Phần 56
Gia đình nhỏ của nó dạo chơi xung quanh khu vực nhà Ngọc. Nó cảm thấy không có gì hạnh phúc hơn là sự đoàn tụ gia đình. Nó sẽ quyết tâm vì Ngọc, vì bé Su và vì chính bản thân mình mà phấn đấu, không để mẹ con Ngọc phải chịu khổ nữa. Với sự giúp đỡ của Ngọc bé Su cũng dần dần quen nó, không còn thấy sợ khi nó bế nữa. Thời gian trôi đi thật nhanh, vèo cái mấy tiếng đã trôi qua, nó và Ngọc cùng bé Su lại trở về nhà Ngọc.
Khi nó và mẹ con Ngọc về nhà thì đã không thấy bác Ngọc với anh kỹ sư đâu nữa. Nó cũng xin phép gia đình Ngọc để về luôn, mất 3, 4 tiếng đi xe khách chứ có ít đâu. Lại một lần nữa cuộc chia tay bịn rịn giữa nó và Ngọc phải diễn ra dù cả hai đều không muốn.
Bước ra đường, nó đi bộ ra đầu đường để bắt xe khách, tuy hơi xa nhưng nó không muốn phiền gia đình Ngọc phải đưa nó ra. Được nửa đường nó thấy hai thanh niên choai choai tóc xanh tóc đỏ đi bộ ngược chiều lại. Nó cũng chẳng quan tâm, nhưng mọi chuyện đâu đơn giản như vậy.
– Này, thằng kia, mày nhìn đểu tao đấy à? – Một trong hai thanh niên hất hàm nói với nó.
– … (Sự im lặng từ nó). Nó bước đi thẳng và không nói gì.
– Ơ cái địt cụ mày, bố mày hỏi mày không nghe thấy à? – Thanh niên tóc đỏ hổ báo chửi nó rồi đứng chặn trước mặt không cho nó đi. Thanh niên còn lại đứng sau lưng nó.
– Tôi đâu có làm gì bạn. – Nó nhỏ nhẹ nói. Nếu là trước đây hai thằng ranh con này chắc ăn lo đòn với nó rồi, dù là đất khách quê người.
– Tao hỏi mày không trả lời, mày coi thường tao phải không, giờ khoanh tay xin lỗi đi tao tha. – Thanh niên vênh mặt nói.
– Thật sự tôi không có lỗi gì mà phải xin lỗi cả. Bạn tránh ra để tôi đi, tôi không muốn gây sự. – Nó bình tĩnh nói, với kinh nghiệm đánh nhau của nó thì hai thằng ranh này không thể ăn được nó, nhưng nó vừa đi tù về, nếu để xảy ra chuyện e rằng rắc rối không nhỏ.
– Thằng chó này. – Thanh niên tóc đỏ dơ tát vào mặt nó.
Theo phản xạ nó tránh được, nhưng bị thanh niên đứng sau lưng đạp một phát vào lưng nó, khiến nó mất thăng bằng ngã xuống đất. Sự cay cú bắt đầu trỗi dậy, nó đã nhẫn nhịn, nhưng không thể nhịn hơn được nữa. Khi hai thanh niên kia cùng xông vào đánh nó, nó đã định đánh trả thì đột nhiên có tiếng quát lớn:
– Dừng lại, hai thằng này sao chúng mày đánh con tao. – Tiếng của bố Ngọc.
Nghe tiếng quát, hai thanh niên choai choai chạy biến đi luôn, nó khi ấy đã đứng dậy, quần áo bẩn một chút.
– Con không sao chứ, xảy ra chuyện gì vậy? – Bố Ngọc hỏi nó.
– Con cũng không hiểu, tự nhiên hai thằng ấy gây sự rồi đánh con. Con không làm gì cả.
– Vậy à, ừ bố hiểu rồi, thôi lên xe bố chở ra bắt xe khách.
– Vâng. – Nó leo lên xe máy để bố Ngọc chở đi.
Trên đường đi ông hỏi nó:
– Con lúc ấy sao không đánh trả bọn kia.
– Con không muốn rắc rối ạ, nhịn được gì thì nhịn. Con giờ muốn làm ăn yên ổn còn lo cho Ngọc và bé Su.
– Biết nghĩ vậy là tốt, con đã thay đổi rồi. – Bố Ngọc gật gù, có lẽ nó đã qua được cửa ải của ông.
Ra tới chỗ xe khách là có xe đi luôn, nó cảm ơn và chào tạm biệt bố Ngọc rồi lên xe luôn. Một buổi đi thăm mẹ con Ngọc thật nhiều cảm xúc. Nó thấy mình trưởng thành hơn, biết suy nghĩ tính toán thiệt hơn chứ không để cảm xúc chỉ phối nữa.
Trở về với quê hương, nó vẫn tiếp tục ý tưởng của mình. Nó gây dựng niềm tin với những người cho vay tiền, với nó, nói là phải chuẩn, phải chính xác. Nó hẹn ngày trả, lãi suất ra sao thì nhất định nó sẽ thực hiện như vậy. Một số người bắt đầu tin tưởng nó, cho nó vay tiền nhiều hơn. Còn với những kẻ vay tiền của nó, nó không bao giờ cho vay nhiều, dù đó có là ai đi nữa.
Càng bạn bè thân thiết thì nó càng cho vay hạn chế. Tại sao ư, bởi bạn bè rất khó mở miệng ra đòi, nhiều khi đòi xong rồi mất luôn cả tình cảm. Với những người khác, nó không ngại, nếu họ trả chậm nó có thể to tiếng mà không sợ mất lòng. Những trường hợp không trả tiền hoặc không muốn trả tiền ư, tất nhiên là có chứ, và nó sẽ có cách xử lý tùy từng trường hợp, tất nhiên là sẽ phải mềm dẻo khôn khéo chứ không thể thô bạo được. Trường hợp bất khả kháng thì lại có cách xử lý riêng.
Một lần, khoảng 21,22h đêm thì thằng Hưng gọi nó:
– Alô, Văn à, giờ tao qua nhà mày, mày đi với tao có việc nhé.
– Ờ, có việc gì thế, biết còn chuẩn bị.
– Đòi nợ.
– Đòi ai, bao nhiêu, và ở đâu?
– Lát gặp tao nói.
– OK.
Nó dậy mặc quần áo vào, rồi đi bộ ra đầu ngõ, đứng hút thuốc một lát thì thằng Hưng với mấy thằng em phi xe máy tới. Thằng Hưng ngồi một mình một xe để đèo nó.
– Lên xe đi, vừa đi vừa nói. – Thằng Hưng bảo nó.
– Ờ. – Nó vừa lên xe, thằng Hưng vít ga kéo đi luôn.
– Qua nhà thằng Tuấn (đm lại là Tuấn) xóm Đông, nó vay tao quá ngày cả tháng rồi chưa trả, mấy lần đòi không được. Gọi điện thì mất liên lạc rồi, thằng tao quen gần nhà nó nói nó đang ở nhà, giờ mình phi qua luôn.
– Ờ, có gì cứ bình tĩnh nói chuyện. – Nó khuyên nhủ thằng Hưng, xóm Đông là một làng cùng xã với làng nó. Hai làng cách nhau khoảng 1 km.
– Ừ, nó biết điều thì tốt.
Vèo cái đã tới nơi, ba xe máy sáu thằng dừng lại đầu một con ngõ nhỏ. Thằng Hưng bảo bọn em út quay hết đầu xe lại chờ sẵn, có gì sẽ gọi, chỉ có nó với thằng Hưng đi bộ vào nhà thằng Tuấn. Đi khoảng 20m thì tới một cái cổng sắt, nó nhìn qua thấy bên trong là một ngôi nhà mái bằng một tầng khá cũ. Nó lên tiếng gọi cửa, vì nếu để thằng Hưng gọi thằng Tuấn sẽ nhận ra giọng ngay.
– Tuấn ơi, ra mở cửa cho bạn.
– Ai đấy. – Tiếng thanh niên, nhìn cái gật đầu của thằng Hưng là nó hiểu tiếng của thằng Tuấn rồi.
– Tao đây, mở cửa cho tao. – Nó vẫn gọi.
Quẹt… Quẹt… quẹt… Tiếng dép lê từ trong nhà đi ra, một thanh niên cao gầy xuất hiện đi ra mở cổng.
– Ông bạn là, trông quen quen, à Văn phải không? – Thằng Tuấn hỏi khi ra tới cổng.
– Tao Văn ở xóm trên đây, có bố mẹ ở nhà không tao nhờ tí việc. – Nó nói, khi ấy thằng Hưng thì nấp sau bờ tường.
– Có bà già thôi, ông già dưới đồng trông ao cá, vào nhà đi có việc gì vào trong nói. – Thằng Tuấn mở cửa ra, nó đẩy cửa bước vào, lúc này thì thằng Hưng mới xuất hiện.
– Ông bạn khỏe không? – Thằng Hưng lên tiếng.
– Hưng… đấy à? Tôi… bình thường. – Thằng Tuấn giật mình trước sự xuất hiện bất ngờ của thằng Hưng.
– Bạn tới chơi muộn thế con, bảo bạn vào nhà nói chuyện. – Tiếng mẹ thằng Tuấn từ hiên nhà nói ra.
– Mấy anh em ra ngoài nói chuyện cho tiện đi. – Thằng Tuấn lo lắng lôi nó và thằng Hưng ra ngoài. Nó với thằng Hưng đi cùng thằng Tuấn ra cách cổng nhà vài mét, khi ấy nhìn thấy luôn cả đám em út đứng đầu ngõ. Thằng Hưng ra hiệu cho bọn nó đứng im ở đấy.
– Gọi ông bạn không được, gặp thì khó quá. – Thằng Hưng nói.
– Đâu, tôi bán điện thoại rồi, vừa rồi đi xa có việc không ở nhà.
– Thôi không dài dòng, tóm lại ông định tính thế nào về khoản nợ, quá hạn cả tháng rồi. – Thằng Hưng nói.
– Ông thông cảm, tôi đợt này bí quá, cho tôi khất một thời gian.
– Không nói nhiều, giờ tôi vào nhà nói chuyện với bà già ông, để cho bà trả nợ. – Thằng Hưng nói.
– Ấy ấy đừng nói với bà già, rồi lại đến tai ông già phiền lắm. – Thằng Tuấn sợ sệt nói.
– Thế tóm lại là có trả hay không? – Thằng Hưng hỏi.
– Cho tôi thêm vài hôm, rồi tôi thu xếp trả.
– Vài hôm con cặc, cả tháng rồi chứ ít à. Hôm nay không trả được thì để ông bà già trả thay. – Thằng Hưng gắt.
– Thôi được rồi, toàn chỗ quen biết cả, thế này đi. Mày hôm nay trả trước cho nó ít tiền lãi, cho thêm một tuần nữa để mày trả hết cho nó, sau một tuần không có thì bọn tao sẽ không nể nang gì nữa đâu. – Nó xoa dịu tình hình.
– Để tôi vào nhà hỏi xin bà già xem thế nào. – Thằng Tuấn gật lấy gật để rồi nói.
– Nhanh đi, muộn rồi. – Thằng Hưng giục.
Thằng Tuấn vào trong nhà một lúc thì quay ra cầm ít tiền lãi đưa cho thằng Hưng, hai thằng viết giấy tờ xong thì ra về. Trên đường về nó nói với thằng Hưng:
– Thằng này nhát gan, nhà nó cũng không phải là nghèo, sớm muộn gì nó cũng trả mày thôi mà.
– Ừ, hôm nay nó thấy anh em mình, nó cũng sợ bỏ mẹ rồi, không trả tao gặp ông bà già nó đòi.
– Nhiều khi không nên ép người quá, nó bị ép sẽ sinh chuyện. Mình cho nó con đường rút lui nó mới có cơ hội trả mình tiền, mày ép quá gặp những thằng nó làm liều, thì cả hai đều thiệt. – Nó khuyên nhủ thằng Hưng.
– Ừ, tao hiểu mà. Trước anh em mình đi vay lãi, chịu cảnh bị đòi mãi rồi còn gì. Có lúc phải trốn chui trốn lủi. Địt cụ, giờ lại là thằng đi đòi haha. – Thằng Hưng nói rồi cả hai thằng cười khi nghĩ lại ngày xưa.
Không phải ai cũng đòi được đơn giản như thằng Tuấn, có những người mà không thể đòi được, cũng không thể làm gì họ được. Thằng Hưng đã gặp một trường hợp như thế, mất cả trăm triệu chứ không ít. Nó nhìn vào thằng Hưng mà rút kinh nghiệm cho bản thân mình, nó nghĩ cho vay tiền tuy lợi nhuận rất lớn nhưng rủi ro không hề nhỏ. Nó tính một con đường làm ăn khác bớt rủi ro hơn, đó là ghi lô đề.
Trước đây thằng Hưng đã từng làm chuyển bảng lô đề, nhưng khi vào con đường cho vay lãi, nó thấy hấp dẫn quá liền bỏ luôn việc chuyển bảng lô đề. Giờ thằng Hưng không làm nữa, thì nó sẽ làm. Cái này cần một số vốn nhất định, và cũng cần phải có những mối quan hệ bắt buộc liên quan tới chủ lô đề và những người chơi. Nó đề ra một kế hoạch dài hơi, với từng bước đi chậm và chắc vì ở mảnh đất hình chữ S này những người ghi lô đề nhiều tới mức nào thì không cần phải nói mọi người cũng hiểu, nhưng không phải ai cũng tồn tại được.