăn nhở tôi.
– Giờ thế nào rồi? Gãy chân thì làm ăn gì nữa, mấy tháng trời mới chịu lành lại, tự nhiên mày bị ngu thế Khánh?
– Kệ bố tao, đừng có xóc xỉa kiểu vậy nữa.
– Mạnh mồm tao cầm giò tao bẻ tiếp giờ. Nhìn cái mặt mày không yêu được chút nào Khánh ạ.
– Em nó biết mày bị tai nạn chưa? – Trà hỏi,đưa cho tôi một miếng cam.
– Chắc là chưa, có ai nói đâu. Mà cũng không muốn nói, tao không muốn em nó biết. Cứ để một thời gian cho mọi chuyện bình thường trở lại cái đã. Dù sao còn nhiều cái chưa giải quyết được trong một sớm một chiều. Mày dặn thằng Giang đừng có nói với em nó đấy.
– Rồi, tao biết.
– Con bé đó có gì mà làm cho mày lụy tình vậy?
– Ờ đúng rồi đó, nó đẹp lắm hả?
– Không hẳn là nó đẹp, đúng là vì nó đẹp nên tao thích nó thật, nhưng mà vì tính cách và tâm hồn của nó nữa.
– Nói buồn nôn quá đi, cái gì mà tâm hồn. Quả này thằng Khánh nó yêu thật rồi bọn mày à.
– Chứ còn không nữa à, nhìn cái mặt lúc nào cũng lơ mơ như người mất hồn thế… yêu vào nó có khác, hôm nào kêu em nó đến thỉnh giáo xem thế nào, nghe tò mò về nó rồi đấy.
– Có khi bọn mình cũng phải đổi gió cho mới mẻ chút thôi.
Mấy đứa nó ngồi chơi với tôi một hồi lâu, cười nói, rồi trêu chọc phá nhau. May mà phòng riêng không thì bị đuổi ra khỏi viện từ đời nào luôn.
…
Bọn nó về, tôi lại nằm một mình. Toàn thân mỏi nhừ, lại đau lâm râm trong xương tủy khiến tôi thấy khó chịu, chỉ muốn đi lại ra ngoài một chút, phòng toàn mùi thuốc tây với hóa chất trị liệu, khử trùng. Kêu tôi nằm đây 1 tuần chắc tôi phát bệnh thêm nữa mất.
Cứ cái chế độ, sáng dậy ăn cháo xong uống sữa rồi uống thuốc. Nằm dài mặt ra chờ tới trưa rồi ăn cơm, uống sữa xong lại uống thuốc, chiều vẫn cứ tiếp tục lịch trình cũ. Chao ôi chưa bao giờ thấy cái cuộc đời nó hiu hắt, nó chán chường mà tẻ nhạt như thế. Thử đọc vài cuốn tiểu thuyết mà thấy lãng nhách, chán còn hơn cái trò bắt gián đập.
Trụ được đến ngày thứ 3 thì hết chịu nổi luôn. Chân tay ngứa ngáy không chịu được… đợi cho mẹ đến công ty đi làm, tôi cầm nạng chèo chống ra ngoài chút xin ít nắng gió đất Hà Thành, lâu rồi nắng không chạm tới da… nhìn thiếu sức sống quá.
Ở gần chỗ phòng bệnh của tôi đi ra một đoạn nữa thì có cái hồ nhỏ nhỏ, bệnh nhân hay ra đấy ngồi cho thoáng mát hoặc ra tập một vài động tác thể dục. Tôi cũng đua đòi chạy ra đấy. Tìm một chỗ thoáng đãng, tôi ngồi xuống và quan sát những người xung quanh. Chả biết từ bao giờ lại có thói quen thích quan sát mọi thứ đến như vậy, nhưng khi một mình, yên lặng và nhìn mọi thứ, thấy nhiều điều thú vị lắm.
Một đôi vợ chồng già đang cùng nhau đi dạo, họ bước từng bước nặng nhọc, ông chồng mặc chiếc áo bệnh nhân, bám tay vào người vợ của mình cất từng bước khó nhọc, lâu lâu ông khẽ nhăn mặt vì đau.
Một cô gái đang tựa đầu vào vai người yêu mình, họ im lặng ngồi bên nhau như thế…
Một người mẹ trẻ đang cho cố gắng cho đứa nhỏ ăn…
Điều làm tôi chú ý hơn thảy là một đứa con gái thân hình nhỏ nhắn, tóc cắt ngắn, thả mái bằng nhìn ngộ ngộ nhưng dễ thương, mặc quần áo bệnh nhân, tay nó cầm một con gấu bông nhỏ màu trắng sữa. Chắc cũng tầm 18 đôi mươi, lớn thế mà còn chơi gấu bông. Nó đang đứng cách tôi tầm 10 mét, cứ đi đi lại lại trên thành hồ, cứ được mươi bước chân nó lại quay đầu, gương mặt thì đăm chiêu. Nhìn nó tôi không nhịn được cười.
Bỗng nhiên nó ngước mặt lên đúng lúc đang đâm đầu vê phía tôi đang ngồi, nó nhìn vào cái bản mặt đang nhe răng ra của tôi đang nhìn nó cười. Nheo cái mắt lại, nó tiến về phía tôi, một tay vẫn cầm con gấu bông, một tay nó đánh độp vào người tôi nó hỏi:
– Anh cười em hả?
– Đâu có đâu – con bé này tự nhiên cứ như ruồi ấy.
– Rõ ràng nãy em thấy anh nhìn em rồi cười đấy nhé? – giọng nó lanh lảnh, lại còn cả cái điệu nheo nheo mắt nữa, nhìn nó vừa ngây thơ hồn nhiên, lại có chút gì đó trẻ con nữa.
– Chắc em nhìn nhầm rồi, nãy anh nhìn đằng kia kìa – tôi chỉ đại về phía nó vừa đứng – Có cái cây đấy, anh nhìn cái cây thôi, nhìn em làm gì?
– Ờ ờ – nó ngoái lại nhìn theo hướng tôi vừa chỉ, đoạn nó cười toe khoe hàng răng đều tít tắp như hạt bắp – Thế mà em tưởng anh nhìn em rồi cười chớ.
– Có mà em thấy anh đẹp trai rồi lân la lại làm quen ấy – con bé nói chuyện dễ thương và tự nhiên lắm.
– Ừm ừm… là em tưởng anh nhìn em cười chứ… – nó mím môi chau mày – Anh bị thương hả? Nhìn anh cũng đẹp trai đấy, nhưng mà bây giờ đang bớt đẹp rồi. Nhưng mà thôi, cho anh vậy đi.
– Cho là cho thế nào, vốn dĩ ai cũng khen anh đẹp trai đấy!
– Vậy kêu anh là anh đẹp trai ha? Thích không?
– Ờ, cũng được đấy. Em tên gì thế?
– Khánh Ngọc, tên đẹp hem?
– Đẹp, tại có cả tên anh ghép vào đấy.
– Hừm hừm… là anh đẹp trai tên Khánh hả?
– Em thông minh gần bằng anh rồi đấy.
– Nếu bằng tuổi anh, em sẽ thông minh hơn anh là cái chắc – nó cười toe, nhìn nó đáng yêu và dễ mến lắm.
– Còn lâu nhé. Lúc đấy anh lại thông minh hơn em.
– Ừa… – nó nhìn xuống cái chân của tôi nó hỏi – Bộ anh bị té hả?
– Ừ, anh té xe.
– Đau lắm hả anh? Hồi nhỏ em cũng có bị gãy tay qua một lần rồi, nhưng mà em không có khóc gì hết á. Tại em nghịch nhiều quá nên mới bị gãy tay đó. Từ hồi đó tới giờ không bị thêm lần nào nữa. Anh làm gì mà bị gãy giò thế? Thế này khỏi đi chơi luôn.
– Con gái mà nghịch thế sau này khó lấy chồng lắm đấy.
– Mẹ em cũng bảo vậy đó, nên giờ em đỡ nghịch hơn rồi. – nó lại cười, gương mặt nó biểu hiện đủ thứ cảm xúc khi nói chuyện
– Sao lớn rồi còn chơi chung với gấu bông nữa? Không sợ người ta cười cho hả?
– Bố em mua tặng em hồi sinh nhật đó. Em thích chơi gấu bông lắm. Em không nỡ rời xa nó, bạn của em đó. Có nó giống như là có bố bên cạnh vậy.
– Muốn gặp bố thì về nhà là gặp được mà, hay là bố em công tác xa nhà hả?
– Không có – mặt nó xịu xuống, nó ôm chặt con gấu bông vào lòng – Bố em đang đi xa rồi, không bao giờ về nữa đâu.
Tôi im lặng nhìn nó, không hiểu ý nó đi xa ở đây là đã mất, hay bố mẹ nó li dị nhau, hay là đi đâu đó… cảm giác cô bé giống như một tờ giấy trắng, hồn nhiên, nhí nhảnh lạ lùng. Mà cái cảm xúc của nó thì quay i chang cái chong chóng.
– Bố em… đang ở đâu thế? – tôi hỏi nó khẽ khàng, giống như tôi cảm giác chỉ cần tôi lớn tiếng, nó sẽ òa lên mà khóc ấy
– Bố ở trên thiên đường – mắt nó long lanh, tròn xoe – Bố yêu em nhất nhà, vì em là con gái cưng của bố mà.
– Anh xin lỗi, làm em buồn rồi, bố em mất lâu chưa?
– 5 năm rồi – nó cắn môi nhìn lơ đãng – Lúc đấy em buồn lắm, chỉ muốn đi theo bố thôi, nhưng sau đó nghe lời bố dặn, phải luôn sống giống như đấy là ngày cuối cùng của mình, anh biết không? Thế nên em luôn ráng sống thật tốt đó. Bây giờ em có thêm bố dượng, bố dượng cũng yêu quý em lắm.
– Bố em, làm sao lại mất?
– Bố bị bọn xấu đâm… bố em là công an đấy.
– Thôi không nói chuyện này nữa ha, nhìn em muốn giống khóc nhè quá, em bao nhiêu tuổi rồi?
– Em 17 tuổi, anh Khánh mấy tuổi?
– 17 tuổi là học lớp 11 hả? Anh hả? Anh hơn em tới 5 tuổi lận.
– Em nghỉ học cả năm nay điều trị trong bệnh viện rồi. Năm sau ra viện em đi học lại… thế là bị cúp mất một năm. Buồn ghê. Hừmmm… Vậy là anh 23 tuổi. Già quá, già quá, anh bị già lắm rồi, hết xì teen rồi.
– Hả? Cái gì? Anh vẫn còn xì teen lắm đấy. Ủa… mà em ở trong viện cả năm rồi hả?
– Vậy là anh thích cưa sừng làm nghé rồi – nó lại bắt đầu cười toe toét – Dạ đúng, gần 1 năm thôi.
– Híc híc… mà em bệnh gì mà vào đây thế?
– Em hả? Bí mật, không nói anh biết đâu. Anh đang nằm phòng nào thế?
– Chỗ kia – tôi chỉ tay về khung của sổ của phòng bệnh.
– Vậy hôm nào anh cũng sẽ ra đây chơi chứ? – nó nhìn tôi hi vọng.
– Ừ, cho tới lúc anh được về nhà. Ở trong phòng bệnh một mình mệt lắm, lại buồn nữa.
– Vậy thì từ nay em chơi cùng anh ha? Em làm bạn với anh cho anh hết buồn.
– Đồng ý hai tay.
– Đập tay yeah phát nào – nó dơ hai bàn tay lên, con bé làm tôi thấy vừa thoải mái lại vừa tức cười, tôi dơ tay lên đập bộp vào tay nó.
– Vậy là xong – nó cười híp cả mắt – Bây giờ em đi về phòng, sắp đến giờ tái khám rồi, khi nào em buồn em chạy qua đây tìm anh nhé. Em đi đây, chào anh đẹp trai nhé?
Nói rồi nó chạy biến đi rất nhanh, vừa chạy vừa nhảy, một tay cầm theo con gấu nhỏ, tay kia đong đưa theo bước chân. Tôi ngừng nhìn nó cho tới khi nó tới chỗ ngã rẽ khuất dạng. Mỉm cười với cô bé mới quen, tự nhiên lại thấy cuộc sống vui trở lại. Giá như có thể ngây ngô và hồn nhiên như thế, thì cuộc sống sẽ đỡ phải suy nghĩ nhiều hơn. Có khi không biết lại hay hơn là biết quá nhiều điều. Đời người nghĩ thì cứ tưởng là dài nhưng hóa ra lại rất ngắn. Chả biết sống chết như thế nào. Nghĩ về những lời Khánh Ngọc nói, lại thấy đúng quá, sống như mình chỉ còn một ngày cuối cùng… Ngồi ngẫm thêm chút, tôi lại khó nhọc lê lết đi vào.